Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 09 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2013 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030, TỈNH THANH HÓA

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm tổ chức các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn dân cư, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương;

- Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ về cơ sở vật chất; trang thiết bị; tổ chức bộ máy, cán bộ; tổ chức các hoạt động; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi giải trí;

2. Yêu cầu

- Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và khu dân cư;

- Nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao và du lịch và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

II. ĐỐI TƯỢNG QUY HOẠCH

1. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, bao gồm:

- Nhà nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn và tương đương (sau đây gọi chung là thôn);

- Trung tâm văn hóa - thể thao ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã);

- Trung tâm văn hóa - thể thao ở huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cấp huyện);

- Trung tâm văn hóa cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh).

2. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, bao gồm:

- Nhà thiếu nhi cấp huyện;

- Cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh.

3. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân viên chức, người lao động, bao gồm:

- Nhà văn hóa lao động cấp huyện;

- Cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh;

- Trung tâm văn hóa - thể thao ở khu chế xuất, khu công nghiệp và trong các doanh nghiệp lớn;

4. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang; các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa được quy định về nguyên tắc quản lý và định hướng phát triển chung tại kế hoạch này.

III. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các vùng, miền, khu vực trong tỉnh;

- Đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Ở thôn:

75% số thôn (riêng ở khu vực miền núi là 55%) có nhà văn hóa - khu thể thao được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

- Cấp xã:

80% số đơn vị hành chính xã (riêng ở khu vực miền núi là 60%) có trung tâm văn hóa - thể thao được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

- Cấp huyện:

100% số đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao;

30% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi;

10% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà văn hóa lao động.

- Cấp tỉnh:

Quy hoạch và xây dựng trung tâm văn hóa tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Quy hoạch và xây dựng trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi đạt chuẩn;

Đầu tư cải tạo nâng cấp Nhà Văn hóa Lao động.

- Khu công nghiệp, khu chế xuất:

100% khu công nghiệp, khu chế xuất trong tỉnh có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động;

Trong đó tối thiểu 30% khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

3. Định hướng đến năm 2030

- Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý: Đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính;

- Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng: Đạt tỷ lệ 50% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi;

- Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân viên chức, người lao động: Đạt tỷ lệ 30% đơn vị hành chính cấp huyện, nhà văn hóa lao động tỉnh đạt chuẩn, 50% khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao.

IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch đất sử dụng

- Thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn quy hoạch đất sử dụng cho khu vực nhà văn hóa (không kể diện tích các công trình thể thao quần chúng):

Ở khu vực đồng bằng tối thiểu 300m2;

Ở khu vực miền núi tối thiểu 200m2 (đối với các thôn, bản, khu phố ở vùng núi cao, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn tối thiểu 100m2);

Ở khu vực thành phố, thị xã tối thiểu 200 m2;

- Thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã (trung tâm văn hóa - thể thao), quy hoạch đất sử dụng khu hội trường văn hóa đa năng (không kể diện tích của các công trình thể thao quần chúng):

Ở khu vực đồng bằng tối thiểu 500m2;

Ở khu vực miền núi tối thiểu 300m2 (đối với các xã, thị trấn ở vùng núi cao, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn tối thiểu 200m2);

Ở khu vực thành phố, thị xã tối thiểu 300 m2.

- Thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện (trung tâm văn hóa - thể thao, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa lao động), quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 2.500m2, không kể diện tích của các công trình thể thao quần chúng;

- Thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa; cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động), quy hoạch đất sử dụng tối thiểu 5.000m2. Diện tích đất các công trình thể dục, thể thao thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

- Quy hoạch đất sử dụng xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tối thiểu là 1.000 m2;

- Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhà nước đáp ứng nhu cầu sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành về việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

2. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật

- Các công trình văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng ở vị trí trung tâm hoặc địa điểm thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân; kiến trúc hiện đại, bền vững phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng, miền, dân tộc;

- Quy mô xây dựng tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương;

- Bảo đảm trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp và đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

3. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực

- Trình độ đạt chuẩn của đội ngũ cán bộ:

Cấp thôn: 100% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách nhà văn hóa - khu thể thao được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ;

Cấp xã: 50% trở lên cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; số còn lại đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ;

Cấp huyện: 80% trở lên số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; số còn lại đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ;

Cấp tỉnh: 90% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên về chuyên môn nghiệp vụ, số còn lại đạt trình độ trung cấp;

- Chuyên ngành đào tạo:

Các chuyên ngành đào tạo phù hợp và đáp ứng được các nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở các cấp hành chính;

4. Nguyên tắc, định hướng đối với thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa

- Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc các Sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang khi tiến hành xây dựng phải phù hợp quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ, phù hợp yêu cầu phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ;

Các sở, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trực thuộc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể.

- Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa;

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân bao gồm các nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, các cơ sở thể dục, thể thao, thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao. Khuyến khích đầu tư vào các dịch vụ thể thao, văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên cho các thiết chế này.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tài chính

- Đầu tư của Nhà nước:

Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng, đào tạo cán bộ và đáp ứng một phần chi phí duy trì hoạt động đối với các trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện và cấp xã; các cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động; cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

Đối với nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, huy động xã hội hóa trong cộng đồng dân cư để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và chi phí hoạt động; ngân sách địa phương hỗ trợ tùy theo khả năng. Đối với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và chi phí hoạt động tùy theo khả năng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường:

Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đặc biệt là các nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật

2. Về quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ

- Nhà nước quy hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;

- Củng cố, xây dựng và nâng cấp Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh.

3. Về quản lý, điều hành

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;

- Tăng cường công tác quản lý hành chính nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

4. Về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu của người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa";

- Đi sâu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng người dân; thu hút người dân tham gia hoạt động;

- Nâng cao hiệu quả các hội thi, hội diễn, các ngày hội văn hóa, thể thao; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; xây dựng, phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí từ ngân sách tỉnh bố trí theo kế hoạch hằng năm; nguồn kinh phí các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang dành cho các hoạt động văn hóa, thể thao;

- Kinh phí từ ngân sách địa phương, cơ sở;

- Đóng góp của nhân dân, các thành phần kinh tế, các đoàn thể, tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Nguồn thu từ hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo quy định của Nhà nước.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiến độ thực hiện và các vấn đề phát sinh; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo mục tiêu, kế hoạch của sở, ban, ngành, địa phương đã được phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp dự toán kinh phí triển khai, thực hiện Kế hoạch này, đề xuất ý kiến, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

- Đưa các mục tiêu của Kế hoạch này vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh hằng năm, 5 năm;

- Phối hợp với Sở Tài chính, căn cứ Kế hoạch được duyệt, tham mưu cân đối và bố trí kinh phí thực hiện việc xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch này trong từng giai đoạn;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham mưu, bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch này;

- Đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn kinh phí để xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thuộc sở, ban, ngành, địa phương mình;

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở như mục tiêu Kế hoạch này.

5. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương giải quyết đáp ứng các yêu cầu về tổ chức bộ máy, nhân sự, chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

6. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn mẫu thiết kế các loại hình trung tâm văn hóa - thể thao cấp tỉnh, huyện, thôn và thiết chế văn hóa, thể thao của các sở, ban, ngành, đoàn thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm, phong tục tập quán của các vùng, miền; hướng dẫn các địa phương xây dựng hội trường văn hóa đa năng xã theo các mẫu đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1901/QĐ-UBND ngày 19/6/2014.

7. Các sở, ban, ngành liên quan

Tỉnh Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh và các đoàn thể khác có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trực thuộc:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch này và xây dựng các dự án đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thuộc sở, ban, ngành, tổ chức mình quản lý theo từng giai đoạn;

- Thực hiện chức năng quản lý và phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn về nghiệp vụ cho các thiết chế văn hóa, thể thao của sở, ban, ngành, tổ chức; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc quyền quản lý.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tiến hành quy hoạch, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của địa phương phù hợp với Kế hoạch này; đưa chương trình xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, cơ sở;

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; thường xuyên và định kỳ, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VH, TT&DL;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX (2).
CV281/2014/Ninh50b.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2014 thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 119/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Vương Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản