Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201/KH-UBND | Hậu Giang, ngày 30 tháng 11 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NĂM 2022 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Công văn số 3486/LĐTBXH-VPQGGN ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;
UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2022 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Tỉnh, cụ thể như sau:
A. KẾT QUẢ ƯỚC THỰC HIỆN CẢ NĂM 2021
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình
a) UBND tỉnh đã ban hành: Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh năm 2021; Kế hoạch Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn Tỉnh; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo).
b) UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Tỉnh.
c) Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh (các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố) căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành tỉnh đã chủ động triển khai cho các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung của Chương trình.
2. Nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp
Công tác tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chế độ, chính sách mới cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở được quan tâm thực hiện. Đã tổ chức 08 lớp tập huấn trực tuyến hướng dẫn nghiệp vụ Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn Tỉnh cho trên 1.300 đại biểu là đại diện lãnh đạo, công chức phụ trách công tác giảm nghèo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện; đại diện lãnh đạo UBND, công chức phụ trách giảm nghèo, công chức Văn phòng thống kê, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và cùng cán bộ phụ trách giảm nghèo, rà soát viên ở ấp, khu vực.
3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo
Các cấp, các ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã có kế hoạch và thực hiện tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nội dung liên quan đến hoạt động giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng như thông qua việc đưa tin, bài trên Đài Truyền thanh, in phát hành tờ rơi để phổ biến, tuyên truyền về công tác giảm nghèo.
4. Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình
- Giám sát, đánh giá là hoạt động thường xuyên, định kỳ nhằm cập nhật các thông tin liên quan của Chương trình cũng như xác định việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động kiểm tra, giám sát và đánh giá các chính sách trên địa bàn của địa phương; đã tổ chức 10 cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong Tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác giảm nghèo ở địa phương được quan tâm triển khai thực hiện, cụ thể là các chính sách được triển khai hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Theo số liệu rà soát: đầu năm 2021, toàn Tỉnh có 6.965 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,46% và có 7.167 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56%.
2. Ước thực hiện cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), toàn Tỉnh có 4.952 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,46% và có 5.556 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,76%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
Đến nay, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo năm 2021 chưa được Trung ương phân bổ về Tỉnh, vì vậy các đơn vị, địa phương chưa triển khai thực hiện.
Tuy nhiên với chức năng, nhiệm vụ, một số sở, ngành đã thực hiện lồng ghép nhiệm vụ của mình với công tác giảm nghèo chung của Tỉnh.
1. Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho trên 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với số tiền cho vay gần 70.000 triệu đồng.
2. Chính sách về y tế
Ngành Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thông qua hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong năm, có trên 100.000 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT, với kinh phí thực hiện trên 80.400 triệu đồng.
3. Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo
Đây là chính sách tích cực nhằm giúp cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đến trường, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 5.758 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, đồng thời các ngành, tổ chức chính trị, xã hội, Hội đoàn thể các cấp đã tổ chức vận động, quyên góp tặng dụng cụ học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở vùng sâu, vùng xa, con hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí thực hiện 3.581 triệu đồng.
4. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề
Đã thực hiện đào tạo nghề cho 780 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, với kinh phí thực hiện 1.250 triệu đồng. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp người nghèo, cận nghèo có được tay nghề cần thiết, từ đó một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm tại chỗ và cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo.
5. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Từ nguồn vận động Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, toàn Tỉnh hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 700 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền gần 28.000 triệu đồng.
6. Chính sách hỗ trợ tiền điện
Toàn Tỉnh hỗ trợ tiền điện cho 6.004 hộ nghèo về thu nhập, kinh phí thực hiện trên 3.530 triệu đồng.
7. Hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, toàn Tỉnh đã triển khai trợ cấp quà Tết cho hộ nghèo trên địa bàn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Kết quả, nguồn ngân sách của Tỉnh đã hỗ trợ cho 9.774 hộ nghèo có điều kiện ăn Tết, với kinh phí thực hiện 4.887 triệu đồng.
Ngoài ra, Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các địa phương tổ chức các đoàn đến chúc Tết hộ nghèo tại huyện, thị xã, thành phố, với các hoạt động chính như: bàn giao và đưa vào sử dụng 08 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn; tặng 2.301 phần quà cho gia đình hộ nghèo, tổng kinh phí (tặng quà và tặng nhà) trên 1.320 triệu đồng.
8. Hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19
Toàn Tỉnh đã hỗ trợ tiền ăn cho 2.248 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, kinh phí thực hiện trên 1.850 triệu đồng.
Ngoài ra, Tỉnh đã hỗ trợ cho 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, kinh phí thực hiện 6.330 triệu đồng; hỗ trợ 95.000 suất ăn, 3.333 phần quà theo Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”, kinh phí thực hiện 10.849 triệu đồng.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Mặt được
- Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia của cộng đồng, đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân.
- Các sở, ban, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện tốt các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt mục tiêu đề ra, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
- Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn trong tỉnh có nhiều khởi sắc, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Hạn chế và nguyên nhân
a) Hạn chế
- Nguồn lực chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, huy động sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn hưởng lợi còn rất hạn chế. Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững chậm được phân bổ, đã ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo chung của Tỉnh.
- Công tác điều hành, phối hợp giữa các ngành của một số đơn vị cấp xã chưa đồng bộ trong xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, hoạt động của Ban quản lý cấp xã chưa đều tay, còn khoán trắng cho cán bộ phụ trách giảm nghèo. Mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo chưa nhiều. Ngoài ra, do giá cả một số sản phẩm nông nghiệp không ổn định làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân. Một bộ phận người nghèo chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; nỗ lực thoát nghèo chưa cao.
b) Nguyên nhân của hạn chế
- Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn nguồn thu ngân sách của Tỉnh thấp, không đáp ứng yêu cầu đối ứng vốn cho các dự án, chính sách của Chương trình; khả năng huy động nguồn lực cho Chương trình còn hạn chế; đồng thời, do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất của người dân.
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền từng lúc chưa sâu sát; chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến giải pháp về chất lượng để thực hiện; hiệu lực quản lý Nhà nước còn hạn chế.
- Hộ nghèo có bình quân diện tích đất thấp, sử dụng đất đai chưa phù hợp với cây trồng, vật nuôi, chưa phát huy tiềm năng đất đai; lao động thu nhập thấp, việc làm không ổn định; đồng thời, trong điều kiện còn nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nên việc tăng thu nhập của hộ nghèo là thách thức lớn.
- Bản thân một bộ phận người nghèo vẫn tồn tại tư tưởng ỷ lại, an phận, thiếu phương án làm ăn cụ thể, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, trông chờ vào sự hỗ trợ, còn tồn tại tâm lý ngán ngại việc đăng ký thoát nghèo vì sẽ không còn được hưởng sự trợ giúp của nhà nước và cộng đồng.
B. KẾ HOẠCH NĂM 2022
I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM 2022
1. Việc nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 sẽ làm tăng số hộ nghèo, cũng như tỷ lệ hộ nghèo lên cao so với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020. Hộ nghèo dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao; hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội,… khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng. Do vậy, để đảm bảo thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cần phải có nguồn lực đầu tư khá lớn.
2. Tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của hầu hết những người có thu nhập thấp. Chính vì thế, việc chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống cho người có thu nhập thấp, nhất là người nghèo trong bối cảnh hiện nay là vấn đề đặt ra mang tính cấp thiết, là tiền đề để đảm bảo an sinh xã hội, là giải pháp quan trọng để Hậu Giang phát triển bền vững.
3. Tỉnh Hậu Giang không có đơn vị thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
a) Tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, cận nghèo và phát sinh nghèo; tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang năm 2022.
b) Chú trọng đầu tư đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo; nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Tỉnh bình quân từ 1%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 2%/năm.
b) Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo để đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
c) Phát triển giáo dục nghề nghiệp về quy mô và chất lượng đào tạo; hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống ở vùng khó khăn kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững cho người nghèo.
d) Kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động thuộc vùng khó khăn.
đ) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em 0-16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn.
e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nghèo kết nối với thị trường lao động và nâng cao nhận thức, năng lực vươn lên thoát nghèo.
3. Chỉ tiêu chủ yếu
a) Các kết quả, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình
- Xây dựng 05 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất tăng ít nhất 25%/năm; có 200 hộ gia đình tham gia mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất.
- Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
b) Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản
- Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
- Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi và từ 6-16 tuổi tại các xã đặc biệt khó khăn xuống dưới 35% và dưới 25%.
- Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo:
+ Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 85%;
+ Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 50%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
- Chiều thiếu hụt về nhà ở: phấn đấu 20% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn thiếu hụt về nhà ở được hỗ trợ nhà ở.
- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; ít nhất 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Chiều thiếu hụt về thông tin: 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 85% các hộ gia đình sinh sống địa bàn xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỀ XUẤT KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
a) Mục tiêu:
Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, thế mạnh của vùng, địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn Tỉnh (không gồm địa bàn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới); ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
- Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo; ưu tiên hỗ trợ các mô hình giảm nghèo, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chịu trách nhiệm thực hiện.
c) Nội dung: Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch (thông qua các hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, tổ thoát nghèo, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mô hình khác) để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật; cụ thể:
- Hỗ trợ mô hình sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người nghèo, người khuyết tật, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo.
- Hỗ trợ mô hình hoạt động tiểu thủ công nghiệp, hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp nhằm tạo việc làm cho người nghèo, người khuyết tật.
- Hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể (bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã) tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập ổn định cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn khó khăn; ưu tiên hỗ trợ các mô hình do phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số quản lý; ưu tiên hỗ trợ mô hình thuộc lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch bản địa.
- Mô hình kinh doanh, dịch vụ, sản xuất chế biến quy mô nhỏ ở khu vực đô thị, có lợi cho người nghèo, người khuyết tật (bao gồm cả người nghèo thường trú ở khu vực đô thị và người nghèo từ nơi khác đến sinh sống, làm việc).
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): 6.600 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 2.000 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.000 triệu đồng.
- Vốn huy động hợp pháp khác (đóng góp của người dân): 600 triệu đồng.
- Vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội: 3.000 triệu đồng.
2. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng
2.1. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
a) Mục tiêu:
Hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp) cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
b) Đối tượng:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi toàn Tỉnh (không gồm địa bàn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới); ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
c) Nội dung:
- Hỗ trợ một phần giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và hỗ trợ khác.
- Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
- Tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật cho người nghèo: hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các nội dung hỗ trợ khác phù hợp với tính chất của hoạt động sinh kế định hướng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cam kết bao tiêu sản phẩm.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): 8.000 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 3.000 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 1.000 triệu đồng.
- Vốn huy động hợp pháp khác (đóng góp của người dân): 1.000 triệu đồng.
- Vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội: 3.000 triệu đồng.
2.2. Tiểu dự án 2: Cải thiện dinh dưỡng
a) Mục tiêu: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em 0-16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó:
- Giảm xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em vùng khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.
- Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ vùng khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.
- Bảo đảm an ninh thực phẩm và ứng phó về dinh dưỡng với tình huống khẩn cấp cho trẻ em tại vùng khó khăn.
b) Đối tượng: Trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, khu vực nông thôn và thành thị.
c) Nội dung:
- Tổ chức thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ đang mang thai và bà mẹ có con < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì 2 lần/năm/75 xã, phường, thị trấn.
- Hỗ trợ cân trẻ 1 lần/năm định kỳ vào tháng 6.
- In sổ quản lý trẻ từ 0-60 tháng.
- In biểu đồ tăng trưởng bé trai, bé gái.
- Mua cân cân trẻ và thước đo chiều cao trẻ em dán tường, cấp phát cho cộng tác viên thực hiện cân trẻ tại cộng đồng.
- Hỗ trợ các hoạt động cộng đồng cho cộng tác viên.
- In ấn Cẩm nang tư vấn dinh dưỡng dành cho cán bộ y tế.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): Từ ngân sách Trung ương 209,180 triệu đồng.
3. Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững
3.1. Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn (xã Xà Phiên, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ)
a) Mục tiêu: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
b) Đối tượng: Người học nghề là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan tham gia hỗ trợ đào tạo nghề.
c) Nội dung: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): 600 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 500 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 100 triệu đồng.
3.2. Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững
a) Mục tiêu: Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động vùng khó khăn.
b) Đối tượng: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động vùng khó khăn; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; cơ quan quản lý Nhà nước cấp xã tại vùng khó khăn.
c) Nội dung:
+ Hoạt động 1: Hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động
Hỗ trợ tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người lao động, nhất là lao động phi chính thức, lao động nghèo, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được thông tin về chính sách lao động, việc làm và tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân người lao động.
+ Hoạt động 2: Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động
Phân tích, dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Phổ biến các ấn phẩm phân tích, dự báo thị trường lao động.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): 350 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 300 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 50 triệu đồng.
4. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin
4.1. Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin
a) Mục tiêu:
- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.
- Tăng cường cung cấp thông tin về cơ sở, nhất là cung cấp thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao các thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
b) Đối tượng: Đài Truyền thanh xã Lương Nghĩa và xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh hậu Giang.
c) Hoạt động: Đầu tư, hỗ trợ các thiết bị loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các thiết bị phụ trợ khác để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của người dân.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): Từ ngân sách Trung ương 464 triệu đồng.
4.2. Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều
a) Mục tiêu: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp, việc làm nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa, đồng thời phát hiện ra các hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo để có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn.
b) Đối tượng: Người nghèo, người dân tại các địa bàn thực hiện Chương trình; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung:
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông; các sự kiện truyền thông, vận động xã hội, hội thảo, hội nghị; các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo viết về giảm nghèo bền vững, về mô hình giảm nghèo, kinh nghiệm, sáng kiến giảm nghèo và gương điển hình vươn lên thoát nghèo.
- Truyền thông hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
- Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành các sản phẩm thông tin, tuyên truyền về các chính sách, nội dung giảm nghèo.
- Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): Từ ngân sách Trung ương 250 triệu đồng.
5. Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình
5.1 Tiểu dự án 1: Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình
a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương không rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững.
b) Đối tượng: Đội ngũ cán bộ, nhân viên các cấp thuộc các cơ quan, ban ngành chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình, nhất là cấp cơ sở (cán bộ ấp/khu vực, cán bộ các Hội, đoàn thể).
c) Nội dung:
- Xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo về thông tin, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất, trợ giúp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, chăm sóc dinh dưỡng; ưu tiên các nội dung giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công.
- Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo về các nội dung:
+ Đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo.
+ Truyền thông về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông, internet để góp phần giảm nghèo về thông tin, tham gia lao động, sản xuất, thoát nghèo bền vững.
+ Cải thiện dinh dưỡng; chăm sóc, bảo vệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn nghèo, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
+ Công tác xã hội với người nghèo và đối tượng yếu thế cho đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác xã hội; chú trọng tăng cường kiến thức, kỹ năng công tác xã hội, phương pháp quản lý trường hợp nhằm đánh giá nhu cầu, làm rõ nguyên nhân nghèo đói, hỗ trợ người dân xây dựng và thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.
+ Kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, lồng ghép giới lĩnh trong vực giảm nghèo; chú trọng hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và phụ nữ sinh sống ở vùng khó khăn tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
+ Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện công tác giảm nghèo; tổ chức hội thảo, hội nghị về giảm nghèo.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): Từ ngân sách Trung ương 250 triệu đồng.
5.2. Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá
a) Mục tiêu: Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra. Bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, Chương trình, đúng mục tiêu, đúng định hướng, đúng luật pháp, hiệu quả. Kịp thời giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế.
b) Đối tượng:
- Các cơ quan chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, các hoạt động thuộc Chương trình;
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
c) Nội dung:
- Tổ chức các hoạt động giám sát thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin, đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo Chương trình thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đạt chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.
- Tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý Chương trình theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý Chương trình; giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.
- Tổ chức các hoạt động đánh giá định kỳ theo kế hoạch nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Đánh giá Chương trình bao gồm: Đánh giá đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ.
- Thực hiện chế độ thu thập thông tin, báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, gồm: Chế độ thu thập thông tin và tổng hợp các Biểu mẫu; chế độ báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình;
- Biểu dương, thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình.
- Tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định hộ có mức sống trung bình theo đúng quy định.
d) Tổng nhu cầu vốn thực hiện (vốn sự nghiệp): Từ ngân sách Trung ương 350 triệu đồng.
(Đính kèm Phụ lục)
IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái nhất là đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
2. Thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
3. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và tăng cường các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước (vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình hoặc lồng ghép từ các chính sách, chương trình, dự án khác); vốn tín dụng ưu đãi; vốn huy động cộng đồng (bao gồm cả tiền, hiện vật và ngày công lao động) và doanh nghiệp.
4. Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn Tỉnh, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn.
5. Nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.
6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình, có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định.
- Chủ trì thực hiện Dự án 2, Dự án 4 và Dự án 7; trực tiếp quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện: Dự án 2; Dự án 4; Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 6; Dự án 7; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Chương trình mục tiêu quốc gia, thẩm định và tổng hợp dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp kinh phí chi sự nghiệp để đảm bảo hoạt động của Chương trình.
- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Dự án 3; trực tiếp quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.
đ) Sở Y tế trực tiếp quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.
e) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện giải pháp để hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở, tăng tỷ lệ người dân có nhà ở bảo đảm về diện tích và chất lượng; tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.
g) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì Dự án 6; trực tiếp quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 6; theo dõi, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện dự án và báo cáo cơ quan quản lý Chương trình để tổng hợp chung báo cáo UBND tỉnh.
h) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện một số nội dung của Chương trình nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi và tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tỷ lệ người lao động thuộc vùng khó khăn qua đào tạo.
i) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Thực hiện cho vay vốn các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động theo đúng quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách tín dụng ưu đãi (về nhà ở, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; học sinh, sinh viên) có đóng góp trực tiếp cho giảm thiếu hụt các chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 -2025; thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay, chống thất thoát, phát sinh nợ xấu, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
k) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện Chương trình tại các sở, ngành và địa phương theo quy định.
l) Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan:
- Tham gia triển khai nội dung Chương trình trong phạm vi và nội dung, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do sở, ngành quản lý.
- Các sở, ngành được phân công thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện hành chịu trách nhiệm rà soát, xây dựng, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển của sở, ngành; đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện ở cơ sở.
2. UBND huyện, thị xã, thành phố
a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo trên địa bàn; chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả Chương trình trên địa bàn.
b) Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, bố trí nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện Chương trình.
c) Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát.
d) Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.
đ) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình triển khai thực hiện Chương trình về UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị chủ trì các Dự án, tiểu dự án theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện năm 2022 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Kế hoạch 1469/KH-UBND năm 2017 về kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020
- 2Kế hoạch 4506/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 1705/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Kế hoạch 4424/KH-UBND năm 2021 về năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022
- 5Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định về một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 6Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022
- 7Nghị quyết 109/NQ-HĐND năm 2021 phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Hướng dẫn 211/HD-SLĐTBXH năm 2022 thực hiện Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 9Kế hoạch 745/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 1705/QĐ-TTg về “Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” do tỉnh An Giang ban hành
- 10Nghị quyết 91/NQ-HĐND năm 2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 11Quyết định 382/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Kế hoạch 1469/KH-UBND năm 2017 về kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020
- 2Công văn 3486/LĐTBXH-VPQGGN năm 2021 về xây dựng Kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Kế hoạch 4506/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 1705/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Kế hoạch 4424/KH-UBND năm 2021 về năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022
- 6Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định về một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 7Kế hoạch 211/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022
- 8Nghị quyết 109/NQ-HĐND năm 2021 phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 9Hướng dẫn 211/HD-SLĐTBXH năm 2022 thực hiện Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND quy định chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025
- 10Kế hoạch 745/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Quyết định 1705/QĐ-TTg về “Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” do tỉnh An Giang ban hành
- 11Nghị quyết 91/NQ-HĐND năm 2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025
- 12Quyết định 382/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Kế hoạch 201/KH-UBND năm 2021 thực hiện năm 2022 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Tỉnh Hậu Giang
- Số hiệu: 201/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 30/11/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
- Người ký: Hồ Thu Ánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/11/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra