Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thực hiện Quyết định số 1177/QĐ-BVHTTDL ngày 26/4/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Cụ thể hoá các nhiệm vụ được quy định tại Điều 16, 17 của Luật Du lịch 2017 và Điều 3, 4, 5, 6, 7 Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch.

- Hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Đảm bảo việc thực hiện Kế hoạch phải đúng tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

- Việc triển khai điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch phải thực hiện toàn diện, có bài bản và chi tiết đến từng địa bàn các huyện, từng loại tài nguyên, bám sát tình hình thực tế.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì với các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai điều tra tài nguyên du lịch theo danh mục tài nguyên du lịch phù hợp các quy định tại Luật Du lịch 2017, Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; thực hiện đánh giá, phân loại theo các tiêu chí, phương pháp đánh giá đảm bảo tính chính xác, kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Đối tượng, phạm vi và thời gian điều tra

1.1. Đối tượng điều tra:

- Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm: Cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

- Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.

1.2. Phạm vi điều tra: Điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc.

1.3. Thời gian điều tra:

Thời điểm tiến hành điều tra: Bắt đầu từ năm 2024 (Dự kiến thực hiện trong vòng 05 năm).

2. Nhiệm vụ

2.1. Xây dựng kế hoạch, phương án điều tra:

Xây dựng và triển khai phương án điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, các quy định và quy trình của Luật Thống kê, Luật Du lịch. Trong đó, xác định rõ danh mục các điểm tài nguyên đưa vào phương án điều tra.

2.2. Sử dụng phần mềm và các tài liệu hướng dẫn phục vụ công tác điều tra tài nguyên du lịch:

- Sử dụng phần mềm nhập thông tin và tổng hợp kết quả, dữ liệu về tài nguyên du lịch gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch.

- Chuẩn bị công cụ hỗ trợ công tác điều tra thu thập thông tin (phiếu điện tử trên thiết bị di động (CAPI), phiếu điện tử trực tuyến (Webform), mẫu biểu tổng hợp tiến hành điều tra tài nguyên du lịch theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

2.3. Tham gia tập huấn công tác điều tra:

- Tuyển chọn đội ngũ điều tra viên theo đúng đối tượng yêu cầu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định.

- Tham gia các khóa tập huấn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đáp ứng yêu cầu sử dụng phần mềm, thu thập thông tin, nhập thông tin về tài nguyên du lịch lên hệ thống. điều tra tài nguyên du lịch.

2.4. Tổ chức triển khai điều tra:

- Triển khai thực hiện công tác khảo sát, thu thập thông tin, điều tra tài nguyên du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để đảm bảo công tác điều tra thực hiện kịp thời, chính xác.

- Báo cáo kết quả điều tra và nhập thông tin điều tra tài nguyên du lịch theo yêu cầu của Bộ Văn hóa Thê thao và Du lịch.

2.5. Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch:

- Tổ chức tổng hợp, làm sạch thông tin điều tra.

- Thành lập Đoàn khảo sát để thực hiện nhiệm vụ đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch. (Yêu cầu đối với thành viên, cán bộ đoàn khảo sát: Là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch).

2.6. Công bố và lưu trữ kết quả điều tra:

Căn cứ vào kết quả điều tra và kết quả đáng giá, phân loại, xếp hạng tài nguyên du lịch, hàng năm công bố kết quả tiến hành lưu trữ và nhập dữ liệu vào hệ thống phiếu mẫu điều tra các loại tài nguyên du lịch của tỉnh nói riêng và của Quốc gia nói chung.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của các sở, ngành, địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là đầu mối của tỉnh phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức thực hiện công tác điều tra tài nguyên du lịch.

- Xây dựng phương án tiến hành tổ chức điều tra tài nguyên du lịch Vĩnh Phúc trên cơ sở kế hoạch, phương án điều tra tổng thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch, phương án điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thành lập Đoàn khảo sát, tuyển chọn đội ngũ điều tra viên tham gia các khóa tập huấn, hướng dẫn và triển khai điều tra tài nguyên du lịch; cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến tài nguyên du lịch trên địa bàn.

- Xây dựng, dự trù kinh phí hàng năm thực hiện nhiệm vụ tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch theo quy định, đảm bảo tính chính xác, kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

- Tổng hợp, xây dựng báo cáo điều tra và báo cáo điều tra bổ sung (nếu có) gửi Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Công bố, lưu trữ và nhập dữ liệu vào hệ thống kết quả điều tra tài nguyên du lịch hàng năm.

2. Sở Tài chính

Tổng hợp, thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí hàng năm cho các nhiệm vụ về triển khai thực hiện công tác điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong quá trình thực hiện công tác điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên du lịch thuộc chức năng, nhiệm vụ phạm vi quản lý của địa phương, đơn vị.

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện nội dung của kế hoạch,

4. Trong quá trình triển khai Kế hoạch, khi phát hiện thêm các loại tài nguyên mới hoặc trong quá trình khai thác, phát huy giá trị, nhận diện ra những yếu tố mới gắn với các tài nguyên đang khai thác, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đề xuất báo cáo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện điều tra bổ sung, hoặc đánh giá lại tài nguyên du lịch.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c)
- Bộ VHTTDL (b/c);
- Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam;
- Các Sở, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các thành viên BCĐ PTDL tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2024 về tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 140/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Việt Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản