Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1503/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 13 tháng 9 năm 2016 |
Thực hiện Chương trình hành động số 06/CTr-TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06/CTr-TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
1. Mục đích
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy các giá trị tài nguyên phát triển du lịch mang tính bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch Việt Nam và thực tiễn tại Quảng Bình để triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
2. Yêu cầu
- Huy động tối đa mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội tham gia phát triển du lịch; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Chương trình hành động; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh một cách bền vững, đưa du lịch Quảng Bình là trung tâm du lịch của Việt Nam và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á.
- Các chương trình, đề án, giải pháp thực hiện phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo ra bước phát triển đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt được các mục tiêu được đặt ra.
1. Mục tiêu chung
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa tỷ trọng du lịch đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP); tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách; thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế đặc biệt là các ngành dịch vụ.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể
Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt 12% - 15%/năm.
Năm 2020, Quảng Bình đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 5,2 triệu lượt khách nội địa và 300 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt 7000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 600 tỷ đồng; có 350 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 12.000 buồng, trong đó có ít nhất 20 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên; có 50 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngành du lịch chiếm 12%, đưa ngành dịch vụ - du lịch chiếm tỷ lệ 52% trong tổng cơ cấu tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP). Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,0 ngày/lượt khách.
Năm 2016 ngành du lịch giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2020 giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 15.000 lao động trực tiếp du lịch, trong đó có 90% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được qua đào tạo và có chứng chỉ nghề.
Mỗi địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 01 sản phẩm du lịch đặc trưng, 05 loại hình dịch vụ du lịch và sản phẩm hàng lưu niệm nổi bật có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch.
Đến năm 2020, Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch
- Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.
- Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú đa dạng như truyền hình, báo chí, các clip giới thiệu, ấn phẩm, truyền thanh...; triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Quảng Bình để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tạo môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát động phong trào phòng chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia... cho các chủ doanh nghiệp du lịch, người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương.
- Thực hiện Chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng năng lực bảo tồn và quảng bá sản phẩm du lịch của cộng đồng nơi có sản phẩm du lịch với nhiều hình thức tuyên truyền với nội dung phong phú, các khóa tập huấn du lịch trách nhiệm cho cộng đồng dân cư đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các khu du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm văn hóa tộc người.
2.1. Công tác quy hoạch
- Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; thực hiện tốt công tác quản lý Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; phối hợp lập và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, điểm du lịch quốc gia TP. Đồng Hới.
- Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch xây dựng cũng như các quy hoạch phát triển du lịch các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; rà soát các quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh như: điểm dừng chân du lịch trên các tuyến đường quốc lộ, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, công viên, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn… đặc biệt là các trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến, Nhật Lệ - Bảo Ninh, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh; bãi đỗ xe du lịch tại thành phố Đồng Hới.
- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.
2.2. Chính sách về hỗ trợ, khuyến khích và quản lý đầu tư phát triển du lịch
- Thành lập tổ công tác tư vấn chiến lược phát triển du lịch Quảng Bình, mời các chuyên gia hàng đầu và các nhà khoa học tham gia.
- Triển khai có hiệu quả các các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Nghị định của Chính phủ, văn bản của Bộ, ngành Trung ương và văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh như: Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND ngày 30/04/2014 của UBND tỉnh Quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh nhà hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...
- Rà soát các quy định về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, bổ sung các đối tượng, điều chỉnh các điều khoản hỗ trợ và ưu đãi phù hợp với điều kiện thực tế, chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng đặc biệt là các dự án giải trí về đêm, xây dựng khu ẩm thực, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí lớn, các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, thể thao cao cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp phát triển du lịch đồng thời xây dựng các cơ chế đặc thù về đất đai, nguồn vốn đầu tư để thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm tạo sự phát triển bứt phá như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình của Công ty CP Tập đoàn FLC, Trung tâm thương mại Vincom của Công ty CP Tập đoàn Vingroup, sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Chợ đêm thành phố Đồng Hới... Đồng thời kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án chậm tiến độ hoặc đã cấp phép nhưng không đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch.
- Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đồng thời xúc tiến, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Bình.
- Xây dựng Đề án thành lập và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia và phân bổ hợp lý cho quá trình đầu tư trong đó ưu tiên tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
2.3. Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch
- Tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương từ Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...; nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực, ngân hàng tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu, tuyến, điểm, làng nghề du lịch. Tranh thủ đầu tư của Trung ương cho Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Điểm du lịch quốc gia Thành phố Đồng Hới.
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng du lịch đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật của 4 trung tâm du lịch: Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhật Lệ - Bảo Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh và các dự án trọng điểm như tuyến đường du lịch 32m tại Phong Nha, tuyến đường Võ Nguyên Giáp kéo dài đến biển Hải Ninh, tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuyến đường đi bộ ven biển tại Bảo Ninh, hệ thống biển chỉ dẫn du lịch tại các trục giao thông, khu, tuyến, điểm du lịch, Sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí cao cấp FLC, Trung tâm Thương mại Vingroup,… tạo bước phát triển đột phá cho du lịch của tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả sân bay Đồng Hới, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế, mở các tuyến bay thẳng đến các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia... Đồng thời mở các đường bay nội địa kết nối với các tỉnh Lâm Đồng, Cần Thơ, Đăk Lăk, Hải Phòng, Khánh Hòa, Điện Biên…
- Đầu tư, nâng cấp hạ tầng dịch vụ tại cửa khẩu Cha Lo; đề xuất Chính phủ cho phép nâng cấp cửa khẩu Cà Roòng thành cửa khẩu chính, cho phép người, phương tiện xuất, nhập cảnh để thu hút du khách từ Lào, Thái Lan đến Quảng Bình; nghiên cứu xây dựng cửa khẩu quốc tế Chút Mút - Tả Vơn.
- Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án xây dựng hệ thống cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng trên cơ sở đảm bảo tối đa nguyên tắc bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
- Thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư phát triển du lịch; đổi mới công tác thẩm định lựa chọn dự án. Vận dụng tốt các nguồn kinh phí từ xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức công tư, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, vốn ngân sách tập trung đầu tư dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.
3. Phát triển sản phẩm du lịch
3.1. Phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khám phá hang động trong đó chú trọng các tuyến du lịch cao cấp: tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới”; “hang Va - hang Nước Nứt, những trải nghiệm khác biệt”, “Rào Thương - hang Én”, “Thung lũng Sinh Tồn - hang Thủy Cung”; đồng thời nghiên cứu và phát triển các tuyến, điểm du lịch mới mang tính độc đáo cao và có giá trị kinh tế lớn trong đó ưu tiên xây dựng tuyến du lịch cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng Quảng Bình trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á.
Tiếp tục khai thác có hiệu quả các sản phẩm khám phá trải nghiệm hiện có, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, Vườn thực vật, sông Chày - hang Tối.
3.2. Phát triển các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng.
Tập trung triển khai đầu tư các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, xây dựng các khu mua sắm, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các điểm du lịch biển; nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống; hình thành các khu ẩm thực biển theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình, làng ẩm thực, hình thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang, huyện Lệ Thủy và các sản phẩm du lịch mùa đông nhằm giảm ảnh hưởng của tính thời vụ.
Phát triển các dịch vụ thể thao trên biển: lướt ván, mô tô nước, dù bay, đua thuyền buồm; dịch vụ lặn biển ngắm san hô; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển Bảo Ninh, điểm du lịch bãi biển Nhật Lệ - Quang Phú, bãi biển Đá Nhảy, khu dọc đường bờ biển từ Hải Ninh đến Hồng Thủy, các tuyến du lịch biển đảo, lặn ngắm san hô ở khu vực Đảo Chim, Vũng Chùa - Đảo Yến, vịnh Hòn La. Hình thành các loại hình lưu trú mới tận dụng lợi thế bãi biển như bãi cắm trại, khu cắm trại du lịch....
3.3. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái
Nghiên cứu, xây dựng bộ sản phẩm du lịch sông nước trên địa bàn tỉnh; huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các bến thuyền, bãi đỗ thuyền, mua sắm thuyền... để phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.
Đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá tự nhiên tại các khu vực ngoài Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như khám phá hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa), thác Tam Lu (Quảng Ninh); hình thành các khu du lịch sinh thái như: khu du lịch Khe Đá (Đồng Hới), khu du lịch sinh thái Đá Nhảy (Bố Trạch), khu du lịch sinh thái Cồn Két (Ba Đồn), khu du lịch Bàu Sen (Lệ Thủy), khu du lịch đầm phá Hạc Hải (Quảng Ninh), khu du lịch sinh thái Thác Bụt - Giếng Tiên (Minh Hóa), Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy), Suối Tam Cấp (Quảng Trạch), Hồ Rào Đá (Quảng Ninh), các khu du lịch nghỉ dưỡng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng...
3.4. Phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử
Rà soát và thực hiện tốt hoạt động quản lý, phân cấp quản lý các điểm du lịch văn hóa, tâm linh; huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tạo cơ sở tập trung phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử; tuyến du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian. Bảo tồn và phát triển các nét văn hóa độc đáo, tổ chức các lễ hội văn hóa mang tính định kỳ với các giá trị khác biệt trong giá trị truyền thống, lịch sử, yếu tố vĩ nhân làm cốt lõi trong việc xác lập thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam với trọng tâm là khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến, các điểm du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, các điểm văn hóa tâm linh tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Phát triển các sản phẩm du lịch khảo cứu lịch sử, tìm hiểu các giá trị văn hóa độc đáo của từng miền quê dọc theo các dòng sông như tuyến du lịch đôi bờ sông Gianh, tuyến du lịch đôi bờ sông Son, tuyến du lịch Đại Giang - Tam Lu cũng như những làn điệu dân ca, các lễ hội truyền thống với trọng tâm là các lễ hội dân gian như Lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa, Lễ hội đập trống của người Ma Coong, ca trù, hò khoan Lệ Thủy... Đầu tư đưa Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình vào hoạt động phục vụ du khách và cộng đồng.
3.5. Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.
Nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người như bản Tà Vờng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), bản Arem (Tân Trạch, Bố Trạch), Làng du lịch văn hóa tộc người Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch)...
Xác định các sản phẩm truyền thống, các làng nghề, các khu vực nông nghiệp có điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển du lịch để tập trung đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với xây dựng các homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê), farmstay (khu nông trại có phòng cho khách du lịch thuê) và phát triển các dịch vụ phụ trợ hình thành các khu du lịch làng nghề...
Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng dân cư địa phương được tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch, đồng thời ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp địa phương phục vụ du khách; tận dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu địa phương để xây dựng các công trình nhằm tạo nét độc đáo về văn hóa cũng như tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
3.6. Phát triển các sản phẩm du lịch mới
Dựa trên điều kiện phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch, lợi thế về nguồn tài nguyên và sự liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp, với các địa phương trong khu vực, Quảng Bình cần phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới gồm: du lịch lễ hội (festival tour), du lịch thể thao (Sport tour), du lịch ẩm thực (Cuisine tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).
4. Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch
4.1. Cung cấp thông tin du lịch:
Tạo lập và khai thác có hiệu quả các quầy thông tin du lịch, các biển quảng cáo tấm lớn tại sân bay Đồng Hới, các khu, điểm du lịch và một số vị trí quan trọng tại trung tâm thành phố Đồng Hới, khu vực Phong Nha, các khu, điểm du lịch, sân bay, nhà ga của các tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp hỗ trợ khách du lịch. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Quảng Bình; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, Cổng thông tin du lịch Quảng Bình, nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch, biên tập, xuất bản thêm các ấn phẩm du lịch dưới nhiều hình thức để phục vụ công tác xúc tiến du lịch và cung cấp thông tin cho du khách; xây dựng các bộ phim, clip giới thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch Quảng Bình và phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế.
4.2. Tổ chức các sự kiện, các chương trình quảng bá du lịch
Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế như: Chương trình kết nối điểm đến, phát động thị trường, các chương trình Road show (chương trình biểu diễn ngoài trời) du lịch tại các thị trường nước ngoài trọng điểm như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga…; tổ chức các hội nghị xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh… Quảng bá du lịch Quảng Bình qua các bộ phim nổi tiếng và hướng tới mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành một trong các phim trường của các hãng phim nổi tiếng tại Hollywood và các nước trên thế giới.
Tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội mang tính định kỳ hoặc thường niên gắn với quảng bá du lịch như: Lễ hội hang động, Tuần lễ văn hóa thành phố Đồng Hới, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, các Lễ hội vào mùa xuân, Festival Bia quốc tế, các cuộc thi liên quan đến du lịch…; đăng cai tổ chức các sự kiện thường kỳ về văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.
Bố trí nguồn ngân sách của tỉnh và huy động nhiều nguồn vốn: Ngân sách trung ương, vốn tài trợ của các tổ chức, nguồn vốn xã hội hóa để tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch đến các thị trường mục tiêu đặc biệt là tại nước ngoài. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch Quảng Bình với sự tham gia của các nhà đầu tư, các tổ chức lớn trong nước và quốc tế với phương thức đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Gắn kết hoạt động xúc tiến du lịch với xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, hình thành các chương trình, hội nghị quảng bá, xúc tiến mang tầm quốc gia và quốc tế.
Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch; phối kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch đặc biệt là các sự kiện lớn, famtrip, các chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình quốc tế.
Đổi mới hình thức, nội dung trong việc tham gia các hội chợ du lịch thường kỳ trong nước như hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE), hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội), ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh…; kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin, Hội chợ du lịch quốc tế ITB Singapore, hội chợ du lịch quốc tế Hàn Quốc (KOTFA), hội chợ du lịch quốc tế JATA (Nhật Bản), hội chợ triển lãm du lịch quốc tế (WTM - Anh).
Mở rộng thị trường khách du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch; thực hiện các giải pháp khắc phục tính thời vụ; tăng cường thu hút khách du lịch đến và lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn; thực hiện tốt Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, chương trình kích cầu đối với 5 quốc gia Tây Âu được miễn thị thực vào Việt Nam.
Thực hiện các giải pháp liên kết ngành hàng không, thương mại, tài chính, đầu tư, thông tin - truyền thông để xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các sự kiện quốc gia, quốc tế và thu hút đầu tư phát triển du lịch.
4.3. Liên kết hợp tác phát triển du lịch
Liên kết hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ; các tỉnh thuộc “Con đường di sản Miền Trung”; các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 để phát triển các sản phẩm du lịch, hỗ trợ phát triển. Phát huy có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk và đẩy mạnh liên kết với các trọng điểm du lịch khác như: Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai…
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA) và các doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để kết nối và chủ động xây dựng các tour, tuyến du lịch của Quảng Bình.
5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch
Tiến hành rà soát, đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao.
Tăng cường đầu tư của nhà nước và huy động mọi nguồn lực tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các cơ sở đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư; cử cán bộ, chuyên viên tham gia các khóa học về quản lý du lịch trong và ngoài nước công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội.
Quy định, quy chuẩn các tiêu chuẩn đào tạo nhân viên các cơ sở lưu trú, nhà hàng, công ty lữ hành, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cung cấp chi tiết, đầy đủ và rộng rãi thông tin lao động trong ngành và chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng như internet, báo chí, ấn phẩm…
Mở thêm mã ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, trang thiết bị đào tạo về du lịch dịch vụ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các trường, học viện du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới.
Hàng năm UBND tỉnh tổ chức cho các cơ sở phục vụ du lịch đi học kinh nghiệm ở các tỉnh thành trong nước và các nước Đông Nam Á.
Ban hành và áp dụng có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch đối với tất cả các khu, tuyến, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; khẳng định du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách; mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên du lịch.
Xây dựng môi trường du lịch an toàn, sạch sẽ, bố trí kinh phí từ các nguồn trong đó ưu tiên tối đa xã hội hóa để mua sắm, bổ sung các phương tiện dụng cụ để thu gom, xử lý rác thải, chất thải, đảm bảo môi trường xanh, sạch đón tiếp khách du lịch đặc biệt là tại các trục giao thông chính, các khu, điểm, du lịch. Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên tất cả các khu, tuyến, điểm du lịch, hệ thống đường bộ.
Chú trọng công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển du lịch mang tính bền vững đặc biệt là tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho du khách và cộng đồng, tuyên truyền phổ biến và vận động toàn dân chung tay cải thiện vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh chung; phát hiện và tố giác các trường hợp vi phạm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về an ninh trật tự, an toàn, tiêu chuẩn dịch vụ du lịch; tăng cường công tác phối hợp liên ngành xây dựng môi trường du lịch cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn để phát triển du lịch.
Tập trung giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về giữ gìn bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, các tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý vệ sinh môi trường, phối hợp phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch. Tăng cường công tác quản lý môi trường các hoạt động du lịch bao gồm khu, tuyến, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch. Xây dựng, mở rộng các khu vui chơi giải trí, công viên tại TP. Đồng Hới và khu vực Phong Nha.
Củng cố bộ máy, nâng cấp cơ sở vật chất, phát huy tốt vai trò, hoạt động của đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ du khách và cung cấp các thông tin, ấn phẩm cho khách du lịch. Yêu cầu các khu, điểm du lịch, UBND cấp huyện, UBND cấp xã công khai số điện thoại đường dây nóng và giải quyết kịp thời, triệt để các kiến nghị của du khách.
7. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước để đáp ứng với yêu cầu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao vai trò và năng lực quản lý nhà nước của Sở Du lịch, đảm bảo chất lượng cán bộ tham mưu, quản lý của Sở Du lịch có trình độ, kinh nghiệm và uy tín với doanh nghiệp.
Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Phát triển du lịch, củng cố hoạt động của Hiệp hội du lịch với sự tham gia tích cực, rộng rãi của các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành.
Thực hiện cổ phần hóa Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng; thành lập và kiện toàn việc phân cấp quản lý các khu, điểm du lịch có giá trị du lịch cao. Xây dựng cơ chế và tổ chức bộ máy quản lý các di tích lịch sử - văn hóa có hiệu quả.
Xây dựng Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch và bộ phận hỗ trợ du khách tại các khu, điểm du lịch. Thực hiện quản lý theo quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh; quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cộng đồng; các quy hoạch chi tiết xây dựng; các đề án, chương trình.
Xây dựng Khung giá các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai niêm yết bảng giá các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; thẩm định và công nhận dịch vụ du lịch đạt chuẩn đối với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch như nhà hàng, trạm dừng chân…
Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch đối với đội ngũ vận chuyển khách du lịch (lái xe taxi, lái xe vận chuyển khách du lịch, thuyền du lịch…) hoạt động trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm khắc và triệt để các trường hợp vi phạm đặc biệt là việc mồi chài khách đến khách sạn, nhà hàng hưởng hoa hồng làm tăng giá dịch vụ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển và hội nhập quốc tế đặc biệt là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và quản lý hệ thống.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của khách du lịch nước ngoài để bảo đảm an ninh; y tế, phòng chống dịch bệnh tại các điểm tham quan du lịch; phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng hoạt động du lịch để xâm phạm an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
(Đính kèm Phụ lục các đề án, chương trình và kế hoạch triển khai Kế hoạch thực hiện).
Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công ở phần Phụ lục, các sở, ban, ngành địa phương lập kế hoạch cụ thể về tiến độ, nội dung và kinh phí triển khai thực hiện gửi về Sở Du lịch để tổng hợp, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện hàng năm. Ngoài nguồn ngân sách địa phương cần huy động các nguồn lực khác, bao gồm cả xã hội hóa nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế.
1. Trên cơ sở các nội dung được phê duyệt tại Kế hoạch này yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết triển khai theo chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị mình, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Kế hoạch. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch và tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh 6 tháng và hàng năm.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, đề án, chương trình đảm bảo đúng tiến độ thực hiện của Kế hoạch.
4. Định kỳ hàng năm, UBND tỉnh tổ chức đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, đồng thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch cho phù hợp với tình hình mới.
5. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Du lịch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
CÁC ĐỀ ÁN, CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số ......./KH-UBND ngày ...../9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
TT | Nội dung/Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện | Nguồn kinh phí |
I | Chương trình 1: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch | ||||
1 | Thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá về nghề du lịch, vị trí, vai trò và tác động của ngành du lịch đến phát triển kinh tế - xã hội. | Sở Du lịch | Sở Thông tin và Truyền thông | Từ năm 2016 đến 2020 | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
2 | Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến định hướng nghề du lịch cho đối tượng học sinh, sinh viên. | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Du lịch; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Tỉnh Đoàn; các trường PTTH; cao đẳng, đại học; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. | Từ năm 2016 đến 2020 | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
3 | Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Bình tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế | Sở Du lịch | Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch | Thường niên theo Kế hoạch hàng năm | Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
4 | Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch | Sở Kế hoạch - Đầu tư; | Sở Du lịch; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính; Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch; các đơn vị tài trợ. | Hàng năm | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
5 | Thực hiện Chương trình kích cầu du lịch cho các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế | Sở Du lịch | Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin Truyền thông; Hiệp hội Du lịch; các doanh nghiệp du lịch. | Hàng năm | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
6 | Tổ chức Lễ hội hang động và các lễ hội để thu hút khách du lịch | Sở Du lịch | Sở Văn hóa, Thể thao và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP liên quan | Theo từng lễ hội | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
7 | Tổ chức các hoạt động kết nối, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. | Sở Du lịch | Hiệp hội Du lịch và các tỉnh, thành phố ký kết hợp tác song phương, liên kết vùng | Từ năm 2016 đến 2020 | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
8 | Nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, quảng bá du lịch | Sở Thông tin và Truyền thông | Sở Du lịch và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan | Từ năm 2016 | Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
II | Chương trình 2: Tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch | ||||
1 | Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2016 - 2017 | Kinh phí tài trợ (2 triệu USD) |
2 | Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. | Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố | 2016 - 2017 | Ngân sách |
2 | Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2030 | Tổng cục Du lịch | Sở Du lịch, BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan | Năm 2016 - 2017 | Ngân sách Trung ương |
3 | Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đặc biệt là hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch, các điểm dịch vụ mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí, chú trọng vui chơi giải trí về đêm. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Năm 2016 - 2020 | Ngân sách |
4 | Tiến hành khảo sát, lập quy hoạch để kêu gọi đầu tư các trạm dừng chân phục vụ khách du lịch. | Sở Du lịch | Sở Giao thông vận tải; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, BQL các khu kinh tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Năm 2016 - 2017 | Ngân sách |
5 | Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. | Sở Du lịch | Sở Tài Chính, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch. | Năm 2017 | Nguồn vốn xã hội hóa |
6 | Xây dựng lộ trình nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế; mở các đường bay quốc tế và nâng cao số lượng, chất lượng các chuyến bay nội địa tại Cảng Hàng không Đồng Hới. | Sở Giao thông vận tải | Sở Du lịch và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan | Năm 2016 - 2017 | Ngân sách Trung ương và địa phương |
7 | Quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. | Sở Tài nguyên và Môi trường | Sở Xây dựng; Sở Du lịch; Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Năm 2016 | Ngân sách |
8 | Rà soát, kiến nghị Trung ương sửa đổi các vướng mắc trong văn bản luật và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Tài chính; Sở Du lịch; Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Hiệp hội Du lịch | Năm 2016 - 2020 | Ngân sách |
9 | Nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, giá đất trong lĩnh vực đầu tư du lịch. | Sở Tài chính | Cục Thuế tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Du lịch | Năm 2016 - 2017 | Ngân sách |
10 | Rà soát, điều chỉnh, phổ biến, hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp theo các Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND và Quyết định 38/2014/QĐ-UBND. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Du lịch; Sở Tài chính; Kho bạc nhà nước tỉnh; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên Môi trường. | Năm 2016 đến năm 2020 | Ngân sách |
11 | Rà soát, lắp đặt bổ sung và tăng dày các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông về các khu, điểm du lịch | Sở Du lịch; Sở Giao thông Vận tải | Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Hàng năm | Ngân sách và nguồn xã hội hóa |
12 | Đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa hạ tầng kỹ thuật của các khu, điểm, trung tâm du lịch | Sở Du lịch | Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở TNMT, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, UBND các huyện, thị xã, thành phố. |
| Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
III | Chương trình 3: Phát triển sản phẩm du lịch | ||||
1 | Quy hoạch chi tiết du lịch cộng đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 | Sở Du lịch | Sở KHĐT, Sở Tài chính, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Năm 2016 - 2017 | Ngân sách |
2 | Kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch Quảng Bình cho các địa phương. | Sở Du lịch | Sở KHĐT, Sở Tài chính, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Năm 2016 - 2018 | Ngân sách |
3 | Hoàn thiện và xây dựng đề án khai thác các khu, tuyến, điểm du lịch | UBND các huyện, thành phố, thị xã; BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, các doanh nghiệp du lịch | Sở Du lịch, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, VP UBND tỉnh. | Từ năm 2016 đến năm 2020 | Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
IV | Chương trình 4: Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch | ||||
1 | Chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư | Sở Du lịch | Hiệp hội Du lịch; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn. | Hàng năm | Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
2 | Mở thêm mã ngành đào đạo, nâng cao chất lượng đào tạo, trang thiết bị đào tạo ngành du lịch, dịch vụ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. | Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở LĐTBXH | Sở Du lịch, Sở Nội vụ và các sở. ban, ngành, đơn vị liên quan. | Năm 2017 -2018 | Ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa |
V | Chương trình 5: Xây dựng văn hóa Du lịch | ||||
1 | Kiểm tra và thực hiện các giải pháp cụ thể về bình ổn giá đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. | Sở Công Thương | Sở Du lịch, Cục Thuế tỉnh, Hiệp hội Du lịch. | Từ năm 2016 đến 2020 | Ngân sách |
2 | Xây dựng, triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. | Sở Du lịch | Hiệp hội Du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch. | Năm 2016 | Ngân sách |
3 | Triển khai các giải pháp chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch. | UBND các huyện, thị xã, thành phố | Sở Du lịch; Công an tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch. | Thường xuyên | Ngân sách |
4 | Kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. | Sở Y tế | Sở Du lịch; Sở Công Thương; Hiệp hội Du lịch | Thường xuyên | Ngân sách |
5 | Tăng cường quản lý vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. | UBND các huyện, thị xã, thành phố | Sở Du lịch; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Công an tỉnh. | Thường xuyên | Ngân sách |
6 | Triển khai hiệu quả quy chế phối hợp hoạt động của đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch | Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan | Thường xuyên | Ngân sách |
VI | Chương trình 6: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch | ||||
1 | Xây dựng Bộ Khung giá các dịch vụ du lịch theo loại, hạng, mùa vụ; thực hiện cổ phần hóa Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng | Sở Tài chính | Sở Du lịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan | Từ năm 2016 | Ngân sách |
2 | Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong lĩnh vực du lịch; chấn chỉnh và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh | Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan | Thường xuyên | Ngân sách |
3 | Thực hiện chương trình, kế hoạch về phòng, chống tệ nạn xã hội và tổ chức tập trung giải quyết các đối tượng lang thang, xin ăn theo quy định và triển khai các biện pháp quản lý hoạt động người nước ngoài trong lĩnh vực du lịch; đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch. | Công an tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố. | Thường xuyên | Ngân sách |
4 | Rà soát, kiện toàn hoặc thành lập ban quản lý các khu, điểm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh | Sở Nội vụ, Sở Du lịch | Các sở, ban, ngành và địa phương liên quan | 2016 - 2020 | Ngân sách và xã hội hóa |
- 1Quyết định 77/QĐ-HĐND năm 2016 về thành lập Đoàn giám sát về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 2Kế hoạch 68/KH-UBND tổ chức hội nghị phát triển du lịch Thái Bình năm 2016
- 3Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
- 1Quyết định 04/2014/QĐ-UBND về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 2Luật Đầu tư 2014
- 3Quyết định 38/2014/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 4Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
- 5Quyết định 77/QĐ-HĐND năm 2016 về thành lập Đoàn giám sát về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết 12/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 6Kế hoạch 68/KH-UBND tổ chức hội nghị phát triển du lịch Thái Bình năm 2016
- 7Kế hoạch 156/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020
Kế hoạch 1503/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình hành động 06/CTr-TU về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- Số hiệu: 1503/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 13/09/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Trần Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra