Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TU NGÀY 24/03/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔNG THỂ KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG BÃI SÔNG HỒNG, SÔNG LUỘC TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị Quyết số 22-NQ/TU ngày 24/03/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của vùng bãi sông Hồng, sông Luộc, trọng tâm là hình thành hệ thống giao thông và đô thị hiện đại, phục dựng phố cổ, xây dựng các bến trung chuyển hàng hóa thủy nội địa, thu hút đầu tư, khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, thể dục, thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với các lễ hội tâm linh; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị Quyết số 22-NQ/TU ngày 24/03/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Yêu cầu

a) Phát triển kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên phải thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng.

b) Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng bãi; trên cơ sở đó sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế với cơ cấu hợp lý; sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực; phát triển dịch vụ và du lịch chất lượng cao; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn và bền vững; phát triển sản xuất, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

c) Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nhóm sản phẩm chủ lực; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau; bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, coi đây là khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

d) Lựa chọn, ưu tiên đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm có tác động đến toàn vùng, nhất là các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng bãi, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế với cơ cấu hợp lý. Hình thành hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đồng bộ. Xây dựng một số bến cảng, bến trung chuyển hàng hóa thủy nội địa; phát triển đô thị, nhà ở sinh thái, thông minh, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao hiện đại, văn minh. Thu hút đầu tư, khai thác, phát huy, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hóa, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đa chức năng theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng bãi bình quân 05 năm đạt 7,0 - 8,0%; giá trị thu được từ một ha canh tác đạt trên 250 triệu đồng/ha; tỷ lệ lao động qua đào tạo vùng bãi đạt 71%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2025; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở đô thị đạt 95%, ở nông thôn đạt 90%; Duy trì tỷ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%, 100% số trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Có ít nhất 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 đến 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; 20 làng nghề vùng bãi được công nhận; từ 25 - 30 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

- Phát triển một số khu đô thị mới, đô thị sinh thái, nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao cao cấp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, vui chơi.

- Phát triển 3 tuyến du lịch văn hóa, lịch sử (quần thể di tích Phố Hiến; Đền Đa Hòa - Dạ Trạch, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; đền thờ La Tiến, Tống Trân - Cúc Hoa); mở rộng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm, sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

b) Mục tiêu đến năm 2030

Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ở mức khá so với bình quân của cả tỉnh; hình thành sản xuất công nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp sạch và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, đa năng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; hoàn thành cơ bản các khu đô thị, đô thị sinh thái, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí cao cấp; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển; các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các thiết chế văn hóa xã hội được bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch; tất cả các trạm y tế xã thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được 100% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Duy trì 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường, 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 75%; hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Rà soát quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng bãi

- Nhiệm vụ: Tích hợp các nội dung của Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: 2022-2023.

- Nhiệm vụ: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Luộc đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: 2022-2025.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người

- Nhiệm vụ: Điều tra, tổng hợp đánh giá thực trạng và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực vùng bãi; xây dựng kế hoạch và tham mưu thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nghề, chuyển đổi lao động từ sản xuất nông nghiệp, sang công nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có tay nghề, bằng cấp của các địa phương khác đến làm việc ở vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ điều tra, tổng hợp thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

3. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

a) Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

- Nhiệm vụ: Thống kê, phân loại hệ thống giao thông vùng bãi; tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống giao thông vùng bãi đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững; lập chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng kết nối giữa các khu đô thị, trung tâm dân cư, các khu du lịch sinh thái, các trung tâm văn hóa thể thao với các tuyến giao thông đối ngoại; hình thành trục không gian văn hóa cảnh quan sinh thái, tâm linh Phố Hiến - Hà Nội.

Đơn vị chủ trì: Sở Giao thông vận tải.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ thống kê, phân loại hệ thống giao thông vùng bãi thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

- Nhiệm vụ: Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến cảng hàng hóa, hành khách, bến thủy nội địa phù hợp với Luật Đê điều và quy hoạch liên quan. Sử dụng có hiệu quả hệ thống giao thông vùng bãi, các bến cảng hàng hóa, hành khách và bến thủy nội địa để đáp ứng nhu cầu vận chuyển dọc sông, ngang sông, phục vụ lưu thông hàng hóa, du lịch, sản xuất nông nghiệp, thương mại.

Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và đầu tư.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm

b) Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, đê điều

- Nhiệm vụ: Rà soát, tổng hợp, phân loại hệ thống các công trình thủy lợi vùng bãi; xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi, cấp nước, thoát nước vùng bãi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội các khu đô thị, đô thị sinh thái, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại các xã vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án; Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp, phân loại được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

- Nhiệm vụ: Kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều đảm bảo an toàn phòng chống lũ; rà soát, tổng hợp các hạng mục đầu tư tu bổ, xây dựng kế hoạch tu bổ, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều trên tuyến sông Hồng, sông Luộc, đê bối kết hợp giao thông vận tải, tối đa hóa hiệu quả phục vụ, cũng như bảo đảm an toàn phòng chống lũ và phát triển sản xuất.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm.

c) Phát triển mạng lưới cấp nước sạch và vệ sinh môi trường

- Nhiệm vụ: Rà soát, tổng hợp mạng lưới cấp nước sạch hiện có và đánh giá nhu cầu dự kiến cho từng giai đoạn; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và sản xuất; chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các công trình, dự án cấp nước đồng bộ, hiện đại, thống nhất đảm bảo khai thác có hiệu quả vùng nước mặt sông Hồng, sông Luộc đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái, thương mại, dịch vụ, du lịch và nhân dân vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án; các đơn vị quản lý khai thác các công trình nước sạch.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

d) Phát triển hệ thống điện, viễn thông.

- Nhiệm vụ: Thống kê, rà soát hiện trạng hệ thống lưới điện vùng bãi, dự kiến nhu cầu sử dụng điện cho từng giai đoạn; xây dựng kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện vùng bãi, đáp ứng nhu cầu tăng cao của các khu đô thị mới, đô thị sinh thái, các trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án; các đơn vị liên quan.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ thống kê, rà soát hiện trạng được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện năm 2022-2025.

- Nhiệm vụ: Rà soát, tổng hợp hệ thống mạng lưới viễn thông vùng bãi; xây dựng kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông vùng bãi cho từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các khu đô thị mới, đô thị sinh thái, các trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án; các doanh nghiệp viễn thông.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện năm 2022-2025.

4. Phát triển đô thị

- Nhiệm vụ: Lập quy hoạch xây dựng phát triển các khu chức năng vùng bãi theo hướng khu ở sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và thể dục thể thao. Hình thành các khu đô thị xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện các dự án phát triển khu đô thị, đô thị sinh thái, đô thị thông minh; dự án tái hiện Phố Hiến cổ kết hợp khu đô thị thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch, vui chơi giải trí cao cấp tại thành phố Hưng Yên và các khu vực vùng bãi trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị chủ trì: Sở Xây dựng.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm

5. Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch

a) Phát triển thương mại, dịch vụ

- Nhiệm vụ: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP của vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm.

b) Phát triển du lịch

- Nhiệm vụ: Xây dựng các tuyến du lịch đặc trưng, chủ lực cho vùng bãi (tuyến du lịch sông Hồng, các tuyến du lịch gắn với khu phố hoa thị trấn Văn Giang, cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, cụm di tích phố Hiến, di tích lịch sử Cây đa và đền La Tiến); tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm.

6. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

- Nhiệm vụ: Triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch chi tiết thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: 2022-2025.

- Nhiệm vụ: Xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa,... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: 2022-2025.

7. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề

- Nhiệm vụ: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chú trọng công nghiệp hỗ trợ trong chế biến, bảo quản nông sản theo hướng bền vững.

Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm

- Nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch phát triển bền vững các làng nghề, ngành nghề nông thôn vùng bãi, các làng nghề có thế mạnh như hoa, cây cảnh, mộc, chế biến dược liệu, chế biến nông sản.

Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm.

8. Phát triển hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao

a) Hệ thống y tế

- Nhiệm vụ: Rà soát, tổng hợp và đề xuất đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế vùng bãi. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, chất lượng phục vụ, y đức của đội ngũ cán bộ y tế; tham mưu cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở y tế ngoài công lập.

Đơn vị chủ trì: Sở Y tế.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

b) Hệ thống văn hóa, thể dục, thể thao

- Nhiệm vụ: Xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình văn hóa, văn nghệ; rà soát, tổng hợp và đề xuất đầu tư xây dựng và nâng cấp nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, các nhà văn hóa ở thôn, khu phố, các trung tâm thể dục thể thao cấp xã.

Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

c) Hệ thống giáo dục

- Nhiệm vụ: Rà soát, tổng hợp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn vùng bãi; đề xuất đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng toàn diện; tiến hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục bậc mầm non, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Nhiệm vụ rà soát, tổng hợp được thực hiện năm 2022, các nhiệm vụ khác được thực hiện hàng năm.

9. Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào vùng bãi

- Nhiệm vụ: Đa dạng hóa các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế vùng bãi.

Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố trong vùng đề án.

Thời gian thực hiện: Thực hiện hàng năm.

10. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh

- Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực điều hành, xây dựng chính quyền cơ sở tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, uy tín. Đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

- Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; đề cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành.

- Thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; kịp thời giải quyết các vụ việc, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

11. Dự kiến triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm

a) Giai đoạn 2021-2025

- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa, du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng.

- Khu đô thị nhà vườn sinh thái trên địa bàn thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang.

- Dự án Du lịch sinh thái kết hợp với tham quan khu làng nghề trồng hoa cây cảnh huyện Văn Giang.

- Xây dựng hạ tầng khu phố hoa Thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang.

- Hỗ trợ bổ sung vốn cho Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử địa điểm Cây đa và Đền La Tiến xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ.

- Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Tống Trân, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và đường sản xuất vùng chuyên canh hoa, cây cảnh xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

- Phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

b) Giai đoạn 2025-2030

- Dự án phục dựng Phố Hiến cổ kết hợp khu đô thị thương mại dịch vụ.

- Dự án khu đô thị sinh thái trên địa bàn thành phố Hưng Yên (xã Hùng Cường, Phú Cường, thành phố Hưng Yên).

- Dự án Khu du lịch cuối tuần kết hợp văn hóa lịch sử Đa Hòa - Dạ Trạch.

- Dự án sân golf Sông Hồng.

- Dự án Xây dựng 05 bến cảng hành khách: Hưng Yên, Bình Minh, Phố Hiến, Thăng Long và La Tiến.

- Dự án Xây dựng 05 cảng hàng hóa: Hưng Yên, Triều Dương, Mễ Sở, Phố Hiến, Thăng Long.

- Nông trường chuyên canh sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao Hoàng Hanh.

- Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Sơn Tùng (xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên).

- Dự án Trồng rau sạch tiêu chuẩn (xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên).

- Phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 36.000 tỷ đồng và định hướng đến 2030 là 64.000 tỷ đồng).

Trong đó:

- Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng (Giai đoạn 2021 - 2025 là 12.000 tỷ; 2026 - 2030 là 6.000 tỷ).

- Nguồn kinh phí đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 72.000 tỷ đồng (Giai đoạn 2021 - 2025 là 24.000 tỷ; 2026-2030 là 48.000 tỷ).

- Nguồn kinh phí tự đầu tư của nhân dân 10.000 tỷ đồng (Giai đoạn 2021 - 2025 là 5.000 tỷ; 2026 - 2030 là 5.000 tỷ).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành tỉnh

Các sở, ban, ngành tỉnh được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thành viên tích cực tham gia triển khai thực hiện các nội dung của đề án.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố vùng dự án

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố vùng dự án bao gồm Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên:

- Căn cứ nội dung Kế hoạch thực hiện đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện đề án cho vùng bãi của địa phương mình theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương; thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch, dịch vụ ở nông thôn.

- Bố trí nguồn lực, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, kết quả triển khai đề án trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã vùng dự án

- Căn cứ nội dung kế hoạch thực hiện đề án được UBND tỉnh phê duyệt và các kế hoạch triển khai thực hiện được UBND cấp huyện phê duyệt; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đề án trên địa bàn.

- Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của cấp tỉnh, cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của đề án.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả triển khai đề án; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện đề án với UBND cấp huyện.

5. Thời gian thực hiện và báo cáo

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo dõi việc triển khai và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch; năm 2023 tổ chức sơ kết kết quả thực hiện; năm 2025, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ngành, đơn vị, địa phương phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT&TH Hưng Yên, Báo Hưng Yên;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Quốc Văn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 110/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị Quyết 22-NQ/TU về Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 110/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Trần Quốc Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản