Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 194/KH-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT VÙNG VÀ HỖ TRỢ QUẢNG BÁ, KẾT NỐI CUNG - CẦU HÀNG HÓA GIỮA THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRONG LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện các Thông báo kết luận ghi nhớ, hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy các tỉnh, thành phố thời gian qua, theo tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, nhằm đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực công nghiệp, thương mại, phát huy thế mạnh, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa lợi thế của các địa phương, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương giai đoạn 2021 - 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Cụ thể hóa hình thức, phương thức triển khai hợp tác liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo nội dung thông báo kết luận, ghi nhớ, hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ các Tỉnh, Thành ủy các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của thành phố Hà Nội với nhau.

- Hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, hỗ trợ đưa hàng kênh phân phối nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường các nước thông qua một số kênh phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...), Hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tham gia tìm hiểu nguồn cung nông sản, nghiên cứu đầu tư, phát triển các cơ sở thu mua, chế biến tại thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước.

- Giới thiệu, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại tại các địa phương.

- Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, hướng dẫn các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp. Tăng cường các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Phối hợp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực Công Thương nhằm quản lý, hỗ trợ phát triển thị trường trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

- Chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong các dịp lễ, tết, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, bình ổn thị trường, phòng chống dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu:

Căn cứ mục đích nêu trên, các đơn vị chủ động phối hợp thực hiện Chương trình, nhằm tạo điều kiện để các bên tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trên cả nước.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

Năm 2021 và giai đoạn 2021-2025: Tăng cường đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội và các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị phát triển các kênh phân phối nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô (có biểu chương trình, nhiệm vụ thực hiện gửi kèm). Các nội dung cụ thể:

1. Công tác thông tin, quảng bá:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá về chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông lâm sản, thủy hải sản, trái cây, sản phẩm trong mùa vụ thu hoạch, sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố để người tiêu dùng thành phố Hà Nội biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng, thương hiệu, khả năng cung ứng, từ đó ưu tiên lựa chọn tiêu dùng sản phẩm. Phối hợp cung cấp thông tin, sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đến các kênh phân phối nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng, hướng dẫn trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các đơn vị, người nông dân sản xuất.

- Đẩy mạnh thông tin hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa trên các kênh truyền thông (Đài phát thanh & Truyền hình Việt Nam và Hà Nội; các Báo: Công Thương, Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, Nhân dân; VOV Giao thông...). Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về hoạt động sản xuất sản phẩm hàng hóa, sản phẩm mùa vụ thu hoạch của các địa phương (rau củ, thủy sản, trái cây: vải thiều, nhãn lồng, xoài, na...), góp phần đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, ổn định đời sống cho người nông dân; Cung cấp thông tin hoạt động hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của các kênh phân phối trên địa bàn Thủ đô đến người tiêu dùng biết, ưu tiên lựa chọn.

- Phát huy tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn tư nhân từ các tổ chức, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX... để tập trung thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội và các địa phương bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả (website đơn vị, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, hội chợ trực tuyến...).

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025:

- Tổ chức các đoàn cán bộ, doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước hàng năm (tổ chức, tham gia hội nghị, hoạt động giao thương, trưng bày sản phẩm; hỗ trợ đơn vị Hà Nội khảo sát địa điểm, ký kết hợp đồng, thỏa thuận ghi nhớ...), để giới thiệu, kết nối cung-cầu sản phẩm và hướng dẫn các đơn vị sản xuất các địa phương cung ứng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng thành phố Hà Nội và các địa phương; đồng thời, tổ chức khảo sát vùng sản xuất, địa điểm đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp, thương mại tại các địa phương: Trao đổi, cung cấp thông tin về quy hoạch phát triển thương mại, chính sách, dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của các địa phương đến doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu, tham gia đầu tư (Triển khai trong các mùa vụ trái cây, nông sản; kết hợp với diễn đàn, chương trình kết nối, giao thương của các địa phương)

- Tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán và các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia quảng bá, kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đặc biệt là sản phẩm có khó khăn trong việc tiêu thụ, xuất khẩu, sản phẩm trong mùa vụ.

- Tổ chức từ các hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, hỗ trợ một số tỉnh, thành phố có nhu cầu triển khai kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo nhu cầu của các địa phương. Tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa trong Khuôn khổ các Hội nghị, hoạt động giao thương.

- Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ, Triển lãm ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước: Theo quy mô, tính chất để tổ chức Khu gian hàng chung của thành phố Hà Nội, hỗ trợ thực hiện trang trí gian hàng các doanh nghiệp, hợp tác xã thành phố Hà Nội tham gia gian hàng Hội chợ các địa phương trong năm, quảng bá tốt hình ảnh, sản phẩm của Thủ đô.

3. Hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại thị trường Hà Nội:

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị các tỉnh, thành phố tham gia các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội hàng năm: Chương trình khuyến mại tập trung; Hội chợ Hàng Việt, tuần hàng Việt, Hội nghị kết nối, tiêu thụ, trưng bày sản phẩm hàng Việt, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Khu công nghiệp...

- Hàng năm, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các tuần lễ trái cây, hàng nông sản các tỉnh, thành phố tại thị trường Hà Nội nhằm hỗ trợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm các tỉnh, thành phố tới đơn vị phân phối, người tiêu dùng Thủ đô.

- Hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến để hỗ trợ tiêu thụ, đưa vào bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.

4. Khảo sát địa điểm để xây dựng và phát triển Điểm bán hàng cố định cho các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, thông tin, mời doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia, thực hiện.

5. Kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị, doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có uy tín, tích cực tham gia hoạt động quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

6. Kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm:

- Kinh phí thực hiện từ Ngân sách Nhà nước giao Sở Công Thương và các sở, ngành, dự kiến kinh phí từ nguồn ngân sách là 74,0 tỷ đồng (bảy mươi tư tỷ đồng).

- Nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch và các chính sách, cơ chế hỗ trợ liên quan; hàng năm, Sở Công Thương tổng hợp chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, cơ quan liên quan xây dựng nhiệm vụ, dự toán kinh phí triển khai Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương giai đoạn 2021 - 2025 gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố theo đúng quy định. Việc thanh quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định hiện hành của Trung ương và Thành phố.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật và an toàn phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể:

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tốt hoạt động quảng bá về chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa; các hoạt động, hình thức hỗ trợ quảng bá, kết nối của Hà Nội, chú trọng đến thông tin, kết nối cho sản phẩm trong mùa vụ thu hoạch, sản phẩm khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu.

- Chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể: Tổ chức Đoàn cán bộ, doanh nghiệp tham gia các hoạt động hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố; tham gia/tổ chức các Hội chợ, triển lãm ngành Công Thương; hội nghị giao thương trực tiếp với một số tỉnh, thành phố và các nội dung hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hàng hóa các địa phương; tổ chức Điểm bán sản phẩm cho các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các tuần lễ trái cây, hàng nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội do các tỉnh, thành phố chủ trì tổ chức, hỗ trợ hiệu quả hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tuần hàng..

- Thường xuyên rà soát, tổng hợp, cập nhật nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất Hà Nội và các tỉnh, thành phố, phục vụ trong công tác tổ chức các hình thức kết nối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Thường xuyên tổng hợp, cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn nhằm dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại.

- Vận động các kênh phân phối lớn trong nước và nước ngoài (Central Group, Lotte, Aeon, Co.opmart...) thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội nghị các nhà cung cấp của đơn vị để hướng dẫn, cập nhật quy trình vào hàng, thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo theo các hình thức trực tiếp, trực tuyến, hỗ trợ sản phẩm các doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối nước ngoài (Walmart, Lotte, Aeon, Central Group) theo Đề án, Chương trình của Bộ Công Thương.

- Hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến để hỗ trợ tiêu thụ, đưa vào bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.

- Hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố vào hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền, các tỉnh, thành phố.

- Triển khai hiệu quả hoạt động huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài theo Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024”, nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Chủ trì, phối hợp với các tập đoàn phân phối tổ chức hội nghị kết nối các ngành hàng Việt Nam với các nhà phân phối tại thị trường nước ngoài.

- Báo cáo đề xuất UBND Thành phố về công tác tổ chức Điểm bán hàng cố định các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung, cơ chế hỗ trợ thực hiện (nếu có); thông tin, mời doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia, thực hiện.

- Thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin, dự báo về tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa một số nhóm hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố, cung cấp bằng hình thức phù hợp tới các địa phương, đơn vị liên quan để chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

- Giới thiệu, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại tại các địa phương.

- Phối hợp với các sở, ngành cung cấp thông tin các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị Hà Nội và các địa phương biết, đăng ký tham gia. Tổ chức Đoàn cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia Hội chợ do Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức.

- Trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố: Tổ chức các đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, phát triển lĩnh vực Công Thương; Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin theo hình thức phù hợp về danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực Công Thương.

- Tổng hợp kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Cung cấp số liệu nguồn cung về hàng hóa, nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thuộc Thành phố và các tỉnh, thành phố liên quan (nếu có) gửi Sở Công Thương để tổng hợp, cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố tổ chức tốt các nội dung hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối và tham gia các Hội chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

- Chủ trì/phối hợp tổ chức/tham gia các Hội chợ, triển lãm nông sản, thực phẩm Tết, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội,

3. Sở Xây dựng: Phối hợp Sở Công Thương tiếp tục rà soát địa điểm tại các khu nhà ở xã hội, kiốt hoặc công trình trong khuôn viên Công viên công cộng để giới thiệu, khảo sát tổ chức Điểm bán sản phẩm cho các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố theo quy định.

5. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố:

- Phối hợp Sở Công Thương tổ chức tốt các nội dung hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương, giai đoạn 2021 - 2025. Giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã Hà Nội và các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia thực hiện và các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch.

- Chủ trì tổ chức, thực hiện hiệu quả các chương trình Xúc tiến thương mại, hoạt động liên kết theo Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố phê duyệt hàng năm nhằm kết nối doanh nghiệp, cung - cầu hàng hóa, tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước; tuyên truyền quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

- Thường xuyên rà soát, tổng hợp, cập nhật nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các đơn vị sản xuất Hà Nội và các tỉnh, thành phố, phục vụ trong công tác tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa trong nước và tại hệ thống phân phối nước ngoài. Phối hợp tổng hợp, cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại.

6. Sở Nội vụ: Giao Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Kế hoạch, góp phần đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố.

7. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Thường xuyên tổng hợp, thống kê các vùng trồng trọt, chăn nuôi, danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP... trên địa bàn có nhu cầu kết nối, tiêu thụ gửi Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố để được hỗ trợ trong công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức phù hợp thông qua các Chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm... tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

- Tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thường xuyên rà soát, giới thiệu địa điểm bán hàng cố định (nhà văn hóa, hội trường, các khu nhà trong khu dân cư, tòa nhà cao tầng, khu đất trống…) để tổ chức Điểm bán sản phẩm cho các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.

- Tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất tại địa phương tổ chức sản xuất theo hướng dẫn, khuyến cáo, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn; hỗ trợ thực hiện tốt các quy định của kênh phân phối để sản phẩm dễ dàng được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ.

- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp và theo quy định hiện hành.

8. Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất kinh doanh; làng nghề, đại diện làng nghề:

a, Các hội, hiệp hội:

- Phối hợp, tham gia tích cực vào các nội dung hoạt động của Kế hoạch nêu trên (Giao Sở Công Thương thông tin cụ thể các nội dung từng chương trình thực hiện hàng năm tới các đơn vị chủ động đề xuất nội dung tham dự).

- Thông tin các nội dung chương trình đến tất cả các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hội để nắm bắt thông tin, cử cán bộ tham dự, triển khai thực hiện.

b, Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, đơn vị sản xuất kinh doanh, xuất khẩu Hà Nội:

- Chủ động nghiên cứu, tham gia các nội dung chương trình được thông báo; Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các nội dung làm việc, sản phẩm, hình ảnh của đơn vị bằng hình thức phù hợp (tờ rơi, catalog...); các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, chất lượng sản phẩm có nhu cầu kết nối để giới thiệu, hướng dẫn kết nối tại các hội nghị giao thương, tuần lễ hàng nông sản và các hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu khác được tổ chức tại Hà Nội, các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối nước ngoài.

- Các đơn vị phân phối, chế biến, xuất khẩu chủ động thực hiện việc kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa bằng các hình thức phù hợp (cử đại diện tham gia Đoàn công tác, xuống trực tiếp các đơn vị sản xuất để hướng dẫn thực hiện....), đồng thời hướng dẫn các đơn vị, hợp tác xã sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; hỗ trợ đưa sản phẩm tiêu thụ tại các kênh phân phối tại thị trường nước ngoài.

Trên đây là nội dung Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương giai đoạn 2021 - 2025, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết hàng năm, cụ thể đối với từng nội dung chương trình, đảm bảo công tác phối hợp nhịp nhàng, triển khai tiến độ, hiệu quả và thường xuyên thông tin về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- UBND các tỉnh, thành phố (để ph/hợp);
- Vụ TTTN- Bộ Công Thương;
- Các S,B,N được giao nhiệm vụ tại KH; (để th/hiện);
- Các cơ quan thông tấn, báo chí;
- VPUB: CVP, PCVP V.T.Anh; KT, TKBT;
- Lưu VT, KT Ngân.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, NHIỆM VỤ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LIÊN KẾT VÙNG VÀ HỖ TRỢ QUẢNG BÁ, KẾT NỐI CUNG - CẦU HÀNG HÓA GIỮA THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRONG LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025.

(Ban hành kèm theo kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 06/10/2020 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Tên nội dung, nhiệm vụ

Mục tiêu

Nội dung thực hiện

Cơ quan thực hiện

Thời gian thực hiện

Dự kiến kinh phí 2021-2025

(triệu đồng)

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Hỗ trợ cung cấp thông tin, tuyên truyền về sản phẩm đến người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết, ưu tiên lựa chọn, hỗ trợ tiêu thụ

Tổ chức thông tin, tuyên truyền về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Hà Nội và các tỉnh, thành phố qua các bài viết, phóng sự thực hiện trên các báo, đài Trung ương, Hà Nội, ưu tiên các sản phẩm nông lâm thủy hải sản, trái cây mùa vụ, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội

Cơ quan báo, đài; đơn vị liên quan.

Hàng năm.

1.800

2

Tổ chức đoàn cán bộ, doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.

- Kết nối, khai thác, tiêu thụ nông sản thực phẩm, hàng hóa lợi thế các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia khảo sát vùng sản xuất, đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại, cơ sở sơ chế, chế biến tại các địa phương; kết nối vùng nguyên liệu...

- Quảng bá, kết nối sản phẩm Thủ đô tại thị trường các tỉnh, thành phố; tìm hiểu nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm của thương nhân các nước có chung biên giới.

Hàng năm, tổ chức từ 10 - 12 Đoàn công tác, mời Lãnh đạo, bộ phận thu mua các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm tham gia hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm; ưu tiên thực hiện trong các mùa vụ trái cây, nông sản, kết hợp với diễn đàn, chương trình của các tỉnh, thành phố

Sở Công Thương Hà Nội

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; Các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm

Hàng năm.

3.500

3

Tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán

Quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các đơn vị Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán

Tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán với quy mô khoảng 250 gian hàng, mời doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm; ưu tiên sản phẩm nông sản thực phẩm, trái cây, sản phẩm OCOP

Sở Công Thương Hà Nội

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; UBND quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm.

12.000

4

Tổ chức các sự kiện, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội

Quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội, đặc biệt là sản phẩm trong mùa vụ thu hoạch, khó khăn trong việc tiêu thụ; hỗ trợ kết nối được sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại

Hàng năm, tổ chức 08 Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại các kênh phân phối lớn của Hà Nội (Central Group, MM Mega Market, Co.opmart, Vinmart, BRG...), Quy mô mỗi tuần hàng từ 60 - 80 gian hàng.

Các sự kiện khác theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND Thành phố và đề nghị của các tỉnh, thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; UBND quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm.

27.000

5

Tổ chức hội nghị, hoạt động giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố

- Hướng dẫn các đơn vị sản xuất tham gia tìm hiểu quy trình, thủ tục giấy tờ để đưa hàng vào kênh phân phối.

- Kết nối, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị tham gia vào kênh phân phối

Hàng năm, tổ chức 05 - 07 hội nghị, hoạt động giao thương giữa thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố theo nhu cầu của các địa phương

Sở Công Thương Hà Nội

Trung tâm Xúc tiến ĐTTM DL Thành phố; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm.

10.000

6

Tổ chức Đoàn tham gia Hội chợ, triển lãm ngành Công Thương các tỉnh, thành phố

Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương; hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm hàng hóa, OCOP, công nghiệp nông thôn của Hà Nội tại thị trường các tỉnh, thành phố

Hàng năm, tổ chức từ 05 - 07 Đoàn tổ chức khu gian hàng Hà Nội tại Hội chợ, triển lãm các tỉnh, thành phố; với quy mô khu gian hàng Hà Nội tham gia từ 12 - 16 gian hàng tiêu chuẩn

Sở Công Thương Hà Nội

Trung tâm XTĐTTMDL TP; Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan

Hàng năm.

14.000

7

Tổ chức Điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội

Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức đưa hàng về các điểm bán cố định tại thị trường Hà Nội phục vụ người tiêu dùng thường xuyên trong năm

Khảo sát, giới thiệu địa điểm, hỗ trợ dựng kiot cho các tỉnh, thành phố lựa chọn, tổ chức Điểm bán sản phẩm cho các tỉnh, thành phố tại Hà Nội

Sở Công Thương Hà Nội

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan

Hàng năm.

3.000

8

Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội

Hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuận lợi trong việc tổ chức sự kiện tại Hà Nội trong công tác lưu thông hàng hóa, tuyên truyền, kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm

Các tỉnh, thành phố tổ chức tại Hà Nội mỗi năm từ 15 - 20 tuần hàng, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp hỗ trợ thực hiện trong công tác tuyên truyền, kết nối cung - cầu

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Sở Công Thương Hà Nội; các doanh nghiệp phân phối, đơn vị liên quan

Hàng năm

700

9

Hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung, khó khăn tiêu thụ trong các mùa vụ

- Phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt sản lượng hàng hóa, nhu cầu thị trường, công tác hỗ trợ kết nối các kênh phân phối;

- Tổ chức các sự kiện để hỗ trợ kết nối trước, trong và sau mùa vụ.

- Dự báo sản lượng hàng hóa, nhu cầu thị trường, tổ chức công tác tuyên truyền, hỗ trợ kết nối các kênh phân phối

Sở Công Thương Hà Nội

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phân phối Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Hàng năm

2.000

10

Động viên, khen thưởng các đơn vị, doanh nghiệp có thành tích, uy tín, tích cực tham gia hoạt động quảng bá, kết nối cung - cầu giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất đơn vị, doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố có thành tích, uy tín, tích cực tham gia hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa.

Phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề xuất UBND Thành phố tặng khen thưởng cho các doanh nghiệp, đơn vị có thành tích.

Sở Nội vụ Hà Nội (Ban Thi đua khen thưởng)

Sở Công Thương Hà Nội; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phân phối Hà Nội và các tỉnh, thành phố

Hàng năm

Nằm trong nguồn kinh phí khen thưởng của Thành phố

 

TỔNG CỘNG

74.000

 

Bằng chữ: Bảy mươi tư tỷ đồng chẵn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 194/KH-UBND năm 2020 về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Công Thương giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 194/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/10/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản