Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Bình Định, ngày 04 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu từ ngày 01/01/2025 và theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT.

- Trước mắt, chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình phân làm 03 loại: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thực phẩm, các loại chất thải hữu cơ khác); chất thải rắn còn lại được thu gom về các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc nhà máy xử lý rác thải.

- Xác định cụ thể nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

- Củng cố, kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý/tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung, yêu cầu và các vấn đề liên quan đến công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng, tiến độ hoàn thành công việc.

- Thời gian thực hiện: 02 năm (2023-2024).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng Kế hoạch triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các huyện, thị xã, thành phố

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 - Quý I/2024.

- Nội dung thực hiện:

+ Các địa phương khảo sát và xây dựng Kế hoạch triển khai với nội dung, tiến độ cụ thể, phạm vi thực hiện, phương thức thu gom, xử lý chất thải rắn sau phân loại,... để đảm bảo triển khai đồng bộ từ ngày 01/01/2025.

(Có thể lồng ghép trong Kế hoạch quản lý chất thải rắn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 của địa phương).

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn

2.1. Tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho lực lượng tuyên truyền nòng cốt

- Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể các cấp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2023.

2.2. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho cộng đồng

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể cấp tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể cấp huyện; Báo Bình Định; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2024.

2.3. Mở chuyên mục định kỳ, thường xuyên tuyên truyền về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường

- Cơ quan thực hiện: Báo Bình Định; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể các cấp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2024.

3. Duy trì và mở rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các xã, phường, thị trấn

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2024.

- Nội dung thực hiện: Trên cơ sở các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các địa phương đã đầu tư tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thực hiện; hoàn thiện và phát triển mô hình. Lưu ý việc triển khai phân loại phải gắn với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đồng bộ.

4. Xác định thành phần và định mức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh

- Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan.

- Thời gian hoàn thành: 31/12/2024.

5. Xây dựng quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh

- Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể.

- Thời gian hoàn thành: 31/12/2024.

6. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Cơ quan thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng.

- Thời gian hoàn thành: 31/12/2024.

- Nội dung thực hiện: Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng đồng bộ với việc phân loại CTRSH tại nguồn, đảm bảo cho việc thu gom, xử lý các nhóm chất thải đã phân loại (theo hướng tập trung hoặc phân tán) trong Kế hoạch quản lý/phân loại chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

b) Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, điều kiện thực tiễn, có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các hoạt động được phân công tại Kế hoạch này.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có) theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Chế độ thông tin, báo cáo

Định kỳ trước ngày 30/10 hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ngành, địa phương phản ánh bằng văn bản về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Các hội, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP + CV VP UBND tỉnh;
- TCT của CT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K10

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2023 tổ chức thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 04/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản