Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 24 tháng 4 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 06-KL/TU NGÀY 10/5/2011 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XV) VỀ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015; Thông báo số 717-TB/TU ngày 18/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV); Thông báo số 717-TB/TU ngày 18/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp lĩnh vực đột phá góp phần quan trọng sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phấn đấu đến năm 2015, Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng bình quân trên 23%/năm; tỷ trọng Công nghiệp – Xây dựng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là 38%.

2. Yêu cầu

Căn cứ Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Thông báo số 717-TB/TU ngày 18/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2015.

Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch được duyệt, có bước đi vững chắc, đảm bảo hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, khai thác mọi nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và làng nghề.

Tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể về đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP NĂM 2014-2015

1. Về tổ chức thực hiện các quy hoạch công nghiệp được phê duyệt

Tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch công nghiệp đã được phê duyệt: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bổ sung, điều chỉnh phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Dự án đầu tư cấp điện cho các thôn, bản đồng bào chưa có điện tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012-2020. Đảm bảo sự phù hợp và tính liên kết với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời xử lý những bất cập trong công tác quản lý quy hoạch.

Về triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020:

- Về khu công nghiệp:

+ Nâng cấp Cụm công nghiệp Sơn Nam, diện tích 90 ha thành khu công nghiệp Sơn Nam.

+ Thành lập mới Khu công nghiệp Vĩnh Thái, diện tích 595ha (gồm diện tích Khu 2 và Khu 4 được phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 16/9/2005 của UBND tỉnh, thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương và xã Thái Long, Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang.

- Về cụm công nghiệp (giai đoạn đến năm 2015):

+ Bổ sung thêm 5 cụm công nghiệp mới tại huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.

+ Lập quy hoạch mới 4 cụm công nghiệp tại huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang.

2. Về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp

Tập trung nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Vĩnh Thái, Khu công nghiệp Sơn Nam, các cụm công nghiệp: Phúc Thịnh, Tân Thành, Na Hang. Tạo mặt bằng sạch và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện dự án đầu tư khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

3. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa

3.1. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản:

Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà máy chế biến nông, lâm sản như nguyên liệu giấy, chè, đường kính trắng với những hộ gia đình, đơn vị trồng nguyên liệu, phát huy công suất của các nhà máy, nhất là các nhà máy chế biến nông, lâm sản đầu tư công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa, Nhà máy đường kính trắng huyện Hàm Yên.

Rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng cam, lạc, đỗ tương... thành vùng nguyên liệu tập trung để có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư chế biến, bảo quản quả tươi, chế biến lạc, đỗ tương và khuyến khích chế biến sản phẩm sau đường kính, sau giấy tráng phấn...

3.2. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng:

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư sản xuất đá xây dựng các loại, gạch không nung, gạch tuynen, cao lanh – Fenspat, Nhà máy sản xuất gạch Ceramic, Nhà máy sản xuất gạch ốp lát Granit, Nhà máy sản xuất Polyme composit, Nhà máy sản xuất đá ốp lát nhân tạo (Taerastone) và một số vật liệu xây dựng có tiềm năng phát triển như: đá trắng, huyện Hàm Yên; đá hoa, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương...

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh Nhà máy xi măng Tuyên Quang; xi măng Tân Quang.

3.3. Đầu tư hợp lý các dự án khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường:

Tập trung quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, đảm bảo đủ nguyên liệu để sản xuất, phát huy hiệu quả công suất của nhà máy chế biến sâu khoáng sản như: bột Barit, bột Fenspat, Ferromangan, thiếc thỏi, Ăngtimon... Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để nhà máy sớm đi vào hoạt động như: Nhà máy luyện Antimon Lâm Bình, Nhà máy luyện kẽm kim loại công suất 15.000 tấn/năm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy thủy điện Yên Sơn, công suất 70 MW.

3.4. Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại địa bàn để tạo việc làm, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động:

Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nhiều lao động tại địa bàn như: da giày, lắp ráp cơ khí, điện, điện tử... Tập trung phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm cho người lao động.

4. Về chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp

Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhằm thu hút các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế, nhanh chóng lấp đầy dự án đầu tư trên diện tích đã quy hoạch trong các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích việc tiêu thụ sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn bán sản phẩm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chỉ đạo các cấp, ngành cùng với doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ nguyên liệu, cung ứng đủ điện cho sản xuất công nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư được hưởng lợi kịp thời từ chính sách khuyến khích đầu tư, khi thực hiện đúng cam kết theo Giấy phép đầu tư và tiến độ đầu tư để sớm đưa vào sản xuất kinh doanh.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp

Các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập dự án kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp. Tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến sâu khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế và trong quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Tích cực tham gia và tổ chức các hội chợ triển lãm phát triển công nghiệp, khai thác và phát huy có hiệu quả Sàn giao dịch Thương mại điện tử của tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng nhanh sản lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân có tay nghề thành tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của tỉnh thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công để các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được tiếp cận về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và khai thác có hiệu quả ngành, nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục củng cố tổ chức, cán bộ tham mưu quản lý nhà nước về công nghiệp ở các cấp, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp – một trong bốn khâu đột phá trong giai đoạn 2011 – 2015 như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đề ra.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch công nghiệp đã được duyệt: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bổ sung, điều chỉnh phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Thường xuyên theo dõi, bám sát tiến độ các dự án đầu tư, chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan các biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ của các dự án.

Xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu cơ hội và tiềm năng phát triển công nghiệp của tỉnh, giới thiệu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phối hợp với các ngành, đôn đốc, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm, điểm công nghiệp.

Sử dụng có hiệu quả các nguồn Quỹ khuyến công của Trung ương và địa phương để khai thác triệt để các tiềm năng phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận, học tập kinh nghiệm, phát triển thêm các mặt hàng mới thu hút được nhiều lao động.

Thực hiện đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV); Thông báo số 717-TB/TU ngày 18/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các ngành thực hiện việc xét duyệt, thẩm định năng lực, điều kiện của các nhà đầu tư, tính khả thi của các dự án, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư thật sự có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư; đồng thời đảm bảo cho các dự án có đủ điều kiện đi vào hoạt động ổn định ngay sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng.

Phối hợp với Sở Công Thương huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án phát triển công nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút đầu tư trên địa bàn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn.

3. Sở Tài chính

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn cho công tác quy hoạch chi tiết các khu, cụm, điểm công nghiệp.

Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo các nguồn vốn huy động, đóng góp khác ngoài ngân sách do tỉnh quản lý để thực hiện đầu tư phát triển công nghiệp; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương tạo nguồn ban đầu cho quỹ khuyến khích phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bố trí kế hoạch tài chính hàng năm cho các hoạt động xúc tiến công nghiệp.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương.

Quản lý chặt chẽ các dự án trong việc quản lý sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giải quyết nhanh các thủ tục thuê đất đối với các dự án công nghiệp.

5. Sở Xây dựng

Hướng dẫn các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc lập quy hoạch các khu, điểm công nghiệp. Phối hợp với các ngành liên quan nhanh chóng thẩm định các hồ sơ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp với Sở Công Thương, các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc quy hoạch hệ thống đường giao thông đến các khu, cụm, điểm công nghiệp; hệ thống đường giao thông nội bộ, cầu cống... tại các khu, điểm công nghiệp trên địa bàn đảm bảo việc xây dựng các công trình giao thông vừa đảm bảo phát huy được hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh của các dự án vừa mang tính hiện đại của một đô thị công nghiệp.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị xây dựng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững đáp ứng cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, thẩm định các dây truyền công nghệ của các dự án đầu tư mới để đảm bảo các dự án đầu tư tại tỉnh phải có thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế về môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

8. Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh

Tăng cường công tác tuyên truyền về định hướng phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng: Công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp.

Phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương để tuyên truyền rộng rãi về cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút vốn đầu tư của tỉnh trong đầu tư phát triển công nghiệp.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 và tập trung triển khai thực hiện quy hoạch cụ thể các cụm, điểm công nghiệp và tổ chức quản lý chặt chẽ quy hoạch về phát triển công nghiệp của tỉnh trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ của dự án.

Khôi phục và phát triển những làng nghề truyền thống, sản xuất những sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

10. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 06-KL/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015.

Giao Sở Công Thương làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này. Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo kết quả thực hiện và tổng hợp những vướng mắc, nội dung cần bổ sung, điều chỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Bí thư Tỉnh ủy;
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo/cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Tuyên Quang;
- UBND các huyện, thành phố;
- TP: KTCNLN, TH, QH&XD;
- CV: CN, ĐC, KS, NLN;
- Lưu VT (Th.CN)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chẩu Văn Lâm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2014 tiếp tục thực hiện Kết luận 06-KL/TU về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 do Tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 22/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Chẩu Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản