Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 195/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 23 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG THỦ DÂN SỰ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch Phòng thủ dân sự (PTDS) giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình chung

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, dân số khoảng 1.439.000 người, chiếm 1,4% dân số cả nước; trong đó nam giới chiếm 49,2 %, nữ giới 50,8%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã (94 xã, 26 phường và 6 thị trấn);

Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Có sự chênh lệch rõ ràng về nhiệt độ giữa mùa hè nóng ẩm và mùa đông khô lạnh. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, lượng mưa trong mùa này chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm (lượng mưa trung bình hàng năm: 1.400-1.600 mm);

Địa hình tỉnh khá bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Mức độ chênh lệch địa hình trên toàn tỉnh không lớn. Vùng đồng bằng chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh, có nhiều vùng thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ. Địa hình trung du đồi núi chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,53%); mạng lưới sông ngòi khá dày, có 3 sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình.

2. Tình hình các thảm họa

a) Khái niệm

Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng do con người gây ra, hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường.

b) Các loại thảm họa có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh

Với đặc điểm tình hình của tỉnh Bắc Ninh có thể sẽ phải đối mặt với các thảm họa như: Thảm họa chiến tranh; bão mạnh, siêu bão; ngập lụt; vỡ đê; cháy rừng; sập đổ công trình nhà cao tầng; cháy khu dân cư, khu đô thị; dịch bệnh... Trong đó, xác định thảm họa thường xuyên và gây thiệt hại lớn nhất đó là thảm họa do biến đổi khí hậu như lũ lụt, vỡ đê, ngập úng trên diện rộng, cháy rừng; thảm họa do dịch bệnh gây ra; thảm họa cháy nổ, sập đổ công trình...

c) Khu vực có thể xảy ra thảm họa

- Thảm họa chiến tranh, siêu bão, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh;

- Thảm họa lũ lụt có thể xảy ra trên 2 khu vực: Đức Long/Quế Võ; An Thịnh/Lương Tài;

- Thảm họa vỡ đê có thể xảy ra trên 5 khu vực: Tam Giang/Yên Phong; Tri Phương/Tiên Du; Việt Thống/Quế Võ; Cao Đức/Gia Bình; An Thịnh/ Lương Tài;

- Thảm họa cháy rừng có thể xảy ra tại Núi Chiều/Nam Sơn/TP Bắc Ninh; Núi Chè/Tiên Du; núi Châu Sơn/Quế Võ;

- Thảm họa sập đổ công trình nhà cao tầng có thể xảy ra trên một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh.

- Thảm họa cháy khu dân cư, đô thị có thể xảy ra trên 4 khu vực: Làng nghề Phong Khê; Chợ Nhớn/TP Bắc Ninh; Khu Công nghiệp Quế Võ, Yên Phong; các khu chung cư thuộc dự án Cát Tường;

- Thảm họa sự cố hóa chất độc: Tại nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và tồn trữ hóa chất độc ở các khu công nghiệp: Yên Phong, Quế Võ, Hoàn Sơn-Tiên Sơn, Vsip....

d) Đánh giá thiệt hại do thảm họa gây ra

Trong những năm gần đây, thiệt hại do thảm họa biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên phạm vi cả nước liên tục gia tăng và có những diễn biến phức tạp, khó lường. Thiên tai xảy ra liên tiếp như những cơn bão, siêu bão và áp thấp nhiệt đới, các trận lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại; mưa lớn xảy ra trên diện rộng; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ... Trên cả nước thảm họa do thiên tai đã làm 221 người chết và mất tích (năm 2018); 133 người chết và mất tích (năm 2019); 372 người chết và mất tích (năm 2020). Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (năm 2017); 20.000 tỷ đồng (năm 2018); 7.000 tỷ đồng (năm 2019); 38.400 tỷ đồng (năm 2020);

Ở cấp độ thảm họa cấp tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến nay chưa có đánh giá đầy đủ về thiệt hại do thảm họa gây ra.

3. Khả năng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó các thảm họa

a) Các đơn vị của Bộ, Quân khu làm nhiệm vụ ứng cứu trên địa bàn

Các đơn vị phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh tham gia xử trí tình huống gồm: Quân đoàn 2, Tiểu đoàn 62/f361, Trung đoàn 284/f365, Sư đoàn BB3, Lữ đoàn 575/QK1, Lữ đoàn 229/BCCB, Bệnh viện QY 110, Chi nhánh Viettel BN, Trường Sĩ quan Chính trị.

b) Lực lượng ứng phó các thảm họa

* Cấp tỉnh:

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh;

- Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh;

- Các cơ quan, đoàn thể của tỉnh: Các sở, ban, ngành, hiệp, hội...;

- Các doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp...

* Cấp huyện:

- Huyện ủy (Thị ủy, Thành ủy), UBND cấp huyện (TX, TP);

- Ban CHQS các huyện (TX, TP), Công an huyện (TX, TP);

- Các cơ quan, đoàn thể của huyện (TX, TP): Các phòng, ban, ngành, các tổ chức hiệp, hội...

* Cấp xã:

- Đảng ủy, UBND xã (phường, thị trấn);

- Ban CHQS xã, Công an xã (phường, thị trấn);

- Các ngành, đoàn thể của xã (phường, thị trấn).

* Lực lượng của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn tỉnh: Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Kỹ thuật-Hậu cần Công an nhân dân, Lữ đoàn 229/BCCB, Tiểu đoàn 62/f361, Trung đoàn 284/f365, Bệnh viện QY 110, Chi nhánh Viettel BN.

II. NHIỆM VỤ TRÊN GIAO

1. Công tác phòng ngừa các thảm họa

Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PTDS các cấp; kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ PTDS trong phạm vi địa phương quản lý. Xây dựng Kế hoạch PTDS; kế hoạch ứng phó với các thảm họa; xây dựng các công trình PTDS các cấp. Xây dựng Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng, khu vực khi xảy ra thảm họa, chiến tranh;

Tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm, các kiến thức, kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả với các thảm họa có thể xảy ra trên địa bàn, giảm thiệt hại thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân…Huấn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về phòng, chống chiến tranh, thảm họa cho các cơ quan, đơn vị và nhân dân;

Xây dựng kế hoạch và triển khai trồng rừng, quản lý bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái sông, hồ, đập…;

Lập kế hoạch và triển khai xây dựng thế trận ứng phó các thảm họa. Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng, chống thảm họa và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp, các ngành; củng cố hệ thống dự báo, thông báo, cảnh báo, báo động, bảo đảm thông tin thông suốt đến người dân trong khu vực nguy hiểm;

Hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội chủ lực, Công an đóng quân trên địa bàn, tổ chức lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó sự cố, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người và phương tiện bị nạn. Xây dựng kế hoạch sơ tán cho người và phương tiện ứng phó với sự cố, nguy cơ vỡ đê, động đất, bão mạnh, siêu bão; định kỳ hàng năm tổ chức huấn luyện, diễn tập theo quy định;

Thực hiện chế độ kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra thảm họa. Những vùng thường bị ngập sâu, bờ sông bị xói lở, cháy rừng; chất thải, nước thải của khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp và bệnh viện gây ra ô nhiễm, phải có phương án ứng phó, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật;

Có kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố hóa chất độc, bức xạ, hạt nhân, sinh học độc hại, sự cố môi trường theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan;

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, thuốc chữa bệnh, hóa chất, kế hoạch ứng phó với thương vong hàng loạt do thảm họa gây ra;

Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ PTDS.

2. Công tác ứng phó các thảm họa

* Khi xảy ra thảm họa

Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy PTDS các cấp (cơ quan quân sự địa phương) khi tiếp nhận thông tin về thảm họa, nhanh chóng xác minh thông tin, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy PTDS để chỉ đạo; tham mưu tổ chức hệ thống kết nối dự báo, thông báo, báo động và triển khai lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, nhân dân tham gia ứng phó thảm họa. Tổ chức chỉ huy, điều hành công tác ứng phó thảm họa, bảo đảm an toàn, an ninh, giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân;

Sơ tán nhân dân, sơ tán tài sản của nhà nước và nhân dân đến khu vực an toàn; tiến hành các biện pháp ngụy trang, che chắn, bảo đảm trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; lương thực, thực phẩm, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người trong khu vực xảy ra thảm hoạ;

Tổ chức lực lượng, phương tiện, vận dụng tốt phương châm "4 tại chỗ", tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả; sơ cứu, chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất; tiếp tế nhiên liệu, lương thực thực phẩm, thuốc men và các vật chất cần thiết khác đến các khu bị nạn, khu vực bị chia cắt, khôi phục sinh hoạt, hoạt động bình thường cho các lực lượng trong vùng xảy ra thảm hoạ;

Bảo đảm an ninh trật tự; đánh dấu, khoanh vùng tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng cho người và trang bị phương tiện kỹ thuật ở khu vực bị nhiễm xạ, sinh hoá, hoá chất độc hại; phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra thảm họa.

* Khắc phục sau thảm họa

Ban Chỉ huy PTDS các cấp tham mưu cho UBND cùng cấp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả thảm họa xảy ra trên địa bàn; đánh giá, xác định thiệt hại gây ra đối với người, tài sản, kinh tế và môi trường; tổng hợp, báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên. Tổng hợp kinh phí do tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố và báo cáo cấp trên để xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường theo quy định. Kết thúc ứng phó thảm họa, tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả theo quy định.

III. Ý ĐỊNH ỨNG PHÓ CÁC THẢM HỌA

1. Phương châm

Phòng tránh là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu kịp thời, an toàn, hiệu quả;

Bảo đảm an toàn cao nhất, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ);

Thông báo, báo động kịp thời, chính xác khi xảy ra thảm họa;

Huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, sơ tán, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản.

2. Khu vực ứng phó các thảm họa

- Thảm họa cháy rừng: Tại Núi Chiều/Nam Sơn/TP Bắc Ninh; Núi Chè/Tiên Du; núi Châu Sơn/Quế Võ;

- Thảm họa ngập lụt: Tại Đức Long/Quế Võ; An Thịnh/ Lương Tài;

- Thảm họa vỡ đê: Tại Tam Giang/Yên Phong; Tri Phương/Tiên Du; Việt Thống/Quế Võ; Cao Đức/Gia Bình; An Thịnh/ Lương Tài;

- Thảm họa sập đổ công trình nhà cao tầng tại một số công trình;

- Thảm họa cháy khu dân cư, đô thị: Tại Làng nghề Phong Khê; Chợ Nhớn/TP Bắc Ninh; Khu Công nghiệp Quế Võ; các khu chung cư thuộc dự án Cát Tường;

- Thảm họa sự cố hóa chất độc: Tại nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và tồn trữ hóa chất độc ở các khu công nghiệp: Yên Phong, Quế Võ, Hoàn Sơn – Tiên Sơn, Visip....

3. Tổ chức sử dụng lực lượng

a) Ứng phó thảm họa cháy rừng (Dự kiến cháy rừng Núi Chiều/Nam Sơn/TP Bắc Ninh; Núi Chè/Tiên Du; núi Châu Sơn/Quế Võ).

* Lực lượng tại chỗ

- Bộ phận chữa cháy: Nhân dân, dân quân tại chỗ; Ban CHQS xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra cháy; đội cảnh sát PCCC khu vực;

- Bộ phận tiếp nước: Công an huyện, Quân sự huyện;

- Bộ phận phát quang đường băng cản lửa: Trung đội DQCĐ xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra cháy;

- Bộ phận cứu thương: Lực lượng y tế xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra cháy;

- Bộ phận hậu cần: Các ngành, đoàn thể của xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra cháy;

- Bộ phận bảo vệ, tuần tra: Công an xã, dân phòng nơi xảy ra cháy;

- Bộ phận thông tin, truyền thông: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; đài truyền thanh của huyện (TX, TP); ngành thông tin quân đội, công an…;

- Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra cháy.

* Lực lượng tăng cường

- Công an tỉnh;

- Trung tâm y tế huyện (TX,TP) nơi xảy ra cháy;

- Bộ CHQS tỉnh; các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn tỉnh;

- Lực lượng Kiểm lâm tỉnh.

b) Ứng phó thảm họa sập đổ công trình

* Lực lượng tại chỗ

- Bộ phận tìm kiếm: Sử dụng lực lượng Công an, Ban CHQS huyện (TX, TP) và Trung đội công binh của Bộ CHQS tỉnh là nòng cốt;

- Bộ phận vận chuyển giải phóng mặt bằng: Trung đội Dân quân cơ động xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận cứu thương: Lực lượng y tế xã (phường, thị trấn), trung tâm y tế huyện (TX, TP) nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận hậu cần: Các ngành, đoàn thể của xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận tuần tra, bảo vệ: Công an xã (phường, thị trấn); dân phòng nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận thông tin, truyền thông: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; đài truyền thanh của huyện (TX, TP); ngành thông tin quân đội, công an…;

- Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện (TX, TP) nơi xảy ra thảm họa.

* Lực lượng tăng cường: Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh; lực lượng quân đội của Bộ và Quân khu đứng chân và làm nhiệm vụ ứng cứu trên địa bàn.

c) Ứng phó thảm họa cháy khu dân cư, khu đô thị

* Lực lượng chữa cháy tại chỗ

- Bộ phận chữa cháy: Ban quản lý chung cư, khách sạn; Công an PCCC khu vực; Công an, Ban CHQS huyện (TX, TP) và nhân dân nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận vận chuyển, sơ tán nhân dân: Trung đội DQCĐ xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận cứu thương: Lực lượng y tế xã (phường, thị trấn);

- Bộ phận hậu cần: Ban, ngành, đoàn thể của xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận tuần tra, bảo vệ: Công an xã (phường, thị trấn); dân phòng nơi xảy ra thảm họa;

- Bộ phận thông tin, truyền thông: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; đài truyền thanh của huyện (TX, TP); ngành thông tin quân đội, công an…;

- Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường: Chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn).

* Lực lượng tăng cường: Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh; lực lượng quân đội của Bộ và Quân khu đứng chân và làm nhiệm vụ ứng cứu trên địa bàn.

d) Ứng phó thảm họa vỡ đê; siêu bão; ngập lụt; nhiễm độc, nhiễm xạ…

Bộ phận tìm kiếm, ứng cứu tại chỗ

Lực lượng Quân đội (gồm lực lượng thường trực của tỉnh, huyện (TX, TP); các bDQCĐ của địa phương); các đội cừ, kè, xung kích 1, 2 của các xã (phường, thị trấn) nơi xảy ra thảm họa; các đơn vị của Bộ, Quân khu theo hiệp đồng; đội cơ động/công an tỉnh.

Bộ phận vận chuyển, sơ tán nhân dân

Sở Giao thông, vận tải; các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh, huyện.

Bộ phận cứu thương

Bệnh viện Quân y 110, Bệnh viện đa khoa tỉnh; các trung tâm y tế huyện (TX, TP); do Sở y tế chỉ đạo.

Bộ phận hậu cần, kỹ thuật

Các cơ quan, ban ngành có liên quan tham gia tự bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ.

Lực lượng bảo vệ, tuần tra

Công an tỉnh, huyện (TX, TP), xã (phường, thị trấn); dân phòng nơi xảy ra thảm họa.

Lực lượng thông tin, tuyên truyền

Sở, ngành Thông tin và truyền thông; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh; đài truyền thanh của huyện (TX, TP) ngành thông tin quân đội, công an, đội thông tin hỏa tốc của các xã (phường, thị trấn).

Khắc phục hậu quả

Các Sở TN&MT; Sở KH-ĐT; Sở GTVT; Sở Công thương; Sở NN&PTNT; Sở Y tế; Sở KH&CN; Sở Tài chính; các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện tham gia khắc phục hậu quả theo yêu cầu nhiệm vụ.

IV. NHIỆM VỤ CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Công tác phòng ngừa các thảm họa

1.1. Bộ CHQS tỉnh

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó các thảm họa; tổ chức tuyên truyền giáo dục, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức ứng phó các thảm họa cho lực lượng nòng cốt, cán bộ, đảng viên, công chức, học sinh, sinh viên, học viên và toàn dân trên lĩnh vực được phân công;

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh chỉ đạo xây dựng các công trình phòng, chống chiến tranh, ứng phó thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức việc nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào ứng phó các thảm họa.

1.2. Công an tỉnh

Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông, tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố thiên tai, dịch bệnh.

1.3. Sở Y tế

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng, huấn luyện lực lượng, huy động ngành y tế; đề xuất chủ chương đầu tư cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y theo quy định.

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện việc đảm bảo an ninh nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu ứng phó các thảm họa.

1.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chỉ đạo và điều phối việc tổ chức kiểm tra, xác định các khu vực có thể bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, dự kiến xác định thiệt hại và việc tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo thảm họa thiên nhiên, môi trường liên quan đến ứng phó các thảm họa.

1.6. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch đảm bảo ngân sách phục vụ công tác ứng phó với các thảm họa báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

1.7. Sở Giao thông vận tải

Xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án về sử dụng hạ tầng giao thông, các thiết bị, phương tiện, vật tư vận tải trong phạm vi phụ trách để thực hiện nhiệm vụ ứng phó các thảm họa.

1.8. Sở Xây dựng

Ban hành các văn bản hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình, xây dựng tầng hầm thuộc các nhà cao tầng, dự án đầu tư theo các yêu cầu phòng thủ dân sự; tổ chức các đội ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, hậu quả chiến tranh; xây dựng dự án công trình phòng thủ dân sự ở từng cấp, từng địa phương đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

1.9. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu khẩn cấp, xây dựng kế hoạch bảo đảm quyền ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực về phòng thủ dân sự; xây dựng mạng thông tin liên lạc, thông báo, báo động giữa các đài quan sát, trạm quan sát, trung tâm nghiên cứu với cơ quan thường trực phòng thủ dân sự các cấp theo quy định; tuyên truyền cho nhân dân nhận thức, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng thảm họa, sự cố để kích động chống phá.

1.10. Sở Công thương

Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, khai thác khoáng sản, hóa chất độc hại, vật liệu nổ công nghiệp để hạn chế nguy cơ xảy ra thảm họa trong lĩnh vực công nghiệp; quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu các loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm; xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

1.11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Triển khai các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự vào nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, người học thuộc giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự khi huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

1.12. Sở Giáo dục và Đào tạo

Triển khai các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự vào nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, người học thuộc giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; xây dựng, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

1.13. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuyển đổi dây chuyền sản xuất phục vụ cho nhu cầu ứng phó từng thảm họa, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự và Sở, ngành quản lý.

1.14. Các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức khác

Trình cấp có thầm quyền các văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền về nội dung, biện pháp phòng thủ dân sự; xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của Sở, ngành, cơ quan, tổ chức mình, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; chỉ đạo kịp thời việc tổ chức lực lượng, phương tiện của mình làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

1.15. Các huyện, thị xã, thành phố

Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của cấp mình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền xây dựng các kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện ứng phó với từng thảm họa có thể xảy ra trên phạm vi địa bàn quản lý.

2. Khi xảy ra thảm họa

2.1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

* Ứng phó thảm họa cháy rừng

- Huy động lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ phối hợp với lực lượng cơ động và lực lượng Công an phòng cháy chữa cháy sử dụng các trang thiết bị tham gia phát đường băng cản lửa, tiếp nước, bằng mọi biện pháp dập tắt đám cháy;

- Huy động lực lượng cơ động của tỉnh, sử dụng bộ đội nhanh chóng cơ động phối hợp với lực lượng tại chỗ dập tắt đám cháy;

- Hiệp đồng với các đơn vị của tỉnh, các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn phối hợp tham gia chữa cháy...;

- Tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân, cứu chữa người bị thương, tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

* Ứng phó thảm họa sập đổ công trình

- Huy động lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ phối hợp với lực lượng cơ động sử dụng các trang thiết bị tham gia tìm kiếm, giải cứu người dân và tài sản ra khỏi khu đổ sập.

- Hiệp đồng với các đơn vị của tỉnh, các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ và Quân khu đứng chân trên địa bàn phối hợp tham gia vận chuyển, giải phóng mặt bằng...

- Tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân, cứu chữa người bị thương, tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

* Ứng phó thảm họa cháy khu dân cư, khu đô thị

- Huy động lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ phối hợp với lực lượng cơ động và lực lượng Công an phòng cháy chữa cháy sử dụng các trang thiết bị tham gia tiếp nước, bằng mọi biện pháp dập tắt đám cháy;

- Huy động lực lượng cơ động của tỉnh, sử dụng bộ đội nhanh chóng cơ động phối hợp với lực lượng tại chỗ dập tắt đám cháy;

- Hiệp đồng với các đơn vị, các lực lượng chủ lực đứng chân trên địa bàn phối hợp tham gia chữa cháy...;

- Tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân, cứu chữa người bị thương tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

* Ứng phó với thảm họa hàng không dân dụng

- Huy động lực lượng cơ động của tỉnh, sử dụng bộ đội nhanh chóng cơ động phối hợp với Công an phong tỏa khu vực xảy ra thảm họa;

- Tổ chức lực lượng tìm kiếm, sơ cứu, vận chuyển thương vong, tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

* Ứng phó thảm họa vỡ đê; siêu bão; ngập lụt; nhiễm độc, nhiễm xạ...

- Huy động lực lượng cơ động của tỉnh, sử dụng bộ đội, lực lượng xung kích nhanh chóng cơ động cừ kè, bằng mọi biện pháp ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của thảm họa;

- Huy động dân quân cơ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, sơ tán nhân dân nhanh chóng ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng;

- Hiệp đồng với các đơn vị của tỉnh, các lực lượng chủ lực đứng chân trên địa bàn khắc phục hậu quả thảm họa gây ra.

2.2. Công an tỉnh

* Ứng phó thảm họa cháy rừng

- Huy động lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy, chủ trì phối hợp với đội cơ động, lực lượng Quân đội phát đường băng cản lửa, tiếp nước, bằng mọi biện pháp nghiệp vụ dập tắt đám cháy;

- Tổ chức các biện pháp ngăn chặn cháy lan, bảo vệ an toàn các khu dân cư lân cận, các khu vực rừng giáp ranh, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra;

- Huy động lực lượng cơ động phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân, cứu chữa người bị thương;

- Huy động lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, cứu nạn, cứu hộ, trật tự an toàn giao thông.

* Ứng phó thảm họa sập đổ công trình

- Huy động lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ sử dụng các trang thiết bị tham gia tìm kiếm, giải cứu người dân và tài sản ra khỏi khu đổ sập;

- Tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân, cứu chữa người bị thương.

* Ứng phó thảm họa cháy khu dân cư, khu đô thị

- Huy động lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với lực lượng tại chỗ và các lực lượng khác thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tìm kiếm, cứu người, tài sản và tổ chức dập tắt đám cháy;

- Huy động lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông tại khu vực xảy ra thảm họa.

* Ứng phó với thảm họa hàng không dân dụng

- Huy động lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng tại chỗ nhanh chóng cơ động phối hợp với lực lượng Quân đội phong tỏa khu vực xảy ra thảm họa;

- Huy động Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với lực lượng tại chỗ và các lực lượng khác thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tìm kiếm, cứu người, tài sản bị nạn và tổ chức dập tắt đám cháy. Tham gia điều tra nguyên nhân xảy ra thảm họa, tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

* Ứng phó thảm họa vỡ đê; siêu bão; ngập lụt; nhiễm độc, nhiễm xạ...

- Huy động lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng khác lập các chốt hướng dẫn giao thông, bảo đảm đường cơ động, ngăn chặn người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm;

- Huy động lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các lực lượng khác tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, sơ tán người dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

2.3. Sở Y tế

- Huy động nhân lực và phương tiện y tế phối hợp với lực lượng quân, dân y tại chỗ vận chuyển, sơ cứu, cấp cứu người bị nạn;

- Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh quy hoạch hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y, tăng cường năng lực thành lập các trạm cấp cứu hoặc bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly... bảo đảm ứng phó với từng thảm họa xảy ra.

2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Huy động lực lượng, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và nhân dân địa phương dùng mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của các thảm họa thiên tai.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Huy động lực lượng tổ chức kiểm tra, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn, hướng dẫn và cảnh báo việc xác định vị trí, khu vực ô nhiễm, đồng thời dự báo, cảnh báo thảm họa thiên nhiên, môi trường có thể xảy ra trong thời gian tiếp theo;

- Huy động lực lượng, phương tiện cơ động đến những khu vực có môi trường bị ảnh hưởng bởi các thảm họa gây ra; nhanh chóng dùng mọi biện pháp chuyên môn, phối hợp với các ngành, các cấp khắc phục hậu quả.

2.6. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về quản lý, sử dụng và bố trí kinh phí ngân sách thực hiện công tác phòng thủ dân sự.

2.7. Sở Giao thông vận tải

Thực hiện các kế hoạch, phương án sử dụng hạ tầng giao thông, các thiết bị, phương tiện, vật tư vận tải trong phạm vi phụ trách tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng phó các thảm họa. Chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy ứng phó các thảm họa tỉnh.

2.8. Sở Xây dựng

Huy động các đội ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, hậu quả chiến tranh; trực tiếp tham gia xây dựng các công trình phòng thủ dân sự ở các cấp theo yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

2.9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực theo các tần số trực canh, cấp cứu khẩn cấp; sử dụng mạng thông tin liên lạc, thông báo, báo động giữa các đài quan sát, trạm quan sát, trung tâm nghiên cứu với cơ quan thường trực phòng thủ dân sự các cấp;

- Huy động lực lượng, phương tiện của ngành tham gia bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng tiến hành tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự cho toàn dân nhận thức, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng thảm họa, sự cố để kích động chống phá.

2.10. Sở Công thương

Triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.

2.11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Hướng dẫn thực hiện và giải quyết các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.

2.12. Sở Giáo dục và Đào tạo

Huy động lực lượng của ngành và phối hợp với các lực lượng khác cùng tham gia ứng phó, khắc phục thảm họa.

2.13. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu ứng phó, khắc phục thảm họa; huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó theo sự chỉ đạo của BCH phòng thủ dân sự và sở, ngành quản lý.

2.14. Các sở, ngành, cơ quan, tổ chức khác

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền về nội dung, biện pháp phòng thủ dân sự; huy động lực lượng, phương tiện của mình tham gia ứng phó, khắc phục các thảm họa theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

2.15. Các huyện, thị xã, thành phố

Huy động lực lượng, phương tiện trực tiếp tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả của các thảm họa xảy ra trên địa bàn và theo lệnh điều động của cấp trên có thẩm quyền.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm thông tin, tuyên truyền

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các đơn vị thông tin của Quân đội, Công an bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác các sự việc, diễn biến của thảm họa đến các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự và nhân dân, không để xảy ra thiếu thông tin, mất liên lạc trong quá trình ứng phó với các thảm họa.

2. Bảo đảm hậu cần, kỹ thuật

Các cơ quan đơn vị có liên quan khi tham gia ứng phó với các thảm họa phải tự bảo đảm ăn, uống, sinh hoạt và phương tiện vật chất kỹ thuật cho các lực lượng tham gia.

VI. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

1. Lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các thảm họa: Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chỉ huy ứng phó với các thảm họa: Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự.

VII. CÁC MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1. Thời gian xây dựng và ban hành kế hoạch: Quý 1 năm 2021.

2. Hằng năm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và triển khai huấn luvện, luyện tập, diễn tập theo đúng quy định.

Căn cứ kế hoạch các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch ứng phó với các thảm họa theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mình phụ trách; các huyện (TX, TP) xây dựng kế hoạch phòng thủ cấp mình theo đúng quy định đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả; giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Cứu hộ-Cứu nạn/Bộ Quốc phòng (b/c);
- Bộ Tư lệnh Quân khu 1;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngànhm đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- L­ưu: VT, QS, CVP.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hương Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2021 về phòng thủ dân sự tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 195/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hương Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản