Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) kèm theo Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thu thập thông tin xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ việc tổng hợp số liệu xuất, nhập khẩu ở cấp tỉnh, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.

- Phục vụ nhu cầu thông tin thống kê trong việc quản lý, hoạch định chính sách của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh; nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng thông tin khác.

2. Yêu cầu

- Thực hiện điều tra đúng các nội dung quy định trong Kế hoạch.

- Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê.

- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA

1. Phạm vi Điều tra

Điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Đối tượng điều tra

- Đối tượng điều tra là các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) đang hoạt động sản xuất kinh doanh có xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, bao gồm:

Hợp tác xã;

Doanh nghiệp tư nhân;

Công ty hợp danh;

Công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân (kể cả Công ty TNHH có vốn nhà nước ≤ 50%);

Công ty cổ phần không có vốn nhà nước;

Công ty cổ phần có vốn nhà nước ≤ 50%.

- Đơn vị điều tra bao gồm: Các doanh nghiệp hạch toán độc lập, mỗi doanh nghiệp là một đơn vị điều tra.

III. LOẠI ĐIỀU TRA

Điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa là điều tra toàn bộ, số lượng và đơn vị điều tra tùy theo tình hình thực tế có phát sinh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

IV. THỜI GIAN, THỜI KỲ, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA VÀ NGƯỜI CUNG CẤP THÔNG TIN

1. Thời gian Điều tra: Thời gian điều tra thực hiện từ ngày 01 đến ngày 10 hàng tháng.

2. Thời kỳ thu thập thông tin: Thời kỳ thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu thực hiện tháng trước, cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng và số liệu dự tính tháng tiếp theo.

3. Phương pháp điều tra: Điều tra xuất, nhập khẩu thực hiện thu thập thông tin theo phương pháp trực tiếp. Điều tra viên đến từng doanh nghiệp gặp người cung cấp thông tin để phỏng vấn và ghi phiếu điều tra.

4. Người cung cấp thông tin: Người đứng đầu doanh nghiệp hoặc người được phân công, ủy quyền (phòng kế toán, phòng kế hoạch, phòng kinh doanh ,...) chịu trách nhiệm kê khai đúng các nội dung trong phiếu, đầy đủ và đúng thời hạn điều tra mỗi kỳ.

V. PHIẾU ĐIỀU TRA VÀ NỘI DUNG PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Phiếu Điều tra

- Phiếu 01/XKHH-DN: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

- Phiếu 02/NKHH-DN: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa.

2. Nội dung điều tra

Điều tra hàng hóa thu thập các thông tin sau:

- Thông tin chung về doanh nghiệp: tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, fax, email của doanh nghiệp, mã số thuế của doanh nghiệp, tên, số điện thoại của người ghi phiếu, loại hình doanh nghiệp, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

- Thông tin về trị giá xuất khẩu hàng hóa, nước đối tác, loại hàng hóa,...

- Thông tin về giá trị nhập khẩu hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu trực tiếp cho từng mặt hàng và theo nước xuất xứ của hàng nhập khẩu.

VI. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Công tác chuẩn bị

- Cục Thống kê tỉnh: Ban hành danh sách mẫu điều tra cho các Chi cục Thống kê khu vực rà soát trên cơ sở mẫu điều tra do Tổng cục Hải quan cung cấp.

- Chi cục Thống kê khu vực: Tuyển chọn điều tra viên, cung cấp danh sách doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu và mẫu biểu cần thiết để điều tra viên tiến hành điều tra.

2. Triển khai điều tra

Các Chi cục Thống kê khu vực triển khai thu thập thông tin từ ngày 01 đến 10 hàng tháng.

3. Kiểm tra, giám sát

- Hoạt động kiểm tra, giám sát tập trung vào quá trình điều tra tại doanh nghiệp, kiểm tra và duyệt phiếu.

- Quy trình kiểm tra, giám sát được thực hiện như sau: Giám sát viên cấp tỉnh, huyện thực hiện giám sát, kiểm tra số liệu tại các doanh nghiệp trong tỉnh được phân công phụ trách với các nhiệm vụ như sau:

Kiểm tra tiến độ thực hiện điều tra của điều tra viên; tiến độ điều tra tại các doanh nghiệp được phân công phụ trách;

Kiểm tra chất lượng thông tin trên phiếu điều tra và thông báo tới điều tra viên về những thông tin trong phiếu điều tra cần kiểm tra, xác minh lại để hoàn thành phiếu điều tra;

Thông báo cho điều tra viên những vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý; trả lời những câu hỏi của điều tra viên liên quan đến nghiệp vụ.

4. Xử lý, tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra

Cục Thống kê tỉnh hoàn thiện dữ liệu, tổng hợp kết quả điều tra báo cáo về UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

VII. KINH PHÍ TRA

1. Kinh phí tra do Ngân sách Nhà nước tỉnh bảo đảm cho các hoạt động quy định trong Kế hoạch này.

2. Cục Thống kê tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí điều tra theo đúng quy định.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Thống kê tỉnh

- Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, điều tra, kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu và báo cáo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Hướng dẫn Chi cục Thống kê khu vực thực hiện các công việc liên quan đến cuộc điều tra trên phạm vi của đơn vị, bao gồm: rà soát, cập nhật các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu; tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra; thực hiện công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát; nghiệm thu và kiểm tra số liệu điều tra. Số lượng doanh nghiệp được phân bổ đến Chi cục Thống kê khu vực, Chi cục Thống kê khu vực có trách nhiệm thu hồi phiếu đúng số lượng, chất lượng và gửi về Cục Thống kê tỉnh đúng thời gian quy định tại Kế hoạch này.

2. Sở Công Thương

Phối hợp với Cục Thống kê tỉnh kiểm tra số liệu xuất, nhập khẩu hàng tháng, quý, năm và thống nhất số liệu để báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Cục Thống kê tỉnh rà soát số lượng doanh nghiệp có xuất, nhập khẩu hàng năm. Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, tổ chức thẩm định dự toán kinh phí thực hiện điều tra theo quy định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

4. UBND huyện, thị xã, thành phố

Phối hợp, hỗ trợ Chi cục Thống kê khu vực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và đúng thời gian quy định.

Trên đây là Kế hoạch điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Cục Thống kê tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại Mục VIII;
- Ban Quản lý các KCN tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NCTH.TP
KH\Ke hoach dieu tra XNK giai doan 2022-2025

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2022 về điều tra xuất, nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 157/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/09/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản