Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244/KH-UBND | Đồng Tháp, ngày 21 tháng 10 năm 2020 |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
- Nhằm cụ thể hóa các nội dung Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
- Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, làm động lực để kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh địa phương.
- Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp – nông thôn và các giá trị văn hóa bản địa, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
1. Mục tiêu tổng quát:
- Đến năm 2025: Phấn đấu đưa Du lịch Đồng Tháp trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từng bước định hình phát triển Du lịch Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp khác biệt, không trùng lắp với các địa phương khác trong khu vực.
- Đến năm 2030: Phấn đấu đưa Du lịch Đồng Tháp phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương, đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có tính cạnh tranh, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
- Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp – nông thôn, thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách.
- Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước; xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch.
2. Mục tiêu cụ thể:
* Đến năm 2025, du lịch Đồng Tháp phấn đấu:
- Thu hút 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó có 126.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm/tổng lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.
- Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 8.000 – 10.000 lao động. Trong đó lao động trực tiếp 2.000 – 3.000 người, lao động gián tiếp là 6.000 - 7.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 70%/lao động trực tiếp.
* Đến năm 2030, du lịch Đồng Tháp phấn đấu:
- Thu hút 6,45 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó có 155.000 khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 4%/năm/tổng lượt khách.
- Tổng thu du lịch đạt 2.190 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, tăng trưởng bình quân 5%/năm.
- Số ngày lưu trú bình quân: phấn đấu đạt 2 ngày.
- Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 10.000 – 12.000 lao động. Trong đó lao động trực tiếp 3.000 – 4.000 người, lao động gián tiếp là 7.000 – 8.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 80%/lao động trực tiếp.
(Kèm phụ lục chi tiết)
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch:
- Tăng cường tuyên truyền nhận thức đầy đủ về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc; có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao, gắn với thương hiệu, hình ảnh địa phương, tạo môi trường du lịch thân thiện, phát triển bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Đồng Tháp cả trong và ngoài nước.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về phát triển du lịch cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Đồng Tháp.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các mô hình câu lạc bộ, mô hình tự quản… trong việc xây dựng du lịch Đồng Tháp thực sự là “Điểm đến du lịch hấp dẫn – an toàn – thân thiện – chất lượng" gắn với hình ảnh “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch:
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư và thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành doanh nghiệp du lịch có thương hiệu; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính.
- Khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các tuyến xe buýt kết nối đến các khu di tích, điểm tham quan du lịch trong Tỉnh. Hoàn thiện các mô hình hoạt động thí điểm xe điện phục vụ khách tham quan tại các địa điểm đã được UBND Tỉnh phê duyệt.
- Ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
- Hoàn thiện các quy định để quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế địa phương.
- Khuyến khích và có chính sách thu hút, phát triển các khu nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp, hấp dẫn, thu hút du khách.
- Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác, căn cứ vào điều kiện thực tế sẽ xem xét cho thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng..
3. Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch:
- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch và khu vực có tiềm năng du lịch. Đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch; điểm dừng, nghỉ và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.
- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
- Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, nâng dần giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch.
- Đầu tư, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm, giải trí, hiện đại tại khu vực động lực phát triển du lịch.
4. Phát triển nguồn nhân lực du lịch:
- Phát triển nguồn nhân lực du lịch bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, phát triển, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo lao động lành nghề.
- Tăng cường hợp tác, liên kết về đào tạo, đa dạng các hình thức đào tạo; khuyến khích đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại điểm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.
- Khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.
5. Đa dạng hóa thị trường khách du lịch:
- Tổ chức điều tra, nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; để đáp ứng kịp thời nhu cầu và thị hiếu mới của khách du lịch.
- Tiếp tục thu hút khách, mở rộng thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.
- Tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng trong nước, thúc đẩy thị trường khách đi du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử và trải nhiệm nông nghiệp, làng nghề.
- Tiếp tục phát triển thị trường khách du lịch tham quan thưởng ngoạn, ngắm cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, sông nước miệt vườn; trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề, thưởng thức ẩm thực dân gian Nam bộ; du lịch lễ hội – tâm linh, gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa, lịch sử, cách mạng. Đồng thời, định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội, văn hóa tâm linh theo hướng kết hợp hài hòa giữa mục đích lễ hội, tâm linh với các mục đích khác nhằm khắc phục tính thời vụ.
6. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, hấp dẫn:
- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.
- Đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, văn minh, thân thiện.
- Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm sinh thái – nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm, sản phẩm du lịch văn hóa – lễ hội…
- Rà soát, đánh giá lại chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhất là du lịch cộng đồng tại địa phương; tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật; nghiên cứu xây dựng các quy định tạm thời, các tiêu chí, để hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng tại địa phương được ổn định và phát triển bền vững.
- Tập trung xây dựng, hoàn thiện 04 mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp tiêu biểu của Tỉnh để định hướng đầu tư phát triển, nhân rộng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; đa dạng hóa loại hình dịch vụ tại cụm du lịch trung tâm thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc, nâng chất lượng dịch vụ du lịch tham quan trải nghiệm tại các vườn cây ăn trái, các điểm du lịch cộng đồng tại khu Đồng sen Tháp Mười.
- Nghiên cứu phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương. Đặc biệt, quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.
- Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đặc sắc của Đồng Tháp gắn với sản phẩm OCOP, để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Đồng Tháp và hình ảnh địa phương.
- Định hướng cho các huyện, thị, thành xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với hình ảnh địa phương, tổ chức các hoạt động điểm nhấn gắn với hoạt động văn hóa – lễ hội của địa phương; tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao; bổ sung và nâng chất các dịch vụ bổ trợ để phát triển du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch mua sắm, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kết hợp với dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm đầy đủ tiện ích, khu phố ẩm thực - Chợ đêm tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
- Nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm: Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, Làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn; khai thác giá trị văn hóa nghệ thuật - ẩm thực truyền thống, làng nghề thủ công, nông nghiệp xanh, Nhà cổ, di tích lịch sử văn hóa gắn với câu chuyện mang tính nhân văn, nhân vật lịch sử để thu hút và giữ chân khách du lịch.
- Phối hợp với các cơ sở thủ công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng đặc sản địa phương và hàng quà lưu niệm, quà tặng du lịch, để giới thiệu, quảng bá, kết nối vào hệ thống các cửa hàng đặc sản, trung tâm thương mại, khu mua sắm phục vụ khách du lịch tại các khu di tích, điểm tham quan du lịch; tiếp tục phát huy thế mạnh ẩm thực bánh dân gian Nam bộ chế biến từ bột Sa Đéc để đưa vào thực đơn phục vụ du khách.
7. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch:
- Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước, trước hết là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, hấp dẫn khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long; Phối hợp xây dựng tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” đưa vào khai thác và phối hợp với Long An – Tiền Giang xây dựng sản phẩm du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch trong nước. Chú trọng hợp tác phát triển các tour tuyến liên kết với các đơn vị có nhiều lợi thế và kinh nghiệm phát triển và là các trung tâm du lịch lớn của quốc gia như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ..; các tuyến du lịch đường thủy trên sông Mê Kông; hợp tác với hãng lữ hành, các cảng quốc tế thuộc các nước Đông Nam Á đưa khách về tham quan du lịch Đồng Tháp.
- Đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch tại các kỳ hội chợ, liên hoan du lịch, lễ hội,... Biên tập lại tài liệu, bổ sung các thông tin về du lịch và có liên quan đến du lịch; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương để quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch.
- Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố để kết nối tuyến điểm du lịch gắn với phát triển dịch vụ lữ hành.
8. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động du lịch:
- Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
- Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp trong thời gian tới.
- Phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và cảnh báo ô nhiễm trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số.
- Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động khai thác, phát triển du lịch; tận dụng sự tiện lợi của điện thoại thông minh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chào bán các chương trình tham quan, trải nghiệm, đăng ký lịch trình, đặt chỗ, đặt món ăn… thông qua việc thiết kế các trang web, fanpage trên các thiết bị di động; từng bước hướng đến mô hình cung cấp dịch vụ tiện lợi theo hình thức trọn gói (combo).
9. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch:
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ quản lý các cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp quản lý hoạt động du lịch giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện, thị, thành.
- Chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn các điểm du lịch cộng đồng trong việc thực hiện các hoạt động khai thác phát triển du lịch đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí đảm bảo về chất lượng, phong phú về sản phẩm, giá cả hợp lý.
- Đổi mới hoạt động phối hợp liên ngành, liên vùng về phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển du lịch Tỉnh; hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch vùng đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách; tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và thực thi mạnh mẽ các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch.
- Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
- Mở rộng quan hệ hợp tác về du lịch, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển du lịch bền vững. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Đồng Tháp với du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Đổi mới xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo tiền đề để du lịch Đồng Tháp hội nhập, phát triển trong thời kỳ mới.
1. Kinh phí thực hiện các hoạt động nêu trên của các đơn vị, cơ quan thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó đảm bảo và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (Đối với cấp tỉnh, lồng ghép thực hiện từ nguồn kinh phí Đề án phát triển du lịch của Tỉnh hàng năm). Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, chi và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định hiện hành.
2. Nguồn vốn xã hội hóa: Đẩy mạnh việc huy động vốn của doanh nghiệp, xã hội, nhà đầu tư cho các dự án phát triển du lịch, công trình hạ tầng, hoạt động du lịch.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
- Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép các nội dung phát triển du lịch vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch;
3. Sở Thông tin và Truyền Thông
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin, tuyên truyền “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí, công ty truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh đẩy mạnh đầu tư công hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng Cổng du lịch thông minh tiến tới hoàn thiện hạ tầng du lịch thông minh phục vụ khách du lịch.
4. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch cụ thể cho từng năm, giai đoạn 05 năm, trong đó, cụ thể hóa từng mục tiêu, nhóm đối tượng hướng đến, sản phẩm chủ đạo.
- Tham mưu, đề xuất các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp, nhằm phát huy tối đa ứng dụng công nghệ hiện đại thay cho các công cụ truyền thống; phát huy các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào hoạt động xúc tiến, quảng bá.
5. Các Sở, ngành Tỉnh:
Căn cứ chức năng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực mình phụ trách tại Kế hoạch này; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thường xuyên tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Tỉnh các giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
6. Đề nghị các đơn vị: Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử Tỉnh:
- Tăng cường thời lượng, chuyên mục, chuyên trang nhằm tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt nội dung Kế hoạch
- Kịp thời thông tin, phản ánh các hoạt động về du lịch tại địa phương và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương trong nước và quốc tế.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra.
- Tăng cường quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
8. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khu di tích, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng trên địa bàn Tỉnh:
Tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động tham gia, giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ đến các thị trường, du khách trong và ngoài nước; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đảm bảo những kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch để phục vụ du khách.
9. Chế độ thông tin, báo cáo:
- Các sở, ngành Tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Tỉnh).
- Thời gian các đơn vị gửi báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 11 hàng năm (bằng văn bản và gửi qua hộp thư điện tử theo địa chỉ: svhttdl@dongthap.gov.vn; điện thoại 02773 851 869 – 02773 921049; Fax: 3851 887) tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những vấn đề vướng mắc các ngành, các địa phương huyện, thị, thành kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Tỉnh để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU GIAI ĐOẠN 2016-2020
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị | TH 2016 | TH 2017 | TH 2018 | TH 2019 | Ước TH 2020 | Tăng trưởng 2016-2020 |
1 | Tổng doanh thu du lịch | tỷ đồng | 487,78 | 684 | 913 | 1,051 | 900 |
|
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 9,79 | 40,23 | 16,96 | 15,12 | -14,37 | 13,55 |
2 | Lượt khách du lịch | lượt | 2.663.050 | 3.336.982 | 3.607.840 | 3.953.891 | 3.000.000 |
|
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 17,45 | 25,31 | 16,87 | 9,59 | -24,13 | 9,02 |
| Trong đó: Khách quốc tế | lượt | 68.714 | 78.101 | 83.182 | 85.837 | 30.000 |
|
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 54,53 | 13,67 | 15,23 | 3,19 | -65,05 | 4,31 |
3 | Số ngày lưu trú bình quân | Ngày | 1,31 | 1,35 | 1,4 | 1,4 | 1 |
|
CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2025
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị | 2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | Tăng trưởng 2021-2025 |
1 | Tổng doanh thu du lịch | tỷ đồng | 1,300 | 1,400 | 1,500 | 1,600 | 1,700 | 14,44 |
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 44,44 | 7,69 | 7,14 | 6,66 | 6,25 |
|
2 | Lượt khách du lịch | lượt | 4.300.000 | 4.515.000 | 4.750.000 | 5.000.000 | 5.250.000 | 12,76 |
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 43,33 | 5 | 5,20 | 5,26 | 5 |
|
| Trong đó: Khách quốc tế | lượt | 105.000 | 110.000 | 115.000 | 120.000 | 126.000 | 5 |
3 | Số ngày lưu trú bình quân | Ngày | 1 | 1,4 | 1,45 | 1,5 | 1,5 |
|
CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2026-2030
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị | 2026 | 2027 | 2028 | 2029 | 2030 | Tăng trưởng 2026-2030 |
1 | Tổng doanh thu du lịch | tỷ đồng | 1.785 | 1.880 | 1.980 | 2.090 | 2.190 | 5,25 |
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 5 | 5,6 | 5,31 | 5,55 | 4,78 |
|
2 | Lượt khách du lịch | lượt | 5.500.000 | 5.750.000 | 6.000.000 | 6.200.000 | 6.450.000 | 4,2 |
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 4,76 | 4,54 | 4,34 | 3,33 | 4,03 |
|
| Trong đó: Khách quốc tế | lượt | 130.000 | 135.000 | 140.000 | 145.000 | 155.000 | 4,2 |
| Tăng trưởng so với năm trước | % | 3,17 | 3,84 | 3,70 | 3,57 | 6,89 |
|
3 | Số ngày lưu trú bình quân | Ngày | 1,6 | 1,7 | 1,8 | 1,9 | 2 |
|
- 1Quyết định 2255/QĐ-UBND năm 2015 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 2Kế hoạch 8040/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 3Quyết định 476/QĐ-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 4Kế hoạch 7021/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 5Quyết định 3716/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
- 6Kế hoạch 12148/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 7Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 8Kế hoạch hành động 812/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 2255/QĐ-UBND năm 2015 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Cao Bằng ban hành
- 3Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 8040/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Quyết định 476/QĐ-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 6Kế hoạch 7021/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 7Quyết định 3716/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
- 8Kế hoạch 12148/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 9Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 10Kế hoạch hành động 812/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
Kế hoạch 244/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- Số hiệu: 244/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 21/10/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Đoàn Tấn Bửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra