Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2021 - 2022

Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 - 2022; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 - 2022 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021: tối thiểu 279.121 người được tiêm vắc xin (toàn tỉnh có 558.242 người từ 18 tuổi trở lên).

- Trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến hết quý I năm 2022: trên 552.490 người được tiêm vắc xin (chi tiết tại phụ lục 1 kèm theo).

- Bảo đảm an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

II. NGUYÊN TẮC, THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI TRIỂN KHAI

1. Nguyên tắc

- Chiến dịch triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) trên toàn tỉnh.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân.

- Bảo đảm tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Bảo đảm tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%).

- Bảo đảm tối đa an toàn tiêm chủng.

2. Thời gian

Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

3. Đối tượng

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế, đó là:

(1) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

(2) Người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, Tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);

(3) Lực lượng Quân đội;

(4) Lực lượng Công an;

(5) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

(6) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

(7) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

(8) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

(9) Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi;

(10) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

(11) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

(12) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

(13) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu (cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, dược, vật tư y tế)... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

(14) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

(15) Các đối tượng là người làm việc tại các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân;

(16) Người lao động tự do;

(17) Các đối tượng khác theo quy định của Bộ Y tế hoặc UBND tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.

Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

4. Phạm vi triển khai

Trên quy mô toàn tỉnh, trong đó ưu tiên:

- Các huyện, thành phố đang có dịch.

- Các huyện có biên giới, giao lưu đi lại nhiều, có cửa khẩu Quốc tế.

5. Hình thức triển khai

Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định tại tỉnh, huyện và xã).

III. NỘI DUNG

1. Cung ứng vắc xin

1. 1. Tiếp nhận vắc xin, vật tư tiêm chủng

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh và Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố tiếp nhận vắc xin, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị được Bộ Y tế phân công vận chuyển đến tỉnh Lạng Sơn.

- Tuyến tỉnh: hệ thống dây truyền lạnh tai TTKSBT tỉnh đạt tiêu chuẩn GSP, có khả năng bảo  quản ở nhiệt độ 2 - 8°C tối đa 48.000 liều vắc xin Vero Cell (lọ/liều, hộp 3 lọ), các loại vắc xin khác đóng 10 liều/lọ có thể bảo quản nhiều hơn.

- Tuyến huyện: hệ thống dây truyền lạnh tại các huyện, thành phố có từ 1- 2 tủ lạnh có khả năng bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C (tối đa 8.400 liều đến 12.000 liều vắc xin), tổng cả tỉnh có thể bảo quản được 165.000 liều vắc xin vero cell (chi tiết tại phụ lục 2 kèm theo).

- Tuyến xã: có từ 1 - 2 bình/xã, thực hiện bảo quản vắc xin tiêm hàng ngày thông qua bình tích lạnh, bảo quản được 100 - 200 liều vắc xin.

1.2. Vận chuyển, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng

1.2.1. Vắc xin bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C

Thực hiện bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến.

a) Giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2021

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để vận chuyển, bảo quản vắc xin, vắc xin ở nhiệt độ từ 2° - 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển ở tất cả các tuyến.

- Các cơ sở tiêm chủng có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại cơ sở tiêm chủng trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các cơ sở tiêm chủng chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện cung cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các cơ sở tiêm chủng được trả lại TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện.

- Việc vận chuyển do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

b) Giai đoạn từ tháng 8/2021 trở đi

- Tại tuyến Trung ương sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh tại các đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản, vận chuyển vắc xin.

- Trong vòng 02 ngày sau khi có Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, các đơn vị của Bộ Quốc phòng thực hiện tiếp nhận vắc xin từ kho quốc gia, phối hợp với Sở Y tế, TTKSBT tỉnh cấp phát cho các TTYT tuyến huyện.

- Các cơ sở tiêm chủng có đủ dây chuyền lạnh thì bảo quản vắc xin tại cơ sở trong những ngày tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Đối với các cơ sở tiêm chủng chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, TTKSBT tỉnh, TTYT huyện, thành phố cấp bổ sung hoặc huy động tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các cơ sở tiêm chủng phải tạm thời bảo quản tại TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện và thông báo cho các đơn vị Bộ Quốc phòng để điều phối.

1.2.2. Vắc xin bảo quản ở nhiệt độ âm/âm sâu và có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C

a) Giai đoạn từ tháng 7 - 8/2021

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng tuyến Trung ương để vận chuyển, bảo quản vắc xin.

- Đơn vị cung ứng vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ âm/âm sâu và bàn giao cho TTKSBT tỉnh bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C.

- TTKSBT tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (trong trường hợp cần thiết) cấp cho TTYT tuyến huyện trong vòng 01 ngày kể từ khi nhận được vắc xin.

- Đối với các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin từ 2° - 8°C thì bảo quản vắc xin tại kho của đơn vị trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, TTKSBT tỉnh cấp vắc xin trước mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung hoặc huy động tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các đơn vị để triển khai chiến dịch.

- Vắc xin chưa mở còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị được trả lại cho TTYT tuyến huyện hoặc TTKSBT tỉnh để điều phối cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng trong thời hạn bảo quản ở nhiệt độ 2° - 8°C nếu cần thiết.

- Việc vận chuyển do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia thực hiện.

b) Giai đoạn từ tháng 8/2021 trở đi

- Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh tại các đơn vị của Bộ Quốc phòng để vận chuyển, bảo quản vắc xin.

- Đơn vị cung ứng vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ âm/âm sâu và bàn giao cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng để bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C.

- Trong vòng 02 ngày sau khi có quyết định phân bố vắc xin của Bộ Y tế, các đơn vị của Bộ Quốc phòng tiếp nhận vắc xin từ đơn vị cung ứng, phối hợp với Sở Y tế để cấp phát cho các TTYT tuyến huyện theo kế hoạch.

- TTYT tuyến huyện cấp phát vắc xin cho các xã, phường, thị trấn tiêm chủng trên địa bàn theo kế hoạch.

- Vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các cơ sở tiêm chủng phải tạm thời bảo quản tại TTKSBT tỉnh/TTYT tuyến huyện và thông báo cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng để điều phối. Tổng thời gian bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2° - 8°C theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý: vắc xin đã bảo quản ở nhiệt độ từ 2° - 8°C thì không đưa về bảo quản trở lại ở nhiệt độ âm.

1.2.3. Đối với vắc xin bảo quản ở nhiệt độ từ -25°C đến -15°C

Thực hiện bảo quản ở nhiệt độ từ -25° đến -15°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến.

a) Giai đoạn từ tháng 7 - 8/2021

- Đơn vị cung ứng giao vắc xin cho TTKSBT tỉnh, TTKSBT tỉnh với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (trong trường hợp cần thiết) hoặc huy động TTYT tuyến huyện để vận chuyển, cấp phát vắc xin ngay cho các điểm tiêm chủng theo kế hoạch.

- Việc vận chuyển do các đơn vị của Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia thực hiện.

b) Giai đoạn từ tháng 8/2021 trở đi

Đơn vị cung ứng vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ âm và bàn giao cho các các đơn vị của Bộ Quốc phòng ở nhiệt độ từ -25°C đến -15°C. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với Sở Y tế, TTKSBT tỉnh để cấp phát cho TTYT tuyến huyện để thực hiện cấp phát cho các điểm tiêm chủng bằng hòm lạnh và sử dụng đá khô để bảo quản theo kế hoạch.

Lưu ý: sau khi rã đông, vắc xin không dùng hết phải hủy bỏ theo quy định.

2. Tổ chức tiêm chủng

2.1. Tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng

- Rà soát, đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực... cho các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

- Lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; có kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

- Xây dựng tài liệu, chương trình, kế hoạch; các đơn vị phối hợp tập huấn cho cán bộ y tế về bảo quản, vận chuyển, sử dụng, theo dõi sự cố bất lợi và sau tiêm chủng cho từng loại vắc xin.

2.2. Tổ chức buổi tiêm chủng

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư đông đúc để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.

- Cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm chủng theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

- Các cơ sở điều trị tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Bảo đảm an toàn tiêm chủng

- Xây dựng các tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.

- Tiến hành khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh và TTYT tuyến huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3 - 4 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh dự phòng ít nhất 10 giường hồi sức tích cực, các TTYT dự phòng ít nhất 5 giường hồi sức tích cực để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng khác (Trạm Y tế xã, Bệnh xá, cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng dịch vụ...) phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các cơ quan, đơn vị sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Nền tảng bao gồm 4 thành phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn; (2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; (4) ứng dụng số sức khỏe điện tử.

5. Truyền thông

5.1. Nội dung truyền thông

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chú trọng truyền thông các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó chú trọng Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

- Truyền thông Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Trung ương và địa phương; hiệu quả của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

5.2. Các hoạt động truyền thông

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch và quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...

- Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Xây dựng các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; cung cấp trên kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để tuyến huyện sử dụng truyền thông đến người dân đi tiêm chủng.

- Thực hiện chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về chiến dịch tiêm chủng.

- Triển khai đường dây nóng của Sở Y tế, TTKSBT tỉnh cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông về các tấm gương điển hình trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tập huấn truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia chiến dịch tiêm chủng.

6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

7. Giám sát chất lượng vắc xin và hoạt động tiêm chủng

7.1. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

- Sở Y tế và các cơ quan liên quan tiến hành theo dõi, giám sát, đôn đốc các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm tiến độ tiêm chủng.

7.2. Báo cáo kết quả tiêm chủng

- Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả tiêm chủng báo cáo hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch tiêm chủng theo quy định.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.

8. Kinh phí thực hiện

8.1. Ngân sách Trung ương

- Cung cấp nguồn vắc xin, một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, pha vắc xin, hộp an toàn.

- Chi phí bồi thường cho một số trường hợp tử vong theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

8.2. Ngân sách tỉnh

Tổng dự toán kinh phí triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-

19 trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022 là: 11.752.312.000 đồng (chi tiết tại phụ lục 3 kèm theo).

Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kinh phí bổ sung để thực hiện chiến dịch hiệu quả, đúng quy định.

8.3. Nguồn kinh phí

- Ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ).

- Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác đối với Trung ương và địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tỉnh

1.1. Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiếp nhận khi Quân khu 1 bàn giao và bảo quản tại kho do Sở Y tế quản lý hoặc các địa điểm huy động khi cần thiết.

- Chỉ đạo tổ chức vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 từ các địa điểm bảo quản đến các địa điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về quản lý vắc xin.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.2. Tiểu ban Tiêm chủng

- Phối hợp với Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin để chỉ đạo tổ chức bàn giao, tiếp nhận vắc xin tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để chỉ đạo việc tổng hợp số liệu tiêm chủng phục vụ việc quản lý và đề xuất số lượng vắc xin.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.3. Tiểu ban An toàn tiêm chủng

- Phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng để chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử lý sự cố trong tiêm chủng.

- Xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.4. Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin

- Phối hợp với các Tiểu ban để chỉ đạo công tác giám sát chất lượng vắc xin, bảo đảm chất lượng vắc xin từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiêm chủng.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

1.5. Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng phòng COVID-19 và truyền thông

- Phối hợp với các Tiểu ban để chỉ đạo việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân bổ đến khi tiêm chủng.

- Chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng.

- Phối hợp với Tiểu ban Tiêm chủng chỉ đạo tổng hợp dữ liệu về nhu cầu, số lượng, tiến độ vắc xin phòng COVID-19 cho các điểm tiêm chủng và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm chủng.

- Chỉ đạo công tác truyền thông chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chỉ đạo theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Sở Y tế

- Chủ trì triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022; xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng đợt tiêm căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và diễn biến tình hình dịch bệnh. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện Kế hoạch và gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: tổ chức tập huấn tiêm vắc xin cho cán bộ y tế các tuyến về xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo; đối tượng, dự trù vắc xin, vật tư, trang thiết bị cho từng đợt tiêm; đội cấp cứu lưu động; phân công cán bộ giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm chủng, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót khi triển khai tiêm...

- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm các điều kiện an toàn và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Sở Y tế.

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Thẩm định kinh phí theo đề nghị của Sở Y tế, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn chi, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông tới người dân về lợi ích tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác truyền thông.

5. Các sở, ban, ngành khác

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện tuyên truyền việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại cơ quan, đơn vị. Quán triệt cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế trên địa bàn.

- Tổ chức hoặc phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc đơn vị mình và hỗ trợ Sở Y tế khi cần thiết.

6. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19 và lợi ích của tiêm vắc xin để Nhân dân hiểu và tham gia tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo thứ tự ưu tiên tại Kế hoạch này.

Tăng cường công tác giám sát việc tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

7. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn năm 2021 - 2022; kế hoạch cho từng đợt tiêm.

- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện tuyên truyền tới người dân về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của tiêm vắc xin và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng bằng nhiều hình thức. Trong đó tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn; truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, in phát tờ rơi về vắc xin phòng COVID-19; bố trí cán bộ thực hiện tư vấn, truyền thông trực tiếp cho người dân tại các điểm tiêm chủng.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai thực hiện tại các đơn vị trên địa bàn.

- Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 về Sở Y tế và UBND tỉnh.

Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 05/4/2021 của UBND tỉnh về tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, ĐV trực thuộc;
- Lưu: VT, KG-VX (NTB).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2021 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021-2022

  • Số hiệu: 159/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản