Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 217/KH-UBND

Phú Yên, ngày 29 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2021 TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Thú y năm 2015; Luật Thủy sản năm 2017;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Công văn số 4757/BNN-TY ngày 16/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021;

Căn cứ tình hình dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh trong năm 2020.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT (tại Tờ trình số 330/TTr-SNN ngày 30/11/2020); để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trong thủy sản hạn chế thiệt hại cho người nuôi, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2021 tỉnh Phú Yên, với những nội dung sau:

A. KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2020

I. TÌNH HÌNH NUÔI TRỒNG VÀ DỊCH BỆNH THỦY SẢN

1. Tình hình nuôi trồng

Năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản thả nuôi khoảng 2.628ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm 2.114ha, các đối tượng thủy sản khác 514ha.Thủy sản nuôi lồng bè khoảng 87.551 lồng. Trong đó, tôm hùm thả nuôi khoảng 67.263 lồng, về sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt khoảng 13.000 tấn, giá trị ước đạt khoảng 2.185 tỷ đồng.

2. Tình hình dịch bệnh

- Tôm nuôi nước lợ: Bệnh xảy ra rải rác tại các vùng nuôi. Đến tháng 11/2020, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh 123,85ha, chiếm khoảng 5,8% so với diện tích thả nuôi, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Bệnh đốm trắng 72,8ha; hoại tử gan tụy cấp 38,55ha và do môi trường 12,5ha (Đông Hòa: 84,95ha; Tuy An: 35,7ha; Sông Cầu: 3,2ha).

- Các đối tượng thủy sản khác: Ốc hương bị bệnh sưng vòi 0,2ha (xã Xuân Cảnh); cá mú và cá bớp nuôi lồng (xã Xuân Bình và phường Xuân Thành, TX. Sông Cầu bị chết do môi trường 548 lồng với tỷ lệ chết ước tính 20-30%/tổng đàn 85.100 con.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

1. Ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh

Năm 2020, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi. Cụ thể:

- Kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 13/12/2019 về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2020.

- Thông báo số 90/TB-UBND ngày 13/3/2020 về phân bổ hóa chất sát trùng Sodium Chlorite 20% phòng chống dịch bệnh thủy sản.

- Công văn số: 1794/UBND-KT ngày 16/4/2020 về tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi và phòng chống dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong mùa nắng nóng; số 2800/UBND-KT ngày 01/6/2020 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; số 5004/UBND ngày 25/9/2020 về tăng cường triển khai các biện pháp quản lý tôm hùm giống vận chuyển, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; số 5006/UBND ngày 25/9/2020 về công tác quản lý tôm hùm giống nhập khẩu tại tỉnh Phú Yên.

Trên cơ sở kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và văn bản triển khai của đơn vị mình.

2. Công tác phòng chống dịch bệnh

- Về công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị, tập huấn, kiểm tra tình hình dịch bệnh...ngành chức năng, chính quyền các địa phương thường xuyên phối hợp, tuyên truyền phổ biến các quy định về phòng chống dịch bệnh, bản tin quan trắc môi trường, thông báo giám sát dịch bệnh đến người nuôi trồng thủy sản, vận động người nuôi có trách nhiệm trong báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch, bệnh khi có bệnh xảy ra.

- Thực hiện công tác giám sát dịch bệnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh định kỳ 01 lần/tháng tổ chức thu mẫu giám sát dịch bệnh nguy hiểm trên tôm gồm: Hoại tử gan tụy cấp (AHPND), đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV), đầu vàng (YHV), hoại tử cơ (IMNV), taura (TSV), vi bào tử trùng (EHP) trên tôm nước lợ và bệnh sữa trên tôm hùm (Rickettsia). Tổng số mẫu tôm lấy xét nghiệm, giám sát dịch bệnh định kỳ 306 mẫu. Kết quả phát hiện mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh: AHPND05/42 mẫu, IHHNV06/42 mẫu WSSV04/42 mẫu, EHP07/42 mẫu và Rickettsia 02/12 mẫu; kịp thời thông báo kết quả đến địa phương và hộ nuôi để cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh trên tôm, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.

- Kiểm tra tình hình dịch bệnh, xác định nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp phòng chống: Trong năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng chính quyền các địa phương, kiểm tra 02 đợt cá biển nuôi lồng bị chết do môi trường; kiểm tra hướng dẫn, cấp hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý các ổ dịch trên tôm nuôi nước lợ, ốc hương.

- Tích cực kiểm tra, hướng dẫn cho các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.

- Hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý mầm bệnh tại ao hồ nuôi thủy sản, kênh mương vùng nuôi, tránh lây lan dịch bệnh: Tỉnh đã phân bổ cho các địa phương 02 đợt/21.000kg Sodium Chlorite 20%. Tổng số hóa chất sát trùng đã sử dụng để phòng chống và xử lý dịch bệnh thủy sản năm 20201à 20.836kg.

- Kiểm dịch giống thủy sản xuất tính theo quy định. Số lượng giống kiêm dịch được 61.665.000 con.

3. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản

Năm 2020, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Trong đó, có sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương. Thông tin quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh được truyền tải đến người nuôi nhanh chóng, kịp thời. Nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh và sự cố môi trường trên thủy sản nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2020 cũng còn hạn chế, tồn tại:(i) Bệnh trên tôm nước lợ vẫn thường xảy ra rải rác tại các vùng nuôi, diện tích bệnh tăng cao hơn so với năm 2019; (ii) việc chấp hành các quy định về nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản của người nuôi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là không kê khai nuôi trồng thủy sản, không báo cáo dịch bệnh và tự ý xả thải nước ao hồ nuôi bị dịch bệnh chưa qua xử lý ra môi trường làm phát tán mầm bệnh; (iii) các địa phương có xây dựng kế hoạch nhưng đa phần chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

1. Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm; hầu hết vùng nuôi không có ao lắng, xử lý nước cấp, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt, sử dụng nước cấp trực tiếp từ bên ngoài vào ao nên mầm bệnh không kiểm soát được.

2. Thời tiết nắng nóng kéo dài, biển động bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi và sức đề kháng của thủy sản.

3. Ý thức một bộ phận không nhỏ người nuôi chưa cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định, làm lây lan mầm bệnh.

4. Lực lượng cán bộ thú y có chuyên môn thủy sản còn ít; hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên ngành thủy sản, thiếu kinh nghiệm thực tế, một số còn thiếu nhiệt tình trong công tác lĩnh vực thủy sản do phụ cấp thấp, không được hỗ trợ thêm phần kinh phí tham gia công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương.

5. Các địa phương chưa chủ động xây dựng phương án triển khai cụ thể trong phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi của địa phương nên chưa có bố trí kinh phí.

B. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2021

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nuôi, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.

2. Chủ động giám sát các bệnh nguy hiểm thường gặp trên thủy sản nuôi; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

II. NỘI DUNG

1. Thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thủy sản

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Thú y, Luật Thủy sản; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra. Xác định quan điểm phòng chống dịch bệnh thủy sản, phòng là chính, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan nhất là người nuôi.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người nuôi tự giác, tích cực báo cáo dịch bệnh, tham gia phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, có ý thức cao trong việc ngăn ngừa lây lan dịch, bệnh khi có bệnh xảy ra.

2. Giám sát dịch bệnh

Hệ thống thú y cấp tỉnh đến cấp cơ sở tích cực nắm bắt, tiếp nhận và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh khi có bệnh xảy ra trên các đối tượng thủy sản nuôi trồng để triển khai công tác cảnh báo và phòng chống mang lại hiệu quả, giảm thiệt hại cho người nuôi.

2.1. Giám sát định kỳ bệnh trên tôm nuôi thương phẩm

Thực hiện lấy mẫu định kỳ giám sát chủ động các loại bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nhằm phát hiện sớm, cảnh báo tình hình dịch bệnh cho cộng đồng nuôi kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cụ thể:

- Thời gian thực hiện: Lấy mẫu giám sát định kỳ 08 tháng, từ tháng 03/2021 đến 10/2021. Tần suất lấy mẫu giám sát định kỳ 01 lần/tháng. Riêng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 lấy mẫu giám sát 02 lần/tháng đối với bệnh sữa tôm hùm, bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng trên tôm nước lợ.

- Địa điểm: Ao, lồng của các hộ nuôi tôm tại vùng nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa và Sông Cầu.

- Đối tượng giám sát: Giám sát định kỳ các loại bệnh nguy hiểm trên tôm nước lợ thương phẩm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu, vi bào tử trùng, taura), bệnh sữa trên tôm hùm.

2.2. Giám sát định kỳ bệnh trên tôm giống

Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh định kỳ lấy mẫu giám sát bệnh con giống tại cơ sở mình. Kết quả giám sát được sử dụng để kiểm dịch giống xuất tỉnh theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; Công văn số 1657/TY-KD ngày 22/8/2016 của Cục Thú y về hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm thủy sản giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Kinh phí xét nghiệm mẫu giám sát bệnh do cơ sở sản xuất giống chi trả theo quy định.

3. Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

Tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh khi xảy ra tình trạng thủy sản nuôi bị chết để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý ổ dịch tránh lây lan.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại các địa phương, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi, hướng dẫn cho người nuôi và địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Tổ chức kiểm tra đột xuất giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, giống thủy sản nhập tỉnh nhằm kiểm soát mầm bệnh từ con giống.

4. Xử lý, khống chế dịch bệnh

Thực hiện xử lý, khống chế dịch bệnh theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Công tác tiếp nhận thông tin dịch bệnh, tiến hành điều tra và xử lý, khống chế dịch bệnh đảm bảo nhanh chóng, xử lý ổ dịch triệt để, tránh lây lan đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch.

Hóa chất dập dịch sử dụng từ nguồn Dự trữ quốc gia được Trung ương cấp cho tỉnh còn tồn 34 tấn (năm 2019 chuyển sang 19 tấn, năm 2020 15 tấn). Căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh phân bổ hóa chất cho các địa phương để chủ động trong công tác xử lý, khống chế dịch bệnh thủy sản.

5. Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản

Tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh thủy sản, giải pháp phòng trị bệnh và các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi. Trong đó, chú trọng đến phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi; các loại bệnh mới trên các đối tượng thủy sản để người nuôi chủ động phòng chống.

- Số lớp tập huấn: 05 lớp.

- Số lượng người: 40 người/lớp.

- Địa điểm: Tại vùng nuôi huyện Tuy An (02 lớp), thị xã Đông Hòa (01 lớp) và Sông Cầu (02 lớp).

- Thời gian: 01 ngày/lớp.

6. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản

Thực hiện kiểm dịch giống thủy sản theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra ngoài tỉnh, không để các trường hợp vận chuyển chưa qua kiểm dịch.

- Tổ chức kiểm dịch đối với động vật thủy sản giống vận chuyển về tỉnh chưa được kiểm dịch đúng theo quy định; xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm, động vật thủy sản giống vận chuyển vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch đúng theo quy định.

7. Thẩm định và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh

Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tổ chức kiểm tra thẩm định và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.

Tổng kinh phí: 330.000.000 đồng (ba trăm ba mươi triệu đồng chẵn).

* Bảng Dự trù kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2021 (thuyết minh kinh phí kèm theo)

TT

Nội dung

Kinh phí (đồng)

01

Giám sát dịch bệnh

248.086.000

02

Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

31.024.000

03

Vận chuyển hóa chất phân bổ về địa phương xử lý, khống chế dịch bệnh

12.000.000

04

Tập huấn phòng chống dịch bệnh

38.890.000

 

Tổng cộng

330.000.000

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản chi tiết; tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, quan trắc môi trường nuôi trên địa bàn toàn tỉnh theo kế hoạch đã được phê duyệt; dự trù bổ sung phương tiện, dụng cụ, thiết bị cần thiết đảm bảo phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh.

- Hướng dẫn thực hiện lịch mùa vụ, đối tượng và cơ cấu thủy sản nuôi trồng phù hợp địa phương, quy trình sản xuất, thu hoạch, phối hợp cơ quan có liên quan điều phối nước phục vụ nuôi trồng; tham gia thực hiện phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, kiểm tra sản xuất giống thủy sản theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo quy định của pháp luật; thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc giống thủy sản và quản lý chất lượng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hướng dẫn các huyện, thị xã, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản

- Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), người nuôi thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình về phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của địa phương. Trong đó, xây dựng các nội dung, phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể và bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện, tránh tình trạng xây dựng chung chung, không bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện để thực hiện như trước đây. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng theo quy định cho lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản của địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ thú y cơ sở.

- Chủ động rà soát, kịp thời đề xuất UBND tỉnh phân bổ hóa chất sát trùng để xử lý môi trường vùng nuôi phòng chống dịch bệnh và xử lý ổ dịch phát sinh.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh thủy sản, kiểm tra, xử lý các trường hợp con giống đưa về địa phương chưa được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm và kiểm dịch theo quy định; thống kê số liệu nuôi trồng, dịch bệnh thủy sản tại địa bàn quản lý.

- Chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bệnh thủy sản, tiêu hủy thủy sản mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 của địa phương cho UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) trước ngày 20/10/2021 để có cơ sở tổng hợp, xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.

3. UBND các xã

- Là cấp chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý.

- Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an và các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch.

- Thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo tình hình nuôi trồng, dịch bệnh định kỳ và đột xuất cho UBND huyện, ngành chức năng theo quy định.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, triển khai lực lượng phối hợp để xử lý, khống chế khi có dịch bệnh thủy sản xảy ra.

- Chủ động rà soát, đề xuất hỗ trợ hóa chất sát trùng để xử lý ổ dịch, môi trường vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi địa phương mình.

4. Cơ sở sản xuất giống thủy sản

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh trên con giống theo đúng quy định hiện hành về kiểm dịch giống thủy sản.

- Chịu trách nhiệm chi trả phí xét nghiệm mẫu giám sát của cơ sở mình theo quy định.

5. Cơ sở nuôi trồng thủy sản

- Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi tại Kế hoạch này; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT; tuân thủ theo đúng quy trình trong việc chuẩn bị hệ thống nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho thủy sản nuôi; chỉ được phép sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.

- Thiết kế hệ thống nuôi trồng thủy sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn, quy định của các cơ quan chức năng, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

- Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm và kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định.

- Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh.

- Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh cho ngành chức năng theo quy định để triển khai công tác khống chế dịch bệnh, tránh lây lan.

6. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản và ngành chức năng có liên quan, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (b/cáo);
- Tổng Cục thủy sản (b/cáo);
- Sở: NNPTNT,TC,KHĐT;
- UBND huyện Tuy An;
- UBND thị xã: Đông Hòa, Sông Cầu;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVPUBND tỉnh;
- Cổng TTĐT-UBND tỉnh;
- Lưu: VT, HgA. Hk.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tấn Hổ

 

THUYẾT MINH DỰ TOÁN

KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2021

TT

Nội dung phí

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Thành tiền (đồng)

I

Giám sát dịch bệnh

 

 

 

248.086.000

01

Chi phí mua mẫu

 

 

 

12.180.000

 

m thẻ, sú thương phẩm

mẫu

372

15.000

5.580.000

 

m hùm

con

22

300.000

6.600.000

02

Vật tư thu mẫu

 

 

 

520.000

 

Túi nilon

 

3

100.000

300.000

 

Thùng xốp (gửi mẫu tôm hùm)

cái

11

20.000

220.000

03

Nhiên liệu xe máy thu mẫu

lít

600

16.000

9.600.000

04

Công tác phí người thu mẫu

ngày

11

900.000

9.900.000

05

Chi phí gửi mẫu xét nghiệm (tôm hùm)

Lần

11

150.000

1.650.000

06

Phí xét nghiệm bệnh

 

 

 

214.236.000

 

Bệnh sữa

mẫu

22

498.000

10.956.000

 

Bệnh đốm trắng

mẫu

66

500.000

33.000.000

 

Bệnh hoại tử gan tụy cấp

mẫu

66

500.000

33.000.000

 

Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu

mẫu

48

500.000

24.000.000

 

Bệnh đầu vàng

mẫu

48

620.000

29.760.000

 

Bệnh hoại tử

mẫu

48

620.000

29.760.000

 

Bệnh Taura

mẫu

48

620.000

29.760.000

 

Bệnh vi bào tử trùng

mẫu

48

500.000

24.000.000

II

Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

 

 

 

31.024.000

01

Kiểm tra xác định bệnh

 

 

 

21.664.000

 

Nhiên liệu ô tô đi kiểm tra

lít

110

16.000

1.760.000

 

ng tác phí người đi kiểm tra

ngày

5

450.000

2.250.000

 

Thuê ghe/thuyền kiểm tra bệnh thủy sản nuôi lồng bè

Lượt

2

150.000

300.000

 

Chi phí liên quan lấy mẫu, xét nghiệm (vật tư, gửi mẫu, phí xét nghiệm...)

 

 

 

17.354.000

02

Kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

 

 

 

9.360.000

 

Nhiên liệu ô tô đi kiểm tra

t

210

16.000

3.360.000

 

ng tác phí cán bộ đi kiểm tra

ngày

12

450.000

5.400.000

 

Thuê ghe/thuyền kiểm tra phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi lồng bè

Lượt

4

150.000

600.000

III

Vận chuyển hóa chất phân bổ về địa phương xử lý, khống chế dịch bệnh

 

 

 

12.000.000

IV

Tập huấn phòng chống dịch bệnh cho người nuôi

 

 

 

38.890.000

01

Thuê hội trường

ngày

5

700.000

3.500.000

02

Khẩu hiệu trang trí hội trường

ngày

5

200.000

1.000.000

03

Bồi dưỡng báo cáo viên

Buổi

10

300.000

3.000.000

04

Phô tô tài liệu và văn phòng phẩm

Bộ

185

30.000

5.550.000

05

Giải khát giữa giờ đại biểu, báo cáo viên, cán bộ

Người

205

40.000

8.200.000

06

Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu tham dự không hưởng lương

Người

165

80.000

13.200.000

07

Nhiên liệu ô tô đi tập huấn

lít

90

16.000

1.440.000

08

Công tác phí cán bộ tập huấn

Ngày

5

600.000

3.000.000

 

Tổng cộng

 

 

 

330.000.000

(Bng chữ: Ba trăm ba mươi triệu đồng chẵn)

I. Giám sát dịch bệnh

- Thời gian lấy mẫu: 08 tháng

- Tần suất lấy mẫu: 01 lần/tháng (riêng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 lấy mẫu giám sát 02 lần/tháng đối với bệnh sữa tôm hùm, bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng trên tôm nước lợ).

- Số đợt đi lấy mẫu: 11 đợt.

- Địa điểm lấy mẫu:

Mẫu tôm nước lợ: Tại Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu.

Mẫu tôm hùm: Tại Sông Cầu.

- Lấy mẫu giám sát 01 đạt: 02 mẫu/vùng, 02 mẫu tôm hùm.

- Các loại bệnh giám sát: Đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp (AHPND), đầu vàng (YHV), hoại tử cơ (IMNV), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV). vi bào tử trùng (EHP), taura (TSV), bệnh sữa.

- Số mẫu giám sát bệnh trên tôm nước lợ (02 mẫu/vùng x 03 vùng x 08 đợt. Riêng đối với bệnh WSSV và AHPND thêm 03 đợt x 02 mẫu/vùng x 03 vùng): WSSV: 66 mẫu, AHPND: 66 mẫu, YHV: 48 mẫu, IHHNV: 48 mẫu, IMNV: 48 mẫu, TSV: 48 mẫu, EHP: 48 mẫu. Tổng số mẫu giám sát tôm nước lợ: 372 mẫu.

- Số mẫu giám sát bệnh trên tôm hùm: 02 mẫu/đợt x 11 đợt = 22 mẫu.

- Công tác phí người đi lấy mẫu giám sát: 02 người/vùng x 03 vùng x 11 đợt x 150.000 đ/người = 9.900.000 đ.

- Nhiên liệu xe máy đi lấy mẫu (Đông Hòa 55 km, Tuy An 70 km, Sông Cầu 150 km): 275km/đợt x 11 đợt x 0,2 lít/km x 16.000 đ/lít = 9.600.000 đ.

- Chi phí gửi mẫu xét nghiệm: 11 đợt x 15.000 đ/đợt = 1.650.000 đ.

- Phí xét nghiệm bệnh: Đơn giá theo quy định tại Thông tư số 283/2016/TT- BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính.

II. Kiểm tra xác định bệnh; kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

1. Kiểm tra xác định bệnh

- Dự kiến đi kiểm tra tình hình thủy sản nuôi bị dịch bệnh 05 ngày; quãng đường trung bình 01 ngày đi kiểm tra khoảng 150 km; thuê ghe/thuyền kiểm tra bệnh thủy sản nuôi lồng, bè khoảng 02 lần.

- Nhiên liệu ô tô đi kiểm tra: 150 km/ngày x 05 ngày x 15 lít/100 km = 110 lít x 16.000 đ= 1.760.000 đ.

- Công tác phí người đi kiểm tra: 03 người x 150.000 đ/người x 05 ngày = 2.250.000 đ.

- Chi phí liên quan lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh (vật tư, chi phí gửi mẫu, phí xét nghiệm...): Dự trù khoảng 17.354.000 đ.

2. Kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giống thủy sản

- Dự kiến tổ chức 04 đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, kiểm tra, kiểm soát giống thủy sản tại 03 địa phương (Đông Hòa, Tuy An, Sông Cầu); quãng đường trung bình 01 đợt đi kiểm tra khoảng 350 km.

- Nhiên liệu ô tô đi kiểm tra: 350 km/đợt x 04 đợt x 15 lít/100 km = 210 lít x 16.000 đ = 3.360.000 đ.

- Số ngày đi kiểm tra: 04 đợt x 01 ngày/vùng x 03 vùng = 12 ngày

- Công tác phí người đi kiểm tra: 03 người/ngày x 150.000 đ/người x 12 ngày = 5.400.000 đ.

- Thuê ghe/thuyền đi kiểm tra phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi lồng bè: 04 lượt x 150.000 đ = 600.000 đ.

III. Vận chuyển hóa chất phân bổ về địa phương xử lý, khống chế dịch bệnh

Hóa chất nguồn dự trữ quốc gia cấp năm 2019 và 2020 tồn kho chuyển sang sử dụng năm 2021.

- Kinh phí vận chuyển hóa chất phân bổ về địa phương (khoảng 3-4 đợt): 12.000.000 đ.

IV. Tập huấn phòng chống dịch bệnh cho người nuôi

Dự kiến tổ chức 05 lớp tập huấn, 40 người/lớp (đại biểu 37, cán bộ tổ chức 01, báo cáo viên 01, Lãnh đạo Chi cục 01).

- Phô tô tài liệu và văn phòng phẩm: 37 bộ/lớp x 05 lớp x 30.000 đ = 5.550.000 đ.

- Giải khát giữa giờ đại biểu, báo cáo viên, cán bộ: 41 người/lớp x 05 lớp x 40.000 đ = 8.200.000 đ.

- Hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu không hưởng lương: 33 người/lớp x 05 lớp x 80.000 đ = 13.200.000 đ.

- Nhiên liệu ô tô đi tập huấn 05 lớp: 600 km x 15 lít/100 km x 16.000 đ/lít = 1.440.000 đ.

- Công tác phí cán bộ tập huấn (Lãnh đạo 01, cán bộ tổ chức 01, báo cáo viên 01, lái xe 01): 04 người/lớp x 05 lớp x 150.000 đ = 3.000.000 đ./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 217/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2021 tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 217/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Tấn Hổ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản