Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM BẢO VỆ, TÁI TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN LƯU VỰC SÔNG ĐÀ KHU VỰC HỒ HÒA BÌNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2020-2022

Thực hiện Quyết định số 456/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình giai đoạn 2019-2022, văn bản số 6655/BNN-TCTS ngày 25/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2022 như sau:

I. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản ở lưu vực sông Đà, góp phần phát triển kinh tế thủy sản, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, làm cơ sở triển khai công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên hệ thống sông, hồ chứa lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Xây dựng được cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần vào việc bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố.

- Thành lập 02 tổ chức cộng đồng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản làm cơ sở để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch văn hóa tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thành lập tổ chức cộng đồng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Phong Vân và xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì

1.1. Điều tra, đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, nguồn lợi thủy sản

a) Năm 2021: Điều tra, đánh giá hiện trạng kinh tế-xã hội, nguồn lợi thủy sản tại 02 xã: Phong Vân và Tòng Bạt, huyện Ba Vì, các hoạt động gồm:

- Thu phiếu điều tra các hoạt động kinh tế - xã hội quanh khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Thu mẫu đánh giá nguồn lợi thủy sinh trên khu vực thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường để đánh giá chất lượng nước tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

b) Năm 2022: Thu mẫu đánh giá nguồn lợi thủy sinh trên khu vực thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường để đánh giá chất lượng nước tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

1.2. Thông tin tuyên truyền, phổ biến về mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ xã, tổ chức cộng đồng cũng như người dân trên địa bàn 02 xã: Tòng Bạt và Phong Vân huyện Ba Vì trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản hợp lý có tổ chức theo đúng văn bản quy định của pháp luật (Năm 2021- 2022 tổ chức 04 hội thảo/năm).

- Các hoạt động tuyên truyền khác từ năm 2021-2022:

+ Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của xã.

+ Triển khai in ấn tờ rơi tuyên truyền về hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động của tổ cộng đồng (năm 2021: 1.800 tờ rơi, năm 2022: 1.700 tờ rơi).

+ Xây dựng phóng sự truyền hình giới thiệu về tổ chức cộng đồng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới người dân trên địa bàn Thành phố (năm 2022: xây dựng 01 phóng sự).

- Công tác tham vấn năm 2021-2022: Kết hợp với chuyên gia, cán bộ địa phương và người dân tham gia tổ cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ: thành lập tổ cộng đồng đồng quản lý; xây dựng cơ chế và duy trì hoạt động tổ cộng đồng; trao quyền quản lý cho tổ cộng đồng.

- Thành phần tham gia tổ cộng đồng bao gồm: đại diện địa phương và các hộ dân tự nguyện tham gia.

1.3. Tập huấn kỹ thuật cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý

1.3.1. Xây dựng tổ cộng đồng

a) Xây dựng tổ cộng đồng đồng quản lý

Năm 2021: Xây dựng mô hình khung, vị trí ranh giới khu vực địa lý của mô hình tổ cộng đồng đồng quản lý; xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng, xây dựng các phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản của tổ chức cộng đồng.

b) Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng

- Năm 2021 - 2022: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng tham gia thực hiện để lựa chọn phương án tối ưu trong việc xây dựng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đánh giá hoạt động của tổ cộng đồng, rút kinh nghiệm và xây dựng quy chế hoạt động của tổ cộng đồng (năm 2021 tổ chức: 04 hội thảo; năm 2022 tổ chức: 02 hội thảo).

- Dựng biển cảnh báo giới hạn khu bảo vệ: Dựng biển cảnh báo nhằm tuyên truyền, cảnh báo người dân trong khai thác hiệu quả và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản ở lưu vực sông Đà, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành (năm 2021: dựng 04 biển).

1.3.2. Vận hành thử nghiệm tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý

Năm 2021-2022: Đánh giá về hoạt động của tổ cộng đồng, rút kinh nghiệm và đưa ra các phương án hoạt động hiệu quả hơn cho tổ cộng đồng (tổ chức 4 hội nghị/năm).

1.4. Hoạt động tuần tra nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý

Năm 2021-2022: Các lực lượng có liên quan (UBND xã, Công an xã, Tổ cộng đồng, Chi cục Thủy sản,...) tổ chức tuần tra tại khu bảo vệ về hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; việc thực thi các quy định của tổ chức cộng đồng.

2. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa làng chài tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì

2.1. Khảo sát, đánh giá hiện trạng kinh tế xã hội, nguồn lợi thủy sản tại lưu vực sông Đà xã Cổ Đô

a) Điều tra khu vực xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch vạn chài năm 2021:

- Tổ chức điều tra tổng thể về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế, xã hội; hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hiện trạng các nghề khai thác thủy sản; khảo sát ý kiến cộng đồng tại khu vực xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa làng chài.

- Tổng hợp số liệu, xây dựng mô hình tổng quan, vẽ được sơ đồ khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi ranh giới địa lý.

b) Thu mẫu trên khu vực xây dựng mô hình khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2021 - 2022:

- Thu mẫu hiện trường, phân loại các loài cá; đánh giá, ước lượng về trữ lượng thủy sản tại khu bảo vệ.

- Thu mẫu nước, phân tích các chỉ tiêu môi trường để đánh giá chất lượng nước tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Đánh giá các đối tượng cần bảo vệ, khoanh vùng bảo vệ.

2.2. Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của địa phương về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình, các văn bản pháp quy liên quan về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong xã Cổ Đô tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn cho người dân xã Cổ Đô về cách thức tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cho các lớp tuyên truyền, hướng dẫn); in ấn tờ rơi, pa nô, áp phích về khu bảo vệ nguồn lợi kết hợp với du lịch văn hóa tại địa phương; số lượng tờ rơi 2.000 tờ/năm; số lượng pa nô, áp phích (năm 2021: 20 cái, năm 2022: 25 cái). Phát thanh trên phương tiện truyền thanh của xã về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch.

- Xây dựng phóng sự tuyên truyền trên truyền hình trong các năm để tuyên truyền mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa.

2.3. Xây dựng mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa làng chài tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì

a) Xác định vị trí ranh giới khu bảo vệ nguồn lợi kết hợp với du lịch làng chài năm 2021 - 2022:

- Xây dựng mô hình khung, vị trí khoanh vùng khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu làng vạn chài.

- Xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng làng vạn chài, xây dựng các phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch của tổ chức cộng đồng làng vạn chài.

- Tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng về các phương án đưa ra.

- Thành phần tham gia tổ cộng đồng: cán bộ địa phương và người dân tự nguyện tham gia.

- Tư vấn, hỗ trợ cộng đồng tham gia chuỗi du lịch cộng đồng.

- Đánh giá hoạt động của tổ cộng đồng, rút kinh nghiệm và xây dựng quy chế hoạt động của tổ cộng đồng.

b) Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2021-2022: Thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi thủy sản với giống thả là các đối tượng bản địa có giá trị kinh tế, thịt ngon, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giống loài thủy sản, hạn chế sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, giữ gìn sự đa dạng của hệ sinh thái thủy sinh vật, tiến tới phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

2.4. Phát triển du lịch văn hóa làng chài tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì

a) Xây dựng bộ sưu tập thành phần loài cá khu vực sông Đà phục vụ cho việc học tập, tham quan năm 2021-2022:

- Xây dựng hệ thống tiêu bản các loài thủy sản lưu vực sông Đà.

- Bố trí trưng bày hệ thống tiêu bản để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền và tham quan du lịch.

b) Trao đổi kinh nghiệm mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với du lịch văn hóa:

Năm 2021 tổ chức 01 đoàn tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm mô hình tổ chức cộng đồng tham gia vào việc quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch vừa tạo thu nhập kinh tế cho cộng đồng ngư dân vừa góp phần vào việc tuyên truyền bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Địa điểm dự kiến tại mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, số lượng dự kiến: 12 người.

2.5. Hoạt động tuần tra nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý năm 2021-2022

- Dựng biển cảnh báo giới hạn vị trí nhằm tuyên truyền, cảnh báo người dân trong khai thác hiệu quả và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản tại khu vực xã Cổ Đô (năm 2021).

- Phối hợp UBND xã, Công an xã, tổ cộng đồng tổ chức tuần tra tại khu bảo vệ về hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; việc thực thi các quy định của tổ chức cộng đồng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch: 1.820.000.000 đồng (một tỷ tám trăm hai mươi triệu đồng chẵn) từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó: năm 2021: 1.034.000.000 đồng; năm 2022: 786.000.000 đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu thể hiện trong nội dung trình duyệt.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật và Thành phố.

- Hàng năm, căn cứ tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, lập dự toán chi tiết, gửi Sở Tài chính tổng hợp, thẩm định, tham mưu báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Du lịch, Công an Thành phố và đơn vị liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo UBND các xã: Phong Vân, Tòng Bạt, Cổ Đô và các đơn vị liên quan trực thuộc Huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Kế hoạch

Có trách nhiệm phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tham gia, triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2022; các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các PCT UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các sở, ngành: NN&PTNT, TC, KH&ĐT; KHCN, DL, CATP;
- UBND huyện Ba Vì;
- VPUB: CVP, các PCVP, KT, ĐT, KGVX, NC, KTBT;
- Lưu: VT, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2022

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/10/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản