Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 LIỀU BỔ SUNG VÀ NHẮC LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2021 - 2022

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP; Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022; Công văn số 10225/BYT- DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 - 2022 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tiêm liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vét vắc xin phòng COVID19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu đến 31/12/2021 ít nhất 95% người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ đủ 12 đến 17 tuổi có mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tiêm đủ liều vắc xin cơ bản phòng COVID-19.

2.2. Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19

Tối thiểu 95% người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 01 hoặc 02 hoặc 03 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... được tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 và quý I/2022.

2.3. Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19

Tối thiểu 95% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản hoặc liều vắc xin bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên thuộc lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (theo thứ tự ưu tiên tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế), người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế được tiêm liều vắc xin nhắc lại trong năm 2021 - 2022.

(Chi tiết tại phụ lục kèm theo).

II. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên toàn tỉnh.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Bảo đảm tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Bảo đảm tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người thuộc đối tượng và trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Bảo đảm tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian thực hiện

Từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022.

3. Đối tượng tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, loại vắc xin sử dụng và khoảng cách tiêm

3.1. Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 01 hoặc 02 hoặc 03 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

- Loại vắc xin: cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA (tùy theo tiến độ, loại vắc xin được Bộ Y tế cấp để tổ chức tiêm cho phù hợp).

- Khoảng cách: tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

- Liều lượng vắc xin: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt.

3.2. Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản hoặc liều vắc xin bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên thuộc lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch (theo thứ tự ưu tiên tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT), người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế được tiêm liều vắc xin nhắc lại trong năm 2021 - 2022.

- Loại vắc xin: nếu các mũi cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin nRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Shinopharm thì có thể tiêm nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin Astrazeneca).

- Khoảng cách: tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung (khoảng cách có thể thay đổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

- Liều lượng vắc xin: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt.

4. Phạm vi triển khai

Trên quy mô toàn tỉnh, trong đó ưu tiên:

- Các huyện, thành phố nơi có mật độ dân cư cao, có nguy cơ cao và đang có dịch.

- Các huyện biên giới, giao lưu đi lại nhiều, có cửa khẩu quốc tế.

5. Hình thức triển khai

Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định tại tỉnh, huyện và xã).

III. CUNG ỨNG VẮC XIN

1.1. Tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh và Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố tiếp nhận vắc xin, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị được Bộ Y tế phân công vận chuyển đến tỉnh Lạng Sơn.

- Tuyến tỉnh: hệ thống dây truyền lạnh tại TTKSBT tỉnh đạt tiêu chuẩn GSP, có khả năng bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C đối với vắc xin nhân được từ Trung ương.

- Tuyến huyện: hệ thống dây truyền lạnh tại các huyện, thành phố có từ 01

- 02 tủ lạnh có khả năng bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C (tối đa 8.400 liều đến 12.000 liều vắc xin), tổng cả tỉnh có thể bảo quản được 165.000 liều vắc xin.

- Tuyến xã: có từ 01 - 02 bình/xã, thực hiện bảo quản vắc xin tiêm hàng ngày thông qua bình tích lạnh, bảo quản được 100 - 200 liều vắc xin.

1.2. Vận chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng

Thực hiện bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2° - 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến.

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để vận chuyển, bảo quản vắc xin, vắc xin ở nhiệt độ từ 2° - 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển ở tất cả các tuyến.

- Các cơ sở tiêm chủng có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại cơ sở tiêm chủng trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các cơ sở tiêm chủng chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện cung cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các cơ sở tiêm chủng được trả lại TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện.

- Việc vận chuyển từ Trung ương về tỉnh do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Vận chuyển vắc xin từ tỉnh về huyện, xã do địa phương thực hiện.

2. Tổ chức tiêm chủng

2.1. Tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng

- Rà soát, đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực... cho các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Lập danh sách các cơ sơ tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; có kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

- Xây dựng tài liệu, chương trình, kế hoạch; các đơn vị phối hợp tập huấn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi và sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.

2.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư đông đúc để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

- Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các cơ sở điều trị tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Bảo đảm an toàn tiêm chủng

- Xây dựng các tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.

- Tiến hành khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh và TTYT tuyến huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 03 - 04 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dự phòng ít nhất 10 giường hồi sức tích cực, các TTYT huyện, thành phố dự phòng ít nhất 05 giường hồi sức tích cực để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng khác (trạm y tế xã, bệnh xá, cơ sở tiêm chủng dịch vụ...) phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh các cơ sở y tế triển khai tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chủ động lập danh sách đối tượng tiêm theo quy định, phối hợp với chính quyền trên địa bàn, công an cấp xã để triển khai quy trình xác minh thông tin và tiêm vắc xin, thực hiện xác thực thông tin người dân trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; rà soát lại toàn bộ hồ sơ tiêm, phản hồi của người dân và cập nhật, bổ sung thông tin chứng nhận tiêm cho người dân; triển khai thực hiện xử lý phản ánh theo quy trình.

5. Truyền thông

5.1. Nội dung truyền thông

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chú trọng truyền thông các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

- Truyền thông Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Trung ương và địa phương; hiệu quả của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

5.2. Các hoạt động truyền thông

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch và quỹ vắc xin phòng COVID-

19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...

- Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Xây dựng các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19; cung cấp trên kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tuyến huyện sử dụng truyền thông đến người dân đi tiêm.

- Thực hiện chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về chiến dịch tiêm.

- Triển khai đường dây nóng của Sở Y tế, TTKSBT tỉnh cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Tập huấn truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng.

6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải y tế.

- Các cơ sở tiêm có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

7. Giám sát chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm

7.1. Giám sát hoạt động tiêm

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

- Sở Y tế và các cơ quan liên quan tiến hành theo dõi, giám sát, đôn đốc các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm tiến độ tiêm.

7.2. Báo cáo kết quả tiêm

- Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả tiêm báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch tiêm theo quy định.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.

8. Kinh phí thực hiện

8.1. Ngân sách Trung ương

- Cung cấp nguồn vắc xin, một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, pha vắc xin, hộp an toàn.

- Chi phí bồi thường cho một số trường hợp tử vong theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

8.2. Ngân sách tỉnh

Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 tỉnh, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kinh phí bổ sung để thực hiện chiến dịch hiệu quả, đúng quy định.

8.3. Nguồn kinh phí

- Ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP).

- Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đối với Trung ương và địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh

1.1. Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiếp nhận khi Quân khu 1 bàn giao và bảo quản tại kho do Sở Y tế quản lý hoặc các địa điểm huy động khi cần thiết.

- Chỉ đạo tổ chức vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 từ các địa điểm bảo quản đến các địa điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về quản lý vắc xin.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.2. Tiểu ban Tiêm chủng

- Phối hợp với Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin để chỉ đạo tổ chức bàn giao, tiếp nhận vắc xin tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để chỉ đạo việc tổng hợp số liệu tiêm phục vụ việc quản lý và đề xuất số lượng vắc xin.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.3. Tiểu ban An toàn tiêm chủng

- Phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng để chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn tiêm tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan xây dựng các hướng dẫn về tiêm, xử lý sự cố trong tiêm.

- Xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.4. Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin

- Phối hợp với các Tiểu ban để chỉ đạo công tác giám sát chất lượng vắc xin, bảo đảm chất lượng vắc xin từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiêm.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.5. Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm phòng COVID-19 và truyền thông

- Phối hợp với các Tiểu ban để chỉ đạo việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ đến khi tiêm.

- Chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm.

- Phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng COVID-19 cho các điểm tiêm và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm.

- Chỉ đạo công tác truyền thông chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung và mũi nhắc lại trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng đợt tiêm căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và diễn biến tình hình dịch bệnh, triển khai thực hiện, báo cáo... phân công cán bộ giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót khi triển khai tiêm...

Tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát, truyền thông, tổ chức tiêm tại tuyến tỉnh và gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm các điều kiện an toàn và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Sở Y tế.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

- Thẩm định kinh phí theo đề nghị của Sở Y tế, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn chi, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông tới người dân về lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác truyền thông.

5. Các sở, ban, ngành khác

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện tuyên truyền việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại cơ quan, đơn vị. Quán triệt cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế trên địa bàn.

- Tổ chức hoặc phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc đơn vị mình và hỗ trợ Sở Y tế khi cần thiết.

6. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19 và lợi ích của tiêm vắc xin để Nhân dân hiểu và tham gia tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo thứ tự ưu tiên tại Kế hoạch này.

Tăng cường công tác giám sát việc tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

7. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin liều bổ sung và liều nhắc lại phòng COVID-19 trên địa bàn năm 2021 - 2022; Kế hoạch chi tiết cho từng đợt tiêm.

- Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vét vắc xin phòng COVID19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu đến 31/12/2021 ít nhất 95% người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ đủ 12 đến 17 tuổi có mặt trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin cơ bản phòng COVID-19.

- Rà soát thống kê danh sách người tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19 ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 01 hoặc 02 hoặc 03 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... trong năm 2021 và quý I/2022.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện tuyên truyền tới người dân về đối tượng tiêm, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của tiêm vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm bằng nhiều hình thức. Trong đó tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn; truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, in phát tờ rơi về vắc xin phòng COVID-19; bố trí cán bộ thực hiện tư vấn, truyền thông trực tiếp cho người dân tại các điểm tiêm.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai thực hiện tại các đơn vị trên địa bàn.

- Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 về Sở Y tế và UBND tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- UB MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, ĐV trực thuộc;
- Lưu: VT, KG-VX (NTB).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Dương Xuân Huyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 239/KH-UBND năm 2021 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021-2022

  • Số hiệu: 239/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản