- 1Thông tư liên tịch 29/2013/TTLT-BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Công an - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Quyết định 5014/QĐ-BYT năm 2019 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 90/2016/NĐ-CP)
- 1Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
- 2Thông tư 73/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2016 hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình
- 4Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020
- 6Công văn 3784/BYT-AIDS năm 2020 về xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và kế hoạch PCAIDS năm 2021 do Bộ Y tế ban hành
- 7Quyết định 1246/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Thông tư 22/2020/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành
- 9Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tỉnh Ninh Bình
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 188/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 05 tháng 12 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
PHẦN I
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH
I. Các căn cứ pháp lý
- Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ngày 26/6/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 16/11/2020;
- Nghị quyết số 20/NQTW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
- Quyết định số 1246/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/8/2020 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;
- Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2020 quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế;
- Thông tư số 73/2017/TT-BYT ngày 17/07/2016 của Bộ Y tế quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
- Công văn số 3784/BYT-AIDS ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và Kế hoạch phòng chống AIDS năm 2021;
- Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí từ NSNN để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình;
- Kết luận số 82-KL/TU ngày 23/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025;
- Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tỉnh Ninh Bình;
II. Đánh giá tình hình đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2021
1. Tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2014-2021
1.1. Tình hình dịch HIV/AIDS
* Tính đến 31/12/2021, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là: 3.151 người, trong đó:
- Số nhiễm HIV còn sống: 1.838 người, trong đó:
- Lũy tích HIV tử vong là 1.313 người
* Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư là: 0,18% (1.838/993.920).
* Tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân phân bố ở các địa bàn dân cư:
Huyện thành phố | Hoa Lư | Kim Sơn | Nho Quan | TP Ninh Bình | Gia Viễn | Tam Điệp | Yên Khánh | Yên Mô |
Tỷ lệ/100 nghìn dân | 737,5 | 501,1 | 352,6 | 335,6 | 258,2 | 242,8 | 97,4 | 84,4 |
* Chiều hướng diễn biến của dịch trong những năm gần đây:
Năm/Chỉ số | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Số HIV mới phát hiện trong năm | 92 | 83 | 129 | 108 | 108 | 72 | 95 |
Số bệnh nhân AIDS điều trị trong năm | 59 | 78 | 74 | 90 | 32 | 74 | 108 |
Số tử vong do AIDS | 15 | 18 | 12 | 16 | 10 | 15 | 19 |
* Tình hình điều trị: Tính đến 31/12/2021, số người hiện đang được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú tỉnh Ninh Bình là 1.487 người.
- Số bệnh nhân đang điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng vi-rút HIV có tải lượng dưới ngưỡng ức chế, đạt 97,89%.
(Chi tiết tại Phụ lục I).
1.2. Nhận xét về tình hình dịch
Dịch HIV/AIDS tại Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung với tỷ lệ nhiễm cao trong nhóm nghiện chích ma túy (NCMT) chiếm khoảng 86% và thấp trong nhóm cộng đồng dân cư nói chung. Xu hướng nhiễm HIV gần đây chủ yếu là nam giới, độ tuổi lây nhiễm từ 15-49 tuổi chiếm khoảng 93% và lây qua đường máu. Các nhóm hành vi nguy cơ, bao gồm nhóm người NCMT, nhóm gái mại dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và nhóm di dân biến động. Đây là nhóm người có nguy cơ cao làm lây nhiễm HIV trong cộng đồng tuy nhiên lại rất khó quản lý và khó tiếp cận để tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
1.3. Xu hướng và nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng nói chung và các nhóm có hành vi nguy cơ
Tình hình dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm trong những năm gần đây; tuy nhiên, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát; tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao vẫn còn ở mức cao. Ninh Bình là tỉnh có nhiều điểm du lịch, nhiều khu công nghiệp, do đó sự biến động dân cư lớn, gia tăng số lượng công nhân trong tỉnh và từ các tỉnh khác về sinh sống làm ăn tại tỉnh. Đây là nhóm lao động trẻ tuổi, cùng với sự phát triển công nghiệp sẽ có nguy cơ kéo theo các tệ nạn xã hội, đồng thời là yếu tố tiềm tàng làm gia tăng sự lây nhiễm HIV nếu không có những giải pháp đồng bộ và kịp thời.
2. Tổng quan đáp ứng với dịch HIV/AIDS giai đoạn 2014-2021
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ứng phó kịp thời để phòng chống, chấm dứt dịch bệnh AIDS; cụ thể một số nội dung:
- Hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông: Giai đoạn 2014-2021, hoạt động thông tin giáo dục truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị và các địa phương đã triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS (chi tiết kết quả hoạt động tại Phụ lục II - Bảng 1).
- Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: trong giai đoạn qua, trên toàn tỉnh đã thực hiện một số chương trình như: Chương trình phân phát bơm kim tiêm (BKT) sạch, thu gom BKT bẩn cho người NCMT; Chương trình phân phát bao cao su (BCS) cho các hành vi tình dục không an toàn ; Chương trình Methadone (chi tiết kết quả tại Phụ lục II - Bảng 2).
- Hoạt động chăm sóc điều trị HIV/AIDS: tính đến 31/12/2021, tổng số bệnh nhân tỉnh Ninh Bình đang điều trị ARV là 1.566 người (247 người đang điều trị tỉnh khác). Trong giai đoạn 2014-2021, đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho 86.488 phụ nữ mang thai, kết quả 98,11% phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Công tác phối hợp lao/HIV: số bệnh nhân lao được tư vấn xét nghiệm HIV đạt 97,06%, tất cả các bệnh nhân khi phát hiện đều được tư vấn và điều trị theo đúng quy trình (chi tiết tại Phụ lục II - Bảng 3).
- Hoạt động theo dõi, giám sát dịch HIV/AIDS: Kiện toàn và triển khai hoạt động của các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại 8/8 huyện, thành phố; đẩy mạnh hoạt động tại các phòng tư vấn xét nghiệm. Triển khai quản lý bệnh nhân HIV/AIDS trên phần mềm quản lý và điều trị ARV; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật về can thiệp giảm tác hại, chương trình phòng chống HIV/AIDS; triển khai thực hiện rà soát cập nhật số liệu người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai (chi tiết tại Phụ lục II - Bảng 4).
- Hoạt động nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS: Hằng năm tổ chức tập huấn cho các điểm cấp thuốc trên địa bàn tỉnh về theo dõi đánh giá giám sát hoạt động phòng chống HIV/AIDS; tập huấn cho các nhân viên tiếp cận cộng đồng trên toàn tỉnh.
III. Tình hình đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2021
1. Tình hình huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2021
- Nguồn ngân sách Nhà nước được cấp từ Trung ương: tổng kinh phí được cấp từ năm 2014-2021 là 8.858 triệu đồng.
- Nguồn ngân sách Nhà nước được địa phương cấp: tổng kinh phí Kế hoạch đảm bảo tài chính giai đoạn 2015-2021 là 35.736 triệu đồng.
- Nguồn các dự án viện trợ quốc tế (Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS): tổng kinh phí được cấp từ năm 2014-2021 là 7.342 triệu đồng.
- Nguồn xã hội hóa (thu dịch vụ) và BHYT: 6.548 triệu đồng.
(Chi tiết theo Biểu số 01- Phụ lục III kèm theo)
2. Mức độ đáp ứng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2021
- Tổng kinh phí đề xuất đã được UBND/HĐND phê duyệt tại Kế hoạch đảm bảo tài chính của tỉnh giai đoạn 2014-2021 là 80.288 triệu đồng.
Ngân sách địa phương là 21.370 triệu đồng.
Ngân sách trung ương là 32.427 triệu đồng.
Bảo hiểm Y tế là 2.023 triệu đồng.
Người dân (thu dịch vụ) là 24.467 triệu đồng.
- Tổng kinh phí thực tế đã huy động được cho từng chương trình / dự án giai đoạn 2014-2021 là 58.484 triệu đồng.
Ngân sách địa phương là 35.736 triệu đồng.
Ngân sách trung ương là 8.858 triệu đồng.
Bảo hiểm Y tế là 171 triệu đồng.
Người dân (thu dịch vụ) là 6.377 triệu đồng.
Viện trợ là 7.342 triệu đồng.
- Mức độ đáp ứng giữa kinh phí huy động và nhu cầu kinh phí: trong giai đoạn 2014-2021 khả năng huy động nguồn ngân sách địa phương đã đáp ứng so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên việc huy động các nguồn kinh phí khác còn lại như: Ngân sách Trung ương, Bảo hiểm Y tế,… còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí thực tế để triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách toàn diện và bền vững.
3. Đánh giá hiệu quả về đầu tư kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2014-2021
Trong những năm qua, việc sử dụng kinh phí do nhà nước cấp cùng kinh phí tài trợ từ các dự án được triển khai tại tỉnh đã tác động tích cực đến tình hình dịch HIV/AIDS của tỉnh, mang lại một số thành tựu nhất định, góp phần khống chế, không cho dịch HIV/AIDS lây lan nhanh như những năm trước.
- Số người nhiễm mới HIV, số người nhiễm HIV chuyển qua giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS giảm dần từ năm 2014 đến nay, trong khi số mẫu xét nghiệm tăng lên hàng năm. Theo số liệu ước tính, nếu giảm 01 trường hợp nhiễm HIV sẽ giảm được chi phí điều trị HIV, chi phí chăm sóc sức khỏe thiết yếu ước tính khoảng 3.500.000 đồng/bệnh nhân.
- Số người sử dụng các chất dạng thuốc phiện, quan hệ tình dục không an toàn dễ dàng được nhận các dịch vụ can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV như bơm kim tiêm, bao cao su, tư vấn xét nghiệm tự nguyện… tại các điểm đã triển khai dịch vụ.
- Hiện tại số bệnh nhân đang điều trị methadone tại tỉnh là 832 người, nếu không tham gia điều trị methadone, trung bình 1 người nghiện chích ma túy sử dụng từ 500.000 đồng/ngày - 1.500.000 đồng/ngày cho việc sử dụng ma túy, trong khi đó bệnh nhân tham gia điều trị methadone chỉ phải chi trả bình quân 300.000 đồng/tháng - 500.000 đồng/tháng.
- Các bệnh nhân tham gia điều trị Methadone giảm hẳn các hành vi vi phạm pháp luật; do sức khỏe, thể chất được nâng cao, họ tham gia vào lao động sản xuất mà không nghĩ đến trộm cắp, cướp giật…. An ninh, trật tự xã hội trên địa bản triển khai điều trị Methadone được đảm bảo và ngày càng tốt lên do hạn chế được sự gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy, buôn bán, sử dụng ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
Đạt được các kết quả trên là do chúng ta có đầy đủ các hành lang pháp lý, đồng thời có sự đảm bảo tài chính của địa phương, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong toàn tỉnh.
PHẦN II
ƯỚC TÍNH NHU CẦU THIẾU HỤT KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2022-2030
I. Ước tính nhu cầu kinh phí cho giai đoạn 2022- 2030
1. Cơ sở để xác định nhu cầu
- Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu, nội dung, giải pháp, các hoạt động chính của Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
- Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện Chiến lược Quốc gia với các chỉ tiêu, mục tiêu can thiệp trên các nhóm đối tượng nguy cơ nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS tỉnh Ninh Bình vào năm 2030;
- Nội dung chi, mức chi cho từng hoạt động theo các quy định hiện hành (các văn bản hướng dẫn nội dung chi, mức chi đối với nguồn NSNN), giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT theo quy định hiện hành, ước kinh phí giai đoạn 2021-
2023 một số khung giá (thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị ….) căn cứ trên giá thực tế đã mua cuối năm 2021.
2. Tính toán để xác định nhu cầu
- Phương pháp ước tính / xác định nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2030 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại hướng dẫn số 3784/BYT-AIDS ngày 15/7/2020. Nhu cầu kinh phí được tính toán dựa trên công cụ ước tính nhu cầu kinh phí do Bộ Y tế xây dựng và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện thống nhất đối với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
- Căn cứ vào các phân tích trên đây và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan của trung ương, tổng nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2030 được ước tính và thống kê (chi tiết theo biểu số 2 - Phụ lục III).
II. Ước tính khả năng huy động kinh phí giai đoạn 2022-2030
1. Dự kiến những nguồn kinh phí có thể huy động
- Ngân sách Trung ương đảm bảo thuốc ARV cho các đối tượng cấp phát miễn phí theo quy định, thuốc methadone và một số vật phẩm can thiệp giảm tác hại.
- Ngân sách địa phương cấp có mục tiêu cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Ngân sách viện trợ từ các dự án Quốc tế.
- Bảo hiểm Y tế chi trả toàn bộ cho các chi phí điều trị HIV/AIDS.
- Nguồn xã hội hóa (đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS).
- Người sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tự chi trả một số dịch vụ.
- Các nguồn thu hợp pháp khác...
2. Ước tính số kinh phí có thể huy động được từ tất cả các nguồn:
Ước tính tổng kinh phí huy động được từ tất cả các nguồn tại mục 1 nêu trên là 144.844 triệu đồng. Bao gồm:
- Ngân sách Trung ương là 17.205 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương cấp có mục tiêu cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là 18.000 triệu đồng.
- Ngân sách viện trợ từ các dự án Quốc tế là 9.781 triệu đồng.
- Bảo hiểm Y tế chi trả chi phí điều trị HIV/AIDS là 67.440 triệu đồng.
- Nguồn Xã hội hóa là 32.417 triệu đồng.
(Chi tiết theo biểu số 03- Phụ lục III kèm theo)
3. Ước tính sự thiếu hụt kinh phí giai đoạn 2022-2030
Từ các phân tích trên, cho thấy để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại tỉnh Ninh Bình vào năm 2030 thì còn thiếu hụt kinh phí (chi tiết theo biểu số 04 - phụ lục III).
4. Nguyên nhân của sự thiếu hụt tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2030
- Ngân sách Nhà nước trung ương chỉ hỗ trợ cho các hạng mục thiết yếu theo như hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Viện trợ quốc tế đã có lộ trình cắt giảm và chuyển sang hình thức hỗ trợ kỹ thuật thay vì cung cấp dịch vụ trực tiếp. Nguồn kinh phí này chỉ mang tính hỗ trợ;
- Nhu cầu mở rộng độ bao phủ các can thiệp hiệu quả, tăng cường áp dụng các mô hình can thiệp mới; Số lượng bệnh nhân AIDS, bệnh nhân điều trị thay thế nghiện thuốc phiện ngày càng tăng, ..
- Kinh tế phát triển, quản lý nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm dân di biến động tại các khu công nghiệp ngày càng trở nên cần thiết, nhu cầu truyền thông và chi phí tư vấn, xét nghiệm giám sát tăng, các giải pháp dự phòng sớm cần mở rộng.
- Chưa huy động được các nguồn kinh phí từ các tổ chức xã hội và từ người dân đóng góp do sự phân biệt kỳ thị đối xử, cơ chế tài chính cho việc tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ của các tổ chức xã hội…chưa rõ ràng, chưa khuyến khích được các nguồn xã hội hóa…
PHẦN III
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TÀI CHÍNH CHẤM DỨT BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030
I. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh ninh bình bảo đảm tài chính nhằm chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030
1. HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng.
2. Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới
3. Ngân sách địa phương là nguồn tài chính quan trọng đảm bảo chủ động cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương; triển khai và sử dụng có hiệu quả các khoản hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách nhà nước trung ương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
4. Tiếp tục vận động và huy động nguồn viện trợ quốc tế để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể và bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc;
5. Tận dụng tối đa và phát huy các nguồn tài chính trong tỉnh bao gồm: Quỹ BHYT chi trả toàn bộ các dịch vụ trong phạm vi chi trả theo quy định; tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, các quỹ, các doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các nhóm người nhiễm HIV có khả năng tự chi trả.
6. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đạt chi phí - hiệu quả;
II. Mục tiêu của kế hoạch
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh Ninh Bình vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảm bảo nguồn tài chính bền vững nhằm chấm dứt bệnh AIDS đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu về chuyên môn
- Mở rộng và đổi mới các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt từ 85% trở lên vào năm 2030.
- Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm bạn tình, bạn chích; Tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030 (tính đến 31/12/2021 đạt 87,5%). Giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao; theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%, (tính đến 31/12/2021 đạt 85,2%), tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng dưới ngưỡng ức chế đạt 95% (tính đến 31/12/2021 đạt 97,89% ; hiện nay tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 2,55% phấn đấu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
- Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tỷ lệ nguồn tài chính trong nước đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2030.
2.2. Chỉ tiêu cụ thể
a. Nhóm chỉ tiêu tác động
(1) Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 40 trường hợp/năm vào năm 2030.
(2) Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030 (tính đến 15/11/2021 là 1,3/100.000 dân).
(3) Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (hiện nay tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 2,55%) vào năm 2030.
b. Nhóm chỉ tiêu về dự phòng
(1) Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.
(2) Tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
(3) Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
(4) Tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030.
(5) Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.
c. Nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm
(1) Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.
(2) Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
d. Nhóm chỉ tiêu về điều trị
(1) Tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% năm 2030.
(2) Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm.
(3) Tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 92% vào năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030.
(4) Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C đạt 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030.
e. Nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế
(1) Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt.
(2) Phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
(3) Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
(4) 100% số huyện, thành phố trong tỉnh có hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
III. Các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch
1. Nhóm giải pháp về huy động các nguồn tài chính
1.1. Ngân sách tỉnh
Tăng dần kinh phí ngân sách địa phương qua các năm theo các mục tiêu, phù hợp với diễn biến tình hình dịch và khả năng của tỉnh. Từng bước bù đắp nguồn kinh phí thiếu hụt do việc cắt giảm các nguồn tài trợ từ các dự án viện trợ và NSNN Trung ương để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhu cầu kinh phí cho hoạt động thiết yếu phục vụ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như:
- Kinh phí triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các tuyến.
- Đảm bảo 100% người nhiễm HIV có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình có thẻ BHYT, mua thẻ BHYT cho bệnh nhân chưa có thẻ (theo Kế hoạch số 111/KH- UBND về việc hỗ trợ NSNN để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình);
- Kinh phí liên quan đến phần cùng chi trả thuốc ARV cho các bệnh nhân HIV/AIDS (Điều 13 Thông tư số 22/2020/TT-BYT ngày 02/12/2020 của Bộ Y tế quy định về hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT);
- Hỗ trợ kinh phí khám và thuốc điều trị thuốc nghiện phần cùng chi trả cho các bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT theo Điều 2, Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 73/2017/TT-BYT ngày 17/07/2016 của Bộ Y tế quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (là thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người nghèo, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng).
1.2. Đảm bảo chi trả của quỹ BHYT cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS
- Tiếp tục thực hiện thanh toán khám, điều trị và cấp thuốc ARV qua nguồn Quỹ bảo hiểm y tế cùng chi trả cho người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của Chính phủ;
- Tiếp tục kiện toàn và đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được Quỹ BHYT chi trả theo đúng quy định.
1.3. Huy động sự tham gia từ các nguồn viện trợ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
- Đưa nội dung vận động kêu gọi tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS vào hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ của tỉnh.
- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và phân bổ kinh phí hằng năm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp.
- Thực hiện hiệu quả các nguồn kinh phí từ các dự án hợp tác quốc tế thông qua hoạt động cung cấp thuốc ARV, Methadone trên địa bàn tỉnh.
1.4. Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS
Duy trì, mở rộng công tác xã hội hóa chi phí KCB cùng chi trả của bệnh nhân có thẻ BHYT chương trình điều trị Methadone; Tư vấn các xét nghiệm HIV, cung ứng bao cao su, bơm kim tiêm, thuốc ARV; Sinh phẩm xét nghiệm HIV, vật phẩm can thiệp cho đối tượng nguy cơ cao,….
2. Nhóm giải pháp tổ chức, quản lý, điều phối và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí
2.1. Hoàn thiện cơ chế điều phối, phân bổ nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được:
- Đẩy mạnh tính chủ động trong việc điều phối, phân bổ và sử dụng nguồn lực tránh chồng chéo.
- Hoàn thiện tiêu chí và cơ cấu phân bổ nguồn kinh phí huy động phù hợp với các đặc điểm về mức độ tình hình dịch, điều kiện địa lý, tình hình kinh tế - xã hội, khả năng tự đảm bảo kinh phí của địa phương. Tập trung ưu tiên kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS.
- Xây dựng lộ trình tiếp nhận các hoạt động và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả được thực hiện bởi kinh phí của các nhà tài trợ quốc tế theo từng giai đoạn, lĩnh vực và địa bàn.
2.2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn kinh phí:
- Tăng cường vai trò giám sát của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc các cấp đối với việc thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.
- Hằng năm, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính đối với chương trình, dự án thực hiện phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
- Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị, địa phương.
3. Nhóm giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực
- Gắn kết dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế tuyến cơ sở. Đẩy mạnh lồng ghép cung cấp các dịch vụ tương đồng tại tuyến cơ sở như: tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, điều trị ngoại trú HIV/AIDS và điều trị Methadone. Nhằm tận dụng được cơ sở hạ tầng và nhân lực tại các tuyến.
- Lồng ghép dịch vụ và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định hướng tăng chi phí - lợi ích: triển khai và mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ sớm với người sử dụng dịch vụ: Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng ở các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
PHẦN IV
KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Các hoạt động thực hiện kế hoạch
Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch HIV trong giai đoạn 2014-2021; ước tính, dự báo giai đoạn tới và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2030 tập trung đầu tư cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả cao, mang tính bền vững, gồm:
1. Dự phòng lây nhiễm HIV
1.1. Chương trình truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV gồm các hoạt động chủ yếu
Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện truyền thông trực tiếp cho cán bộ trong hệ thống y tế, người nhiễm HIV và các đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV,…; Xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; Mô hình các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, các nhóm người nhiễm, người dễ bị cảm nhiễm HIV tham gia phòng, chống HIV/AIDS và các mô hình dựa vào cộng đồng khác,...
1.2. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV
Đổi mới tư duy truyền thông phòng, chống HIV/AIDS không truyền thông hù dọa, huy động người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao tham gia hoạt động truyền thông; nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV tại cộng đồng, gia đình, nơi học tập, cơ sở y tế, nơi làm việc.
1.3. Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
Thực hiện cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn cho nhân viên tiếp cận cộng đồng để họ tiếp cận đối tượng để truyền thông, tư vấn vấn, chuyển gửi và cung cấp vật dụng can thiệp trong dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao như trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, phân phát bao cao su cho nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam và các hành vi tình dục không an toàn;
Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao, qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân; triển khai điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PEP).
1.4. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone:
- Giai đoạn từ năm 2022:
Duy trì 6 cơ sở điều trị, 02 điểm cấp phát Methadone. Tiếp tục truyền thông đến các đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn để bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ điều trị Methadone.
Thành lập 02 điểm cấp phát thuốc Methadone tại huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô để bệnh nhân nhận thuốc được thuận tiện;
Điều kiện về cơ sở vật chất và nhân sự tại Cơ sở điều trị Methadone thực hiện theo Quyết định 5014/QĐ-BYT ngày 24/10/2019 của Bộ Y tế về việc Công bố thủ tục hành chính lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS thuộc phạm vi chức năng của Bộ Y tế tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP và Nghị định số 90/2016/NĐ-CP.
- Giai đoạn từ năm 2023-2030: Duy trì hoạt động của 6 Cơ sở điều trị Methadone và 04 điểm cấp phát thuốc Methadone; Tiếp tục tổ chức truyền thông rộng rãi trong toàn tỉnh và phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành để người nghiện chất dạng thuốc phiện tiếp cận điều trị thuận lợi, có hiệu quả.
Bảng 5. Ước tính nhu cầu kinh phí điều trị Methadone giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030
Đơn vị: 1.000 đồng
TT | Năm | Ước tính số bệnh nhân điều trị Methadone | Ước tính nhu cầu kinh phí điều trị Methadone | Ghi chú |
1 | 2022 | 915 | 744.831 | Theo điểm 2, Điều 2, Quyết định 760/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 Hàng năm bố trí kinh phí phí từ ngân sách tỉnh để mua thuốc Methadone phục vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. |
2 | 2023 | 920 | 748.901 | |
3 | 2024 | 925 | 752.971 | |
4 | 2025 | 930 | 757.041 | |
5 | 2026 | 935 | 761.111 | |
6 | 2027 | 940 | 765.181 | |
7 | 2028 | 945 | 769.251 | |
8 | 2029 | 950 | 773.321 | |
9 | 2030 | 955 | 777.392 | |
Tổng | 6.850.000 |
| ||
Đơn giá: 247.800 đồng. Căn cứ theo Quyết định số 1.331/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc Methadone phục vụ công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. |
2. Chương trình xét nghiệm, giám sát dịch HIV/AIDS và đánh giá chương trình
2.1. Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV
- Đa dạng dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV;
- Ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới, phương pháp lấy mẫu mới trong chẩn đoán nhiễm HIV, xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV phù hợp;
- Đẩy mạnh các biện pháp để chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đến dịch vụ chăm sóc, điều trị ARV.
2.2. Giám sát phát hiện, điều tra, nghiên cứu
- Triển khai giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV tại cộng đồng và trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
- Thực hiện các điều tra, nghiên cứu để làm căn cứ khoa học, xác định và cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch triển khai chương trình.
- Củng cố và cải thiện hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV trong tỉnh; kết nối liên thông với hệ thống quản lý người nhiễm HIV trên toàn quốc.
3. Chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Thực hiện thanh toán khám, điều trị và cấp thuốc ARV qua nguồn BHYT tại 01/09 cơ sở điều trị HIV/AIDS trong năm 2021 và tiến tới thực hiện tại tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
- Củng cố, mở rộng hệ thống các phòng tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng và trong các trại giam, trại tạm giam. Tổ chức thực hiện các xét nghiệm theo dõi, đánh giá chất lượng, hiệu quả điều trị, phát hiện sớm các trường hợp kháng thuốc, các xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV.
- Tăng cường kiểm soát, phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp như Lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B, viêm gan C …
- Tăng cường triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng vi rút (PrEP) cho đối tượng nguy cơ cao và dự phòng sau phơi nhiễm.
- Triển khai gói dịch vụ toàn diện dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị cho mẹ và con, chăm sóc, hỗ trợ, theo dõi sau sinh,...
4. Chương trình giảm tác động của dịch HIV/AIDS
4.1. Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế cho người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
- Giám sát thực thi các quy định bảo vệ quyền người nhiễm HIV và chống kỳ thị phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV và những người dễ bị cảm nhiễm HIV.
- Khuyến khích hình thành các trung tâm chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm dựa vào cộng đồng. Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, từ thiện, các tổ chức nhân đạo hình thành các khu chăm sóc bệnh nhân AIDS cuối đời, bệnh nhân AIDS không nơi nương tựa,...
4.2. Hỗ trợ người lớn và trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị nhiễm HIV/AIDS và người nghèo dễ bị cảm nhiễm HIV/AIDS nhận trợ cấp xã hội: xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cho người nghèo bị ảnh hưởng HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội là người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng HIV thuộc đối tượng cận nghèo.
4.3. Xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người bị nhiễm
HIV/AIDS, người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm:
- Xây dựng các chính sách tạo công ăn việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS và giám sát trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc chống kỳ thị và phân biệt với người nhiễm HIV trong tuyển dụng lao động.
- Xây dựng các chương trình đào tạo nghề cho người nhiễm HIV và những người dễ bị cảm nhiễm HIV/AIDS và người nghiện ma túy tuân thủ điều trị Methadone đáp ứng thị trường lao động và theo dõi hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
5. Tăng cường năng lực hệ thống y tế
- Tổ chức giao ban định kỳ nhằm cung cấp thông tin về việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp thuộc địa phương quản lý.
- Tăng cường triển khai có hiệu quả Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.
- Xây dựng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật xây dựng kế hoạch và triển khai các mô hình xã hội hóa với sự tham gia của y tế tư nhân và các tổ chức xã hội trong một số chương trình can thiệp.
- Tập huấn về công tác tổ chức, điều hành và quản lý cho các Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp nhằm tăng cường năng lực tổ chức, quản lý và điều hành trong phạm vi quản lý.
- Tập huấn năng lực tổ chức, quản lý và điều hành và lập kế hoạch dựa vào bằng chứng cho các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS các tuyến.
- Tổ chức tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, công tác phối hợp liên ngành, công tác huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
- Tổ chức hội thảo phổ biến các kết quả và bài học kinh nghiệm về tổ chức các mô hình can thiệp có hiệu quả nhằm kêu gọi và vận động sự tham gia của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
6. Nguồn lực bảo đảm
6.1. Nguồn nhân lực
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh;
- Kiện toàn và củng cố tổ chức, bảo đảm nhận lực công tác phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến tỉnh đến địa phương;
- Đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để củng cố và tăng cường năng lực mạng lưới phòng, chống HIV tuyến huyện và xã.
6.2. Kinh phí thực hiện
- Ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án có liên quan đang thực hiện trên địa bàn tỉnh; các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
- Hằng năm, căn cứ nội dung kế hoạch và tình hình thực tế, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh.
II. Theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện kế hoạch
- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp tiến độ và báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo định kỳ việc thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch.
- Hoạt động báo cáo các nội dung về kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch được đưa vào chương trình các kỳ họp định kỳ của Ban chỉ đạo.
III. Tổ chức thực hiện
1. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội & xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh (Ban chỉ đạo)
Chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện và giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Y tế
- Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hoạt động, dự toán kinh phí phòng chống HIV/AIDS hàng năm của tỉnh (cùng với dự toán hàng năm). Phối hợp với Sở Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ...;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng mức chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS; mức phí thu và sử dụng phí thu được từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định;
3. Sở Tài chính
Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn hàng năm về phòng, chống HIV/AIDS, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan xây dựng Kế hoạch nguồn nhân lực cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể huy động tài chính cho công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tuyên truyền ở cơ sở theo thẩm quyền;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thực hiện thông tin, truyền thông về HIV/AIDS như một hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị bằng nguồn ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chỉ tiêu cho truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên phương tiện truyền thông đại chúng bằng các nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị truyền thông.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Nghiên cứu đề xuất triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, bệnh nhân điều trị methadone, người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, qua đó có điều kiện tạo thu nhập và có thể tự chi trả một phần chi phí khi tham gia dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS;
- Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tạo điều kiện để nhiều người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được với chính sách xã hội hiện hành dành cho người dễ bị tổn thương;
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hóa và thể thao, Công an tỉnh từng bước xã hội hóa chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV, trong đó chú trọng triển khai chương trình BCS tại các dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí theo các hướng dẫn cập nhật.
8. Sở Văn hóa và Thể thao
- Phối hợp với Sở Y tế khi triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo Thông tư liên tịch 29/2013/TTLT- BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH ngày 30/9/2013 về việc Hướng dẫn việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú;
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống HIV/AIDS như một hoạt động thường xuyên, liên tục bằng nguồn ngân sách hằng năm của đơn vị;
- Phối hợp triển khai rộng khắp phong trào “toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt tại cộng đồng ở cơ sở.
10. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị thực hiện các điều kiện cần thiết để sẵn sàng khám, điều trị và cấp thuốc ARV qua nguồn Bảo hiểm y tế;
- Phối hợp Sở Y tế tăng cường tuyên truyền cho người dân, đặc biệt bệnh nhân HIV/AIDS tham gia Bảo hiểm y tế.
- Thực hiện thanh quyết toán các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS qua nguồn Bảo hiểm y tế. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
11. Công an tỉnh
- Phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở điều trị và quản lý người bệnh tại địa phương trong quá trình triển khai Kế hoạch;
- Chỉ đạo các lực lượng liên phối hợp với ngành y tế rà soát, nắm chắc tình hình người có nguy cơ lây nhiễm bệnh và bệnh nhân HIV/AIDS hoặc Methadone trong cộng đồng có hành vi vi phạm pháp luật để kịp thời xử lý theo quy định.
12. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khác của tỉnh
Ngoài nguồn kinh phí được giao, chủ động huy động nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để bổ sung nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS; tập trung chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định.
13. Đề nghị Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong tỉnh
- Chủ động tham gia, triển khai thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mình;
- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương tăng cường huy động các tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được;
- Triển khai rộng khắp phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động do tổ chức mình phụ trách; hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân chia sẻ, động viên, giảm thiểu sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và xã hội
14. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn;
- Chỉ đạo lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, giải pháp của kế hoạch này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn do địa phương trực tiếp quản lý; đưa các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Chủ động đầu tư, bố trí ngân sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và theo các mục tiêu đã xác định tại Kế hoạch này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 4110/KH-UBND năm 2022 thực hiện chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 2Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2022 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 3Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 4Kế hoạch 236/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 5Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2023 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 1Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
- 2Thông tư liên tịch 29/2013/TTLT-BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su tại cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Công an - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Thông tư 73/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2016 hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại tỉnh Ninh Bình
- 5Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020
- 7Quyết định 5014/QĐ-BYT năm 2019 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực Phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 90/2016/NĐ-CP)
- 8Công văn 3784/BYT-AIDS năm 2020 về xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và kế hoạch PCAIDS năm 2021 do Bộ Y tế ban hành
- 9Quyết định 1246/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Thông tư 22/2020/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành
- 11Kế hoạch 4110/KH-UBND năm 2022 thực hiện chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 12Kế hoạch 199/KH-UBND năm 2022 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 13Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 14Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tỉnh Ninh Bình
- 15Kế hoạch 236/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 16Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2023 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2022 về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Số hiệu: 188/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 05/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định