Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1908/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 14 tháng 10 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI KẾT QUẢ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 26 CÁC BÊN THAM GIA CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
2. Mục tiêu cụ thể
- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương được rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
- Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 70% xăng E5; giảm 22,5% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 29,7% trong nông nghiệp, 48% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 13,7% lượng hấp thụ các bon, 41,9% trong xử lý chất thải, 26,4% trong quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng.
- Đến năm 2030, đóng góp vào tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng điện; góp phần giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
- Hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, thị trường giao dịch tín chỉ các-bon. Đến năm 2030, thị trường các-bon trên địa bàn tỉnh được vận hành, liên thông, kết nối với thị trường các-bon trong nước.
- Các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu được bảo đảm cơ bản, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương, rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, cộng đồng được áp dụng rộng rãi. Phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển rừng bền vững.
- Thực hiện sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”, triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh.
- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu; phát triển đồng bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tăng cường năng lực, truyền thông phục vụ phát triển các-bon thấp, giảm phát thải.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon
- Phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối...); khuyến khích sử dụng nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon. Đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản phục vụ sản xuất pin, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện không phát thải.
- Tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
2. Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh
- Thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện. Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại khu vực đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.
- Thúc đẩy chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.
- Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.
3. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng
- Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, sử dụng công nghệ hiện đại, ít phát thải; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên hiện có để giảm phát thải, tăng lượng hấp thụ các-bon rừng; trồng rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng.
4. Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên
- Bảo vệ, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng vốn có trên địa bàn.
- Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, đặc biệt đối với các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động của xâm nhập mặn.
- Thực hiện chôn lấp chất thải rắn có thu hồi khí cho phát điện và chôn lấp bán hiếu khí, phát điện sinh khối; nhân rộng mô hình sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt; xử lý đốt chất thải rắn phát điện. Áp dụng mô hình tuần hoàn xử lý chất thải, đẩy mạnh triển khai phân loại rác tại nguồn.
5. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
- Đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ, các khu vực hay xảy ra sạt lở, lũ quét, các khu vực miền núi. Triển khai, nhân rộng các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và cộng đồng.
- Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai và năng lực truyền tin; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng đô thị thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu; quy hoạch, bố trí, di dời, sắp xếp dân cư, xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, đặc biệt là những vùng thường xuyên ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Phát triển và thực hiện thí điểm một số mô hình an sinh xã hội, chuyển đổi công bằng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái, xã hội của các vùng, miền.
6. Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông
- Đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực.
- Nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn cho một số lĩnh vực, vùng có tiềm năng, đảm bảo hiệu quả về chi phí và có thể mở rộng quy mô; nghiên cứu phát triển các vật liệu mới ít phát thải.
- Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu ở các cấp học.
7. Thúc đẩy ngoại giao khí hậu
- Vận động thu hút nguồn lực quốc tế (các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm...) thông qua trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của Lãnh đạo tỉnh với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và thúc đẩy thiết lập các quan hệ đối tác song phương và đa phương với các đối tác quốc tế.
- Tiếp thu kinh nghiệm, mô hình, thực tiễn tốt về thực hiện các cam kết tại COP26 ở các nước, các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi công nghiệp, giao thông và năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn.
III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
2. Huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển các-bon thấp. Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước nhằm tăng thêm nguồn đầu tư cho phát triển các-bon thấp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
- Chủ động đề xuất để huy động nguồn lực tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí kính và tham gia các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai thực hiện cam kết.
- Giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên hiện có để giảm phát thải, tăng lượng hấp thụ các-bon rừng; trồng rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng.
3. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, thủy điện, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối...).
- Giới thiệu các khu vực biển có tiềm năng về phát triển điện gió ngoài khơi để kêu gọi, thu hút đầu tư.
4. Sở Giao thông Vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện. Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại khu vực đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.
- Thúc đẩy chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.
5. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.
- Đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ.
- Rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng đô thị thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn cho một số lĩnh vực, vùng có tiềm năng, đảm bảo hiệu quả về chi phí và có thể mở rộng quy mô; nghiên cứu phát triển các vật liệu mới ít phát thải.
- Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khi cân đối được nguồn để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.
- Tích hợp lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 vào nội dung quy hoạch tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Rà soát, bổ sung các dự án ưu tiên, cấp bách vào kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định.
8. Sở Tài chính
- Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
9. Sở Ngoại vụ
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các hoạt động ngoại giao khí hậu, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để thu hút các nhà đầu tư vào Quảng Bình cho lĩnh vực biến đổi khí hậu.
10. Sở Thông tin và Truyền thông
Tổ chức triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo mục tiêu Kế hoạch đề ra.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia hưởng ứng, thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
11. Các sở, ban, ngành khác có liên quan
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Tích hợp lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tích hợp lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 vào nội dung quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
- Căn cứ vào tình hình, điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, báo cáo tình hình triển khai thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC I
CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN TRIỂN KHAI KẾT QUẢ HỘI NGHỊ COP26
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 1908/KH-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Bình)
STT | Nhóm nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện/hoàn thành |
1 | Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 10/2022 |
2 | Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 11/2022 |
3 | Ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 12/2022 |
4 | Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Công Thương | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 12/2022 |
5 | Ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Giao thông Vận tải | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 12/2022 |
6 | Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Tháng 12/2022 |
7 | Rà soát, cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) phù hợp với mục tiêu cam kết trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2023-2024 |
8 | Phát triển các nhà máy xử lý đốt chất thải rắn phát điện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2023-2030 |
9 | Phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Công Thương | Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2023-2030 |
10 | Đề án bảo vệ, phát triển và nâng cao năng suất chất lượng rừng, tăng lượng hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2022-2030 |
11 | Xây dựng kế hoạch truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 | Sở Thông tin và Truyền thông | Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2022-2023 |
PHỤ LỤC II
CÁC NHIỆM VỤ DÀI HẠN THỰC HIỆN MỤC TIÊU ĐẠT MỨC PHÁT THẢI RÒNG BẰNG “0” VÀO NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 1908/KH-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
STT | Nhóm nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện/hoàn thành |
I | Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon | |||
1 | Phát triển điện gió ngoài khơi và ven bờ; giải pháp lưu trữ năng lượng | Sở Công Thương | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Nâng cao năng lực vận hành các nguồn năng lượng mới; phát triển nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện | Sở Công Thương | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
II | Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh | |||
1 | Phát triển hạ tầng sạc điện/hydro, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh trên hệ thống quốc lộ và tại các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Giao thông Vận tải | Các bộ, ngành, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2050 |
2 | Thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Xây dựng | các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2027 |
3 | Nghiên cứu, xây dựng chương trình hiệu quả năng lượng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường nhà ở và phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh | Sở Xây dựng | các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2050 |
III | Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng | |||
1 | Xây dựng và triển khai phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
3 | Ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
4 | Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
5 | Phát triển các dịch vụ hệ sinh thái rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các sáng kiến hay hoạt động dịch vụ hệ sinh thái rừng; phát triển thị trường và cơ chế chi trả cho các loại hình dịch vụ hệ sinh thái rừng | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
6 | Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp để giảm phát thải và tăng hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
7 | Trồng rừng, phát triển rừng, ưu tiên rừng sản xuất, rừng gỗ lớn và rừng ven biển; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất được quy hoạch cho lâm nghiệp | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
8 | Triển khai các chương trình, dự án giảm phát thải và hấp thụ, lưu giữ các-bon rừng | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
9 | Nghiên cứu, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực đất rừng đảm bảo theo quy định của Luật Lâm nghiệp | Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
IV | Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên | |||
1 | Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy giảm, cạn kiệt và ô nhiễm; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, đặc biệt đối với các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; Điều tra, cập nhật, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải các sông chính trên địa bàn tỉnh Quảng Bình | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Bảo vệ, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
3 | Triển khai các biện pháp chôn lấp chất thải rắn có thu hồi khí cho phát điện và chôn lấp bán hiếu khí, phát điện sinh khối trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
4 | Xây dựng và triển khai các mô hình tuần hoàn xử lý chất thải, đẩy mạnh triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
5 | Triển khai mô hình tuần hoàn xử lý chất thải phục vụ sản xuất vật liệu nhựa sinh học, vật liệu tái chế, năng lượng trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
V | Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu | |||
1 | Phát triển các mô hình cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, ưu tiên khu vực ven biển | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
3 | Triển khai các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên (NbS), dựa vào hệ sinh thái (EbA) và dựa vào cộng đồng (CbA) trên địa bàn tỉnh | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
4 | Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn thiên tai và năng lực truyền tin trên địa bàn | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
5 | Xây dựng mô hình đô thị và cụm dân cư nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu | Sở Xây dựng | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
6 | Phát triển các mô hình an sinh xã hội, chuyển đổi công bằng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái, xã hội của các vùng trên địa bàn tỉnh | Sở Lao động, thương binh và xã hội | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
7 | Huy động các nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định | Ban Quản lý Khu kinh tế | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
VI | Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông | |||
1 | Nghiên cứu lồng ghép các giải pháp ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Bình | Sở Khoa học và Công nghệ | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu cho các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
3 | Nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình ngoại khóa của các cấp học trên địa bàn tỉnh | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
4 | Truyền thông, nhân rộng triển khai các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch xanh đối với các cơ sở hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh | Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
VII | Thúc đẩy ngoại giao khí hậu | |||
1 | Vận động thu hút nguồn lực quốc tế thông qua trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của Lãnh đạo cấp tỉnh với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thúc đẩy thiết lập các quan hệ đối tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế | Sở Ngoại vụ | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
2 | Học hỏi kinh nghiệm, mô hình, thực tiễn tốt của các nước để thực hiện các cam kết COP26 trên địa bàn tỉnh; tiếp thu các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi công nghệ, giao thông và năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2022-2030 |
- 1Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2022 thực hiện đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2Kế hoạch 1866/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 3Kế hoạch 3426/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 và đến năm 2050 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 4Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2022 triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 1Công ước khung về thay đổi khí hậu của Liên hợp quốc
- 2Luật Lâm nghiệp 2017
- 3Quyết định 84/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc tế về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Kế hoạch 181/KH-UBND năm 2022 thực hiện đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 6Kế hoạch 1866/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 7Kế hoạch 3426/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 và đến năm 2050 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 8Kế hoạch 259/KH-UBND năm 2022 triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La
Kế hoạch 1908/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- Số hiệu: 1908/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/10/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Đoàn Ngọc Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra