Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY CHUYỂN GIAO, LÀM CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM TRONG CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách cụ thể, khả thi và phù hợp với tình hình của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Đồng Tháp góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

2. Tập trung phát triển một số ngành ưu tiên: thông tin và truyền thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, tài nguyên và môi trường; trong đó chú trọng một số lĩnh vực: công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh.

3. Nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Đồng Tháp.

II. LĨNH VỰC VÀ ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN

1. Lĩnh vực ưu tiên

Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh.

2. Định hướng ưu tiên: chi tiết theo Phụ lục 1 đính kèm.

III. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Nội dung

1.1. Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Đồng Tháp.

- Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị để nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

1.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công nghệ, nghiên cứu, kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực, làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ từ nước ngoài.

1.3. Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài

- Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn, chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài.

- Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài phù hợp với lĩnh vực ưu tiên.

1.4. Hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo tạo nguồn nhân lực, chú trọng hợp tác với các nước có nền công nghiệp phát triển.

1.5. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động đổi mới công nghệ, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình trong ứng dụng đổi mới công nghệ.

- Tổ chức, tham gia hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, các chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm khoa học và công nghệ và các hội nghị, hội thảo liên quan.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về sản phẩm, dịch vụ mới và giới thiệu, đề xuất tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài.

2. Phân công nhiệm vụ: Chi tiết theo Phụ lục 2 đính kèm.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; vốn tự đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp.

2. Các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch; theo dõi, tổng hợp và định kỳ (15/12 hàng năm) báo cáo UBND tỉnh.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) để điều chỉnh, bổ sung phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Các Sở: TC, CT, KHĐT, NNPTNT, KHCN, TP;
- Cục Thuế tỉnh;
- Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC/KT Đ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

PHỤ LỤC 1

ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN CHUYỂN GIAO, LÀM CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ
(Kèm Kế hoạch số 136 /KH-UBND ngày 06 /6 /2019 của UBND tỉnh)

1. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử

- Các công nghệ cao, công nghệ nguồn phục vụ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển mạng 5G, phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông.

- Công nghệ để chế tạo các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các loại chip vi xử lý; các bộ điều khiển (bộ điều khiển khả trình PLC, bộ điều khiển CNC,...).

2. Lĩnh vực cơ khí chế tạo

- Công nghệ thiết kế, chế tạo các chi tiết, linh kiện, quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ phục vụ lắp ráp và chế tạo máy nông nghiệp.

- Công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị chế biến nông, thủy sản.

3. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

- Công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản: công nghệ sử dụng ưu thế lai, công nghệ đột biến thực nghiệm và công nghệ sinh học; công nghệ sinh sản, đặc biệt là công nghệ tế bào động vật trong đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, phân biệt giới tính, thụ tinh ống nghiệm, tập trung vào bò sữa, bò thịt; áp dụng phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân nhanh các giống vật nuôi mới, giống loài thủy sản sạch bệnh.

- Công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình trồng trọt và thu hoạch các loại cây trồng trong nhà lưới, nhà kính (giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch,…); công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo VietGAP; công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp (có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng); các công nghệ, mô hình nuôi thủy sản tập trung tiên tiến theo tiêu chuẩn mới (GAP, BMP, CoC) một số loài thủy sản chủ lực; công nghệ sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các loại vacxin phòng trị bệnh thủy sản; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường.

4. Lĩnh vực bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản

Công nghệ chiếu xạ, công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản; công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; công nghệ bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ tạo màng trong bảo quản rau, quả, thịt, trứng; công nghệ lên men, công nghệ chế biến sâu, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường; công nghệ chế biến chuyên sâu các sản phẩm thủy sản có giá trị; thiết kế, chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ bảo quản, chế biến quy mô nhỏ và vừa phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu.

5. Lĩnh vực công nghệ xây dựng, giao thông, hạ tầng

Phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, vật liệu tái chế và vật liệu có sử dụng công nghệ nano.

6. Lĩnh vực dược phẩm, chẩn đoán và điều trị bệnh

- Chẩn đoán và điều trị: kỹ thuật mới về chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán hóa sinh, lý sinh, miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử, công nghệ gen; kỹ thuật chẩn đoán, điều trị từ xa; các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về tim mạch, nội soi, chỉnh hình, ghép tạng, điều trị ung bướu.

- Dược phẩm: công nghệ sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế trong nước, ưu tiên các dạng bào chế công nghệ cao; công nghệ trồng, chế biến dược liệu, sản xuất nguyên liệu hóa dược.

7. Lĩnh vực công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu

Công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị, công nghệ xử lý rác thải công nghiệp.

 

PHỤ LỤC 2

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NGHIỆM VỤ
(Kèm Kế hoạch số 136 /KH-UBND ngày 06/6 /2019 của UBND tỉnh)

TT

NHIỆM VỤ

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

THỜI GIAN THỰC HIỆN

GHI CHÚ

01

Xây dựng Quy định một số cơ chế, chính sách khích khích doanh nghiệp đầu tư chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào tỉnh Đồng Tháp.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế; Cục Thuế tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố

Quý IV/2019

 

02

Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Điều 9 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố

Thường xuyên

 

03

- Tổ chức tọa đàm, thông tin về các cơ chế, chính sách đặc thù đến các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có tiềm năng đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN nhằm phát triển số lượng doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu trong giai đoạn đến năm 2025 cấp mới 10 Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN

Sở Khoa học và Công nghệ

Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN; các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có tiềm năng

Quý II/2019

 

04

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác nghiên cứu KHCN với các viện, trường. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng KHCN, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài.

Sở Khoa học và Công nghệ

Việc Lúa đồng bằng sông Cửu Long; Trường Đại học kinh tế TP.HCM; Đại học SPKT TP.HCM; Trường Đại học Cần Thơ.

Thường xuyên

 

05

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, dịch vụ khoa KHCN liên quan đến việc chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ thông qua phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; hội nghị, hội thảo;

Sở Khoa học và Công nghệ

Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp; Báo Đồng Tháp; Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ;…

Thường xuyên

 

06

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Tài chính; cơ quan, đơn vị có liên quan.

Quý I/2020

 

07

Thu thập, xử lý, cung cấp thông tin về công nghệ và thiết bị, thông tin về chuyển giao công nghệ của các ngành, lĩnh vực ưu tiên cho cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyển giao công nghệ thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

Doanh nghiệp; tổ chức khoa học và công nghệ; Doanh nghiệp KHCN

Thường xuyên

 

08

Thực hiện công tác thống kê hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ từ nước ngoài của doanh nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ

Doanh nghiệp

Hằng năm

 

09

Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

Sở Khoa học và Công nghệ

Doanh nghiệp

Thường xuyên

 

10

Tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.

Sở Tài chính

 

Hằng năm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2019 triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 136/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/06/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản