Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1810/KH-UBND

Gia Lai, ngày 24 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG, KIỆN TOÀN LỰC LƯỢNG, BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/2024/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT), Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 87/2024/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai quy định chi tiết một số nội dung về chế độ, mức chi cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Quyết định số 37/2024/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai Quy định số lượng Tổ bảo vệ ANTT cần thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai; UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng, kiện toàn lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động và chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với các nội dung cụ thể sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Quan điểm

- Quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng, phát triển mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, hướng tới xây dựng nền ANND, thế trận ANND vững chắc gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với nền Quốc phòng toàn dân và xây dựng thế trận lòng dân rộng khắp, sát với cơ sở.

- Cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm phù hợp, không trái, không xung đột với các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định hiện hành của địa phương; nâng cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, là cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của lực lượng Công an nhân dân;

- Nâng cao trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Mục tiêu, yêu cầu

2.1. Mục tiêu, yêu cầu tổng quát

Xây dựng Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đúng quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên nền tảng kiện toàn thống nhất từ lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ Dân phố, Đội trưởng và đội phó đội Dân phòng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của tỉnh; xây dựng, bố trí đủ số lượng và đảm bảo chất lượng; thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, có đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể

- Phấn đấu đến ngày 10/8/2024, thành lập 100% Tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai; bảo đảm mỗi Tổ có ít nhất 3 thành viên, tối đa không quá 7 thành viên; có đủ 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và các Tổ viên.

- Tuyển chọn, bố trí Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 13 Luật số 30/2023/QH15; 100% thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được bồi dưỡng, huấn luyện về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an; tự giác, tự nguyện, trách nhiệm, tích cực trong tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANNT ở cơ sở

1.1. Về tổ chức, số lượng thành viên

- Căn cứ quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh về Tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT, UBND tỉnh thành lập 1.577 Tổ bảo vệ ANTT tương ứng với 1.577 thôn, tổ dân phố trên địa bàn; số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT ít nhất là 3 và nhiều nhất là 7 thành viên.

- Trước mắt, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện) lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức xây dựng, kiện toàn Tổ bảo vệ ANTT theo 02 mức số lượng thành viên: gồm 697 Tổ bảo vệ ANTT, mỗi Tổ có 4 thành viên và 880 Tổ bảo vệ ANTT, mỗi Tổ có 03 thành viên nhằm bảo đảm không gây biến động, xáo trộn lớn về lực lượng, bảo đảm được yêu cầu công tác bảo vệ ANTT địa bàn và đặc biệt là bảo đảm nguồn lực ngân sách. Theo đó, tổng cộng số lượng thành viên Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn có 5.428 người, gồm 1.577 Tổ trưởng, 1.577 Tổ phó và 2.274 Tổ viên; trong đó, dự kiến tiếp tục tuyển chọn, sử dụng 1.373 CAXBCT, 902 BVDP và 1.830 Đội trưởng, Đội phó dân phòng; tuyển mới 1.323 người (đây là số Đội trưởng, Đội phó dân phòng do Công an xã, Bảo vệ dân phố kiêm nhiệm) đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định tại Điều 13 Luật số 30/2023/QH15.

- Từ năm 2025 trở về sau, căn cứ quy mô dân số và khả năng bảo đảm ngân sách của địa phương, giao UBND cấp huyện xem xét, quyết định bố trí thêm số lượng thành viên của từng Tổ bảo vệ ANTT phù hợp yêu cầu công tác bảo đảm ANTT nhưng tối đa không quá 7 thành viên/Tổ bảo vệ ANTT; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo (Giao Công an tỉnh là đầu mối tổng hợp, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo vấn đề này).

1.2. Kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Giao UBND cấp huyện lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực lượng Công an xã căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục hồ sơ tuyển chọn, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn liên quan; căn cứ số lượng thành viên của từng tổ bảo vệ ANTT ở địa bàn phụ trách và thực trạng nguồn nhân lực trên địa bàn để tổ chức đánh giá, lựa chọn, giới thiệu nhân sự và tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp thực hiện quy trình công nhận, bố trí, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ ANTT bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện pháp luật quy định, hoàn thành trước ngày 10/8/2024.

2. Phương án kiện toàn lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Đội trưởng, đội phó dân phòng để thống nhất thành Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

2.1. Đối với địa bàn các thôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn đang bố trí, sử dụng lực lượng CAXBCT và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng ưu tiên kiện toàn theo hướng:

a) Đối với chức danh Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Ưu tiên bổ nhiệm đồng chí CAXBCT tại thôn làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Đội trưởng Đội dân phòng.

b) Đối với chức danh Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Ưu tiên bổ nhiệm, kiện toàn từ đồng chí Đội trưởng Đội dân phòng thành Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Đội phó Đội dân phòng.

c) Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự:

+ Đối với Tổ bảo vệ ANTT được bố trí 4 thành viên: Ưu tiên tuyển chọn, kiện toàn Tổ viên là đồng chí Đội phó Đội dân phòng; đồng thời, tuyển mới 01 công dân bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

+ Đối với Tổ bảo vệ ANTT được bố trí 3 thành viên: Ưu tiên tuyển chọn, kiện toàn Tổ viên từ đồng chí Đội phó Đội dân phòng.

* Trường hợp đồng chí CAXBCT tại thôn và Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng không có nguyện vọng tiếp tục tham gia Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc là những trường hợp tuổi đời cao (số Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng có tuổi đời từ 70 trở lên) hoặc thuộc trường hợp có trình độ, năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành được đánh giá chưa tiêu biểu, chưa tốt thì xem xét tuyển chọn, bổ nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự và lựa chọn thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo thứ tự ưu tiên lần lượt như sau: Đội trưởng Đội dân phòng, Đội phó Đội dân phòng, Đội viên Đội dân phòng và công dân có nguyện vọng tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự đáp ứng, phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn được quy định trong Luật.

2.2. Đối với địa bàn tổ dân phố thuộc phường, thị trấn bố trí Bảo vệ dân phố ưu tiên kiện toàn theo hướng:

a) Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Ưu tiên bổ nhiệm đồng chí Trưởng ban hoặc Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và đồng thời thực hiện nhiệm vụ Đội trưởng Đội dân phòng. Các tổ dân phố còn lại kiện toàn bổ nhiệm đồng chí Tổ trưởng Bảo vệ dân phố làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ Đội trưởng Đội dân phòng (do mỗi phường chỉ có 1 đồng chí Trưởng ban và 01 đồng chí Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố).

b) Đối với chức danh Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Kiện toàn, bổ nhiệm đồng chí Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố làm Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (Nếu đồng chí Trưởng Ban và Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố ở chung 01 Tổ bảo vệ ANTT), đồng thời thực hiện nhiệm vụ Đội phó Đội dân phòng. Các tổ dân phố còn lại kiện toàn bổ nhiệm đồng chí Tổ phó tổ Bảo vệ dân phố làm Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và thực hiện nhiệm vụ Đội phó Đội dân phòng.

c) Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự:

+ Đối với Tổ bảo vệ ANTT bố trí 4 thành viên: Ưu tiên kiện toàn, công nhận Đội trưởng và Đội phó Đội dân phòng làm Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

+ Đối với Tổ bảo vệ ANTT bố trí 3 thành viên: Ưu tiên kiện toàn Đội trưởng đội dân phòng làm Tổ viên Tổ bảo vệ.

- Trường hợp các đồng chí Trưởng ban, Phó ban Bảo vệ dân phố, Tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố, Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố không có nguyện vọng tiếp tục tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc không đủ các điều kiện tiêu chuẩn (về sức khoẻ, độ tuổi, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý, điều hành....) thì theo thứ tự ưu tiên trên để xem xét bổ nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hoặc lựa chọn, công nhận công dân có nguyện vọng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được quy định trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có khả đáp ứng tốt, phù hợp với yêu cầu công tác bảo vệ ANTT ở địa phương.

2.3. Quan điểm đề ra thứ tự ưu tiên trong thực hiện kiện toàn nêu trên

Hiện tại, một số thôn, tổ dân phố bố trí đồng chí Công an xã bán chuyên trách kiêm Đội trưởng hoặc Đội phó Đội dân phòng; Trưởng ban, Phó trưởng ban, Tổ trưởng Bảo vệ dân phố kiêm nhiệm các chức danh của Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc các chức danh của người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Do vậy để đảm bảo tính thống nhất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thứ tự ưu tiên nêu trên.

- Lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố được thành lập từ lâu; gắn bó với địa bàn và trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở trong nhiều năm qua. Nhiều đồng chí Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố có thời gian tham gia công tác liên tục hàng chục năm so với lực lượng Dân phòng được thành lập từ năm 2022 đến nay được 2 năm. Như vậy, việc lựa chọn phương án nêu trên hạn chế tối đa việc tác động đến chính sách và cũng để đảm bảo nguyên tắc hạn chế việc tác động, bảo đảm chế độ chính sách trên cơ sở động viên, ghi nhận đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố hàng năm thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó có nhiều đồng chí đã được đào tạo hệ Trung cấp Công an nhân dân. Do vậy, xét về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đối với hoạt động của tổ bảo vệ an ninh trật tự có nhiều ưu điểm hơn. Trong khi đó, lực lượng Dân phòng về cơ bản được thành lập với chức năng thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn khu dân cư; thời gian công tác ngắn hơn, một số đồng chí chưa từng tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở…

3. Đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

3.1. Bố trí địa điểm, nơi làm việc

- Điều 20, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương (Hiện tại, mỗi thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng, phần lớn Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Công an cấp xã) có trụ sở làm việc độc lập).

- Căn cứ quy định của pháp luật và thực trạng tình hình của địa phương, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trụ sở sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố trên địa bàn, trụ sở làm việc của Công an cấp xã và các trụ sở khác hiện có trên địa bàn đảm bảo được các yêu cầu, điều kiện an toàn, bảo đảm diện tích, không gian làm việc, tiện nghi, vị trí giao thông thuận lợi, không dột nát, hư hỏng (ưu tiên những địa điểm đã có trang bị, phương tiện như bàn, ghế, giường tủ,…) để tính toán, bố trí làm nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3.2. Trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ

Thực hiện theo Điều 21 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và quy định tại Điều 8 Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Giao Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp rà soát, thống kê, tổng hợp, điều chỉnh bố trí bảo đảm trang bị, công cụ hỗ trợ cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoặc kiến nghị đề xuất Bộ Công an trang cấp đủ số lượng, chủng loại theo quy định cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ ANTT; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo, giao trách nhiệm đến từng cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng CCHT cấp cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

3.3. Bảo đảm các chế độ, chính sách, hỗ trợ, bồi dưỡng, tập huấn cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

a) Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng: Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 2.070.000 đồng; Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 1.350.000 đồng; Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 1.080.000 đồng.

b) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 10% trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; được hỗ trợ 30%mức đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng hộ gia đình; trường hợp người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc đối tượng được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo các chính sách ưu đãi khác của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai cao hơn mức hỗ trợ trên thì được hưởng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.

c) Người tham gia Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được hưởng mức tiền bồi dưỡng 130.000 đồng/người/ngày; làm nhiệm vụ vào ngày nghỉ, ngày lễ được hưởng mức tiền bồi dưỡng 300.000 đồng/người/ngày. Khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng 50.000 đồng/người/ngày nếu làm việc dưới 04 giờ/ngày; 100.000 đồng/người/ngày nếu làm việc từ 04 giờ/ngày trở lên. Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm bằng 70% so với mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng hiện hưởng. Các chế độ bồi dưỡng trên do cấp trực tiếp quyết định triệu tập, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ chịu trách nhiệm bảo đảm chi ngân sách.

d) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ thì được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện; chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được hưởng mức trợ cấp như sau: (1) Được hỗ trợ 30% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị tai nạn, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện; (2) trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5,0% đến dưới 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp được quy định như sau: suy giảm 5,0% khả năng lao động được hưởng 9.000.000 đồng/người; sau đó, cứ suy giảm thêm 1,0% thì được hưởng thêm 900.000 đồng/người; (3) trường hợp tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng 540.000 đồng/người/tháng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1,0% thì được hưởng thêm 36.000 đồng/người/tháng; (4) trường hợp tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền mai táng bằng số tiền 14.400.000 đồng và tiền tuất một lần bằng số tiền 9.000.000 đồng.

đ) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận thống nhất theo mẫu tiêu chuẩn, số lượng, định mức do Chính phủ, Bộ Công an quy định; hàng năm được quan tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chính trị, pháp luật nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an; được quan tâm hỗ trợ kinh phí bảo đảm điều kiện hoạt động theo mức tối đa không quá 02 triệu đồng/Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở/năm.

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức tập huấn chính trị, pháp luật, nghiệp vụ hàng năm (riêng năm 2024, giao Sở Tài chính phối hợp Công an tỉnh chuyển nguồn kinh phí đã phân bổ cho nhiệm vụ chi tập huấn lực lượng Công an xã bán chuyên trách và Bảo vệ dân phố để tập huấn cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở); giao UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện ngân sách của địa phương hỗ trợ kinh phí bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc phạm vi phụ trách theo mức tối đa không quá 02 triệu đồng/Tổ bảo vệ ANTT/năm.

e) Ngoài các chế độ, chính sách trên, căn cứ tình hình, yêu cầu công tác bảo đảm ANTT, giao lực lượng Công an có kế hoạch tham mưu UBND cùng cấp tổ chức các hoạt động diễn tập, hội thi, phát động các phong trào thi đua, khen thưởng trong Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo đúng quy định của Luật và phù hợp với khả năng, điều kiện ngân sách của từng cấp, trên tinh thần cấp nào trực tiếp tổ chức thì cấp đó chủ động bảo đảm ngân sách thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện Kế hoạch

1.1. Từ nay đến hết năm 2024

- Tổ chức kiện toàn thống nhất tổ chức, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT từ 03 lực lượng (Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ Dân phố và Đội trưởng, Đội phó đội Dân phòng) thành 1.577 Tổ bảo vệ ANTT, bố trí thành viên mỗi Tổ theo 02 mức (mức 3 thành viên/Tổ và mức 04 thành viên/Tổ), gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và các Tổ viên, hoàn thành việc kiện toàn trước ngày 31/7/2024. Đối với các Tổ chưa đủ thành viên theo Quyết định của UBND tỉnh thì chủ động thực hiện công tác tuyển chọn bổ sung đủ số lượng theo tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ và Thông tư số 14/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, hoàn thành trước ngày 10/8/2024.

- Tổ chức ra mắt hoạt động Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của Bộ Công an.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Công an, đảm bảo tập huấn 100% các thành viên được kiện toàn.

1.2. Từ năm 2025 về sau

- Tiếp tục tuyển chọn, xây dựng, kiện toàn tổ chức, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng phù hợp yêu cầu công tác bảo vệ ANTT của địa phương.

- Định kỳ hàng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

- Quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị và hỗ trợ các điều kiện khác bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

2. Trách nhiệm thực hiện

2.1. Công an tỉnh

- Chủ trì và là đầu mối, có trách nhiệm điều hành, theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch;

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT, quyết định công nhận thành viên Tổ bảo vệ ANTT theo đúng quy định.

- Hàng năm, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố dự trù kinh phí, trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Quản lý việc sử dụng trang, thiết bị, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp thực tế yêu cầu công tác.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thi, diễn tập cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Tổng hợp kết quả triển khai, thực hiện kiện toàn tổ chức, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gửi về UBND tỉnh trước ngày 25/8/2024 để theo dõi, chỉ đạo.

2.2. Sở Tài chính

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí của các sở, ngành, cơ quan liên quan, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí chi thường xuyên theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị trang phục... bảo đảm ra mắt hoạt động cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo nội dung của Kế hoạch.

2.3. Các sở ngành, khác có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách của ngành phối hợp Công an tỉnh thực hiện hiệu quả các nội dung Kế hoạch này. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động triển khai Luật nói chung và các nội dung liên quan quy trình, thủ tục, hồ sơ tuyển dụng, công nhận, thực hiện chế độ, chính sách cho Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở...

2.4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

- Căn cứ nội dung Kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể địa phương và Nhân dân. Chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp tham mưu công tác kiện toàn tổ chức, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Thực hiện chế độ hỗ trợ, chính sách cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng nghỉ việc; hỗ trợ thôi việc và các chế độ chính sách khác đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự theo các quy định hiện hành.

- Chủ động bố trí địa điểm, nơi làm việc cho Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự đảm bảo yêu cầu công tác, phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Báo cáo kết quả triển khai, thực hiện kiện toàn tổ chức, lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 20/8/2024 để theo dõi, chỉ đạo.

Căn cứ nội dung kế hoạch này, các sở, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, báo cáo đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (thay báo cáo);
- Thường trực HĐND (thay báo cáo);
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh;
- Công an tỉnh (để triển khai thực hiện);
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, KTTH, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thanh Lịch

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1810/KH-UBND năm 2024 xây dựng, kiện toàn lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chín​h sách đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 1810/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Lịch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản