Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1275/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO, NHÂN RỘNG KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai. Nhiều kết quả nghiên cứu đã có những đóng góp quan trọng trong thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành được những sản phẩm đặc thù chủ lực của tỉnh, trong những giai đoạn tỉnh vừa tái lập, điều kiện sản xuất về mọi mặt còn rất khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, ngày càng tụt hậu so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Có nhiều nguyên nhân, trong đó về chủ quan chủ yếu là do nhận thức chung về vai trò của việc ứng dụng khoa học và công nghệ chưa cao; việc tổ chức ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa được quan tâm tổ chức chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp, các địa phương; chưa quan tâm đầu tư đầy đủ, thỏa đáng cho công tác chuyển giao, ứng dụng nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ.

Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; nhằm khắc phục các tồn tại, điểm nghẽn để hoạt động chuyển giao, ứng dụng nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống từng bước được xây dựng ổn định, tiến tới phát triển mạnh mẽ, góp vai trò to lớn vào tạo chuyển biến bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của tỉnh nhằm nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường; đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế chính sách về kinh tế (đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch), văn hóa.

- Chuyển giao, nhân rộng các mô hình, giải pháp sản xuất tiên tiến, giống cây trồng, vật nuôi mới có tiềm năng hiệu quả, phù hợp vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nhằm tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Ứng dụng các sản phẩm kết quả nghiên cứu khoa học để đề xuất tham mưu ban hành các cơ chế chính sách về kinh tế (đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch), văn hóa

- Nội dung nhiệm vụ: Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học về các cơ chế chính sách về kinh tế, văn hóa do các sở, ngành đã đặt hàng thực hiện và đã được bàn giao kết quả, đề xuất tham mưu cho các cấp lãnh đạo tỉnh hoặc chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung trong thẩm quyền về kinh tế (đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch), văn hóa.

- Sản phẩm đầu ra/Tiêu chí giám sát: Phương án ứng dụng, văn bản đề xuất, báo cáo, cơ chế, chính sách, cẩm nang...

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành phương án ứng dụng chậm nhất cuối quý II, năm 2022; triển khai từ năm 2022 - 2025.

- Các đơn vị chủ trì tổ chức ứng dụng (có bảng phân công chi tiết kèm theo): Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường; quản lý đô thị; bảo vệ sức khỏe Nhân dân

- Nội dung nhiệm vụ: Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học về các giải pháp, công cụ, dữ liệu - thông tin, về bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; quản lý đô thị; y tế, các sở, ngành đã đặt hàng nhiệm vụ chủ động tổ chức đưa vào ứng dụng trong thực tiễn phục vụ công tác và đề xuất tham mưu cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo tổ chức triển khai trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý đô thị; bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Sản phẩm đầu ra/Tiêu chí giám sát: Phương án tổ chức ứng dụng; hiệu quả quản lý, quy mô kiểm soát (định lượng); hiệu quả dự báo, cảnh báo; các đề xuất chính sách, cơ chế, giải pháp; hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe người dân...

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành phương án ứng dụng chậm nhất cuối quý II, năm 2022; triển khai từ năm 2022 - 2025.

- Các đơn vị chủ trì tổ chức ứng dụng (có bảng phân công chi tiết kèm theo): Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế; Văn phòng BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận.

3. Chuyển giao, nhân rộng các quy trình, giải pháp sản xuất tiên tiến đã được tỉnh nghiên cứu thành công, có tiềm năng hiệu quả, phù hợp vào sản xuất nông nghiệp, chế biến

- Nội dung nhiệm vụ: Triển khai hướng dẫn người dân ứng dụng các quy trình, giải pháp sản xuất tiên tiến (quy trình canh tác, trình sản xuất giống, quy trình nuôi; chuyển giao các quy trình công nghệ chế biến) cho hộ dân, doanh nghiệp...; triển khai các mô hình sản xuất là kết quả từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Sản phẩm đầu ra/Tiêu chí giám sát: Số người dân, doanh nghiệp được hướng dẫn, chuyển giao các quy trình; số quy trình đã chuyển giao; số mô hình đã nhân rộng.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành phương án ứng dụng chậm nhất cuối quý III, năm 2022; triển khai từ năm 2022 - 2025.

- Các đơn vị chủ trì tổ chức ứng dụng (có bảng phân công chi tiết kèm theo): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội nông dân tỉnh, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố.

4. Hợp tác liên kết với các đơn vị khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh để tiếp nhận, chuyển giao, nhân rộng các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới

- Nội dung nhiệm vụ: Xác định, lựa chọn các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với tiềm năng lợi thế và tình hình sản xuất của tỉnh - nhất là các giống, quy trình, công nghệ: Sinh học, hữu cơ, Nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà kính, nhà lưới, VietGap, GloballGap, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm, công nghệ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch - để hợp tác liên kết với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Sản phẩm đầu ra/Tiêu chí giám sát: Số đơn vị đã liên kết; các quy trình công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi mới; số lớp tập huấn; số đơn vị được hỗ trợ chuyển giao; các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng, nhân rộng tiến bộ khoa học và công nghệ.

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu thực hiện từ quý II năm 2022 đến hết năm 2025.

- Đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ.

5. Nâng cao năng lực lưu trữ, quản lý sử dụng các kết quả khoa học và công nghệ của tỉnh

- Nội dung nhiệm vụ: Xây dựng ngân hàng dữ liệu số và hệ quản trị cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Ninh Thuận; kiện toàn, nâng cao năng lực của đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lưu trữ, quản lý, cung cấp các kết quả nghiên cứu khoa học.

- Sản phẩm đầu ra/Tiêu chí giám sát: Kết quả vận hành ngân hàng dữ liệu số và hệ quản trị cơ sở dữ liệu; Số kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được lưu trữ dạng dữ liệu số; năng lực của đơn vị quản lý các kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ....

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu thực hiện từ quý II năm 2022 đến hết năm 2025.

- Đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ.

III. CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO, NHÂN RỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành

Căn cứ vào nhu cầu, tính chất, lĩnh vực, sản phẩm, đối tượng...cần tổ chức chuyển giao ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các chính sách hỗ trợ dưới đây:

- Trong thực hiện các dự án, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; nghiên cứu ứng dụng khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đề xuất: Được hỗ trợ theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc “Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025”.

- Về đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận: Được hỗ trợ theo Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc “Ban hành quy định chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030”

- Nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước; chuyển đổi lúa nước kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, cây trồng cạn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt: Được hỗ trợ theo Quyết định số 65/2017/QĐ- UBND ngày 15/8/ 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Ban hành đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh” và Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 11/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

- Trong chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (thuộc các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh): Được hỗ trợ theo Quyết định số 62/2018/QĐ-UBND ngày 08/8/ 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc “Ban hành quy định về hình thức và mức hỗ trợ chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ninh thuận đến năm 2025”.

- Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có mục tiêu thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học và công nghệ do Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ đề xuất thực hiện, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: Thực hiện theo quy định tại Quyết định 105/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh Ninh Thuận có sử dụng ngân sách nhà nước và Quyết định số 47/2018/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 105/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

2. Cơ chế, chính sách do trung ương ban hành

Doanh nghiệp hoạt động đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; các doanh nghiệp khoa học và công nghệ Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Được hỗ trợ về tín dụng, thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng; thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện...); miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại:

- Luật công nghệ cao năm 2008, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Luật đầu tư 2014.

- Các văn bản dưới luật: Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Nghị định số 116/2018/NĐ- CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận

- Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được trong Bảng phân công chủ trì tổ chức ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2022 -2025 (kèm theo), theo các nội dung, yêu cầu của kế hoạch này.

- Xây dựng Phương án ứng dụng (gồm: nội dung ứng dụng, tiến độ thực hiện, kết quả, sản phẩm dự kiến, đơn vị phối hợp...) đúng thời gian quy định và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tích cực tuyên truyền, khuyến khích đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) trước ngày 10/11 hằng năm.

- Khuyến khích các các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ động xây dựng Phương án ứng dụng, tổ chức ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng đối với các kết quả khoa học và công nghệ khác của tỉnh (không có trong Bảng phân công kèm theo kế hoạch này) đã được bàn giao sở, ngành, địa phương, đơn vị trước đây. Việc triển khai các nhiệm vụ này cũng được thực hiện theo các cơ chế chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh như trên, đồng thời, được đề xuất khen thưởng, công nhận sáng kiến cấp tỉnh theo các nội dung của kế hoạch này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì tổ chức khảo sát nhu cầu từ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh; khảo sát, làm việc với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hợp tác liên kết về chuyển giao các giống, quy trình, công nghệ: Sinh học, hữu cơ, Nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà kính, nhà lưới, VietGap, GloballGap, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm, công nghệ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, ...

- Xây dựng đa dạng các hình thức hợp tác liên kết với các đơn vị khoa học và công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống: Tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ kết nối với các đơn vị sở hữu công nghệ, mời chuyên gia hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng; hỗ trợ chuyển giao; triển khai các nhiệm vụ (chương trình, đề tài, dự án) có mục tiêu thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học và công nghệ.

- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực lưu trữ, quản lý sử dụng các kết quả khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Chịu trách nhiệm tổng hợp chung, theo dõi tham mưu, báo cáo tình hình triển khai kế hoạch của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cho Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời có hình khen thưởng, động viên đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả cao đối với nhiệm vụ được giao theo kế hoạch này; đồng thời xem xét, tham mưu công nhận sáng kiến cấp tỉnh đối với các tác giả các Phương án ứng dụng được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chịu trách nhiệm chủ trì tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết cho các tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của trung ương và của tỉnh trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phân công đơn vị, bộ phận, công chức chịu trách nhiệm hướng dẫn và thông báo, phổ biến công khai, rộng rãi để các tổ chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh được thuận lợi trong tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện.

4. Sở Công Thương

Chịu trách nhiệm chủ trì tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp, tổ chức trong tiếp cận, thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của trung ương và của tỉnh trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng khoa học và công nghệ trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; phân công đơn vị, bộ phận, công chức chịu trách nhiệm hướng dẫn và thông báo, phổ biến công khai, rộng rãi để các tổ chức trên địa bàn tỉnh được thuận lợi trong tiếp cận, tìm hiểu, thực hiện.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2022-2025 trong khả năng cân đối của ngân sách.

6. Sở Nội vụ

Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng hằng năm và đột xuất đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả cao đối với nhiệm vụ được giao theo kế hoạch này, trên cơ sở đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ; nghiên cứu đưa các tiêu chí về triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch này vào các tiêu chí thi đua - khen thưởng của tỉnh.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tích cực phối hợp, tạo điều kiện; chỉ đạo phân công các phòng, đơn vị, cán bộ - công chức phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn do mình quản lý.

Trên đây là Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương phản ảnh về Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực: TU, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT. ĐN

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Huyền

 

PHÂN CÔNG CHỦ TRÌ TỔ CHỨC ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO, NHÂN RỘNG KẾT QUẢ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2022 -2025

(Kèm theo Kế hoạch số:1275/KH-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh)

STT

Tên đề tài, dự án, đơn vị chủ trì nghiên cứu

Kết quả sản phẩm đã nghiệm thu, bàn giao

Đơn vị chủ trì tổ chức ứng dụng

I

Kết quả nghiên cứu cơ chế chính sách về kinh tế, văn hóa

 

1

Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, định hướng đến 2035.

(Trường Đại học Ngoại Thương)

- Báo cáo tổng hợp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, định hướng đến 2035 (Gồm: Báo cáo cơ sở khoa học và thực tiễn để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến 2035; Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng, khó khăn, thách thức của hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và mức độ đáp ứng của từng mặt hàng xuất khẩu theo các nhóm: (1) sản phẩm xuất khẩu chính: nhân điều, tôm đông lạnh, may mặc, thủ công mỹ nghệ; (2) sản phẩm tiềm năng: khoáng sản, muối, nước mắm, yến, nha đam; (3) sản phẩm mới: các sản phẩm đặc thù của tỉnh giai đoạn 2011-2019; Báo cáo Dự báo tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh tác động đến khả năng xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, 2025- 2030; Định hướng hàng hóa xuất khẩu và các chỉ tiêu trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025, 2025 - 2030; Báo cáo Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 - 2025, 2025 - 2030, định hướng đến 2035; Báo cáo Kiến nghị dành riêng cho từng đối tượng cụ thể tham gia vào quá trình đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn giai đoạn 2020 - 2025, 2025- 2030, định hướng đến 2035)  

- Cẩm nang thông tin về các thị trường xuất khẩu và hướng dẫn tiếp cận thị trường dành cho các mặt hàng xuất khẩu đặc thù và tiềm năng của tỉnh.

Sở Công Thương

2

Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp đầu tư công nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận.

(Học viện Chính trị khu vực II)

- Báo cáo những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên trong thu hút đầu tư tại Ninh Thuận.

- Báo cáo về kinh nghiệm pháp lý trong việc thu hút đầu tư tại một số địa phương của Việt Nam.

- Báo cáo về kinh nghiệm pháp lý trong việc thu hút đầu tư tại một số quốc gia

- Giải pháp ban hành văn bản pháp luật trong thu hút đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

- Đề xuất các giải pháp tổng thể trong thu hút đầu tư tại Ninh Thuận.

- Giải pháp về tổ chức thực hiện pháp luật về thu hút đầu tư tại Ninh Thuận.

- Giải pháp về xử lý vi phạm trong thu hút đầu tư tại Ninh Thuận - phân tích, đánh giá tình hình thu hút đầu tư tại ninh thuận giai đoạn 2006-2015

- Thực trạng về ban hành các văn bản pháp luật trong việc thu hút đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

- Thực trạng về cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

- Thực trạng về sự phối hợp giữa các cơ quan của tỉnh trong thu hút đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận

- Thực trạng về tổ chức bộ máy nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

-Thực trạng về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

3

Năng lực cạnh tranh điểm đến  du lịch biển tỉnh Ninh Thuận

(Trường Đại học Nha Trang)

- Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch biển của Ninh Thuận.

- Kết quả phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh của điểm đến của du lịch biển Ninh Thuận so sánh với một một số điểm đến du lịch biển điển hình, tương đồng với Ninh Thuận (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu);

- Các giải pháp về: hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách liên quan; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật; xây dựng và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Ninh Thuận, đảm bảo phát triển du lịch bền vững…;

- Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch biển Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Báo cáo tổng hợp “Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch biển của tỉnh Ninh Thuận”.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

4

Nghiên cứu đánh giá thực trạng nghề sản xuất tôm giống Ninh Thuận, đề xuất mô hình cơ sở sản xuất giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGAP, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

(Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Báo cáo đánh giá thực trạng sản xuất tôm giống của tỉnh

- Báo cáo kết quả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống của tỉnh

- Báo cáo kết quả phân tích các mô hình cơ sở sản xuất tôm giống an toàn, chất lượng theo hướng VietGAP

- Báo cáo đề xuất mô hình cơ sở sản xuất tôm giống an toàn dịch bệnh, chất lượng theo hướng VietGAP

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5

Sưu tầm, biên dịch và xuất bản di văn Hán, Hán Nôm trong các di tích lịch sử, văn hóa ở Ninh Thuận.

(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

- Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu (Gồm: Thống kê, phân tích, đánh giá về các di văn Hán- Nôm trong các di tích lịch sử, văn hóa ở Ninh Thuận đã kiểm kê, lập hồ sơ, biên dịch cho đến năm 2016; Kết quả sưu tầm, biên dịch, xác định nguồn gốc, hiệu đính, chỉnh lý bổ sung các di văn Hán - Nôm trong các di tích lịch sử, văn hóa chưa được kiểm kê, lập hồ sơ ở Ninh Thuận;Kiến nghị về công tác bảo quản và phục chế tư liệu Hán Nôm).

- Một số sản phẩm khác (Bộ tư liệu về di văn Hán - Nôm trong các di tích lịch sử, văn hóa ở Ninh Thuận; Sách chuyên khảo về di văn Hán Nôm trong các di tích lịch sử, văn hóa ở Ninh Thuận; Bài báo về Văn hóa, tín ngưỡng Ninh Thuận qua tư liệu Hán Nôm)

Sở Văn hóa thể thao và Du lịch

II

Các giải pháp, công cụ, dữ liệu - thông tin về bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; quản lý đô thị; bảo vệ sức khỏe nhân dân

 

1

Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chi tiết theo các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán đến cấp xã (vùng), huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận.

(Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ)

- Báo cáo tổng hợp

- Quy trình cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán đến cấp xã (vùng), huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận.

- Phần mềm cảnh báo, dự báo chi tiết theo các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán đến cấp xã (vùng), huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận.

- Phần mềm hỗ trợ việc ra các quyết định ứng phó với bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán cho BCH PCTT & TKCN các cấp.

- Sổ tay hướng dẫn sử dụng các phần mềm cảnh báo, dự báo chi tiết các cấp độ rủi ro thiên tai và hỗ trợ BCH PCTT&TKCN các cấp triển khai có hiệu quả việc phòng chống, ứng phó với bão, mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán. (83 bản in trên giấy A5, 01 bản mềm trên USB).

Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận

2

Đánh giá sức chịu tải của sông Cái và phân vùng xả nước thải vào sông Cái đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035.

(Phân hiệu trường Đại học Thủy Lợi tại tỉnh Bình Dương)

- Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài

- Bộ bản đồ:

Tiểu lưu vực các kênh, rạch, suối trên khu vực nghiên cứu

Các vị trí quan trắc; nguồn thải; nguồn cấp; chất lượng nước mặt;

Phân vùng xả thải và khả năng tiếp nhận nước thải tại khu vực nghiên cứu

- Cơ sở dữ liệu (dạng WebGIS) nguồn thải và khả năng tiếp nhận nước thải của khu vực nghiên cứu

- Báo cáo phân vùng xả thải và đề xuất hạn ngạch xả thải cho từng đoạn của sông Cái

- Báo cáo xác định sức chịu tải và khả năng tiếp nhận nước thải của sông Cái đến năm 2025,2035

- Báo cáo đánh giá hiện trạng xả thải và dự báo xả thải vào sông Cái đến năm 2025 và 2035

- Báo cáo đề xuất giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm trên sông Cái và các phụ lưu dựa theo các kịch bản phát triển kinh tế xã hội

Sở Tài nguyên và Môi trường

3

Nghiên cứu đánh giá diễn biến bồi xói lòng dẫn sông Cái Phan Rang và đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, phát triển bền vững.

(Viện Thủy lợi và Môi trường)

- Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài

- Báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng bồi xói lòng dẫn khu vực hạ lưu sông Cái Phan Rang tỉnh Ninh Thuận, đoạn từ sau đập Tân Mỹ ra cửa biển

- Báo cáo mô phỏng quá trình vận chuyển bùn cát và biến hình lòng dẫn khu vực sông Cái Phan Rang tỉnh Ninh Thuận

- Báo cáo đánh giá tác động của các hoạt động khai thác cát đến hình thái lòng dẫn và xác định trữ lượng cát và thời điểm khai thác hàng năm cho khu vực sông Cái Phan Rang tỉnh Ninh Thuận

- Báo cáo về các hệ số bồi xói đặc trưng trên sông Cái Phan Rang phục vụ công tác kiểm soát sản lượng cát

- Báo cáo đề xuất giải pháp hỗ trợ quản lý, khai thác, phát triển bền vững hạ lưu sông Cái Phan Rang tỉnh Ninh Thuận

Sở Tài nguyên và Môi trường

4

Đánh giá hiện trạng, dự báo đa dạng sinh học, chất lượng các thành phần môi trường tại tỉnh Ninh Thuận phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng điểm là khu vực phía nam của tỉnh.

(Viện Hải dương học)

- Báo cáo tổng kết đề tài

- Báo cáo tổng quan kết quả điều tra, đánh giá về ĐDSH trên địa bàn tỉnh (nguy cơ mất đa dạng sinh học, suy giảm đa dạng sinh học, giải pháp sử dụng hợp lý đa dạng sinh học,...) làm cơ sở khoa học để quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2025 và 2035

- Báo cáo chuyên đề đa dạng sinh học trên cạn và biển khu vực kinh tế phía Nam

- Báo cáo chuyên đề về kết quả tính toán sức chịu tải môi trường nước biển khu vực kinh tế phía Nam

- Báo cáo chuyên đề dự báo các nguồn xả thải, diễn biến chất lượng môi trường nước biển và các yếu tố, nguy cơ gây suy giảm đa dạng sinh học khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam kịch bản đến năm 2025 và 2035

- Báo cáo chuyên đề về chương trình quản lý, giám sát diễn biến các thành phần môi trường khu vực kinh tế phía Nam kịch bản đến năm 2025 và 2035

- Bản đồ địa hình, các sơ đồ phân bố nhạy cảm và cơ sở dữ liệu - GIS

- Bộ bản đồ địa hình, hiện trạng các thành phần môi trường và đa dạng sinh học khu vực kinh tế phía Nam.

- Phần mềm và bộ cơ sở dữ liệu về thành phần môi trường nền khu vực kinh tế phía Nam và bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Sở Tài nguyên và Môi trường

5

Ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý hạ tầng đô thị trên địa bàn Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

(Trung tâm công nghệ thông tin địa lý, Trường ĐH Bách khoa T/p Hồ Chí Minh)

- Báo cáo tổng hợp đề tài

- Bộ CSDL GIS chuyên đề quản lý hạ tầng ngầm đô thị tại TP Phan Rang - Tháp Chàm

- Bộ phần mềm phục vụ quản lý hạ tầng ngầm đô thị tại TP Phan Rang - Tháp Chàm

- Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm

- Quy định khung liên quan đến cơ chế quản lý, vận hành hệ thống cũng như chia sẻ, cập nhật, tích hợp dữ liệu phù hợp với điều kiện về hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh Ninh Thuận - Giáo trình đào tạo, tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng

Sở Xây dựng

6

Khảo sát sai sót, sự cố y khoa tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận năm 2016 - 2017.

(Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận)

- Báo cáo kết quả nghiên cứu về sai sót, sự cố y khoa tại BVĐK tỉnh Ninh Thuận.

- Phần mềm quản lý sai sót, sự cố y khoa.

Sở Y tế

7

Nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện và các yếu tố nguy cơ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, năm 2016 - 2017.

(Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện và các yếu tố nguy cơ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, năm 2016 - 2017.

- Bộ công cụ giám sát nhiễm khuẩn và giám sát thực hành nhiễm khuẩn.

- Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm dự đoán nhiễm khuẩn và 23 Quy trình trong việc quản lý nhiễm khuẩn bệnh viện.

Sở Y tế

8

Khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017.

(Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

- Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt đề tài (lưu đĩa CD)

- 01 Bản đồ phân bố hiện trạng cây thuốc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Bản đồ giấy, tỷ lệ 1:50.000)

- 200 cuốn sách danh mục, hình ảnh cây thuốc

- Dữ liệu cây thuốc (đĩa CD)

- Bộ tiêu bản 209 loài cây thuốc (gồm 600 tiêu bản)

Sở Y tế

9

Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến huyết thanh dương tính với ấu trùng giun đũa chó/mèo (Toxocara spp.) ở người dân tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2020.

(Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận)

- Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến huyết thanh dương tính với ấu trùng giun đũa chó/mèo (toxocara spp.) ở người dân tỉnh Ninh Thuận, năm 2020.

- Tờ rơi phòng chống giun đũa chó mèo năm 2020.

Sở Y tế

III

Các quy trình, giải pháp sản xuất tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, chế biến

1

Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cua xanh (Scylla paramamosian) phù hợp tại Ninh Thuận.

(Trung tâm giống hải sản cấp I Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Sổ tay quy trình kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cua xanh

- Quy trình kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cua xanh tại Ninh Thuận

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2

Nghiên cứu sử dụng tổng hợp các biện pháp sinh học để cải thiện độ phì nhiêu của đất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của một số cây trồng chủ yếu tại Ninh Thuận.

(Viện Nông hóa thổ nhưỡng)

- Báo cáo tổng hợp

- Báo cáo chuyên đề: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sử dụng một số loại vật liệu phủ đất cho sắn và ngô”

- Báo cáo chuyên đề: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học tại chỗ”

- Quy trình sử dụng một số loại vật liệu phủ đất đơn giản, dễ áp dụng, hiệu quả bảo vệ đất cao

- Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ sinh học tại chỗ đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng

- Quy trình sử dụng phân bón hữu cơ sinh học đạt hiệu quả cao

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3

Ương nuôi tôm hùm xanh (Panulirus homarus) từ giai đoạn giống (20-30g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (≥150g) trong bể xi- măng bằng thức ăn viên tại NinhThuận.

(Chi cục Thủy sản Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Quy trình kỹ thuật ương nuôi tôm hùm xanh (Panulirus homarus) trong bể xi-măng từ giai đoạn 20-30g/con đến giai đoạn sắp trưởng thành>=150g/con, bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận

- Quy trình sản xuất thức ăn viên cho tôm hùm xanh (Panulirus homarus) từ giai đoạn 20 -30g/con đến giai đoạn sắp trưởng thành >=150g/con. - Sổ tay kỹ thuật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4

Xây dựng mô hình sản xuất giá thể hữu cơ từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông, lâm nghiệp sẵn có tại Ninh Thuận.

(Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Quy trình công nghệ sản xuất giá thể hữu cơ từ phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp (mùn cưa, bã phôi nấm, rơm, trấu) sẵn có tại Ninh Thuận

- Quy trình ứng dụng giá thể hữu cơ trồng trên các loại cây rau, hoa, cây kiểng tại Ninh Thuận

- Sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng giá thể hữu cơ để sản xuất rau, hoa và cây kiểng.

- Hội nông dân tỉnh - Sở Khoa học và Công nghệ

5

Nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới từ rong mơ Sargassum tại Ninh Thuận.

(Trường Đại học Nha Trang)

- Báo cáo tổng hợp

- Tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm đồ uống hỗn hợp (seacomplex) chống oxy hóa

- Tiêu chuẩn cơ sở cho trà túi lọc rong mơ

- Tiêu chuẩn cơ sở cho rong mơ cán màng ăn liền

- Tiêu chuẩn cơ sở cho trà hòa tan từ rong mơ

- Tiêu chuẩn cơ sở cho phân bón hữu cơ

- Quy trình sơ chế rong mơ sau thu hoạch

- Quy trình tách chiết các chất sinh học chính từ rong mơ

- Quy trình sấy khô các chất sinh học chính từ rong mơ

- Quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm đồ uống hỗn hợp (seacomplex) chống oxy hóa

- Quy trình công nghệ sản xuất trà túi lọc từ rong mơ

- Quy trình công nghệ sản xuất rong mơ cán màng ăn liền

- Quy trình công nghệ sản xuất trà hòa tan từ rong mơ

- Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ bã thải rong mơ

- Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ rong nguyên liệu

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

6

Nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ cừu Ninh Thuận.

(Trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh)

- Báo cáo tổng hợp

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm thịt cừu xông khói

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm thịt cừu khô tẩm gia vị

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm thịt cừu sấy dẻo

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm thịt cừu chà bông

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm thịt cừu viên

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm cà ri cừu đóng túi tiệt trùng

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm bột huyết cừu

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm snack bao tử cừu

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm nước hầm từ xương cừu

- Qui trình công nghệ chế biến sản phẩm pate gan cừu

- Xác định được thời hạn sử dụng của 10 sản phẩm

- Đưa ra được nhãn bao bì cho 10 sản phẩm (mỗi sản phẩm có 3 nhãn) của đề tài để doanh nghiệp, cơ sở chế biến tham khảo khi phát triển sản phẩm từ cừu ra thị trường.

- Đề xuất hệ thống máy móc thiết bị chế biến 10 sản phẩm của đề tài phù hợp với qui mô nhỏ của cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

7

Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ, đội tàu khai thác hải sản trên vùng biển xa phù hợp với nghề cá hiện nay của tỉnh Ninh Thuận.

(Trường Đại học Nha Trang)

- Báo cáo tổng hợp

- Báo cáo mô hình phát triển đội tàu (số lượng, cơ cấu đội tàu) phù hợp với nghề cá của tỉnh Ninh Thuận

- Báo cáo mô hình, giải thuật và chương trình quy hoạch tối ưu cho đội tàu khai thác và đội tàu mẹ - con phù hợp đặc thù nghề cá Việt Nam nói chung và của Ninh Thuận nói riêng.

- Hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật 3 mẫu tàu dịch vụ hậu cần bằng thép, composite và gỗ đã được tính toán tối ưu cho nghề cá Ninh Thuận và đã được Đăng kiểm phê duyệt đưa vào sử dụng thực tế

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

8

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất giống nho NH01-152 tại Ninh Thuận.

(Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố)

- Báo cáo tổng hợp

- Xác định một số biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống nho NH01-152 tại Ninh Thuận

- Xác định được một số loại thuốc có hiệu lực cao phòng trừ sâu bệnh hại trên giống nho NH01-152

- Xây dựng được mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống nho NH01-152 tại Ninh Thuận

- Mở 3 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất giống nho NH01-152 và 3 cuộc hội thảo đầu bờ.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

9

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây Măng Tây theo hướng công nghệ cao tại Ninh Thuận.

(Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố)

- Báo cáo tổng hợp

- Báo cáo phân tích, đánh giá về các ưu, nhược điểm của các loại giống, quy trình kỹ thuật canh tác cây măng tây xanh mà người dân tại tỉnh Ninh Thuận hiện đang thực hiện

- Quy trình thâm canh cây măng tây xanh theo hướng công nghệ cao - Sổ tay

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

10

Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây măng tây (Asparaus officinalis Linn) trồng tại Ninh Thuận.

(Trường Đại học Nha Trang)

- Báo cáo tổng hợp

- Qui trình sơ chế, bảo quản măng tây tươi

- Qui trình sơ chế, bảo quản măng tây tươi

- Qui trình chế biến măng tây khô

- Qui trình sản xuất măng tây muối chua đóng hộp

- Qui trình sản xuất trà túi lọc từ phần thân cứng của măng tây

- Qui trình sản xuất đồ uống tăng cường sức khỏe, chống oxy hóa và lão hóa từ măng tây

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng nguyên liệu măng tây tươi

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm dịch chiết hoạt chất sinh học từ măng tây

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm măng tây khô

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm đồ hộp măng tây muối chua

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm trà túi lọc măng tây

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm đồ uống tăng cường sức khỏe, chống oxy hóa và lão hóa từ măng tây

Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2016

11

Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng.

(Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố)

- Báo cáo tổng kết đề tài

- Quy trình kỹ thuật thâm canh cho các giống nho chế biến rượu có triển vọng (02 quy trình)

- Quy trình chế biến rượu vang nho dùng nguyên liệu từ các giống nho rượu được lựa chọn và đạt hiệu quả cao (02 quy trình sản xuất và chế biến rượu vang phù hợp cho các giống nho tuyển chọn (vang đỏ và vang trắng))

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu nho rượu

- Bộ tiêu chuẩn cơ sở cho rượu vang nho

Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

12

Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận.

(Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Tiếp nhận,chuyển giao 04 quy trình

- Xây dựng 03 mô hình (mô hình chăn nuôi bò thuần hướng thịt, mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt, mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ VA-06 và sả lá lớn làm thức ăn cho bò):

Mô hình chăn nuôi bò thuần hướng thịt.

Mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt.

Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ làm thức ăn cho bò.

- Đào tạo 06 kỹ thuật viên về kỹ thuật TTNT bò, kỹ thuật chăn nuôi thú y bò thịt, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến thức ăn thô cho bò; tập huấn 200 lượt nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật chăn bò vào thực tế chăn nuôi tại địa phương.

- Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng từ 10-30%, so với chăn nuôi truyền thống.

Sở Nông nghiệp và PTNT

13

Dự án NTMN: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Ninh Thuận.

(Trung tâm Thông tin Ứng dụng tiến bộ KHCN Ninh Thuận)

- Báo cáo tổng hợp

- Các quy trình công nghệ chuyển giao và hoàn thiện phù hợp với điều kiện sản xuất tại Ninh Thuận như: Quy trình tưới tiết kiệm trên cây táo; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây nho; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây rau ăn lá; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây hành, tỏi; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây măng tây xanh; Quy trình tưới tiết kiệm cho cỏ làm thức ăn gia súc.

- Xây dựng 06 mô hình tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng gồm:

Mô hình tưới tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây nho;

Mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây táo;

Mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây rau ăn lá;

Mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây hành, tỏi;

Mô hình tưới tiết kiệm tưới nhỏ giọt cho cây măng tây xanh;

mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cỏ làm thức ăn gia súc.

- Đào tạo 04 cán bộ kỹ thuật và 10 kỹ thuật viên cơ sở tiếp nhận quy trình và triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước trên 6 loại cây trồng của dự án.

- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho 500 lượt hộ dân.

- In 600 cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ thuật.

Sở Khoa học và Công nghệ

14

Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

(Trung tâm giống hải sản cấp I)

- Báo cáo tổng hợp

- Tiếp nhận và chuyển giao quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương và công nghệ nuôi cá mú đen chấm đỏ trong ao đất

- Xây dựng 40 điểm mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất và 10 điểm mô hình nuôi cá mú đen chấm đỏ trong ao tại 5 xã, thị trấn quanh đầm Nại, huyện Ninh Hải.

- Đào tạo 11 kỹ thuật viên, tập huấn hướng dẫn 150 lượt người dân.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Ghi chú: Đối với các nhiệm vụ cấp quốc gia do UBND tỉnh đề xuất đặt hàng, các đơn vị chủ trì thực hiện chịu trách nhiệm ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1275/KH-UBND năm 2022 về ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 1275/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Huyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản