Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12885/KH-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới công tác kiểm soát tải trọng (KSTT) phương tiện cần được tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ.

2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KSTT phương tiện, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp; coi nhiệm vụ KSTT phương tiện nhằm góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp.

3. Thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải.

4. Việc KSTT phương tiện phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác, hiệu quả và không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

- Rà soát, tổ chức lại việc ký cam kết không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép của các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp đầu nguồn hàng; doanh nghiệp nào chưa ký thì yêu cầu phải ký cam kết, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KSTT phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

2. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện

- Khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe), việc cung cấp và sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

- Tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc KSTT phương tiện, xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất kế hoạch sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTT phương tiện; chú trọng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên đường bộ;

- Nghiên cứu bổ sung quy định từ chối phục vụ đối với phương tiện vi phạm về tải trọng khi lưu thông trên đường bộ trên cơ sở quy định của Luật Giao thông đường bộ.

3. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện

- Triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép (như: kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô, công trường xây dựng); triển khai KSTTX lưu động và đột xuất tại những đoạn đường bộ khi xuất hiện tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông;

- Duy trì công tác KSTTX trên hệ thống đường bộ tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định, các Tổ KSTTX lưu động, các vị trí có lắp đặt thiết bị cân KTTTX của đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc các dự án BOT, đường cao tốc;

- Tiến hành kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc lắp đặt, kiểm định, sử dụng, độ chính xác, tính kết nối đối với hệ thống thiết bị cân KTTTX đặt tại các trạm thu phí BOT và đặt độc lập trên đường bộ, để phục vụ việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng;

- Kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm KTTTX lưu động phù hợp với điều kiện về lực lượng và tình hình xe quá tải trên địa bàn của địa phương;

- Các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp KSTTX theo Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh về việc “Phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm KTTTX lưu động”;

- Lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT), Công chức thanh tra phối hợp với các lực lượng Cảnh sát (Cảnh sát QLHC về TTXH, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát khu vực, Công an xã) thực hiện công tác KSTTX theo Quy chế số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 về việc “Phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và Tổng cục Cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGT đường bộ”.

4. Công tác quản lý các hoạt động vận tải

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT (như: Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia...).

5. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong KSTTX

- Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thiết bị cân KTTTX theo hướng tự động, giảm sự tác động của con người vào quá trình phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm, cân KTTTX và chuyển kết quả cho lực lượng chức năng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có “phạt nguội”);

- Kết nối đường truyền và cung cấp trực tuyến các dữ liệu liên quan của phương tiện (do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý) cho các cơ quan chức năng để phục vụ việc KTTTX và xác định vi phạm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

- Tiếp tục là Cơ quan thường trực trong công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả nước;

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải tiếp tục duy trì và tăng cường công tác KSTTX địa bàn địa phương; đồng thời, phối hợp với các Sở GTVT tổ chức kiểm soát tải trọng xe (tại Trạm KTTTX lưu động, cố định) trên hệ thống quốc lộ;

- Chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, lực lượng Công chức thanh tra thuộc Tổng cục: tiếp tục duy trì công tác KSTTX, tăng cường kiểm soát tải trọng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, khu vực trả hàng; phối hợp với các lực lượng Cảnh sát (Cảnh sát QLHC về TTXH, CSTT, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát khu vực, Công an xã) để thực hiện công tác KSTTX theo Quy chế số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 về việc “Phối hợp giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGT đường bộ”.

- Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể Trạm KTTTX trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016; phối hợp với cơ quan chức năng của các địa phương và các đơn vị có liên quan xác định cụ thể vị trí để đầu tư, xây dựng Trạm KTTTX cố định theo từng giai đoạn đầu tư trong Quy hoạch;

- Chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ cao tốc, các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc: kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư trong việc lắp đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe trên đường cao tốc để sớm đưa vào vận hành theo quy định; chủ động tổ chức kiểm soát xe quá tải, quá khổ trên đường cao tốc theo quy định tại Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; phối hợp và cung cấp dữ liệu xe vi phạm cho lực lượng chức năng làm căn cứ để xử phạt;

- Rà soát, cắm đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết, thực hiện và làm căn cứ xử lý vi phạm; cắm biển cấm dừng xe, đỗ xe tại những nơi có tình trạng nhiều xe chở hàng quá tải trọng dừng, đỗ gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông;

- Quản lý chặt chẽ công tác cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; đồng thời, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy phép lưu hành xe cho doanh nghiệp;

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, hoạt động kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn. Phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của Bộ Công an về các dữ liệu liên quan đến điều kiện của phương tiện, hành trình phương tiện, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải;

- Phối hợp với Thanh tra Bộ: chủ động làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ để phối hợp xây dựng Thông tư (của Bộ Nội vụ) hướng dẫn về phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh đội trưởng, đội phó của Đội nghiệp vụ Thanh tra ngành giao thông vận tải; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện trình Bộ ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe), việc cung cấp và sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân KTTTX phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

- Phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông: khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ trong Quý IV năm 2016; đồng thời, nghiên cứu, rà soát Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý;

- Phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ An toàn giao thông và Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế tài mới về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp phương tiện vi phạm chở hàng quá tải mà có kích thước thùng xe hoặc trị số khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép (được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) của xe không phù hợp với quy định hiện hành;

- Chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng đường bộ, các Ban QLDA trực thuộc Tổng cục, Nhà thầu thi công, Chủ đầu tư công trình giao thông nghiêm túc chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện; cam kết không để phương tiện (cung cấp vật tư, vật liệu cho các Dự án do Tổng cục ĐBVN làm Chủ đầu tư hoặc cấp quyết định đầu tư) chở quá trọng tải cho phép;

- Gắn trách nhiệm cho các Ban QLDA trực thuộc Tổng cục trong việc chỉ đạo, giám sát các nhà thầu thi công thực hiện nghiêm túc quy định về chở hàng hóa đúng trọng tải cho phép (đối với các phương tiện cung cấp vật tư, vật liệu cho Dự án), thay thế các nhà thầu nếu vi phạm quy định;

- Lập danh sách đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác KSTTX trong hơn 02 năm qua; chủ trì, phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng tiêu chí khen thưởng và hướng dẫn công tác khen thưởng.

2. Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

- Tổ chức triển khai ký lại cam kết về kiểm soát tải trọng phương tiện tại các cảng, bến thuộc phạm vi quản lý sau khi đã trình và được Bộ Giao thông vận tải duyệt mẫu cam kết;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các cảng, bến thuộc phạm vi quản lý và các nội dung doanh nghiệp cảng, bến đã ký cam kết;

- Yêu cầu các đơn vị khai thác cảng, bến thuộc phạm vi quản lý không tiếp nhận phương tiện chở hàng quá trọng tải vào cảng để dỡ hàng, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử phạt đối với những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Chỉ đạo các Cảng vụ trực thuộc tăng cường kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với cảng, bến vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

3. Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

- Tổ chức triển khai ký lại cam kết về kiểm soát tải trọng xếp hàng lên phương tiện giao thông giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với Giám đốc các chi nhánh khai thác đường sắt, Giám đốc các chi nhánh Vận tải đường sắt sau khi đã trình và được Bộ Giao thông vận tải duyệt mẫu cam kết;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các nhà ga, kho bãi thuộc phạm vi quản lý và các nội dung doanh nghiệp khai thác đường sắt, vận tải đường sắt đã ký cam kết.

4. Cục Đăng kiểm Việt Nam

- Chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm cập nhật ngay các dữ liệu về kiểm định xe ô tô lên hệ thống cơ sở dữ liệu (trang thông tin điện tử) của Cục Đăng kiểm Việt Nam để phục vụ kịp thời việc tra cứu thông tin làm căn cứ xác định hành vi vi phạm và KSTTX;

- Hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc thực hiện và phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm kích thước thùng xe; kiên quyết không đăng kiểm những phương tiện cơi nới kích thước thùng xe trái quy định;

- Phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ An toàn giao thông và Tổng cục ĐBVN hướng dẫn thực hiện chế tài mới về áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với loại phương tiện vi phạm chở hàng quá tải mà có kích thước thùng xe hoặc trị số khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép (được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) của xe không phù hợp với quy định hiện hành;

- Chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục ĐBVN triển khai thực hiện ngay việc truyền, cung cấp các dữ liệu của phương tiện cơ giới đường bộ cho Tổng cục ĐBVN để phục vụ cho việc kiểm tra tải trọng xe và xử lý vi phạm;

- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp để quản lý và xử lý đối với phương tiện vi phạm quy định về kích thước thùng xe giữa 2 kỳ kiểm định.

5. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông

- Nghiên cứu tham mưu trình Bộ GTVT ban hành chỉ thị chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thi công, Chủ đầu tư công trình giao thông nghiêm túc chấp hành các quy định về KSTTX; cam kết không để phương tiện (cung cấp vật tư, vật liệu cho các Dự án thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý) chở quá trọng tải cho phép;

- Nghiên cứu đưa vào tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà thầu nếu để phương tiện (cung cấp vật tư, vật liệu cho các Dự án thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý) chở quá trọng tải cho phép thì sẽ bị trừ điểm.

6. Thanh tra Bộ

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng Thanh tra ngành GTVT trong hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn nghiệm vụ về quy trình KTTTX;

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chủ thể trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa trọng điểm; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra;

- Tiếp tục triển khai Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải”.

7. Các Vụ chức năng của Bộ Giao thông vận tải

a) Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông:

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục ĐBVN: khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ trong Quý IV năm 2016; đồng thời, nghiên cứu, rà soát Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý;

- Chủ trì phối hợp với Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTTX trên địa bàn của từng địa phương.

b) Vụ Tổ chức cán bộ: phối hợp với Tổng cục ĐBVN xây dựng tiêu chí khen thưởng và hướng dẫn công tác khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác KSTTX.

c) Vụ Vận tải: rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về công tác tổ chức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, và hàng không cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTTX.

d) Vụ Pháp chế: chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KSTTX và đề xuất kế hoạch sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác KSTTX, đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

đ) Vụ An toàn giao thông: là đầu mối tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về công tác KSTTX; chủ trì đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

8. Các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ Giao thông vận tải

Tổ chức ký cam kết giữa Nhà thầu thi công với Ban QLDA về việc không để phương tiện (cung cấp vật tư, vật liệu phục vụ cho các Dự án thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý) chở quá trọng tải cho phép; chỉ đạo, giám sát các Nhà thầu thi công trong việc chấp hành các quy định về KSTTX và thực hiện cam kết đã ký.

9. Tổng Công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI); Công ty Cổ phần Tasco, các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ có triển khai lắp đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe

- Chủ động và phối hợp với Tổng cục ĐBVN để được hướng dẫn việc lắp đặt, sớm hoàn thiện hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe theo quy định, tập huấn vận hành và đưa vào hoạt động KSTTX;

- Thực hiện việc quản lý, vận hành, sử dụng thiết bị cân KTTTX và cung cấp kết quả KTTTX cho lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt hoặc từ chối phục vụ đối với phương tiện vi phạm về tải trọng theo quy định của pháp luật (đối với đường bộ cao tốc).

10. Các cơ quan, đơn vị trong Ngành Giao thông vận tải

Theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện công tác KSTTX theo quy định; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm kịp thời tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, và hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không;

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị trong Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

11. Đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, tích cực tuyên truyền, quán triệt đến các Hội viên nắm rõ chủ trương và chấp hành nghiêm túc các quy định về KSTTX trên đường bộ.

12. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an về công tác KSTTX;

- Tăng cường kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô... để ngăn chặn, xử lý kịp thời xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng cho phép trước khi lưu thông trên đường;

- Ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT, KSTTX;

- Chỉ đạo Sở GTVT: quản lý, sử dụng bộ cân KTTTX lưu động, kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm KTTTX lưu động phù hợp với điều kiện về lực lượng và tình hình xe quá tải trên địa bàn; làm cơ quan đầu mối của địa phương, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT (Tổng cục ĐBVN, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông) nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTTX trên địa bàn địa phương;

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông chủ động và phối hợp tiếp tục tăng cường công tác KSTTX. Trong đó, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý các xe quá tải trọng trên các tuyến giao thông; lực lượng TTGT tăng cường KSTTX tại nơi xuất phát, khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa và tại các điểm đặt thiết bị cân KTTTX, các Trạm KTTTX trên đường bộ do Ngành Giao thông vận tải trang bị;

- Chỉ đạo Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về trách nhiệm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT; có giải pháp quản lý đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác mỏ, các nhà máy, xí nghiệp, các nông, lâm trường, các cảng, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn và có biện pháp kiểm soát chặt việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay trong khu vực, địa bàn thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

13. Các Sở Giao thông vận tải

- Tham mưu cho Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT thực hiện các nội dung tại Mục 12 nêu trên; kiểm tra đột xuất những điểm có tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả KSTTX;

- Chủ động bố trí lại lực lượng, chủ trì hoặc phối hợp, đảm nhiệm việc kiểm soát tải trọng xe tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe; chịu trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, trong đó có đường cao tốc); căn cứ vào tình hình xe quá tải trên địa bàn, duy trì vị trí cũ hoặc lựa chọn vị trí mới trên hệ thống đường bộ thuộc địa bàn để đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm kiểm soát tải trọng xe có hiệu quả nhất;

- Chỉ đạo lực lượng TTGT của Sở GTVT phối hợp với các lực lượng Cảnh sát (Cảnh sát QLHC về TTXH, CSTT, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát khu vực, Công an xã) để thực hiện công tác KSTTX theo Quy chế số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 về việc “Phối hợp giữa Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGT đường bộ”. Trong trường hợp không có lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát khác thì lực lượng TTGT chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại Trạm KTTTX;

- Chủ động phối hợp với Tổng cục ĐBVN, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTTX trên địa bàn của địa phương;

- Rà soát việc tổ chức ký cam kết không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép của các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào chưa ký thì yêu cầu phải ký cam kết, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký;

- Phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, tăng cường trao đổi thông tin về công tác bảo đảm TTATGT, KSTTX.

IV. CÔNG TÁC BÁO CÁO

Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, các cơ quan, đơn vị trong ngành có văn bản báo kết quả triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe gửi về:

- Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông), đồng thời gửi trước qua địa chỉ hộp thư điện tử: vanthu.atgt@mt.gov.vn hoặc số fax: 0439411792;

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời gửi trước qua địa chỉ hộp thư điện tử: khksttx2017.drvn@gmail.com.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- PTT. Trương Hòa Bình (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- UBATGT Quốc gia;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Các Thứ trưởng;
- Các Vụ, Thanh tra Bộ;
- Tổng cục ĐBVN, các Cục thuộc Bộ;
- Các Sở GTVT;
- Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam;
- Các Ban QLDA;
- Các Tổng công ty thuộc Bộ;
- Các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ có triển khai lắp đặt thiết bị cân KTTTX;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT; ATGT (Hiếu-10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 12885/KH-BGTVT năm 2016 về tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 12885/KH-BGTVT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/11/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản