Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/KH-UBND

Cà Mau, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ con người.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

- Phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc thu gom, phân loại các chất thải từ nhựa sử dụng một lần và bao bì, túi nilon khó phân hủy; vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định.

- Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, từng bước quản lý rác thải nhựa theo hướng tiếp cận từ đầu nguồn sản xuất thủy sản tới đại dương.

- Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng ngư dân vứt rác thải nhựa và ngư cụ bị hỏng xuống biển.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng:

- Tổ chức đào tạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa. Nội dung tuyên truyền phải nêu được lợi ích về môi trường khi giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, không thải chất thải nhựa ra môi trường, gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tuân thủ. Đặc biệt các trung tâm thương mại phải có chính sách cụ thể về giảm thiểu bao bì bằng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, đồng thời tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho khách hàng tại nơi dễ nhìn thấy.

- Khuyến khích người tiêu dùng mang túi, bao gói khi mua sắm; hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm thiểu, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch.

- Thực hiện tuyên truyền thông qua các hình thức phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống truyền thanh cấp xã, các hội, nhóm tình nguyện thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên địa bàn tỉnh.

- Đưa phong trào phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon vào nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, buổi sinh hoạt tại các khu dân cư…

- Tuyên truyền, khuyến khích chủ tàu cá hoạt động nghề đáy hàng khơi, nghề lưới kéo,… vận chuyển rác thải nhựa, ngư cụ bị hỏng vào bờ để phân loại, tái sử dụng và xử lý.

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động người dân hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

2. Giảm thiểu việc phát sinh chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, sản xuất:

- Yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích niêm yết công khai giá bán túi nilon cho khách hàng; không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.

- Yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; cụ thể: Hạn chế tối đa việc sử dụng cốc nhựa dùng một lần, ống hút nhựa, túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động tiếp khách, mua sắm tại cơ quan, nơi làm việc; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

- Hạn chế việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy phục vụ cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường.

3. Đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy:

- Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy.

- Tăng cường công tác phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa cho đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung; mở rộng phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã nông thôn có điều kiện hạ tầng đảm bảo cho việc thu gom, vận chuyển.

- Tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Yêu cầu các các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thủy sản, các nghiệp đoàn nghề cá tại các cảng cá bố trí dụng cụ chứa rác thải nhựa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch hợp đồng với đơn vị xử lý tái chế.

- Tổ chức giám sát và có giải pháp thu gom, xử lý các ngư cụ bị mất, bị vứt bỏ tại các khu bảo tồn biển (hoặc trôi dạt từ ngoài vào khu bảo tồn), khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Tham mưu thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương; Chỉ thị số 33/CT -TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở tiêu thụ, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, cơ sở sử dụng khối lượng lớn vật liệu nhựa trong sản xuất (đặc biệt cơ sở đánh bắt thủy sản), các cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có sử dụng nhựa là nguyên liệu sản xuất, phân phối sản phẩm, cơ sở tái chế nhựa.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì biên soạn tài liệu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.

- Chủ trì thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa tại các cảng cá, khu bảo tồn biển và khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng, thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản.

- Thực hiện rà soát văn bản quản lý nhà nước về quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản.

- Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản.

- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 19/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

3. Sở Tài chính:

Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí để hỗ trợ việc thu gom, xử lý chất thải nhựa từ nguồn sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu các chính sách ưu đãi theo quy định đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân huỷ.

- Rà soát, thống kê, công bố danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy để có kế hoạch chuyển đổi sản xuất phù hợp.

- Tăng cường giám sát việc sử dụng túi nilong tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chỉ đạo các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích các hình thức sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần bằng sản phẩm thân thiện môi trường.

7. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Khuyến khích việc nghiên cứu các chương trình, dự án khoa học về tái chế, xử lý chất thải nhựa thành nguyên liệu, nhiên liệu; ứng dụng công nghệ tìm ra vật liệu thay thế túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc công nghệ tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

- Đảm bảo nguồn lực để tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Khoa học và Công nghệ.

8. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo việc tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; kịp thời thông tin các hoạt động triển khai sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Xây dựng:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hướng dẫn các hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thu hồ i được các sản phẩm nhựa, túi nilon thải bỏ để phục vụ tái chế.

10. Sở Giao thông vận tải:

Thực hiện các biện pháp tuyên truyền đến các bến xe, tàu tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, khuyến khích các hình thức sử dụng sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy nhằm hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần trên các phương tiện giao thông, tại các bến xe, bến tàu và tại các đơn vị vận chuyển hành khách...

11. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh bố trí thời lượng học tập có nội dung về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

- Đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

12. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

- Rà soát, bổ sung loại hình tái chế chất thải nằm trong khu công nghiệp (tại các khu công nghiệp có điều kiện triển khai sản xuất tái chế đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường).

- Thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các dự án nằm trong khu công nghiệp.

- Vận động, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong hoạt động của các công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau:

- Chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn quản lý (tại các dòng sông, kênh, rạch, cảng cá ven sông, biển, khu bảo tồn biển, bảo tồn thiên nhiên,…).

- Quản lý các dịch vụ giao hàng đồ ăn nhanh trên địa bàn theo hướng giảm thiểu sử dụng bao bì bằng chất liệu nhựa; thúc đẩy sử dụng vỏ hộp, bao bì bằng chất liệu tái sử dụng, thân thiện với môi trường.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy đối với môi trường, khuyến khích người tiêu dùng tự mang bao bì chứa hàng hóa khi mua sắm.

- Ủy ban nhân dân các huyện ven biển chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm, ra quân thu gom rác thải nhựa để làm sạch môi trường ven biển, khu dân cư nghề cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phát động phong trào xây dựng làng cá văn minh, sạch đẹp, thân thiện môi trường, nói không với rác thải nhựa đại dương từ tàu cá, gắn với các tiêu chí, điều kiện làm cơ sở xem xét, bình xét gia đình văn hóa hàng năm.

- Tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý các hoạt động làm phát thải chất thải nhựa trái phép ra môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

15. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan:

Phổ biến nội dung Kế hoạch này đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu hạn chế, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy góp phần bảo vệ môi trường. Xem xét sự tuân thủ quy định là tiêu chí xác định điều kiện đạt danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Sử

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 143/KH-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 143/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lê Văn Sử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản