Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/KH-UBND | Hà Giang, ngày 12 tháng 08 năm 2014 |
TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC HỆ CHÍNH QUY TẠI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2014-2020
Căn cứ Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 24/02/2014 của UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2014 - 2020;
Thực hiện Công văn số 3859-CV/TU ngày 25 tháng 4 năm 2014 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc chỉ đạo triển khai chủ trương đào tạo đại học chính quy tại tỉnh. Căn cứ thực trạng nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực của các ngành, địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học chính quy tại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2014-2020.
l. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH TỈNH HÀ GIANG
1. Vị trí địa lý, cơ cấu hành chính và phân bố dân cư
Tỉnh Hà Giang có diện tích tự nhiên 7.914,8 km2, chiếm 2,4% diện tích tự nhiên của cả nước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Phía đông Hà Giang giáp tỉnh Cao Bằng, phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía tây nam giáp hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái, phía tây bắc giáp với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố và 10 huyện), 195 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của Ủy ban dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015, tỉnh Hà Giang có 140 xã vùng III, 1138 thôn đặc biệt khó khăn cần nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê của Cục thống kê Hà Giang, tính đến hết năm 2013, tổng dân số toàn tỉnh là 778.958 người, trong đó dân tộc mông có 249.884 người, chiếm 32% tổng dân số toàn tỉnh, các dân tộc còn lại có số dân chiếm trên 10% tổng dân số toàn tỉnh lần lượt là Tày, Dao, Kinh, Nùng; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của năm 2012 là 1,76%[1].
Do đặc điểm lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, dân cư tỉnh Hà Giang phân bố không đồng đều, sống phân tán, nhỏ lẻ, nhiều nhóm sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội hết sức khó khăn, còn duy trì nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Tính đến hết năm 2013, tỉnh Hà Giang có 662.083 người đang sinh sống tại khu vực nông thôn (chiếm 85% tổng dân số), chỉ có 116.875 người sinh sống tại khu vực thành thị (chiếm 15% tổng dân số), chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Giang và một số thị trấn của các huyện.
2. Thực trạng nguồn nhân lực tỉnh Hà Giang
a) Về trình độ đào tạo, năm 2011, tỉnh Hà Giang có trên 120 nghìn lao động (chiếm 33% tổng số lao động trên toàn tỉnh) đã qua đào tạo. Trong đó có 31.885 người (chiếm 8,76% lực lượng lao động) có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trình độ trung cấp chuyên nghiệp 12.016 người, trình độ cao đẳng 7.784 người, trình độ đại học 11.909 người và trình độ sau đại học 176 người.
Đến năm 2015, dự báo tổng nhu cầu lao động có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên sẽ là 50.386 người (chiếm 12,23% lực lượng lao động), trong đó trung cấp chuyên nghiệp 18.218 người; cao đẳng 14.552 người; đại học 17.226 người và sau đại học 390 người). Năm 2020, các con số tương ứng là 95.619 người (chiếm 19,82% lực lượng lao động), trong đó trung cấp chuyên nghiệp 35.034 người; cao đẳng 28.622 người; đại học 30.884 người và sau đại học 1.039 người.
Đối với hệ dạy nghề, năm 2011, tỉnh Hà Giang có 88.125 người đã qua đào tạo (chiếm 24,22% tổng lực lượng lao động), trong đó dạy nghề dưới 3 tháng 41.586 người, sơ cấp nghề 16.670 người, trung cấp nghề 27.852 người, cao đẳng nghề 2.017 người[2].
Đến năm 2015, dự báo tổng nhu cầu lao động qua đào tạo nghề là 135.014 người (chiếm 32,77%) trong đó dạy nghề dưới 3 tháng 58.636 người, sơ cấp nghề 31.455 người, trung cấp nghề 40.590 người, cao đẳng nghề 4.333 người. Năm 2020, các con số tương ứng là 193.831 người (chiếm 40,18%), trong đó dạy nghề dưới 3 tháng 75.263 người, sơ cấp nghề 51.584 người, trung cấp nghề 55.623 người, cao đẳng nghề 11.361 người.
b) Về cơ cấu lao động, tỉnh Hà Giang có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Theo số liệu thống kê, năm 2013, nhóm lao động từ 15 tuổi trở lên có tổng số 499.138 người, trong đó có 427.924 người (chiếm 85,73%) đang làm việc tại khu vực nông thôn[3].
3. Hiện trạng công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang
a) Về công tác giáo dục phổ thông: Tính đến hết tháng 5 năm 2014, toàn tỉnh có 166 trường Trung học cơ sở với 45.857 học sinh; 22 trường Trung học phổ thông, 09 trường Cấp 2-3, 11 trung tâm Giáo dục thường xuyên với tổng cộng 19.536 học sinh THPT và tương đương. Hàng năm, tỉnh Hà Giang có trên 6.000 học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với tỷ lệ thi đỗ đạt trên 90%.
b) Về công tác giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề: Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 01 trường CĐSP, 02 trường TCCN, 01 trường Cao đẳng nghề, 01 trường Trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Các ngành nghề đào tạo được mở rộng, chuyển dịch theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; năm 2008, có 08 ngành đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, 19 ngành đào tạo trình độ TCCN, 12 mã nghề trung cấp; đến năm 2013, có 13 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 20 ngành đào tạo trình độ TCCN, có 04 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp, 15 mã nghề sơ cấp.
Số học sinh, sinh viên đăng ký tuyển sinh và trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong tỉnh hằng năm đều ổn định và gia tăng ở một số ngành như y tế, sư phạm, các nghề thú y, trồng cây lương thực thực phẩm, công nghệ thông tin…; các cơ sở đào tạo đều tuyển đúng đối tượng, nhiều ngành đủ chỉ tiêu được giao hằng năm; tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi tăng đều qua các năm (năm 2008 có 24%, năm 2012 đạt 33%). Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công việc, tương xứng với trình độ đào tạo[4].
Do tỉnh Hà Giang chưa có cơ sở đào tạo trình độ đại học, trong những năm qua, học sinh của tỉnh Hà Giang muốn theo học các ngành đào tạo đại học hệ chính quy đều phải đăng ký dự thi và theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh. Số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng hàng năm đều duy trì ổn định ở mức trên 6.000 lượt hồ sơ. Trong đó số học sinh trúng tuyển và theo học tại các cơ sở đào tạo duy trì ổn định ở mức trên 6000 học sinh (chiếm khoảng 10% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT) đối với trình độ đại học và trên 900 học sinh (chiếm khoảng 15% tổng số học sinh tốt nghiệp THPT) đối với trình độ cao đẳng.
Đặc biệt, trong hai năm 2012 và 2013, thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là các huyện 30a), đã có 2007 lượt hồ sơ đăng ký tuyển thẳng trình độ đại học, cao đẳng, trong đó có 255 học sinh đủ điều kiện và được các cơ sở đào tạo đồng ý tiếp nhận vào học.
Từ những minh chứng trên đây, có thể nhận thấy, việc lựa chọn một số chuyên ngành, tổ chức hoạt động đào tạo trình độ đại học tại tỉnh Hà Giang là hết sức cần thiết, góp phần tạo cơ hội học tập cho học sinh, định hướng ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong khu vực.
1. Mục tiêu tổng quát
- Giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận các hoạt động đào tạo trình độ đại học, nâng cao cơ hội theo học đại học đối với học sinh của tỉnh Hà Giang.
- Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, góp phần hiện thực hóa chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang trong tương lai.
- Chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thông qua việc lựa chọn các ngành nghề sẽ tiến hành đào tạo tại tỉnh, góp phần định hướng và điều chỉnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, từng bước tác động vào việc cân đối lại cơ cấu ngành nghề đào tạo của tỉnh theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đạt tới sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác, tạo ra sự bứt phá mới về phát triển kinh tế - xã hội.
- Tạo cơ hội cho các cấp, ngành có liên quan của tỉnh Hà Giang tiếp cận, làm quen với việc đào tạo và quản lý hoạt động đào tạo trình độ đại học, chuẩn bị cho việc thành lập cơ sở đào tạo trình độ đại học của tỉnh sau năm 2020.
2. Mục tiêu cụ thể: Từ năm 2014 đến năm 2020, phấn đấu đào tạo 350 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy, trong đó: một mỗi năm tổ chức đào tạo từ một (01) đến hai (02) lớp chuyên ngành trình độ đại học, cụ thể như sau:
TT | Chuyên ngành | Mục tiêu/ nhu cầu đào tạo từng năm (2014-2020) | Trường/ Cơ sở chủ trì đào tạo | ||||||
2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |||
1 | Du lịch học | 50 |
|
|
|
|
|
| Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái nguyên |
Luật | 50 |
|
|
|
|
|
| Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái nguyên | |
Ngôn ngữ Anh | 50 |
|
|
|
|
|
| Khoa Ngoại ngữ - ĐH Thái Nguyên | |
Công nghệ thông tin | 50 |
|
|
|
|
|
| Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Thái Nguyên | |
2 | Ngôn ngữ Trung Quốc |
| 50 |
|
|
|
|
| Khoa Ngoại ngữ - ĐH Thái Nguyên |
Thú y |
| 50 |
|
|
|
|
| Trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên | |
3 | Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành |
|
| 50 |
|
|
|
| Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên |
4 | Lâm nghiệp |
|
|
| 50 |
|
|
| Trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên |
5 | Luật Kinh tế |
|
|
|
| 50 |
|
| Trường ĐH Kinh tế và QTKD - ĐH Thái Nguyên |
6 | Quản lí tài nguyên rừng |
|
|
|
|
| 50 |
| Trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên |
7 | Bảo vệ thực vật |
|
|
|
|
|
| 50 | Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội |
Thú y |
|
|
|
|
|
| 50 | Trường ĐH Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên | |
Cộng | 200 | 100 | 50 | 50 | 50 | 50 | 100 | 600 |
lll. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tuyển sinh
a) Chỉ tiêu tuyển sinh: Hàng năm, Bộ GD&ĐT giao bổ sung, trực tiếp chỉ tiêu tuyển sinh đại học tại tỉnh Hà Giang cho các trường/cơ sở chủ trì đào tạo.
b) Công tác tuyển sinh: Được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành.
c) Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông và tương đương, đáp ứng các yêu cầu về đầu vào tuyển sinh của các cơ sở chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo. Chú trọng tuyển sinh các đối tượng là học sinh có hộ khẩu trường trú tại các huyện nghèo theo quy định tại nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
2. Chuyên ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh: Theo dự kiến tại mục II.
3. Thời gian tuyển sinh và đào tạo: Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2014, khung thời gian đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT; thời gian thi tốt nghiệp và cấp văn bằng theo kế hoạch đào tạo của các trường/cơ sở chủ trì đào tạo.
4. Hình thức đào tạo: Hệ Chính quy tập trung.
5. Bằng cấp cho người sau khi tốt nghiệp: Bằng kỹ sư/cử nhân chính quy.
6. Địa điểm đặt lớp học: Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang.
7. Giảng viên và Chương trình giảng dạy
a) Công tác giảng dạy: Do đội ngũ giảng viên của các trường/ cơ sở đào tạo đại học được Bộ GD&ĐT phê duyệt mở lớp trình độ đại học chính quy tại Hà Giang đảm nhiệm. Căn cứ điều kiện thực tế, giảng viên của Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang và giáo viên của một số cơ sở đào tạo của tỉnh Hà Giang sẽ tham gia giảng dạy một số học phần của chương trình đào tạo nếu được trường/cơ sở chủ trì đào tạo chấp nhận.
b) Chương trình giảng dạy: Theo chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành.
8. Đơn vị tham gia phối hợp quản lý hoạt động đào tạo: Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang; dự kiến số cán bộ tham gia quản lý khóa học: 10 người.
9. Các điều kiện bảo đảm
9.1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học
- Sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã có của Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang. Căn cứ tình hình thực tế, UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động đào tạo tại Trường CĐSP Hà Giang.
- Riêng đối với các chuyên ngành có nội dung thực hành, thực tập, sẽ tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập tại Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang (nếu có); các trường/cơ sở đào tạo; các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang; riêng chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ xem xét tổ chức cho sinh viên thực tập tại Học viện Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc theo thỏa thuận hợp tác đã ký giữa tỉnh Hà Giang và châu Văn Sơn.
9.2. Về chi phí đào tạo và nguồn kinh phí đảm bảo
a) Chi phí đào tạo của cơ sở đào tạo và chi phí khác ngoài điểm b, c, d dưới đây: Do các trường/ cơ sở đào tạo đảm bảo theo quy định.
b) Học phí: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Các khoản chi phí khác: Tỉnh Hà Giang hỗ trợ tiền công tác phí, tiền ăn cho giảng viên của các cơ sở đào tạo đến giảng dạy các lớp đào tạo theo Kế hoạch này. Mức hỗ trợ theo thực tế phát sinh và không vượt quá định mức quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuội hội nghị đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
d) Sinh viên đảm bảo nộp học phí và các khoản chi phí học tập theo quy định của pháp luật.
10 Phương án giải quyết làm sau tốt nghiệp: Sinh viên chủ động, tự tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan
a) Hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch và phương án tuyển sinh sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng được các mục tiêu của Kế hoạch.
b) Tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức các hoạt động đào tạo đại học hệ chính quy tại tỉnh theo quy định hiện hành.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí đầu tư đối với các hạng mục cơ sở vật chất cần thiết phải đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; kinh phí hỗ trợ cho giảng viên các lớp đào tạo hàng năm để đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động đào tạo theo Kế hoạch.
d) Thường xuyên liên hệ với các cơ sở đào tạo, nắm bắt thông tin; tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tuyển sinh, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo; kiểm tra, giám sát, tổng hợp và định kì báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch với UBND tỉnh theo quy định.
e) Chỉ đạo, giám sát Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang
- Xây dựng các văn bản thỏa thuận, hợp đồng đào tạo giữa Trường CĐSP Hà Giang và các trường/cơ sở đào tạo.
- Phối hợp với các trường/cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Hằng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan rà soát, xác định nhu cầu nhân lực làm cơ sở xác định và điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu đào tạo theo lộ trình của Kế hoạch.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí nguồn kinh phí để triển khai, thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Tài chính
a) Có trách nhiệm phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.
b) Có trách nhiệm phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, thực hiện quản lí và sử dụng tài sản, tài chính theo chức năng nhiệm vụ quy định.
4. Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang
a) Trực tiếp kí kết hợp đồng đào tạo giữa Trường CĐSP Hà Giang và các trường/cơ sở đào tạo đại học chính quy tại tỉnh.
b) Chủ động và chịu trách nhiệm phối hợp với các trường/cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh, đào tạo và quản lý sinh viên theo quy định.
5. Các sở, ban, ngành của tỉnh liên quan; UBND các huyện, thành phố
Có trách nhiệm phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền; tổ chức tuyển sinh, thực hành, thực tập cho sinh viên, học viên của các lớp đào tạo được nêu trong Kế hoạch.
Căn cứ vào Kế hoạch và chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
[1] Cục thống kê Hà Giang, Niên giám thống kê năm 2013
[2] Quyết định 2022/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020
[3] Cục thống kê Hà Giang, Niên giám thống kê năm 2013
[4] Tính đến tháng 6 năm 2013, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có kết quả tốt nghiệp
- 1Nghị quyết 04/2013/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi
- 2Quyết định 27/2013/QĐ-UBND Quy định chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi
- 3Quyết định 37/2013/QĐ-UBND về Đề án thí điểm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An
- 4Nghị quyết 121/NQ-HĐND năm 2014 về Đề án đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng tỉnh Đồng Nai
- 5Quyết định 47/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 378/2008/QĐ-UBND về Đề án đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng, giai đoạn 2009 - 2020 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 6Kế hoạch 876/KH-SGDĐT năm 2015 về Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2015-2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau ban hành
- 1Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 97/2010/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính ban hành
- 3Nghị quyết 04/2013/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi
- 4Quyết định 27/2013/QĐ-UBND Quy định chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi
- 5Quyết định 2022/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020
- 6Quyết định 37/2013/QĐ-UBND về Đề án thí điểm tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Long An
- 7Quyết định 447/QĐ-UBDT năm 2013 công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 8Nghị quyết 121/NQ-HĐND năm 2014 về Đề án đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng tỉnh Đồng Nai
- 9Quyết định 47/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 378/2008/QĐ-UBND về Đề án đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho thí sinh trúng tuyển đại học Y, Dược diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng, giai đoạn 2009 - 2020 do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 10Kế hoạch 876/KH-SGDĐT năm 2015 về Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2015-2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau ban hành
Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2014 tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học chính quy tại tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2014-2020
- Số hiệu: 136/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/08/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Đàm Văn Bông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/08/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra