Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TẠI HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng đến năm 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành tôm trở thành ngành hàng sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a. Giai đoạn 2017-2020

- Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 2.666 ha; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 586 ha; nuôi tôm sú, tôm rảo 2.040 ha.

- Đến năm 2020, tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 8.938 tấn; trong đó tôm thẻ chân trắng 7.200 tấn; tôm sú, tôm rảo 1.738 tấn.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 16 - 18 triệu USD.

b. Định hướng đến năm 2025

- Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ: 2.366 ha; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 810 ha; nuôi tôm sú, tôm rảo 1.556 ha.

- Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 12.820 tấn; trong đó tôm thẻ chân trắng 11.500 tấn; tôm sú, tôm rảo 1.320 tấn.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 21-23 triệu USD.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

- Phát triển nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng...) tại những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã được quy hoạch đảm bảo diện tích nuôi tôm đạt kế hoạch đề ra, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Phát triển sản xuất theo tư duy hệ thống, tập trung, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; hình thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nuôi tôm liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm các chi phí trung gian, nâng cao giá trị cạnh tranh.

- Áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, quy phạm thực hành nuôi tốt (VietGAP); kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Xây dựng các cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị nhằm thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm (điện, nước...).

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững.

III. NHIỆM VỤ

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường tập huấn tuyên truyền về chủ trương, chính sách của trung ương, thành phố về điều kiện, quy định, chính sách phát triển nuôi tôm nước lợ và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng; tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư hạ tầng cơ sở nuôi tôm đồng bộ để áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất.

- Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ làm cơ sở tổng kết, đánh giá, nhân rộng; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến, công nghệ cao vào các vùng sản xuất thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, đài truyền thanh, hình ảnh, tờ rơi...

2. Rà soát bổ sung quy hoạch và củng cố hạ tầng

2.1. Quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các vùng nuôi nước lợ đã có gồm: Phù Long (huyện Cát Hải); Tân Trào, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang (huyện Tiên Lãng); Hòa Bình, Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo); Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn); Tân Thành, Hải Thành (quận Dương Kinh); Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải (quận Hải An).

- Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống đảm bảo đủ điều kiện cung ứng giống cho nhu cầu nuôi tôm thương phẩm.

2.2. Về hạ tầng vùng nuôi

- Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao (1 khu, 11 vùng nuôi trồng thủy sản) Theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân về việc thông qua Quy hoạch Khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng, công trình phụ trợ đã hỏng, xuống cấp (đường giao thông, điện 3 pha, cống cấp, tiêu nước chung...) của các vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao.

- Cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống đã có đủ điều kiện theo quy định, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của thành phố.

- Hướng dẫn các tổ chức cá nhân xây dựng hệ thống xử lý cấp - thoát nước phục vụ nhu cầu nuôi tôm trong vùng đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ

- Phối hợp với các Viện, Trường, Doanh nghiệp... chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống tôm nước lợ chất lượng cao.

- Ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến (công nghệ sinh học, công nghệ Copefloc, Biofloc...), áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP, Global GAP...) để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

- Thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi.

4. Chính sách khuyến khích phát triển

- Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ; Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 17/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam.

- Vay vốn đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ: Mức cho vay cụ thể thực hiện theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Áp dụng các nhóm chính sách theo Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.

- Xã hội hóa các các dự án, công trình như: trạm điện, trạm cấp nước, hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm công nghệ cao.

- Tổ chức giao, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển nuôi tôm, làm cơ sở pháp lý để vay vốn ngân hàng.

5. Công tác quản lý

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, kiểm tra hệ thống các cơ sở cung cấp vật tư phục vụ nuôi tôm, xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện theo quy định của Nhà nước.

- Kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ tôm đáp ứng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh, hóa chất, ngăn chặn các hành vi vi phạm đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

- Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm tập trung, công nghiệp (hệ thống thủy lợi, giao thông, điện sản xuất...).

- Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, phát triển các mô hình hợp tác xã đầu tư vào nuôi, chế biến tôm.

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các vùng sản xuất tôm công nghiệp, công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất tôm hiệu quả, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, nuôi tôm an toàn, nuôi tôm sạch.

- Thông tin kịp thời về sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, các rào cản thương mại, kỹ thuật đối với tôm nuôi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động điều chỉnh hoạt động nuôi tôm, hạn chế thiệt hại trong sản xuất.

- Bố trí kinh phí để thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nuôi tôm.

- Giải pháp về nguồn vốn:

+ Ngân sách Nhà nước: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

+ Vốn khác (nguồn vốn xã hội hóa, vốn tự có, vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động trong nhân dân...): Cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, máy móc thiết bị, điện, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, các công trình phụ trợ...

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp điều kiện thực tế, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

- Tăng cường quản lý tôm giống nước lợ theo Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-BNNPTNT ngày 15/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản.

- Thẩm định các dự án đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ theo chức năng nhiệm vụ; thực hiện các chương trình khuyến ngư; phối hợp trong công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới trong nuôi tôm.

- Căn cứ Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và tình hình thực tế của từng địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm đề xuất cụ thể diện tích, nội dung, đối tượng hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí trong ngân sách sự nghiệp nông nghiệp, hàng năm để thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các chính sách về tài chính theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm tập trung, công nghiệp.

4. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với các tỉnh thành ngoài; phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong ngành nông nghiệp quản lý việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nuôi tôm.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất cơ chế tạo quỹ đất; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng/giao đất/cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của pháp luật về đất đai; thẩm định hồ sơ môi trường liên quan theo quy định của pháp luật về môi trường.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có hoạt động nuôi trồng thủy sản căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân về việc thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 01/4/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương tổ chức triển khai quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản và xác định cụ thể quy hoạch vùng nuôi tôm của địa phương.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm Hải Phòng đến năm 2025 và các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước trong nuôi trồng thủy sản./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, PCT UBND TP Phạm Văn Hà;
- Các sở: NN&PTNT, TC; CT, TN&TM, KH&ĐT;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, các PCVP
- Các Phòng: NNTNMT, XDGT&CT, TC-NS;
- CV: TL, NN, TC, MT, KHĐT, CT;
- Lưu: VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 231/KH-UBND năm 2017 về hành động phát triển ngành tôm tại Hải Phòng đến năm 2025

  • Số hiệu: 231/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/11/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Phạm Văn Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản