Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/KH-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI HỖ TRỢ QUẢN LÝ NHÃN HIỆU VÀ IN TEM NHÃN SẢN PHẨM OCOP THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ: Luật Sở hữu Trí tuệ ngày 25/6/2019; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 14/6/2021 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội (Chương trình OCOP) năm 2021. Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 398/TTr-SNN ngày 26/10/2021; UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP cấp Thành phố quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP để phân biệt, nhận diện quảng bá thương hiệu sản phẩm; hướng tới sản xuất, kinh doanh chất lượng, bền vững và phân phối sản phẩm OCOP chuyên nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước cho các chủ thể, sản phẩm OCOP cấp Thành phố; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Ngăn ngừa những trường hợp làm giả, làm nhái các sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, đảm bảo uy tín thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

- Giúp người tiêu dùng, các nhà phân phối nhận diện và phân biệt rõ ràng sản phẩm OCOP Hà Nội với các sản phẩm khác trong quá trình kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm.

- Phấn đấu 100% các chủ thể có chứng nhận OCOP được hỗ trợ nhãn hiệu;

- 100% sản phẩm OCOP của Thành phố được hỗ trợ in tem nhãn sản phẩm hàng hóa gắn với Logo OCOP thành phố Hà Nội và tích hợp truy xuất nguồn gốc (mã QR code).

2. Yêu cầu:

- Công tác hỗ trợ thực hiện đúng quy định của Trung ương và Thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

- Giúp nhà sản xuất dễ tìm kiếm và quản lý các sản phẩm do chính đơn vị mình cung cấp; gây ấn tượng với khách hàng đặc biệt là mô hình tự bán hàng trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích; tạo dựng uy tín sự tin tưởng của khách hàng đối với các sản phẩm; đẩy nhanh tiêu thụ.

- Giúp khách hàng dễ phân biệt được các sản phẩm với nhau; nhận biết được thành phần cấu tạo sản phẩm, công dụng, hạn dùng, nơi sản xuất... để lựa chọn các sản phẩm tốt nhất; hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm.

- Chỉ xét hỗ trợ trên cơ sở đăng ký đề nghị hỗ trợ của chủ thể OCOP và tổng hợp, đề xuất của UBND cấp huyện; trong quá trình triển khai phải phát huy vai trò chủ động của tổ chức, cá nhân và các cấp chính quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ kế hoạch được hỗ trợ.

II. NỘI DUNG

1. Đơn vị thực hiện

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

- Đơn vị thực hiện: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội.

- Đơn vị phối hợp thực hiện: UBND cấp Huyện.

- Đơn vị tham gia: Đơn vị tư vấn, các chủ thể OCOP đăng ký được hỗ trợ.

2. Nội dung, mức kinh phí hỗ trợ:

- Hỗ trợ 100% chi phí quản lý nhãn hiệu sản phẩm (đăng ký, thiết kế nhãn hiệu);

- Hỗ trợ in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội (bao gồm cả thiết kế và in ấn), với số lượng tối đa không quá 2.000 tem nhãn/1 sản phẩm OCOP cấp Thành phố (Sản phẩm trong thời gian còn giá trị được công nhận và hạn sử dụng sản phẩm; đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định); tem nhãn sản phẩm có gắn Logo OCOP thành phố Hà Nội và tích hợp truy xuất nguồn gốc (mã QR code), có độ bảo mật cao giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tránh được tình trạng hàng giả, hành nhái, hàng kém chất lượng.

3. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách Thành phố triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 5568/QĐ-UBND ngày 09/12/2020 của UBND Thành phố.

4. Tiến độ thực hiện (có Phụ lục chi tiết kèm theo).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai hỗ trợ này theo đúng quy định pháp luật và Thành phố, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ và thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch; tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.

- Chỉ đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định và ký hợp đồng triển khai thực hiện hỗ trợ với UBND cấp huyện, các chủ thể có sản phẩm OCOP được hỗ trợ và đơn vị tư vấn, trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia ký kết; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định.

- Quản lý, sử dụng và thực hiện thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định của Luật ngân sách và các văn bản liên quan.

2. Các Sở, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch tránh trùng lắp, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

3. UBND cấp huyện

- Tuyên truyền, triển khai công tác hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội theo quy định để các chủ thể biết, đăng ký tham gia; thực hiện khảo sát, đề xuất các sản phẩm OCOP Thành phố trên địa bàn tham gia hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thực hiện hỗ trợ theo đúng quy định, đảm bảo thiết thực, phù hợp với lợi thế, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thực hiện ký hợp đồng triển khai hỗ trợ với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, các chủ thể được hỗ trợ và đơn vị tư vấn, trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định.

- Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn được hỗ trợ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của các chủ thể trên địa bàn sau khi được hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để làm cơ sở xây dựng, ban hành Chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP theo đúng quy định và phù hợp với thực tế; Chỉ đạo, thực hiện quản lý, duy trì và phát triển nhãn hiệu sau khi được Thành phố hỗ trợ.

4. Các chủ thcó sản phẩm OCOP được hỗ trợ

- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến việc quản lý nhãn hiệu (đăng ký, thiết kế ) và nội dung in tem nhãn cho từng sản phẩm OCOP; đảm bảo không xâm phạm đến bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ còn hiệu lực hoặc có khả năng bảo hộ nhãn hiệu.

- Thực hiện ký hợp đồng triển khai hỗ trợ với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, UBND cấp huyện và đơn vị tư vấn, trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định; trong trường hợp không thực hiện đúng các cam kết có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ kinh phí Thành phố đã hỗ trợ.

- Các chủ thể chưa được hỗ trợ, tài trợ từ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP;

- Có trách nhiệm sử dụng, quản lý nhãn hiệu và tem nhãn sản phẩm OCOP đúng mục đích, theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, xử lý theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố (để b/cáo);
- Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền;
- Các Sở: CT, NN&PTNT, Y tế, TC, KH&CN;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP N.M.Quân, KT, TH;
- Lưu: VT, KT.Vân

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

PHỤ LỤC 01

NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
(kèm theo Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2021)

TT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Nhận đăng ký hỗ trợ của UBND cấp huyện; kiểm tra nội dung, tổng hợp danh sách đề nghị tham gia hỗ trợ

Tháng 6-9/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế), UBND cấp xã; các chủ thể đăng ký tham gia hỗ trợ

2

Rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ trình UBND Thành phố phê duyệt

Tháng 8 - 10/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế); Sở, ngành liên quan

3

Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn và ký hợp đồng thực hiện hỗ trợ

Tháng 11/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế); các chủ thể được hỗ trợ; tổ chức tư vấn có liên quan

4

Kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch

Tháng 11 -12 năm 2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế); các chủ thể được hỗ trợ; tổ chức tư vấn có liên quan

5

Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng sau khi hoàn thành các nội dung hỗ trợ.

Hoàn thành trước ngày 25/12/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế); các chủ thể được hỗ trợ; tổ chức tư vấn có liên quan

6

Thanh quyết toán các nội dung hỗ trợ

Tháng 12/2021

Sở Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố)

UBND cấp huyện (phòng Kinh tế); các chủ thể được hỗ trợ; tổ chức tư vấn có liên quan.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 249/KH-UBND năm 2021 triển khai hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 249/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/11/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản