Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1307/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 31 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẤP NƯỚC, NÂNG CAO TỶ LỆ DÂN CƯ ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ DÂN CƯ ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC HỢP VỆ SINH TẠI NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG NĂM 2021 VÀ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

I. CĂN CỨ VÀ THỰC TRẠNG

1. Căn cứ pháp lý

Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025;

Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục;

Nghị quyết số 51/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021;

Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

2. Thực trạng cấp nước sạch đô thị và nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay

2.1. Thực trạng cấp nước sạch tại các đô thị

Hệ thống đô thị tại tỉnh Cao Bằng hiện nay gồm có 15 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại III (Thành phố Cao Bằng, thành phố trực thuộc tỉnh); 14 đô thị loại V (Thị trấn Bảo Lạc, Thị trấn Pác Miầu, thị trấn Thanh Nhật, thị trấn Xuân Hòa, thị trấn Thông Nông, Thị trấn Nước Hai, thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc, thị trấn Hòa Thuận, thị trấn Tà Lùng, thị trấn Quảng Uyên, thị trấn Đông Khê, thị trấn Trà Lĩnh và thị trấn Trùng Khánh). Thực trạng về các tổ chức quản lý, vận hành, khai thác sử dụng và công suất các nhà máy cấp nước tại 15 đô thị cụ thể như sau:

a) Hiện trạng về các tổ chức quản lý, khai thác và các nhà máy cấp nước sạch đô thị:

Hiện nay có 6 tổ chức quản lý, khai thác, vận hành 16 nhà máy cung cấp nước sạch tại các đô thị trên địa tỉnh Cao Bằng, cụ thể như bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: Hiện trạng các tổ chức và các nhà máy cấp nước sạch tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

STT

Địa phương

Đơn vị cấp nước

Công trình cấp nước

1

Thành phố Cao Bằng

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

- Nhà máy nước Tân An: Công suất 10.000 m3/ngđ

- Nhà máy nước Sông Bằng: Công suất 5.000 m3/ngđ

2

Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

- Trạm Dã Hương: Công suất 600 m3/ngđ

- Trạm Thị trấn Nước Hai: Công suất 600 m3/ngđ

3

Thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 840 m3/ngđ

4

Thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa

HTX Dịch vụ thương mại và xây dựng - nông lâm nghiệp Hòa Thuận

Nhà máy nước công suất 400 m3/ngđ

5

Thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa

Trung tâm quản lý và khai thác dịch vụ hạ tầng khu kinh tế tỉnh

Nhà máy nước công suất 3.000 m3/ngđ

6

Thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 1.160 m3/ngđ

7

Thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh

HTX Dịch vụ và môi trường Trà Lĩnh

Nhà máy nước công suất 100 m3/ngđ

8

Thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 324 m3/ngđ

9

Thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 450 m3/ngđ

10

Thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 780 m3/ngđ

11

Thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng

HTX Vệ sinh môi trường nước sạch Hà Quảng

Nhà máy nước công suất 360 m3/ngđ

12

Thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình

Công ty TNHH MTV Cấp nước Cao Bằng

Nhà máy nước công suất 1.200 m3/ngđ

13

Thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc

Công ty TNHH Cấp thoát nước Bảo Lạc

Nhà máy nước công suất 1.500 m3/ngđ

14

Thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình

Chưa có

Chưa có

15

Thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm

Đang triển khai dự án cấp nước sạch

Nhà máy nước công suất 1.700 m3/ngđ

b) Đánh giá thực trạng cấp nước sạch đô thị

Toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay còn 02 đô thị chưa có hệ thống cấp nước sạch đô thị (mà đang sử dụng nước hợp vệ sinh), tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại hai đô thị này là 0%, đó là: thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình) và thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm).

Đặc thù đô thị tỉnh Cao Bằng là miền núi, địa bàn rộng và dân cư phân bố không đồng đều, một số hộ dân sống ở khu vực vùng ven, phân tán lẻ tại đồi núi cao, việc lắp đặt đường ống cấp nước còn khó khăn do chi phí đầu tư lớn, vì vậy hệ thống đường ống cấp nước sạch chưa bao phủ hết 100% khu vực đô thị, mặc dù công suất nhà máy đáp ứng đủ nhu cầu.

Cuối năm 2020, tỉnh Cao Bằng thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có mở rộng thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An) sáp nhập xã Bế Triều và một phần xã Bình Long vào thị trấn Nước Hai nên tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch tại thị trấn Nước Hai giảm từ 98% xuống 62,64%.

Chi phí thường xuyên thực hiện mẫu kiểm tra chất lượng nước sạch theo tiêu chuẩn lớn nên ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các đơn vị cấp nước, quỹ phát triển đầu tư của các công ty cấp nước chưa nhiều, khó khăn cho việc mở rộng mạng lưới cấp nước và nâng cao chất lượng.

Giá nước sạch đô thị cao hơn chi phí sử dụng nước sinh hoạt từ các nguồn nước khác, bên cạnh đó một bộ phận người dân chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe bản thân nên chưa đấu nối sử dụng nước sạch tại khu vực mình sinh sống.

Việc kêu gọi nguồn lực đầu tư hệ thống cấp nước đối với các đô thị nhỏ, dân số thấp (loại V) tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thực hiện phát triển kinh tế xã hội địa phương về tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch.

Từ thực tế nêu trên và qua số liệu cung cấp, thống kê của UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và các tổ chức cấp nước sạch đô thị trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch tính đến thời điểm tháng 4/2021 là 84,23%, cụ thể chi tiết như bảng 2 dưới đây:

Bảng 2: Đánh giá thực trạng dân cư đô thị sử dụng nước sạch năm 2020

STT

Địa phương

Năm 2020

Đánh giá thực trạng

Huyện

Đô thị

Dân số đô thị (người)

Dân số đô thị được sử dụng nước sạch (người)

Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch (%)

1

TP.Cao Bằng

Nội thành

61.468

60.730

98,8

- Công suất của hai nhà máy hiện tại đã quá tải, cần nâng công suất.

- Một số hộ dân sống xa trung tâm thành phố, chi phí đấu nối với hệ thống cấp nước sạch cao nên chưa được sử dụng nước sạch.

2

Hòa An

Nước Hai

12.643

7.920

62,64

- Năm 2020, tỉnh Cao Bằng sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: khu vực thị trấn Nước Hai mở rộng thêm 3 xã (Bế Triều, Hồng Việt, Bình Long) đã làm giảm tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch từ 98% xuống còn 62%.

3

Thạch An

Đông Khê

4.355

4.200

96

- Một số hộ dân chưa đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch đã có mà sử dụng nước giếng khoan, nước mưa.

- Một số hộ dân sống ở khu vực đồi núi cao, chưa được lắp đặt đường ống cấp nước sạch.

4

Hạ Lang

Thanh Nhật

3.649

3.284

90

Hệ thống đường ống cấp nước hiện tại mới đáp ứng được 90% dân cư khu vực thị trấn

5

Nguyên Bình

Nguyên Bình

2.887

1.472

51

- Trên địa bàn thị trấn người dân hiện đang sử dụng nước từ nhiều nguồn ngoài hệ thống cấp nước sạch đô thị như: nước giếng khoan, nước tự chảy vào các bể tập trung tại các thôn xóm.

- Giá nước sạch cao hơn chi phí sử dụng các loại nước khác nên người dân chưa đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch của thị trấn

Tĩnh Túc

2.238

0

0

Chưa có dự án cấp nước nào được đầu tư.

6

Trùng Khánh

Trùng Khánh

6.830

6.501

95

Do mở rộng quy hoạch khu trung tâm thị trấn, ở một số xóm áp lực nguồn nước chưa đạt điều kiện dẫn tới các hộ dân nên một số hộ dân vẫn còn sử dụng nước giếng khoan

Trà Lĩnh

5.439

1.919

35,3

Công suất của nhà máy nước hiện tại không đủ cung cấp cho dân cư khu vực thị trấn

7

Hà Quảng

Xuân Hòa

4.514

1.816

40,23

Công suất của nhà máy nước hiện tại không đủ cung cấp cho dân cư khu vực thị trấn, đang triển khai dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Xuân Hòa, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Thông Nông

3.260

2.999

92

Một số đường ống cấp nước sạch đã cũ gây thất thoát nước, cần cải tạo để mở rộng mạng lưới.

8

Bảo Lạc

Bảo Lạc

4.968

4.968

100

- Một số hộ dân chưa đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch đã có.

- Giá nước sạch cao hơn chi phí sử dụng các loại nước khác nên người dân chưa đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch của thị trấn

9

Bảo Lâm

Pác Miầu

2.776

0

0

Dự án cấp nước sạch thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm chưa hoàn thành

10

Quảng Hòa

Quảng Uyên

5.911

5.615

95

Một số tuyến ống cấp nước đã xuống cấp, cần cải tạo để mở rộng mạng lưới

Hòa Thuận

3.688

2.581

70

Hệ thống cấp nước sạch hiện tại chưa bao phủ hết khu vực thị trấn, một số tuyến ống đã xuống cấp

Tà Lùng

6.136

6.136

100

Hệ thống cấp nước hiện tại đáp ứng toàn bộ dân cư thị trấn

 

Tỷ lệ toàn tỉnh

130.762

110.141

84,23%

 

Ghi chú: - Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch là phần trăm dân số sống ở khu vực đô thị được cung cấp nước sạch trong tổng số dân sống ở khu vực đô thị

- Công thức tính:

Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch (%)

=

Dân số đô thị được cung cấp nước sạch

x 100

Tổng dân số khu vực đô thị

2.2. Thực trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn

Trên địa bàn nông thôn đã xây dựng được 955 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 658 công trình đã đủ số liệu cập nhật vào phần mềm quản lý tài sản là công trình cấp nước nông thôn. Để thực hiện các bước tiếp theo của Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước nông thôn cần có kinh phí, tuy nhiên chưa thực hiện được do khó khăn về kinh phí.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung thi công xây dựng hoàn thành 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn với 5.113 đấu nối và đang chuẩn bị đầu tư các công trình tiếp theo thuộc Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Đặc điểm công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, suất đầu tư cho một hộ gia đình lớn, khả năng thu hồi, bảo toàn vốn thấp, nên không thu hút được các nhà đầu tư, xã hội hóa; phần lớn do Nhà nước thực hiện. Nhiều công trình cấp nước nông thôn chưa có tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, sửa chữa. Mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn chủ yếu là cộng đồng quản lý. Mô hình này là công trình sau khi đầu tư xây dựng được bàn giao về cho UBND xã hoặc thôn, xóm tự quản lý, vận hành, không giao cụ thể cho cá nhân hay tổ chức nào trực tiếp quản lý (được gọi là cộng đồng quản lý). Phần lớn các công trình này không có người chịu trách nhiệm chính, mặc nhiên được xem là nhiệm vụ của người được bầu làm Trưởng thôn, những người này không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, không có phụ cấp, không có phương án sản xuất kinh doanh, bảo trì, sửa chữa. Nhiều công trình cấp nước nông thôn chưa thu tiền sử dụng nước, mức giá thu tiền nước tại một số địa phương nếu có thì rất thấp, thu tiền nước không đủ bù chi cho công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình; Còn nhiều hộ gia đình chưa sẵn sàng chi trả tiền nước.

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trong những năm gần đây tăng dần do được đầu tư theo các chương trình mục tiêu, cụ thể như sau: năm 2016 đạt 86,48%; năm 2017 đạt 87%; năm 2018 đạt 88%; năm 2019 đạt 89,74% và đến hết năm 2020 đạt 90,6%.

Bảng 3: Đánh giá thực trạng dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020

STT

Địa phương

Tổng số hộ gia đình

Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (%)

Đánh giá thực trạng

Huyện

Khu vực nông thôn

1

TP.Cao Bằng

Các xã

2.863

2.863

100

Toàn bộ các xã khu vực nông thôn đều đã có công trình cấp nước tập trung

2

Hòa An

Các xã

10.441

8.940

85,62

- Một số công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả

- Một số công trình cấp nước nông thôn đang triển khai chưa hoàn thành

- Còn một số xã chưa có kinh phí để xây dựng công trình cấp nước nông thôn

3

Thạch An

Các xã

6.793

6.061

89,22

4

Hạ Lang

Các xã

5.222

5.096

97,59

5

Nguyên Bình

Các xã

7.296

6.513

89,27

6

Trùng Khánh

Các xã

15.334

12.495

81,49

7

Hà Quảng

Các xã

11.994

10.065

83,92

8

Bảo Lạc

Các xã

9.977

9.839

98,62

9

Bảo Lâm

Các xã

11.665

11.022

94,49

10

Quảng Hòa

Các xã

12.633

12.506

98,99

 

Tỷ lệ toàn tỉnh

94.218

85.400

90,6%

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Định hướng phát triển cấp nước phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch tại các nhà máy, trạm xử lý nước tập trung có đầu ra đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

- Tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tại các công trình cấp nước tập trung có đầu ra đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hết năm 2021 có 85% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, phấn đấu đến năm 2025 có 100% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh có hệ thống cấp nước sạch tập trung; Tiêu chuẩn bình quân 120 lít/người/ngày đêm.

- Hết năm 2021 có 91% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đến năm 2025 phấn đấu có 95% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; Tiêu chuẩn bình quân 60 lít/người/ngày đêm.

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung, giải pháp tăng tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch đô thị trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025

- Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá thực trạng tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch năm 2020, đồng thời căn cứ các chương trình, kế hoạch, dự án, công trình cấp nước đang triển khai trong năm 2021, xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 85% năm 2021 là khả thi, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 100% .

- Để đạt được mục tiêu trên trong năm 2021 cần phải:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Xuân Hòa, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, để tăng tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng từ 40,23% (năm 2020) lên 80% (năm 2021).

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, để tăng tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm từ 0% (năm 2020) lên 30% (năm 2021).

- Chỉ tiêu cấp nước sạch cho từng địa phương cụ thể như biểu dưới đây:

STT

Địa phương

Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung (%)

Huyện/TP

Đô thị

Hiện tại

Kế hoạch hết 2021

Mục tiêu thực hiện hết 2025

1

TP.Cao Bằng

Các phường

98,8

100

100

2

Huyện Hòa An

Thị trấn Nước Hai

62,64

95

100

3

Huyện Thạch An

Thị trấn Đông Khê

96

98

100

4

Huyện Hạ Lang

Thị trấn Thanh Nhật

90

90

100

5

Huyện Nguyên Bình

Thị trấn Nguyên Bình

51

60

100

Thị trấn Tĩnh Túc

0

0

100

6

Huyện Trùng Khánh

Thị trấn Trùng Khánh

95

96

100

Thị trấn Trà Lĩnh

35

41,5

100

7

Huyện Hà Quảng

Thị trấn Xuân Hòa

40,23

80

100

Thị trấn Thông Nông

92

100

100

8

Huyện Bảo Lạc

Thị trấn Bảo Lạc

100

100

100

9

Huyện Bảo Lâm

Thị trấn Pác Miầu

0

30

100

10

Huyện Quảng Hòa

Thị trấn Quảng Uyên

95

96

100

Thị trấn Hòa Thuận

70

90

100

Thị trấn Tà Lùng

100

100

100

 

Tỷ lệ toàn tỉnh

 

84,23%

85%

100%

2. Nội dung, giải pháp tăng tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025

Mục tiêu phấn đấu hết năm 2021 đạt 91% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, đến năm 2025 đạt tỷ lệ 95% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh qua hệ thống cấp nước tập trung.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các công trình cấp nước nông thôn đang triển khai, sớm hoàn thành đi vào sử dụng.

Chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương như biểu dưới đây:

STT

Địa phương

Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước hợp vệ sinh qua hệ thống cấp nước tập trung (%)

Huyện/TP

Khu vực nông thôn

Hiện tại

Kế hoạch hết 2021

Mục tiêu thực hiện hết 2025

1

TP.Cao Bằng

Các xã

100

100

100

2

Huyện Hòa An

Các xã

85,62

90

90

3

Huyện Thạch An

Các xã

89,22

90

95

4

Huyện Hạ Lang

Các xã

97,59

98

98

5

Huyện Nguyên Bình

Các xã

89,27

90

95

6

Huyện Trùng Khánh

Các xã

81,49

82

95

7

Huyện Hà Quảng

Các xã

83,92

84

95

8

Huyện Bảo Lạc

Các xã

98,62

99

95

9

Huyện Bảo Lâm

Các xã

94,49

95

95

10

Huyện Quảng Hòa

Các xã

98,99

99

95

 

Tỷ lệ toàn tỉnh

 

90,6

91

95

3. Các chương trình, dự án trọng tâm giai đoạn 2021-2025

3.1. Các dự án cấp nước đang triển khai

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang triển khai 10 dự án cấp nước sạch đô thị (với tổng số vốn 222,825 tỷ đồng) và 19 dự án cấp nước nông thôn (với tổng số vốn 169,32 tỷ đồng).

Chi tiết tại Phụ lục 1: Danh mục các dự án cấp nước đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

3.2. Danh mục các dự án cấp nước ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022- 2025

Các dự án cấp nước trọng tâm, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2025 gồm: 12 dự án đầu tư công trình cấp nước sạch đô thị (tổng số vốn 69,4 tỷ đồng trong đó vốn đơn vị cấp nước 29,7 tỷ đồng; vốn Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác 39,7 tỷ đồng) và 43 công trình cấp nước nông thôn (với tổng số vốn 71,97 tỷ đồng).

Chi tiết tại Phụ lục 2: Danh mục các dự án cấp nước ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

3.3. Giải pháp huy động nguồn lực thực hiện

a) Vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn:

- Ưu tiên vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, ADB,…; hỗ trợ công tác chuẩn bị mặt bằng khu vực dự án: Giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có);

- Quan tâm bố trí vốn kế hoạch hàng năm cho các dự án như phụ lục 2.

b) Huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư xây dựng công trình cấp nước:

Các nguồn vốn khác được ưu tiên sử dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, chống thất thoát, thất thu nước sạch; thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các hình thức đầu tư khác; đăng ký các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; thực hiện cơ chế cho phép doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia; định hướng phát triển cấp nước đô thị; các chương trình, đề án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh; các chương trình, dự án khác hỗ trợ có mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

Kiện toàn Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh Cao Bằng, trình UBND tỉnh trong quý II năm 2021, để thống nhất, tập trung trong công tác lãnh, chỉ đạo, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với hoạt động cấp nước, sử dụng nước sạch của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 09/8/2016;

Hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước đô thị, phương án cấp nước trong các quy hoạch đô thị liên quan.

Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ đôn đốc, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý các nội dung liên quan; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực cấp nước đô thị, phối hợp với các đơn vị cấp nước nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống cấp nước phù hợp các quy hoạch xây dựng.

Chủ trì thẩm định định mức kinh tế kỹ thuật đối với phương án giá nước sạch sinh hoạt đô thị khi các đơn vị cấp nước trình.

2. UBND các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch của cấp huyện, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã được phê duyệt trên địa bàn mình quản lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, biết đầy đủ về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đã được xử lý qua hệ thống tập trung đối với sức khỏe, những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe của việc sử dụng nước sinh hoạt không qua xử lý, không đảm bảo chất lượng, không hợp vệ sinh; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng tiết kiệm nước. Vận động người dân trong vùng phủ mạng lưới cấp nước sử dụng hệ thống nước sạch (khu vực đô thị) và nước hợp vệ sinh (khu vực nông thôn).

Tổ chức, chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức phổ biến, công khai đến người dân thực hiện quy trình tham gia ý kiến và giám sát cộng đồng gồm: phương án cấp nước; thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước đã được ký kết với đơn vị cấp nước; quá trình triển khai thực hiện các dự án cấp nước; chất lượng dịch vụ và giá cung cấp nước sạch theo quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng.

Chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án cấp nước trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập danh mục các công trình cấp nước sạch và cấp nước tập trung nông thôn chuẩn bị triển khai; xây dựng kế hoạch bố trí vốn, thời gian hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm tăng tỷ lệ bao phủ đường ống cấp nước đến các khu dân cư nông thôn và vùng khó khăn khan hiếm nước. Quan tâm bố trí vốn cho công tác bảo trì, nâng cấp hệ thống xử lý cấp nước tập trung để đảm bảo vận hành an toàn, phát huy hiệu quả, thực hiện kiểm tra chất lượng nước theo quy định.

Chủ động bố trí nguồn lực, kêu gọi đầu tư để xây dựng hệ thống cấp nước với công nghệ, công suất phù hợp điều kiện địa phương, đảm bảo yêu cầu cấp nước và mục tiêu đề ra.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn; mở rộng mạng đường ống từ công trình cấp nước đô thị cung cấp nước cho khu vực nông thôn liền kề; Nghiên cứu, triển khai nội dung đảm bảo cấp nước an toàn đối với các chương trình, dự án cấp nước nông thôn.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý khai thác, sử dụng dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; quản lý chất lượng nước; khai thác đập, hồ chứa nước theo đúng quy định và ưu tiên mục tiêu cấp nước sinh hoạt.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ nhu cầu đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, tham mưu cho UBND tỉnh xác định danh mục đầu tư dự án cấp nước từ nguồn ngân sách nhà nước, danh mục kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 để đạt mục tiêu đề ra.

Thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư các dự án, công trình do tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo quy định.

5. Sở Tài chính

Hướng dẫn thực hiện quyết toán, đánh giá tài sản đối với các công trình cấp nước do doanh nghiệp Nhà nước quản lý.

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá được đăng ký hoặc theo dự án. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giá tiêu thụ nước sinh hoạt, tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc kiểm tra, giám sát, quản lý phần vốn của nhà nước đầu tư vào các dự án theo quy định.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tổ chức khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền; phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền.

Thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước theo quy định; Thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra và xử lý mọi hành vi xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Phối hợp chỉ đạo việc khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố, các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có biện pháp bảo vệ nguồn nước và ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

7. Sở Y tế

Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phù hợp quy định đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1: 2018/BYT.

Rà soát, đầu tư nâng cao năng lực phòng xét nghiệm ngoại kiểm chất lượng nước của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất vệ sinh, chất lượng nước sạch, nước hợp vệ sinh của các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư xử lý nước cấp tập trung và hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan về chuyển giao công nghệ.

Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, đề xuất, chuyển giao, nghiên cứu công nghệ hệ thống lọc nước cục bộ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với chất lượng nước nguồn từ nhiều địa bàn khác nhau trong khu vực gặp khó khăn về địa lý, tài chính,... không thể đấu nối từ nguồn nước sạch tập trung của đô thị.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Xây dựng, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông, xây dựng ý thức cộng đồng về việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm, an toàn.

10. Công an tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường; quản lý tài nguyên nước; hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nước sạch; hoạt động xâm hại, phá hoại hệ thống cấp nước và các hành vi khác gây ô nhiễm nguồn nước.

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức thanh kiểm tra các hoạt động liên quan đến xả thải và xử lý chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, y tế gây ô nhiễm nguồn nước và nước sạch cấp cho người dân để có biện pháp xử lý nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước và sức khỏe đời sống nhân dân.

11. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát, kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát nước sạch thuộc phạm vi quản lý.

12. Các đơn vị cấp nước

Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, tăng công suất khai thác của nhà máy; triển khai thực hiện cắm mốc phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2229/QĐ-UBND ngày 18/11/2020. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm, gây mất an toàn cho hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý.

Lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa, thay mới mạng lưới đường ống cấp nước, giảm tỷ lệ thất thoát nước, duy trì áp lực đường ống và đảm bảo chất lượng nước cung cấp. Xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước và thực hiện công tác cấp nước an toàn.

Xây dựng phương án giá nước trình Sở Xây dựng thẩm định định mức kinh tế kỹ thuật; trình Sở Tài chính thẩm định phương án giá; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh từ hệ thống nước tập trung, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm.

Chủ động nguồn lực, đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước những khu vực còn thiếu, có kế hoạch phổ biến những khu vực dự kiến đầu tư mạng đường ống để nhân dân và các tổ chức biết để hạn chế việc khai thác nước ngầm; có chương trình giảm chi phí lắp đặt để khuyến khích người dân tham gia đấu nối.

13. Điện lực Cao Bằng

Chỉ đạo chi nhánh Điện lực tại các huyện, thành phố, thị trấn ưu tiên cung cấp điện ổn định và đảm bảo chất lượng điện cho các nhà máy, trạm sản xuất nước và các trạm bơm tăng áp để ổn định tình hình sản xuất, cấp nước cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

14. Chế độ thông tin báo cáo

Định kỳ hằng quý các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị cấp nước báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) về tiến độ và kết quả thực hiện.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ vào nội dung Kế hoạch để triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện đảm bảo phù hợp thực tế ở địa phương và các cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch nếu có phát sinh vướng mắc hoặc cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Xây dựng) để xem xét, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh Cao Bằng;
- Các Sở: XD,TC,KH&ĐT,NN&PTNT, TNMT,Y tế, TT&TT, KHCN;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Ban quản lý khu kinh tế tỉnh;
- Công ty TNHH MTV cấp nước CB;
- HTX DVTM&XD Hòa Thuận;
- HTX DV&MT Trà Lĩnh;
- HTX VSMT nước sạch Hà Quảng;
- Công ty TNHH cấp nước Hà Quảng
- Điện lực Cao Bằng;
- VPUBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- TT thông tin - VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, XD (Đ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Trung Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1307/KH-UBND về phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch tại các đô thị và tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2021 và giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 1307/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Nguyễn Trung Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản