Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2955/QĐ-BYT NGÀY 28/10/2022 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VỀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ Y TẾ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

- Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

- Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành Y tế góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang.

- Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông tin trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử.

- Quản lý các thông tin dân số, chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm theo toàn tuyến (tỉnh, huyện, xã) đảm bảo tính chính xác góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cũng như chất lượng quản lý của các cấp chính quyền; thực hiện quản lý toàn diện Hệ thống y tế cơ sở tuân theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành; đồng thời, đóng góp phần tiến tới xây dựng nền tảng Y tế điện tử. Đảm bảo mỗi người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe, có đầy đủ thông tin cần thiết về các chỉ số theo dõi sức khỏe.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện, thanh toán viện phí điện tử.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.

III. QUAN ĐIỂM

Thúc đẩy phát triển và sử dụng các Nền tảng số y tế được thực hiện căn cứ trên các quan điểm cụ thể như sau:

1. Lấy người dân làm trung tâm, số hoá dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số y tế; dữ liệu của người dân sau khi số hoá được bảo mật mức tối đa nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

2. Lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành y tế góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế. Kế hoạch triển khai thúc đẩy các nền tảng y tế số song song với việc hình thành nội dung dữ liệu và phải thực hiện đồng thời với quá trình số hóa thông tin sức khỏe người dân hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế.

3. Phát huy tính chủ động và thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành Y tế tỉnh Hậu Giang.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử

- Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Ngành Y tế có kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân được quản lý tập trung tại tỉnh phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

- Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân kết nối các hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở y tế và kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tại của tỉnh, đáp ứng đa dạng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo không chồng chéo, hiệu quả đầu tư và an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể:

Kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của Tỉnh được cập nhật từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, bao gồm các thông tin phục vụ công tác báo cáo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh.

Kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của Tỉnh bao gồm nhóm thông tin cơ bản về y tế được đồng bộ với hệ thống thông tin ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế và các dữ liệu được chuẩn hoá để liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác nghiên cứu khoa học, công tác chỉ đạo điều hành của ngành Y tế và của Tỉnh.

b) Đối với Nền tảng Quản lý tiêm chủng

- Cung cấp cho người dân công cụ đăng ký, phản ánh, tra cứu thông tin tiêm chủng.

- Hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng triển khai công cụ lập kế hoạch, quản lý vắc xin, thực hiện tiêm và cấp chứng nhận tiêm chủng.

- Cung cấp số liệu phân bổ vắc xin, số liệu triển khai tiêm phục vụ cho việc quản lý, điều hành chiến dịch tiêm chủng của chính quyền các cấp.

- Nền tảng Quản lý tiêm chủng được nâng cấp từ Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý tiêm chủng dịch vụ khác và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân.

c) Đối với Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa

- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; quản lý được chất lượng các ca tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đảm bảo an toàn thông tin bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân; đảm bảo quyền lợi của người dân trong hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

- Tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hàng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ, không phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh; tư vấn sức khỏe 24/7.

- 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

- Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giữa cơ sở y tế tuyến trên với tuyến dưới.

- Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa bao gồm Hệ thống thông tin quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối các hệ thống ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh.

d) Đối với Nền tảng Trạm y tế xã

- Triển khai thành công và hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý toàn diện các hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc quyết định tương đương thay thế.

- Cập nhật thông tin hành chính; đối chiếu, kiểm tra giám sát dữ liệu sức khỏe đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh của người dân; nắm bắt, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân theo hộ gia đình trên địa bàn.

- Kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin y tế, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế.

V. LỘ TRÌNH, PHẠM VI

Gồm 02 giai đoạn (Chi tiết theo phụ lục đính kèm):

1. Giai đoạn 1 (Từ năm 2023 - 2025):

a) Tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/09/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc quyết định tương đương thay thế, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế.

b) Thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy và triển khai đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng II trở lên. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng III trở lên triển khai hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

2. Giai đoạn 2 (Từ năm 2026-2030): Hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu về y tế về: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, ... Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hạng III trở lên trên địa bàn tỉnh chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở phải hoàn thành: triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể thực hiện đăng ký khám và đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng giá trị thanh toán dịch vụ y tế.

VI. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Khởi tạo dữ liệu sức khỏe toàn dân

Dữ liệu sức khỏe được khởi tạo từ các nguồn:

a) Nguồn chuyên môn khám chữa bệnh, phòng bệnh

Thúc đẩy việc dữ liệu khám chữa bệnh của người dân phải được quản lý tập trung theo các cấp, được các cơ sở y tế cập nhật, tức thời thường xuyên đầy đủ về kho dữ liệu sức khỏe người dân các cấp.

Cơ sở y tế có trách nhiệm liên thông dữ liệu sức khỏe của người dân lên hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử ngay sau khi người dân đến khám chữa bệnh, tiêm chủng, xét nghiệm.

b) Từ nguồn hành chính: Thông qua việc quản lý thông tin hành chính, dân cư của các cấp chính quyền địa phương, dữ liệu quản lý sức khỏe của người dân ở y tế cơ sở.

c) Nguồn dữ liệu bảo hiểm y tế: Đảm bảo liên thông, chia sẻ tự động dữ liệu 12 danh mục dùng chung ngành Y tế sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm: (1) Danh mục cấp giấy chứng chỉ hành nghề và điều chỉnh bổ sung cấp chứng chỉ hành nghề; (2) Danh sách đăng ký người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc; (3) Danh mục thuốc mới được cấp, thu hồi, điều chỉnh thông tin, gia hạn và duy trì hiệu lực Giấy phép lưu hành tại Việt Nam; (4) Danh mục thuốc kê khai, kê khai lại giá; (5) Danh mục vật tư y tế; vật tư y tế chưa có mã chi tiết trong danh mục dùng chung; (6) Danh mục hãng sản xuất, nước sản xuất thuốc, vật tư y tế; (7) Danh mục các loại trang thiết bị y tế; (8) Thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo Hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép; (9) Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên môn của Bộ Y tế; (10) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế; (11) Tổng hợp kết quả trúng thầu thuốc; (12) Danh mục mã bệnh theo ICD 10, danh mục mã bệnh Y học cổ truyền.

d) Nguồn dữ liệu dân số: Dữ liệu từ nguồn dữ liệu dân số được truy xuất và xử lý trước khi đưa vào kho dữ liệu quốc gia về Y tế.

2. Cập nhật dữ liệu sức khỏe thường xuyên, liên tục, đầy đủ, chính xác và được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

a) Kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu: thực hiện kết nối, chia sẻ, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư.

b) Thúc đẩy nâng cấp các nghiệp vụ chuyên môn khám chữa bệnh, phòng bệnh; phát triển các nghiệp vụ, kịch bản khám bệnh, phòng bệnh.

c) Thúc đẩy người dân cập nhật thông tin sức khỏe.

d) Cập nhật thông tin từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác và các nguồn dữ liệu lớn.

đ) Các nền tảng số y tế kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu liên quan để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

3. Kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng

a) Hình thành kho dữ liệu y tế từ các nền tảng số y tế và hệ thống thông tin y tế quốc gia khác.

b) Cung cấp các sản phẩm thông tin phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân và quản lý về y tế tại các cấp, ngành và các cơ sở y tế.

c) Cung cấp chia sẻ, khai thác sử dụng các sản phẩm thông tin.

4. Kinh phí

a) Giai đoạn 2023 - 2025:

- Nguồn thuộc Đề án Chính quyền điện tử: 15.000 triệu đồng (Đã phê duyệt theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025);

- Nguồn sự nghiệp y tế: 1.380 triệu đồng (Đã phê duyệt theo Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025).

b) Giai đoạn 2026 - 2030: Căn cứ theo nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của Tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện theo đúng quy định.

VII. GIẢI PHÁP

1. An toàn thông tin

a) Xây dựng, ban hành, thường xuyên rà soát, cập nhật các kế hoạch, quy chế, quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các đơn vị y tế.

b) Rà soát hiện trạng, tăng cường đầu tư trang thiết bị và thuê dịch vụ chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

c) Định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

d) Xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.

đ) Định kỳ hàng năm cử nhân sự chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin.

e) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế.

g) Xây dựng kế hoạch diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng với các phương án, kịch bản phù hợp thực tế cho cán bộ chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin của các đơn vị trong ngành Y tế.

h) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, đánh giá, có biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống hạ tầng thông tin.

2. Công cụ, kỹ thuật

a) Hoàn thiện và triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh các nền tảng số y tế với vai trò trung tâm là Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó dữ liệu phải được kết nối liên thông giữa các nền tảng số y tế và các hệ thống thông tin, các phần mềm ứng dụng ngành Y tế.

b) Xây dựng, triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công Chương trình sức khỏe Việt Nam:

- Xây dựng các ứng dụng trong phòng bệnh, môi trường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và các ứng dụng quản lý dân cư, quản lý các bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm.

- Triển khai các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây nhiễm khác, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân, thông tin về tiêm chủng mở rộng; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường web, di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.

c) Xây dựng Cổng dữ liệu của ngành Y tế, kết nối với các hệ thống dữ liệu của các bệnh viện, cơ sở y tế, dữ liệu về dược thành hệ thống dữ liệu dùng chung của ngành, giúp chia sẻ các thông tin dữ liệu như: CSDL bệnh án, CSDL dược, chứng chỉ hành nghề, thiết bị y tế, phục vụ các hoạt động cho ngành cũng như chia sẻ với các ngành khác và người dân.

d) Triển khai Cổng hỗ trợ đăng ký khám bệnh trực tuyến kết nối các phần mềm đăng ký khám bệnh tại các cơ sở y tế trên toàn quốc; triển khai khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh không giấy, thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số, … tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

đ) Triển khai cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đáp ứng công tác quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh.

e) Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức xây dựng và triển khai bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh. Hoàn thiện các phần mềm quản lý và số hóa bệnh viện:

- Triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,…) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

- Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.

g) Mỗi nền tảng số y tế đều phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng.

3. Nhân lực

a) Phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin tại Sở và các đơn vị y tế đủ số lượng, chất lượng theo vị trí việc làm, ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

b) Thành lập các bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin hoặc bố trí cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin để giúp lãnh đạo đơn vị triển khai các hoạt động công nghệ thông tin tại đơn vị.

c) Tham dự các chương trình đào tạo về lãnh đạo chuyển đổi số trong y tế cho các lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Y tế do Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức.

d) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của ngành Y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế.

đ) Hình thành mạng lưới nhân lực thúc đẩy, giám sát triển khai các Nền tảng số y tế cũng như các hệ thống thông tin chuyên ngành Y tế từ tỉnh đến xã.

e) Phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách về chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh để triển khai Bệnh án điện tử, các nền tảng số y tế cũng như các hệ thống thông tin chuyên ngành Y tế.

4. Tuyên truyền, truyền thông

a) Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành Y tế.

b) Chủ động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh, bao gồm: triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.

c) Truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, KCB, bao gồm việc hướng dẫn sử dụng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, KCB từ xa, đăng ký KCB trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.

d) Quán triệt về ý nghĩa và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ viên chức và người lao động của đơn vị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Tổ chức các sự kiện về chuyển đổi số ngành Y tế nhằm cung cấp thông tin cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cộng đồng.

e) Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số ngành Y tế.

5. Tài chính

Kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch này bao gồm: Ngân sách nhà nước theo phân cấp; nguồn sự nghiệp y tế, nguồn thu của các cơ sở y tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chủ động phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND tỉnh dự trù kinh phí trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy triển khai và sử dụng các nền tảng số y tế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế tại tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

c) Đẩy mạnh công tác truyền thông về triển khai và sử dụng nền tảng số y tế. Xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền thông nhằm thúc đẩy phát triển và sử dụng các Nền tảng số y tế.

d) Tổ chức sử dụng, khai thác và đảm bảo an toàn dữ liệu từ các nền tảng số y tế phục vụ cho công tác quản lý y tế của Tỉnh. Thực hiện đồng bộ dữ liệu khám chữa bệnh định kỳ hàng ngày về kho cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của Tỉnh và kho dữ liệu quốc gia về y tế tại Bộ Y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

đ) Tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai nền tảng số y tế trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện về UBND và Bộ Y tế theo đúng quy định.

e) Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh:

- Tổ chức thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số y tế.

- Tổ chức triển khai số hóa dữ liệu y tế (bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, xét nghiệm, ...) và cung cấp dữ liệu khám chữa bệnh cho các nền tảng số y tế.

- Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ đăng ký khám trực tuyến, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Khuyến khích đa dạng hóa các kịch bản cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trên các Nền tảng số y tế.

- Chủ động xây dựng các đề án, các dự án ứng công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện với mục tiêu chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Y tế.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh dự trù kinh phí trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy triển khai và sử dụng các nền tảng số y tế.

b) Phối hợp với các đơn vị có liên hỗ trợ Sở Y tế triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế tại tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

3. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hậu Giang

Phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế trong việc kết nối, cung cấp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm (theo phân cấp) cho Sở Y tế khai thác sử dụng theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước.

4. Công an tỉnh

a) Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giám sát, kiểm tra tình hình an ninh mạng trong việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế trên địa bàn tỉnh, ứng phối, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với các nền tảng số y tế; phối hợp với các cơ quan báo, đài chia sẻ, tuyên truyền âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn thủ phạm liên quan đến việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế.

b) Phối hợp với Sở Y tế triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế tại tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin ngành Y tế theo quy định.

6. Sở Tài chính: Cùng với cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách phối hợp thực hiện kế hoạch này theo đúng quy định.

7. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn và triển khai nâng hạng tầng mạng tại các cơ sở y tế khi triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở y tế.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình

a) Phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số ngành Y tế; ý nghĩa, vai trò của phát triển các nền tảng số y tế.

b) Tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, KCB từ xa, đăng ký KCB trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.

9. UBND huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các ban ngành phối hợp với ngành Y tế tổ chức thực hiện theo nội dung Kế hoạch. Hỗ trợ ngành Y tế huy động kinh phí để triển khai thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HCC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Thu Ánh

 

PHỤ LỤC 01

ĐỊNH NGHĨA MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số      /KH-UBND ngày      /      /2022 của UBND tỉnh Hậu Giang)

I. CÁC NỀN TẢNG SỐ Y TẾ

1. Các nền tảng số y tế thuộc chương trình phát triển nền tảng số quốc gia

a) Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ là một y bạ điện tử cho mỗi người dân ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân cung cấp cho thầy thuốc biết tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị. Đây là thành phần cốt lõi nhất trong phát triển y tế thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế.

b) Nền tảng quản lý tiêm chủng: Nền tảng quản lý tiêm chủng cung cấp công cụ, dịch vụ cho mọi cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc tổ chức tiêm ngừa cho người dân tại Việt Nam. Nền tảng cho phép người dân đăng ký tiêm chủng trực tuyến, cho phép cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm, lập danh sách tiêm, thực hiện tiêm và tổng hợp thông tin sau tiêm. Nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ tích hợp dữ liệu với Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.

c) Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn hội chẩn từ xa giữa các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới, giữa các bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới, đồng thời tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; theo dõi hàng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ, không phải đến bệnh viện, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh; tư vấn sức khỏe 24/7. Nền tảng sẽ giúp kết nối và hỗ trợ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến trên với tuyến dưới, bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới và hỗ trợ người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

d) Nền tảng trạm y tế xã: Nền tảng trạm y tế xã/phường/thị trấn giúp các cơ sở y tế xã/phường/thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực tại các tỉnh quản lý toàn diện các hoạt động khám, chữa bệnh tại địa phương mình quản lý. Nền tảng đảm bảo tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế.

2. Các nền tảng số y tế khác

a) Nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu LGSP (Local Government Service Platform) Bộ Y tế, kết nối giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế, trao đổi dữ liệu theo tiêu chuẩn HL7.

b) Nền tảng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở với các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đồng bộ xác thực và định danh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

c) Nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia.

d) Nền tảng xét nghiệm toàn quốc.

đ) Nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ tất cả các nguồn như người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến (IoM - Internet for Medical hings) liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia.

III. KHO DỮ LIỆU Y TẾ VÀ HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ

1. Kho dữ liệu quốc gia về y tế

Kho dữ liệu quốc gia về y tế bao gồm dữ liệu không định danh về nhóm thông tin cơ bản về y tế, dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu xét nghiệm, dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, … được cập nhật từ các cơ sở y tế trên toàn quốc và đồng bộ các kho dữ liệu y tế tại địa phương.

2. Kho dữ liệu y tế tại địa phương

Kho dữ liệu y tế tại địa phương bao gồm dữ liệu không định danh được cập nhật từ các cơ sở y tế trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo yêu cầu đặc thù trong công tác quản lý, điều hành ngành y tế do địa phương quy định.

3. Kho dữ liệu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Kho dữ liệu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm dữ liệu thông tin cơ bản về y tế, các dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh nội trú và ngoại trú; dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân sau mỗi lần đi khám và các dữ liệu khác theo yêu cầu.

4. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử

Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử là dữ liệu được hình thành sau mỗi lần người dân đi khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, được lưu trữ, quản lý tại kho dữ liệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được chia sẻ với Sổ sức khỏe điện tử của người dân, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VnEID, với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân tại địa phương, với nền tảng trạm y tế xã để quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được quy định bởi Bộ Y tế.

5. Sổ sức khỏe điện tử

Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng trên thiết bị di động hiển thị thông tin về tình trạng sức khỏe cá nhân được trích xuất dữ liệu từ nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đóng vai trò như một sổ y bạ điện tử cá nhân khi người dân đi khám bệnh, chữa bệnh.

6. Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân

Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân là hệ thống quản lý các thông tin không định danh về hồ sơ sức khỏe điện tử và các thông tin theo Quyết định 831/QĐ-BY năm 2017 của Bộ Y tế nhằm phục vụ các cấp quản lý về y tế từ trung ương đến địa phương đánh giá, theo dõi được tình trạng sức khỏe, xu hướng bệnh tật người dân trên địa bàn theo các chỉ tiêu quản lý.

7. Thông tin cơ bản về y tế

Thông tin cơ bản về y tế gồm: Thông tin hành chính theo Điểm h Khoản 1

Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và bổ sung thông tin nhóm máu; Thông tin tiền sử; Thông tin kết quả mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh.

 

PHỤ LỤC 02

CÁC NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2955/QĐ-BYT NGÀY 28/10/2022 CỦA BỘ Y TẾ VỀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG CÁC NỀN TẢNG SỐ Y TẾ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số      /KH-UBND ngày      /      /2022 của UBND tỉnh Hậu Giang)

TT

Nội dung

Thời gian thực hiện

Nội dung thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

Kết quả dự kiến và thời gian hoàn thành

Kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

Năm 2023-2025

1

Xây dựng cơ sở dữ liệu y tế tỉnh Hậu Giang (cơ sở dữ liệu thống nhất ngành Y tế, kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế, giúp người dân tiện ích hơn trong khám chữa bệnh và tiếp cận các dịch vụ y tế)

2023

Xây dựng Cổng dữ liệu của ngành Y tế, kết nối với các hệ thống dữ liệu của các bệnh viện, cơ sở y tế, dữ liệu về được thành hệ thống dữ liệu dùng chung của ngành, giúp chia sẻ các thông tin dữ liệu.

Sở Y tế chủ trì phối hợp và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có liên quan

Sở Thông tin - Truyền thông

Quý IV/2023

10.000

Theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang

2

Khởi tạo dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử (Thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quá trình được cập nhật thường xuyên và đầy đủ trên Sổ sức khỏe điện tử của người dân.

Dự kiến đến 31/12/2024, 100% người dân có thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VnEID)

2023-2024

- Khởi tạo kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua việc kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; làm sạch với Số định danh cá nhân quy định tại Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP; chuẩn hoá dữ liệu theo tiêu chuẩn và cập nhật định kỳ trên Sổ sức khỏe điện tử của người dân.

Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có liên quan

Sở Thông tin - Truyền thông, BHXH tỉnh, Công an tỉnh

Quý IV/2024

1.380

Theo Kế hoạch số 105/KH-UNBD ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Hậu

3

Vận hành, cập nhật, làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử (Thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh khác từ nguồn y tế cơ sở được làm sạch với CSDL quốc gia về Dân cư và cập nhật thường xuyên trên nền tảng trạm y tế xã và trên Sổ sức khỏe điện tử của người dân. Hoạt động quản lý thông tin sức khỏe nhân dân tại y tế cơ sở được triển khai thường xuyên.)

2023-2025

Cập nhật dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua thúc đẩy sử dụng nền tảng trạm y tế xã để quản lý thông tin hồ sơ sức khỏe của người dân tại xã/phường/thị trấn làm sạch thông tin công dân và đồng bộ dữ liệu với gắn với hoạt động của Tổ công tác thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg tại các cấp chính quyền địa phương.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông

Thường xuyên

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các cơ sở y tế

4

Hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tại tỉnh (Thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh khác từ nguồn các cơ sở y tế tại địa phương được làm sạch với CSDL Quốc gia về dân cư và cập nhật thư ng xuyên trên trên Sổ sức khỏe điện tử của người dân. Đến 31/12/2023, hình thành các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử)

2023-2024

Cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đẩy dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh khác theo chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra quy định tại Quyết định số 4210/QĐ-BYT, hoặc quyết định tương đương thay thế, về kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Làm sạch thông tin công dân và đồng bộ dữ liệu gắn với hoạt động của Tổ công tác thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg tại địa phương, cập nhật trên Sổ sức khỏe điện tử của người dân.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông

Quý IV/2023

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các cơ sở y tế

5

Thúc đẩy việc hoàn thiện và xây dựng các nền tảng số y tế.

2023-2025

- Hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế và nâng cấp hệ thống thông tin ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

- Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, hộ gia đình, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật, kết nối hệ thống thông tin Sổ sức khỏe điện tử.

- Xây dựng và nâng cấp nền tảng trạm y tế xã và nền tảng quản lý tiêm chủng kết nối ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và kho dữ liệu quốc gia về y tế.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Sở Thông tin và truyền

Thường xuyên

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các cơ sở y tế

6

Thúc đẩy hoàn thiện các hệ thống thông tin tại các cơ sở y tế (Đến 31/12/2025, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh hạng II trở lên có kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy)

2023-2025

- Số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân được chăm sóc y tế, hình thành hệ thống thông tin quản lý kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử.

Kết nối trích chuyển dữ liệu sử dụng trong giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không sử dụng phim, giấy; thanh toán không dùng tiền mặt.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Sở Thông tin và truyền thông

Quý IV/2025

5.000

Theo Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang

7

Truyền thông thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế (Đến 30/6/2023, 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế được truyền thông cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Đến hết 31/12/2025, ít nhất 95% dân số cài đặt và sử dụng thường xuyên Sổ sức khỏe điện tử và 100% các cơ sở y tế tham gia sử dụng các nền tảng số y tế)

2023-2025

- Tuyên truyền toàn dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử gắn với công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Truyền thông thúc đẩy các cơ sở y tế và nhân dân tham gia sử dụng các nền tảng số y tế, sử dụng các dịch vụ trên nền các nền tảng số y tế.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, BHXH tỉnh

Sở Thông tin và truyền thông, Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Thường xuyên

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các đơn vị

8

- Giám sát an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân (100% các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã hình thành phải được giám sát an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. 100% các nền tảng số đã hình thành phải được giám sát an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. 100% các cơ sở y tế đã triển khai hệ thống thông tin quản lý phải có phương án đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu các nhân)

2023-2025

- Giám sát an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các nền tảng số y tế và các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, chia sẻ thông tin nguy cơ an ninh mạng và thực hiện ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

- Định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; khắc phục các lỗ hổng an toàn thông tin và sự cố an ninh mạng, bảo vệ tính riêng tư của dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Thường xuyên

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các đơn vị

9

Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế.

2023-2025

Kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế

Sở Thông tin - Truyền thông

Thường xuyên

 

Từ nguồn hoạt động và các nguồn hợp pháp của các đơn vị

Năm 2026-2030

10

Trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí triển khai các nền tảng số y tế

2026

Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Tờ trình, Nghị quyết triển khai các nền tảng số y tế giai đoạn 2026-2030

Sở Y tế

Các sở, ngành có liên quan

Quý II/2026

 

 

11

Cập nhật kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế và hệ thống văn bản liên quan.

2026-2030

- Thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế, hướng dẫn và các văn bản liên quan khác.

- Định kỳ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế.

Sở Y tế

Các sở, ngành có liên quan

Hàng năm

 

 

12

Tăng cường thúc đẩy việc phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế (Đến 2030, 100% các cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 50% trên tổng giá trị thanh toán viện phí)

2026-2030

- Thúc đẩy việc số hóa dữ liệu sức khỏe người dân.

- Thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đặt lịch khám trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Sở Thông tin và truyền thông

Thường xuyên

 

 

13

Tổ chức khai thác, sử dụng dữ liệu từ các nền tảng số y tế (Vận hành và khai thác kho dữ liệu tỉnh về y tế và kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia có liên quan, trên cơ sở hiệu quả, đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu các nhân)

2026-2030

Phát triển năng lực phân tích dữ liệu. Ngành Y tế, đa dạng hóa các sản phẩm thông tin phục vụ chăm sóc sức khỏe

Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh (bao gồm công lập, tư nhân)

Sở , ngành và người dân trên địa bàn tỉnh

Thường xuyên

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 2955/QĐ-BYT về thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 222/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Hồ Thu Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản