Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 197/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG THỦ DÂN SỰ VỀ ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY LỚN NHÀ CAO TẦNG, KHU ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; căn cứ Kế hoạch số 248/KH-BCA-C07 ngày 29/6/2021 của Bộ Công an về Phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự và ứng phó thảm họa cháy lớn.

- Chủ động việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện trên địa bàn để tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

- Thống nhất cơ chế điều hành, chỉ huy, chế độ thông tin liên lạc, báo cáo; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị và các lực lượng liên quan trong hoạt động ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

2. Yêu cầu

- Thường xuyên chủ động nắm tình hình, kịp thời cập nhật thông tin dự báo về thiên tai, thảm họa, các khu vực chịu ảnh hưởng và có thể bị tác động gây cháy lớn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), rà soát phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” trong hoạt động ứng phó thảm họa, chuẩn bị các điều kiện nhằm bảo đảm thống nhất về công tác chỉ huy trong mọi tình huống và đáp ứng yêu cầu huy động các lực lượng, phương tiện phù hợp với mục tiêu “lực lượng tại chỗ tiếp cận ứng phó nhanh, các lực lượng xung quanh chi viện kịp thời”. Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Ban Tham mưu phải được thành lập kịp thời để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

- Hoạt động ứng phó thảm họa cháy lớn phải tập trung cho việc cứu người, tổ chức hướng dẫn thoát nạn trong khu vực xảy ra thảm họa ra nơi an toàn; bảo đảm chữa trị, ăn ở sinh hoạt tạm thời; khẩn trương phát hiện và ngăn chặn nhanh nhất nguy cơ cháy lan rộng, phát tán nhiều chất độc hại, khả năng nổ, sập đổ công trình,...

- Bảo đảm thông tin liên lạc luôn thông suốt trong quá trình thường trực, nhận và xử lý thông tin; báo cáo, cập nhật tình hình kịp thời cho cấp có thẩm quyền theo quy định khi xảy ra thảm họa cháy lớn; bảo đảm hậu cần phục vụ cho các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, CNCH; huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác chữa cháy và CNCH; kịp thời điều tra nguyên nhân, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa đối tượng gây cháy, nổ (nếu có) và khắc phục hậu quả thảm họa cháy lớn.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao nhận thức và khả năng thường trực sẵn sàng ứng phó, thống nhất về cơ chế chỉ huy điều hành, phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng và khả năng huy động ở mức cao nhất; chú trọng công tác diễn tập, thực tập phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, kinh tế, giáo dục và giao lưu quốc tế, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế. Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và mật độ dân số tăng nhanh, các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình hiện đại, đa năng, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ,... tiếp tục được xây dựng và phát triển, kèm theo là nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất ngày càng lớn; bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp, có thể vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trên địa bàn Thành phố.

2. Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn Thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác PCCC và CNCH còn chủ quan, thiếu cảnh giác, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác chữa cháy và CNCH như giao thông, nguồn nước còn những hạn chế nhất định sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đặc biệt đối với các loại hình nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

3. Theo kết quả điều tra, khảo sát, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có:

- Nhà cao tầng: 1.437 công trình nhà cao tầng gồm các loại hình nhà chung cư, nhà hỗn hợp, trụ sở cơ quan, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, trong đó có 94 công trình cao trên 100m. Một số tòa nhà, khu cao tầng điển hình: Tòa nhà Lotte (Ba Đình), tòa nhà Keangnam (Nam Từ Liêm), khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai), khu đô thị Times City (Hai Bà Trưng), khu đô thị Royal City (Thanh Xuân).

- Khu dân cư: 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Một số khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao: Khu dân cư tại các phố cổ như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Hòm...(Hoàn Kiếm), các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân sinh sống như: Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Kim Liên, Văn Chương (Đống Đa), Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng), Tân Mai (Hoàng Mai).

- Khu công nghiệp: 09 khu công nghiệp, 01 khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp lớn: Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh), khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, khu công nghiệp Nam Thăng Long (Bắc Từ Liêm), khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh), khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn).

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Chủ động tuyên truyền, phòng ngừa thảm họa cháy lớn

1.1. Kịp thời tuyên truyền vận động, cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra cháy lớn cho quần chúng nhân dân, những người làm việc trong các cơ sở nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư biết để chủ động tham gia công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn và tích cực tham gia ứng phó khi cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

1.2. Thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư khi xây dựng hoặc cải tạo mới; thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết những vấn đề nổi lên gây mất an toàn về PCCC và CNCH hoặc gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH, nhất là các nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa cháy lớn.

2. Xác định mức độ thảm họa cháy lớn để phân cấp ứng phó

2.1. Mức độ thảm họa

Căn cứ nguyên nhân dẫn đến thảm họa cháy lớn do chiến tranh hoặc do tự nhiên tác động (động đất, sét đánh, bão lớn...) hay sự cố kỹ thuật, con người gây ra cần dự báo, xác định mức độ thảm họa như sau:

- Mức độ 1: Cháy, nổ xảy ra trên diện rộng và gây sập đổ nhiều nhà, công trình hoặc hạng mục công trình có hàng trăm người chết, bị thương và bị mắc kẹt trong khu vực xảy ra mà cần huy động nhanh chóng tổng lực các lực lượng, phương tiện trên địa bàn Thành phố tham gia xử lý.

- Mức độ 2: Cháy, nổ xảy ra ở mức độ 1 nhưng vẫn tiếp tục phát triển phức tạp, có nguy cơ gây cháy, nổ trên diện rộng lớn hơn, kèm theo nhiều khói, khí, hơi độc hại và còn nhiều người bị mắc kẹt mà vượt quá khả năng xử lý của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn Thành phố, cần huy động lực lượng, phương tiện của Công an các tỉnh lân cận và các đơn vị Quân đội, các Bộ, ngành chức năng liên quan.

2.2. Xác định phạm vi, quy mô thảm họa cháy lớn đối với từng loại hình

- Thảm họa cháy lớn nhà cao tầng: Đám cháy xảy ra ở nhà cao tầng làm sập đổ một số hạng mục, căn phòng và gây thương vong, mắc kẹt đối với hàng trăm người ở các tầng từ tầng 15 trở lên (chưa kể số người thương vong, mắc kẹt ở các tầng đang xảy ra cháy, nổ) hoặc cùng xảy ra đồng thời tại 02 tòa nhà cao tầng trở lên trong cụm nhà cao tầng mà có hàng trăm người thương vong, bị mắc kẹt ở các tầng từ tầng 10 trở lên.

- Thảm họa cháy lớn khu công nghiệp: Đám cháy xảy ra nhanh chóng lan ra toàn bộ cơ sở với hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn m2, gây sập đổ một số nhà xưởng do cháy, nổ và đã lan sang một phần của cơ sở lân cận, làm hàng trăm người bị thương vong, mắc kẹt trong khu vực cháy, nổ do bị tác động của cháy, nổ và hơi, khí độc hại phát tán ra môi trường khu vực xảy ra mà các lực lượng, phương tiện trong khu công nghiệp và các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH đầu tiên có mặt nhưng không thể khống chế được đám cháy.

- Thảm họa cháy lớn khu đô thị, khu dân cư: Đám cháy lan nhanh ra hàng trăm căn nhà và công trình ở khu đô thị tập trung kinh doanh buôn bán hàng hóa, khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy (gỗ, nhựa tổng hợp, vải, mút xốp, xăng, dầu, dung môi...) có kết hợp sản xuất kinh doanh hoặc khu phố chợ mà tại khu vực xảy ra cháy có nhiều người bị thương vong, mắc kẹt trong nhà, công trình. Khi lực lượng, phương tiện trên địa bàn cấp huyện nơi xảy ra và các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH đầu tiên có mặt nhưng không thể khống chế mà đám cháy tiếp tục lan rộng, kèm theo các yếu tố nổ (khí gas, xăng dầu...), sập đổ nhà gây nguy hiểm cho nhiều người trên diện rộng.

2.3. Nguyên nhân gây ra thảm họa cháy lớn

- Vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC.

- Thiên tai, động đất; do khủng bố, bạo loạn, gây rối.

- Do địch tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc nguyên nhân khác theo quy định về phòng thủ dân sự.

2.4. Phân cấp ứng phó

- Khi xảy ra thảm họa cháy lớn ở mức độ 1, UBND Thành phố tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn Thành phố tham gia ứng phó. Trường hợp thảm họa cháy lớn vượt quá khả năng và xét thấy cần thiết thì Công an Thành phố báo cáo, đề xuất UBND Thành phố kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, huy động lực lượng tham gia ứng phó.

- Khi xảy ra thảm họa cháy lớn ở mức độ 2, UBND Thành phố báo cáo, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, huy động lực lượng tham gia ứng phó, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố và các Bộ, ngành, địa phương khác tham gia ứng phó.

3. Xây dựng, diễn tập phương án ứng phó thảm họa cháy lớn

3.1. Xây dựng phương án

Mỗi phương án trình UBND Thành phố phê duyệt, trong đó dự kiến 02 cấp độ huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, gồm:

- Cấp độ huy động 01: Huy động lực lượng, phương tiện của Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các cơ quan, tổ chức, cơ sở trên địa bàn Thành phố.

- Cấp độ huy động 02: Huy động lực lượng, phương tiện của Công an các tỉnh lân cận, các đơn vị Quân đội và Bộ, ngành có liên quan (UBND Thành phố có văn bản đề nghị Bộ Công an phê duyệt).

3.2. Diễn tập phương án

Định kỳ hàng năm, UBND Thành phố ban hành kế hoạch tổ chức diễn tập phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư theo quy định. Bảo đảm 05 năm thực tập ít nhất 01 phương án cấp độ huy động 01.

4. Đầu tư, nâng cao năng lực cho lực lượng Công an trực tiếp tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn

Tập trung kiện toàn, bố trí đảm bảo về quân số, thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ứng phó thảm họa cháy lớn và đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung phương tiện chữa cháy và CNCH, trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và các lực lượng tham gia phối hợp nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn trong mọi tình huống.

IV. NGUYÊN TẮC THÔNG TIN BÁO CÁO, THƯỜNG TRỰC, CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY VÀ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN THAM GIA ỨNG PHÓ THẢM HỌA CHÁY LỚN

1. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo và thường trực sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn

1.1. Khi nhận thông tin báo thảm họa hoặc có khả năng xảy ra thảm họa cháy lớn, Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (ƯPT) Công an Thành phố phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và Ban Chỉ đạo ƯPT Bộ Công an, đồng thời chỉ đạo các lực lượng liên quan thuộc Công an Thành phố thường trực, ứng trực sẵn sàng tham gia ứng phó ở mức cao nhất; chủ động thông tin đến các lực lượng khác như Quân đội, y tế, điện lực, cấp nước,... để chuẩn bị sẵn sàng tham gia ứng phó khi có yêu cầu; triển khai lực lượng khẩn trương có mặt tại nơi có thể xảy ra thảm họa để nắm tình hình và tổ chức ứng phó ban đầu nếu xảy ra, đồng thời báo cáo kịp thời tình hình về Ban Chỉ huy ƯPT Công an Thành phố để triển khai đồng bộ các hoạt động ứng phó.

1.2. Chủ động thông tin, đề nghị các cơ quan truyền thông kịp thời tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn quần chúng nhân dân di tản, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa cháy lớn, bảo đảm an toàn và an ninh, trật tự trên địa bàn.

2. Công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó

2.1. Khi xảy ra thảm họa cháy lớn hoặc đám cháy có khả năng diễn biến thành thảm họa từ mức độ 1 trở lên, theo đó phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thì phải tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Ban Tham mưu ứng phó để triển khai đồng bộ các hoạt động ứng phó, cụ thể như sau:

- Trường hợp xảy ra thảm họa cháy lớn và triển khai phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện theo cấp độ huy động 01 thì đồng chí Giám đốc Công an Thành phố làm Trưởng Ban chỉ huy ứng phó; đồng chí Phó Giám đốc Công an Thành phố phụ trách công tác PCCC và CNCH làm Trưởng Ban tham mưu ứng phó và báo cáo, đề xuất đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó.

- Trường hợp xảy ra thảm họa cháy lớn và triển khai phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện theo cấp độ huy động 02 thì Công an Thành phố báo cáo, đề xuất đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an làm Trưởng Ban chỉ huy ứng phó; đồng chí Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an làm Trưởng Ban tham mưu ứng phó và báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng và Phó trưởng Ban chỉ đạo ứng phó.

2.2. Thành phần tham gia Ban Chỉ, đạo, Ban Chỉ huy, Ban Tham mưu ứng phó phải được nghiên cứu, trao đổi thống nhất với chỉ huy các cơ quan, đơn vị có lực lượng tham gia và nêu trong phương án ứng phó được phê duyệt.

3. Nguyên tắc huy động các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn

Việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn phải căn cứ vào Kế hoạch này và vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế xảy ra thảm họa cháy lớn, đồng thời phải tuân thủ thẩm quyền, trách nhiệm đã được pháp luật quy định.

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an Thành phố

- Chủ trì tham mưu UBND Thành phố trong việc huy động các lực lượng, phương tiện trong và ngoài địa bàn Thành phố tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố; xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và CNCH phối hợp nhiều lực lượng, phương tiện đối với nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Huy động lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý nhanh chóng triển khai các hoạt động ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn; tổ chức bảo đảm an ninh trật tự và giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng lợi dụng sự cố cháy lớn để phá hoại, chiếm đoạt tài sản và có hành vi vi phạm pháp luật khác. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước về PCCC trong thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu đối với các công trình xây dựng; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở, nhất là nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH cho các lực lượng và nhân dân trên địa bàn.

- Tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách xây dựng phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư có thể xảy ra thảm họa cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản ở mức cao nhất; công tác tổ chức chữa cháy và CNCH gặp khó khăn phức tạp nhất (nguy hiểm về nổ, sập đổ công trình, phát tán hơi, khí độc hại...) cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó để xây dựng phương án ứng phó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Tập trung kiện toàn, bố trí bảo đảm về lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH, thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng Công an để sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn trong mọi tình huống. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan đề xuất UBND Thành phố, Bộ Công an đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH và các trang bị thiết yếu khác cho lực lượng Công an và các lực lượng khác tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố để đề ra các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ứng phó với cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ Công an, UBND Thành phố.

2. Văn phòng UBND Thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố truyền đạt Lệnh huy động, điều động của Chủ tịch UBND Thành phố tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được huy động, điều động (trong trường hợp huy động thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Thành phố); theo dõi, nắm tình hình và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Lệnh huy động, điều động của Chủ tịch UBND Thành phố; phối hợp Công an Thành phố tham mưu Chủ tịch UBND ban hành Lệnh huy động, điều động bằng văn bản (theo mẫu số PC20 phụ lục IX Ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020).

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

3. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó khi có thảm họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; phối hợp với Công an Thành phố tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng Dân quân tự vệ; tổ chức diễn tập các tình huống chữa cháy và CNCH nhằm tăng cường khả năng phối hợp giải quyết tình huống giữa các lực lượng.

- Bố trí lực lượng Quân đội, Dân quân tự vệ phối hợp với Công an Thành phố tuần tra, canh gác, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tập trung đông người, gây rối; chuẩn bị lực lượng ứng trực để sẵn sàng giải quyết kịp thời các tình huống đột xuất khi có lệnh huy động; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Thành phố trong việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó khi có thảm họa cháy lớn xảy ra.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

4. Sở Xây dựng

- Phối hợp với Công an Thành phố và các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH trong đầu tư xây dựng các công trình, nhất là đối với nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; cử các chuyên gia tham gia, hỗ trợ đánh giá, xác định tình trạng, khả năng sụp đổ công trình để tham mưu thực hiện biện pháp tháo dỡ an toàn phục vụ triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, báo cáo đề xuất UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét cân đối, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Thành phố cho các dự án mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC và CNCH theo quy định và các đề án, chủ trương, chính sách của Thành phố.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

6. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các Sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp phục vụ công tác PCCC và CNCH cho các đơn vị theo quy định của Trung ương và Thành phố.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

7. Sở Y tế

- Xây dựng phương án huy động lực lượng, bác sỹ, kỹ thuật viên và phương tiện, dụng cụ cấp cứu, cơ số thuốc bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị khi xảy ra thảm họa cháy lớn gây thiệt hại về người; phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh ở khu vực xảy ra cháy lớn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn Thành phố;

- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các Sở, ngành có liên quan đề xuất và tổ chức các biện pháp khắc phục hậu quả do cháy lớn để ổn định đời sống nhân dân và tình hình xã hội.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

9. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố; tổ chức các Hội thảo về ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCCC và CNCH.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh môi trường, quan trắc môi trường, xử lý chất thải phát sinh và khắc phục hậu quả môi trường khi được huy động.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

11. Sở Giao thông vận tải

- Huy động các lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý phối hợp tham gia xử lý các sự cố cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Chỉ huy lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội hướng dẫn, điều hành phân luồng giao thông, giải quyết chướng ngại vật, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác chữa cháy và CNCH.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

12. Sở Công thương

- Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra an toàn, hướng dẫn xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

- Cung cấp thông tin về hóa chất độc hại, nguy hiểm tại khu vực xảy ra thảm họa cháy lớn và phối hợp xử lý hóa chất độc hại, nguy hiểm phát tán ra môi trường.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

13. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Công an Thành phố cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về PCCC và CNCH; cảnh báo các nguy cơ gây cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hướng dẫn các biện pháp chữa cháy, thoát nạn và cứu người trong đám cháy; thông tin về những vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn lớn xảy ra trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy và CNCH khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

14. Sở Tư pháp

- Phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

15. Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội

- Có kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn trên địa bàn Thành phố; thường xuyên kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn từ hệ thống điện; hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn. Kịp thời cắt điện ở khu vực xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn để bảo đảm an toàn phục vụ công tác chữa cháy và CNCH.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

16. Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội

- Có kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn trên địa bàn Thành phố.

- Tăng cường, duy trì lưu lượng, áp lực hệ thống cấp nước phục vụ chữa cháy ở khu vực xảy ra cháy, nổ trên địa bàn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

17. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động lực lượng, phương tiện PCCC và CNCH tại các cơ sở trong khu công nghiệp tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

18. UBND quận, huyện, thị xã

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH và kịp thời cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra cháy lớn cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn; tích cực xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách các nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao để có biện pháp phòng ngừa; có kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng huy động tổng hợp các nguồn lực để ứng phó kịp thời khi xảy ra thảm họa cháy lớn; tổ chức khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định đời sống.

- Xây dựng kế hoạch và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH đối với loại hình nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Hàng năm dự toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động PCCC và CNCH trên địa bàn.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.

2. Hằng năm các đơn vị tổ chức rà soát để tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 22/7/2021 về huy động lực lượng, phương tiện, tài sản để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố (lồng ghép cùng báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 173).

3. Giao Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp kết quả và báo cáo UBND Thành phố và Bộ Công an theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- TT: Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCTUBND Thành phố;
- Giám đốc Công an Thành phố;
- V01, C07 - BCA;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- CVP, các PCVP, NC, TKBT, KT, ĐT;
- Báo Hà Nội mới, Đài PTTH HN;
-Lưu: VT,NC (Quang Sơn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 197/KH-UBND năm 2021 về phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 197/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/08/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản