Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2010

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO DI DỜI CƠ SỞ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HOẶC KHÔNG PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH RA KHỎI KHU VỰC ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Theo số liệu rà soát của các quận, huyện, hiện nay tại khu vực đô thị khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội có 422 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động; trong tổng số 422 cơ sở có 209 cơ sở đang hoạt động tại các quận nội thành. Theo kết quả đánh giá của cơ quan quan trắc môi trường thì việc tồn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành và khu dân cư là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, tiếng ồn.

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, trong đó có việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi khu vực nội thành. Tuy nhiên tiến độ di dời vẫn còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 184/TB-VPCP ngày 23/6/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc đánh giá tình hình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã có Quyết định số 5971/QĐ-UBND ngày 16/11/2009 thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Để triển khai thực hiện, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Phân công trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo.

- Đánh giá hiện trạng, quản lý sử dụng đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch phải di dời và quỹ đất nơi di dời đến cùng với phương án di dời và tiến độ thực hiện của các đơn vị.

- Xác định rõ cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng thực tế theo các quy định hiện hành.

- Đề xuất các chính sách khả thi trong việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO

1. Ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban có trách nhiệm:

- Chỉ đạo, điều hành chung việc thực hiện công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Chỉ đạo các Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo, đề xuất cơ chế, chính sách di dời và kết quả thực hiện.

- Chủ trì các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo để kiểm tra, đôn đốc tiến độ và giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.

2. Ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình công tác (hàng tháng, quý, năm) kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo.

- Chủ trì xây dựng cơ chế chính sách di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo.

- Tổ chức họp giao ban Ban Chỉ đạo công tác di dời và các thành phần mời theo định kỳ để tổng hợp ý kiến xây dựng quy chế, trình UBND Thành phố ban hành quy chế di dời trong năm 2010.

- Có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu phải di dời ngay; đôn đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện, thị xã lập danh sách các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch và lập báo cáo, trình UBND Thành phố phê duyệt danh mục chính thức các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải di dời hoặc không phù hợp với quy hoạch, đề xuất kế hoạch, thời hạn di dời và hướng dẫn các đơn vị phải di dời xây dựng lộ trình, phương án di dời cho các cơ sở phải di dời ngay theo 2 giai đoạn (từ nay đến 2012 và từ 2012 đến 2015); trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; phối hợp cùng Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu phải di dời.

3. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó Văn phòng UBND Thành phố - thành viên Ban Chỉ đạo:

- Có trách nhiệm phối hợp tổ chức các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo cùng các ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trong quá trình xây dựng quy chế và thực hiện công tác di dời, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc; báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến chỉ đạo.

- Thông báo kết luận các cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác di dời.

4. Bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Giám đốc Sở Tài chính - thành viên Ban Chỉ đạo:

- Là đầu mối liên hệ với Bộ Tài chính để phối hợp đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố; gửi văn bản góp ý về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố quyết định.

- Chủ trì phối hợp với các Sở ngành tham mưu đề xuất chính sách tài chính về đất đai phục vụ công tác di dời; báo cáo UBND Thành phố trong năm 2010.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đơn giá tiền sử dụng đất, đơn giá thuê đất theo quy định khi chủ đầu tư thực hiện dự án tại địa điểm di dời và nơi di chuyển đến.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Là đầu mối cấp phát, quyết toán kinh phí thực hiện dự án đầu tư cho tổ chức kinh tế có vốn nhà nước theo chế độ quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước; hướng dẫn quản lý, sử dụng số tiền bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và kịp thời bố trí kinh phí, làm thủ tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ;

- Quản lý vốn nhà nước tại tổ chức kinh tế có vốn nhà nước khi thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì thẩm định dự toán kinh phí hoạt động Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo và xây dựng dự toán kinh phí tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tính toán, cân đối, bố trí kinh phí theo quy định.

5. Bà Nguyễn Thị Bài - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - thành viên Ban Chỉ đạo:

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch đầu tư (5 năm, hàng năm) các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố (trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Công thương và UBND các quận, huyện, thị xã), trình UBND Thành phố phê duyệt; Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí đầu tư theo quy định.

6. Ông Vũ Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc - thành viên Ban Chỉ đạo:

- Có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã lập danh mục chính thức các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch; đề xuất kế hoạch, thời hạn di dời và hướng dẫn các đơn vị phải di dời xây dựng lộ trình, phương án di dời cho các cơ sở phải di dời theo 2 giai đoạn (từ nay đến 2012 và từ 2012 đến 2015); trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; căn cứ vào quy hoạch hiện tại và quy hoạch xây dựng Thủ đô kịp thời cung cấp ngay thông tin quy hoạch - kiến trúc tại địa điểm di dời và nơi di dời đến từ nay đến hết năm 2010 để các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn hình thức di dời và lập phương án di dời.

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành đề xuất cơ chế chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực dân cư.

- Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Công thương rà soát các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề báo cáo UBND thành phố phê duyệt xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuyển đến theo quy định của pháp luật (thời gian hoàn thành trong năm 2010).

7. Ông Bùi Xuân Tùng - Viện Phó Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - Thành viên:

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

- Có trách nhiệm cung cấp chỉ giới đường đỏ, chỉ giới hành lang các công trình cho các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn hình thức di dời; thời gian hoàn thành trong năm 2010.

8. Ông Lê Văn Dục - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Thành viên Ban Chỉ đạo:

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đề xuất cơ chế chính sách phục vụ công tác di dời.

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

- Hướng dẫn các đơn vị làm thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định.

9. Ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Phó Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - Thành viên Ban Chỉ đạo:

- Chủ trì tổng hợp số liệu, diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố; rà soát các khu công nghiệp, báo cáo UBND thành phố phê duyệt xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuyển đến theo quy định của pháp luật (thời gian hoàn thành trong năm 2010).

- Phối hợp với Ban quản lý dự án các khu, cụm công nghiệp cấp huyện, các công ty kinh doanh đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp rà soát, thống kê quỹ đất còn trống, diện tích đất chưa có chủ đầu tư tại các khu công nghiệp để bố trí cho các đơn vị di dời; tổ chức đăng ký nhu cầu sử dụng đất cho đối tượng di dời; đề xuất phương án bố trí các cơ sở sản xuất phải di dời ngay và nhu cầu đầu tư xây dựng các khu công nghiệp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thời gian hoàn thành trong quý IV/2010).

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

10. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố:

- Có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các đơn vị di dời theo đúng quy định.

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

11. Ông Phạm Đức Tiến - Phó Giám đốc Sở Công thương - Thành viên Ban Chỉ đạo:

- Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát các cụm công nghiệp làng nghề báo cáo UBND thành phố phê duyệt xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuyển đến theo quy định của pháp luật (thời gian hoàn thành trong năm 2010).

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

12. UBND các quận, huyện, thị xã

- Phối hợp cùng các Sở, Ngành Thành phố kiểm tra, rà soát các đơn vị sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn các quận, huyện, thị xã và lập báo cáo trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND quận, huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm Phó Ban thường trực, thành viên gồm đại diện các phòng Tài chính, Kế hoạch kinh tế phát triển nông thôn, Thống kê, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn trong việc triển khai, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ kê khai, xác nhận tình trạng sử dụng đất của các tổ chức để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng quy chế di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

III. KẾ HOẠCH DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HOẶC KHÔNG PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH RA KHỎI KHU VỰC ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

1. Đối tượng thực hiện di dời

Các tổ chức kinh tế sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nguy hại hoặc không phù hợp với quy hoạch buộc phải di dời ngay ra khỏi khu vực đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

a.1. Ngành hóa chất: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, sản xuất phân bón;

a.2. Ngành tái chế, mua bán chất phế thải: giấy, nhựa, kim loại, dầu nhớt cặn;

a.3. Ngành tẩy, nhuộm, hồ, in trên các sản phẩm vải sợi, dệt, may, đan;

a.4. Ngành luyện cán cao su;

a.5. Ngành thuộc da;

a.6. Ngành xi mạ điện;

a.7. Ngành gia công cơ khí: rèn, đúc, cán kéo kim loại, dập, cắt, gò, hàn, sơn;

a.8. Ngành in, tráng bao bì kim loại;

a.9. Ngành sản xuất bột giấy;

a.10. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh;

a.11. Ngành chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng);

a.12. Ngành chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm các loại, muối, dầu ăn;

a.13. Ngành sản xuất bánh mức kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết);

a.14. Ngành sản xuất thuốc lá;

a.15. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình công nghiệp;

a.16. Ngành giết mổ gia súc;

a.17. Ngành chế biến than.

2. Nội dung thực hiện

Căn cứ kế hoạch này các Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung và thời gian đề ra:

2.1. Từ nay đến hết quý IV năm 2010 các Sở ngành hoàn thành cơ chế, chính sách và trình UBND Thành phố ban hành.

2.2. Từ nay đến hết quý II năm 2011 rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị đang sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch cần phải di dời

- Trên cơ sở Báo cáo liên ngành số 1427/LNTN&MT-KHĐT-QHKT ngày 18/5/2009 của Sở Tài nguyên và Môi trường - Quy hoạch Kiến trúc - Kế hoạch và Đầu tư; Kết quả thực hiện rà soát, xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành và UBND các quận, huyện, thị xã phân tích, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường và diện tích hiện trạng sử dụng đất; tổng hợp kết quả phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm đề xuất di dời ngay theo mức độ gây ô nhiễm môi trường và diện tích hiện trạng sử dụng đất (lộ trình từ nay đến 2015).

Số liệu thống kê, rà soát các đơn vị di dời phải đảm bảo các yếu tố: Mức độ ô nhiễm, diện tích đang quản lý sử dụng, tình trạng gây ô nhiễm…

- Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì phối hợp với các Sở ngành rà soát các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp với quy hoạch; phân tích, đánh giá diện tích hiện trạng sử dụng đất; tổng hợp kết quả và đề xuất lộ trình di dời từ nay đến 2015.

- Lộ trình di dời từ nay cho đến 2015.

+ Trước mắt phải di dời ngay các cơ sở có diện tích sử dụng đất lớn hoặc các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc không phù hợp với quy hoạch tại các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông trước năm 2012.

+ Các trường hợp còn lại đề nghị xử lý môi trường hoặc di dời hoàn thành xong trong năm 2015.

+ Kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện kế hoạch di dời bằng biện pháp cưỡng chế buộc ngừng sản xuất hoặc thu hồi đất; đối với các đơn vị di dời sớm, đúng kế hoạch đề xuất hỗ trợ, thưởng cho các đơn vị.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các Sở, Ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công thương; Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố; Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần xây dựng Thủ đô. Trong quá trình thực hiện cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực: TU, HĐND TP (để báo cáo);
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Các Sở, ngành: TN&MT, KH&ĐT, TC, CT, XD, QHKT, Viện QHXD HN, BQL các KCN&CX HN;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- CVP, các PVP UBND TP;
- Các phòng: TNMT, XD, CTq;
- Lưu: VP, CTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 150/KH-UBND hoạt động của Ban chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 150/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/10/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Huy Tưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản