Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1732/KH-UBND

Hà Nam, ngày 28 tháng 06 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HẬU KIỂM AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2018

Thực hiện Kế hoạch số 315/KH-BCĐTWVSATTP ngày 16/4/2018 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm.

- Góp phần ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP.

2. Yêu cầu:

- Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát 01 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.

- Hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đối với nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, sản phẩm sản xuất tại các cơ sở không được cấp một trong các giấy chứng nhận sau: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc diện miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

- Kết hợp hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn do cơ sở tự công bố/đăng ký bản công bố hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật được cơ sở công bố áp dụng.

- Có sự phân công trách nhiệm hậu kiểm và phối hợp giữa Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các huyện/thành phố đúng quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40, 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

- Phối hợp hậu kiểm với tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP, trách nhiệm của cơ sở/người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm ATTP; phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các lĩnh vực quản lý Nhà nước có liên quan, quy định xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về ATTP theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

II. NỘI DUNG HẬU KIỂM

1. Trách nhiệm hậu kiểm

1.1. Sở Y tế:

Sở Y tế giao đơn vị chức năng của Sở phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao đơn vị chức năng của Sở phối hợp với cơ quan chức năng liên quan hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

1.3. Sở Công Thương:

Sở Công Thương giao các đơn vị chức năng của Sở phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

1.4. UBND các huyện, thành phố:

Giao các đơn vị chức năng và chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn trên địa bàn hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm theo sự phân công, phân cấp; hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quy định tại Điều 5, 8 Thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

1.5. Đối với những cơ sở được nêu tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, cơ quan quản lý được quy định tại các khoản này có trách nhiệm thực hiện hậu kiểm.

2. Thời gian và địa bàn hậu kiểm

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2018

- Địa bàn: Trên phạm vi toàn tỉnh

3. Trọng tâm nội dung hậu kiểm

3.1. Hậu kiểm về công bố sản phẩm

Hậu kiểm việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.2. Hậu kiểm về điều kiện bảo đảm ATTP

Hậu kiểm cơ sở thuộc diện cấp và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.3. Hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu

Tập trung hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm theo thứ tự ưu tiên sau: Các sản phẩm thuộc diện miễn kiểm tra Nhà nước về ATTP nhập khẩu quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, sản phẩm/lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm, sản phẩm/lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra thông thường (đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).

3.4. Hậu kiểm về ghi nhãn

Thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.5. Hậu kiểm về quảng cáo

Tập trung hậu kiểm về quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.6. Hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm

Thực hiện theo quy định tại Chương X Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.7. Hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm:

Thực hiện theo quy định tại Chương XI Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

3.8. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố

Tập trung hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm ATTP, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; kiểm soát bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố.

III. XỬ LÝ VI PHẠM

Thông qua hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Việc áp dụng xử lý vi phạm phải đúng quy định pháp luật, kết quả xử lý công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố: Triển khai cụ thể Kế hoạch này; phân công cơ quan chủ trì hậu kiểm, cơ quan phối hợp; tổng hợp báo cáo kết quả hậu kiểm theo phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý trước ngày 20/12/2018.

Giao Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh và Trung ương trước ngày 25/12/2018.

2. Các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP

Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý lấy mẫu hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu hậu kiểm thực hiện theo quy định về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

3. Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh: Phối hợp các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tuyên truyền về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này; phối hợp chỉ đạo các huyện/thành phố tăng cường bảo đảm ATTP.

4. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông: Phối hợp các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tuyên truyền về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP, công khai cơ sở vi phạm về ATTP, sản phẩm vi phạm để mọi người dân biết.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Phối hợp chỉ đạo thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên; tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch phối hợp số 1561/KHPH-UBND-UBMTTQ ngày 15/7/2016 của UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về việc phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Kinh phí phục vụ cho công tác hậu kiểm về ATTP do ngân sách Trung ương và địa phương bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh tình hình kết quả thực hiện qua Sở Y tế (Chi Cục ATVSTP) để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ Liên ngành TƯ về VSATTP (để b/c);
- Bộ Y tế; Cục An toàn thực phẩm (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐLNVSATTP tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐVP(2), KGVX, KT, NN;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Quang Cẩm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1732/KH-UBND về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018 do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 1732/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Bùi Quang Cẩm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản