Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA TÂN TRÀO ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 2073/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2073/QĐ-TTg ngày 22/12/2017; phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào (sau đây gọi tắt là Khu du lịch) đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia và là điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh, trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến".

- Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển Khu du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư phát triển du lịch tại Khu du lịch.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước; đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Liên kết với các khu du lịch trong tỉnh và các tỉnh trong vùng để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá xúc tiến đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch.

2. Yêu cầu

- Xây dựng và triển khai kế hoạch trên cơ sở bám sát định hướng và các mục tiêu, nhiệm vụ trong quy hoạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Các nội dung, chương trình phát triển Khu du lịch đảm bảo tính khả thi, huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ tài nguyên, môi trường tự nhiên; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

1.1 Mục tiêu chung: Đến năm 2025, Khu du lịch cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh và trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35 nghìn lượt.

- Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng.

- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2025 tạo việc làm cho 2.200 lao động, trong đó 700 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho 4.500 lao động, trong đó có 1.500 lao động trực tiếp.

- Đến năm 2030, có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

2.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch

Nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch trong Khu du lịch; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và quy chế của Ban Quản lý.

Các Sở, ngành và địa phương tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền về phát triển Khu du lịch nhằm tạo việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức trong ứng xử văn hóa, văn minh, bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên môi trường góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, sức hấp dẫn của Khu du lịch.

2.2. Tổ chức bộ máy và xây dựng cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư

- Xây dựng bộ máy Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh để thực hiện công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.

- Ban hành Quy chế quản lý, Quy chế làm việc của Ban quản lý Khu du lịch và mối quan hệ công tác các sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn để quản lý các hoạt động của khu du lịch theo quy định hiện hành cũng như các nội dung khác có liên quan.

- Xây dựng danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

- Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khu du lịch để làm tiền đề huy động các nguồn vốn đầu tư khác; tăng cường phối hợp với các bộ ngành ở Trung ương để thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án có liên quan; đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, để đầu tư phát triển du lịch.

- Tập trung kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp trong nước để đầu tư các dự án hạ tầng, phát triển các loại hình và sản phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

2.3. Đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ các dự án đầu tư

- Cân đối các nguồn lực, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng cho các phân khu chức năng, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển sản phẩm theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch; ưu đãi đầu tư đối với việc phát triển sản phẩm mới; ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, công tác đào tạo nguồn nhân lực.

- Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy hoạch, trong đó ưu tiên hàng đầu phát triển hệ thống giao thông; hệ thống cấp điện, cấp nước khu du lịch; Dự án thoát nước thải và vệ sinh môi trường khu du lịch; dự án phát triển hệ thống thông tin liên lạc khu du lịch....; hỗ trợ xúc tiến quảng bá; xây dựng thương hiệu; các dự án phát triển khu chức năng du lịch Tân Trào; dự án cải tạo cảnh quan môi trường sông Phó Đáy (đoạn từ thôn Bòng, xã Tân Trào đến Nà Ho, xã Trung Sơn), suối Khuôn Pén, hồ Nà Nưa; dự án phát triển bản du lịch cộng đồng thôn Tân Lập...

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái, khách sạn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao và các ngành dịch vụ khác... tại khu du lịch và vùng phụ cận, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách du lịch.

2.4. Phát triển sản phm du lịch

- Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chính, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt và tạo dựng thương hiệu của Khu du lịch:

+ Du lịch lịch sử: Tham quan, tìm hiểu các giá trị của quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tái hiện hình tượng "Thủ đô khu giải phóng", "Thủ đô kháng chiến"; Du lịch giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua hoạt động học tập, nghiên cứu...; Du lịch sự kiện: Tổ chức các sự kiện như lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo về lịch sử, khoa học quân sự; lễ ra quân, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội...gắn với sự kiện Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh mùng 2/9.

+ Du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ....; bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội "Cầu may", lễ hội "Cầu mùa" tại đình Hồng Thái và đình Tân Trào gắn liền với các trò chơi dân gian; tập trung xây dựng các làng văn hóa kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn Tân Lập, thôn Niếng, thôn Cò... cùng với việc phát triển các mặt hàng lưu niệm, thủ công truyền thống.

+ Du lịch sinh thái: Tham quan các điểm cảnh quan như sông, suối, rừng đặc dụng Tân Trào gắn với du lịch cắm trại, dã ngoại....

- Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, phát triển các dòng sản phẩm bổ trợ góp phần đa dạng hóa các chương trình du lịch để tăng cường thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch: Tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống; tổ chức các đêm lửa trại. Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm.

- Phối hợp gắn kết chặt chẽ trong khai thác các sản phẩm du lịch của các dự án đầu tư trong khu vực phụ cận tạo sự đa dạng các loại hình du lịch phục vụ nhu cầu của khách đến với khu du lịch.

2.5. Xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết phát triển du lịch

- Hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch tại tỉnh, trong nước và quốc tế. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch theo danh mục các dự án ưu tiên trong quy hoạch.

- Xuất bản các tài liệu, ấn phẩm, video clip, phim, tập gấp, bản đồ du lịch để giới thiệu quảng bá về Khu du lịch; Tham gia các hội chợ, liên hoan du lịch của khu vực, toàn quốc và quốc tế để quảng bá giới thiệu về Khu du lịch. Tổ chức cho các đoàn Famtrip, Press trip khảo sát; giới thiệu quảng bá cho Khu du lịch.

- Xây dựng Website Khu du lịch; thực hiện phủ sóng Wifi miễn phí tại Khu du lịch.

- Liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh Tuyên Quang, cụ thể:

+ Tuyến Tân Trào - Đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La và Đền thờ Bác Hồ - suối khoáng Mỹ Lâm.

+ Tuyến Tân Trào - Khu Di tích Kim Bình - Đền Bách Thần - Thác Bản Ba - Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.

+ Tuyến Tân Trào - Thủy điện Tuyên Quang - Đền Pác Tạ - Thác Mơ - ruộng bậc thang Hồng Thái.

+ Tuyến Tân Trào - Danh thắng Thượng Lâm - Cọc Vài - Động Song Long; Tuyến Tân Trào - Đền Bắc Mục - Đền Thác Cái - Động Tiên - Rừng đặc dụng Cham Chu - vườn Cam Hàm Yên.

- Liên kết phát triển sản phẩm du lịch ATK với khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn). Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch Tuyên Quang nói chung và Khu du lịch nói riêng với các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch lớn của cả nước: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh trong chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc", kết nối du lịch với các tỉnh Tây Bắc,...để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách cũng như thu hút đầu tư du lịch.

- Hợp tác, đầu tư, kết nối tua, tuyến du lịch với các khu du lịch: Khu du lịch sinh thái công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang) - Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - Khu du lịch sinh thái cảnh quan Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Khu du lịch văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ) - Khu du lịch biển đảo Hạ Long (Quảng Ninh) - Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... nhằm khai thác nguồn khách du lịch; trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá xúc tiến du lịch; tiếp thị và khai thác thị trường, liên kết sản phẩm du lịch.

- Phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khu du lịch với các doanh nghiệp du lịch các tỉnh trong cả nước để kết nối các tour, tuyến du lịch và quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm của Khu du lịch.

2.6. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm cho Khu du lịch.

- Hỗ trợ công tác giáo dục cộng đồng, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tập huấn bồi dưỡng chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp nông thôn sang khu vực dịch vụ, du lịch.

- Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch cho lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ quản trị cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong Khu du lịch.

2.7. Công tác bảo vệ an ninh trật tự, quản lý môi trường

- Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định cụ thể đối với các hoạt động dịch vụ du lịch và đối với du khách khi đến tham quan du lịch tại Khu du lịch.

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng quy hoạch Khu du lịch về công tác bảo vệ an ninh trật tự, quản lý tài nguyên và môi trường của Khu du lịch. Gắn kết giữa công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững với phát triển du lịch.

- Xây dựng phương án và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch và du khách đến tham quan du lịch tại Khu du lịch.

(Có biểu nội dung chi tiết kèm theo)

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Ngân sách nhà nước (Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo tỉnh về du lịch

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển Khu du lịch theo đúng quy hoạch; tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách và giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể về phát triển Khu du lịch.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ đối với quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này; tổng hợp các ý kiến tham gia, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch.

- Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện Quy hoạch, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh các nội dung có liên quan để đảm bảo thực hiện quy hoạch được phê duyệt.

- Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn điều chỉnh định hướng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, quy hoạch các phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng phù hợp với nội dung Quy hoạch khu du lịch.

- Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển Khu du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; xây dựng các tua, tuyến du lịch cho Khu du lịch.

- Theo dõi, tổng hợp việc thực hiện quy hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh về du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

3. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh sắp xếp tổ chức Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch xây dựng Quy chế quản lý khu du lịch cũng như các nội dung khác có liên quan.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất nguồn vốn ngân sách đầu tư theo giai đoạn và hàng năm, nguồn kinh phí chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch quốc gia, các nguồn vốn khác để ưu tiên đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho Khu du lịch.

- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu du lịch.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để thực hiện công tác quy hoạch; chương trình phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch; chương trình quảng bá, xúc tiến cũng như các hoạt động khác tại Khu du lịch.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp trong việc trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giao đất, cho thuê đất các công trình, dự án thực hiện trong Khu du lịch. Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn rà soát, đưa các công trình, dự án trong khu du lịch vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong Khu du lịch theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường; kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nguồn nước đối với dự án đầu tư phát triển du lịch trong Khu du lịch.

7. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng (các phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án thành phần của Khu du lịch), đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng tại Khu du lịch theo quy định của pháp luật.

8. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất công tác quản lý quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án kết nối giao thông liên tỉnh, liên huyện phục vụ cho đầu tư phát triển Khu du lịch.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông trong Khu du lịch; chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu Khu du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất công tác quản lý sử dụng đất nông, lâm nghiệp đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững trong Khu du lịch theo quy định.

- Tham mưu lồng ghép các chương trình đầu tư của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ các dự án quản lý, bảo vệ và phát triển triển rừng trong Khu du lịch; phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch trong Khu du lịch; hỗ trợ khôi phục và duy trì các nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

11. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng hệ thống đường điện cho các dự án đầu tư phát triển trong Khu du lịch; quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các làng nghề, các điểm du lịch cộng đồng trong Khu du lịch.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo

Xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm và ngoại khóa cho học sinh tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong Khu du lịch, để giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống và ý thức tham gia giữ gìn bảo vệ môi trường.

13. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Thực hiện quản lý nhà nước về lao động và định hướng về tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển đổi sang làm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển của Khu du lịch. Đề xuất cơ chế thu hút nhân lực thuộc ngành nghề du lịch có trình độ tay nghề cao đến làm việc ở Khu du lịch.

- Đôn đốc, hướng dẫn huyện, thành phố triển khai các chương trình đào tạo nghề về du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng nghề cho lao động làm dịch vụ du lịch.

14. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Khu du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương và Yên Sơn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động của các dịch vụ du lịch tại Khu du lịch theo quy định của pháp luật.

15. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự án mời gọi đầu tư của Khu du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư theo thứ tự ưu tiên của tỉnh.

- Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện xây dựng các dự án phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các tua, tuyến du lịch cho Khu du lịch; cung cấp, tiếp nhận, giải đáp, xử lý thông tin về hoạt động tại Khu du lịch.

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan đến khu du lịch.; phối hợp liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Khu du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

16. Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và triển khai các công việc có liên quan đến phát triển Khu du lịch.

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý Quy hoạch khu du lịch theo Quyết định số 2073/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Củng cố bộ máy Ban Quản lý Khu du lịch để thực hiện công tác quản lý quy hoạch. Xây dựng Quy chế quản lý, Quy chế làm việc của Ban quản lý khu du lịch cũng như các nội dung khác có liên quan.

17. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch

- Chủ động nghiên cứu nắm bắt định hướng phát triển trong quy hoạch phát triển Khu du lịch để thông tin kết nối, quảng bá giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án phát triển khu du lịch.

- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh vận động các đơn vị thành viên kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh Khu du lịch tới khách du lịch trong nước và quốc tế.

- Nghiên cứu đầu tư, triển khai thực hiện các dự án phát triển sản phẩm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tỉnh Tuyên Quang.

18. Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn

- Thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với Quy hoạch khu du lịch.

- Phối hợp với các Sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án phát triển sản phẩm du lịch tại khu du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch trên địa bàn.

- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn huyện.

Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện: Sơn Dương, Yên Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nội dung của Kế hoạch này để tổ chức thực hiện. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp). Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để chỉ đạo, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KGVX (Tùng).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA TÂN TRÀO ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch số: 134/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

STT

Nội dung

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Kinh phí

 

 

I

Tổ chức bộ máy và xây dựng cơ chế chính sách

 

 

 

 

 

1

Tham mưu đề xuất bộ máy Ban quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang (thành lập trên cơ sở sát nhập theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để thực hiện công tác quản lý quy hoạch đầu tư phát triển khu du lịch.

Sở Nội vụ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn và các cơ quan liên quan

Năm 2019

 

 

2

Ban hành Quy chế quản lý của Khu du lịch và mối quan hệ công tác các sở, ngành và UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn để quản lý các hoạt động của Khu du lịch theo quy định hiện hành

Ban quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang

Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn; các cơ quan liên quan

Năm 2019-2020

 

 

3

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất nguồn vốn đầu tư theo giai đoạn và hàng năm của tỉnh, nguồn kinh phí chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch quốc gia, các nguồn vốn khác để ưu tiên đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho khu du lịch

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các cơ quan, đơn vị liên quan

 - Đầu tư công giai đoạn
 - Hàng năm

 

 

4

 Xây dựng dự án mời gọi đầu tư của khu du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư theo thứ tự ưu tiên của tỉnh.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2019 - 2020

 

 

II

 Đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ các dự án đầu tư

 

 

 

 

 

1

Triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu bao gồm: Hệ thống giao thông khu du lịch, cấp điện khu du lịch, cấp nước khu du lịch, thoát nước thải và vệ sinh môi trường khu du lịch.

 Ban quản lý các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp; Ban Quản lý công trình giao thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 Sở Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở thông tin và truyền thông; UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn; Ban Quản lý Khu du lịch; các sở, ngành liên quan

Năm 2020 -2025

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

2

Triển khai các dự án trong các nhóm dự án thành phần theo Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025: Xây dựng Bảo tàng Tân Trào; Cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào; Xây dựng Phòng Chiếu phim; Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; Các công trình phát huy giá trị di tích gồm nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà bán hàng lưu niệm.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà đầu tư

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2019-2025

 Nguồn vốn xã hội hóa và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước

 

3

Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch: Phát triển các khu chức năng trong khu du lịch, bao gồm cả khu đón tiếp chính và phụ ở phía Đông Nam; phát triển các khu chức năng du lịch Minh Thanh, Kim Quan, Lập Binh, Trung Yên; cải tạo cảnh quan môi trường sông Phó Đáy (đoạn từ thôn Bòng, xã Tân Trào đến Nà ho, xã Trung Sơn), suối Khuôn Pén, hồ Nà Nưa; phát triển bản du lịch cộng đồng thôn Tân Lập gắn với dự án cải tạo chính trang làng Tân Lập; phát triển các cụm điểm tham quan phụ trợ; phát triển du lịch rừng đặc dụng Tân Trào; phát triển khu đón tiếp phụ Nà Ho.

 Các nhà đầu tư

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn; các sở, ngành liên quan

 Theo Giấy chứng nhận đầu tư (giai đoạn 2020-2030)

 Nguồn vốn của các nhà đầu tư. Vốn hỗ trợ từ Ngân sách

 

4

Triển khai các dự án thành phần trong các dự án đầu tư của các nhà đầu tư theo quy hoạch chi tiết do các nhà đầu tư thực hiện

 Các nhà đầu tư

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn và các sở, ngành tỉnh liên quan

 Theo Giấy chứng nhận đầu tư (giai đoạn 2020-2030)

 Nguồn vốn của các nhà đầu tư

 

5

Điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn

Ban Quản lý Khu du lịch; các sở, ngành, đơn vị liên quan

Năm 2020-2030

Ngân sách Nhà nước

 

III

Xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch và các nội dung khác

 

1

 Tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch của tỉnh cho khu du lịch ở tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Tài chính; các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

2

 Xuất bản các tài liệu, ấn phẩm, video clip, phim, tập gấp, bản đồ du lịch, website để giới thiệu quảng bá về khu du lịch

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh

Sở Tài chính; các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

3

 Tham gia các Hội chợ, liên hoan du lịch của khu vực, toàn quốc và quốc tế. Tổ chức các đoàn Famtrip, Press trip đến khảo sát và giới thiệu quảng bá cho khu du lịch

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư

Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

4

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển khu du lịch với các tỉnh, thành phố trung tâm du lịch lớn của cả nước như các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc", kết nối du lịch với các tỉnh Tây Bắc

Ban Quản lý các Khu du lịch; Sở Văn hóa, |Thể thao và Du lịch

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

5

Hợp tác, đầu tư, khai thác, kết nối tour, tuyến du lịch với các khu du lịch: Khu du lịch sinh thái công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang) - Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - Khu du lịch sinh thái cảnh quan Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - Khu du lịch văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ) - Khu du lịch biển đảo Hạ Long (Quảng Ninh) - Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...

Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh; Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

6

Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm cho khu du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh;

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Năm 2020-2030

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác

 

7

Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự khu du lịch

Công an tỉnh

Các cơ quan, đơn vị liên quan

Hàng năm

 Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác

 

8

Tổ chức các hoạt động nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững khu du lịch

UBND huyện Sơn Dương, Yên Sơn; Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ngành có liên quan

Hàng năm

Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 134/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản