Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1186/KH-UBND

Bến Tre, ngày 21 tháng 3 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CHIẾN DỊCH TUYÊN TRUYỀN VÀ CAO ĐIỂM XỬ LÝ VI PHẠM VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG MŨ BẢO HIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Kế hoạch số 47/KH-UBATGTQG ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.

2. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm để ngăn chặn các loại mũ giả mạo mũ bảo hiểm trên thị trường; xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm.

3. Chiến dịch phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và đồng loạt trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG CHIẾN DỊCH

1. Thời gian: Thực hiện từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 15 tháng 6 năm 2013.

2. Hoạt động tuyên truyền:

a) Chủ đề: “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình”. b) Nội dung tuyên truyền:

- Các quy định xử phạt hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng, mũ giả mạo mũ bảo hiểm.

- Cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật: Mũ giả mạo mũ bảo hiểm là những loại mũ không có tem hợp quy CR hoặc không đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm bảo vệ (xốp cứng) và quai đeo.

- Cách sử dụng mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

- Cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ giả mạo mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

c) Hình thức tuyên truyền:

- Tuyên truyền về chiến dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình; Báo Đồng Khởi; Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn …;

- Tuyên truyền trực quan thông qua: Xây dựng các cụm cổ động; pano, áp phích; băng-rôn; tờ rơi; diễu hành …

d) Khẩu hiệu tuyên truyền:

- Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình;

- Đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy bị xử phạt như không đội mũ bảo hiểm.

3. Ra quân xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, nhập lậu trên thị trường:

a) Về mặt hàng:

- Các loại mũ bảo hiểm giả, không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hoá;

- Các loại mũ bảo hiểm nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

b) Các vi phạm cần tập trung kiểm tra, xử lý:

- Vi phạm về đăng ký kinh doanh;

- Vi phạm về chế độ hóa đơn, chứng từ;

- Vi phạm về chất lượng hàng hoá, nhãn hàng hoá, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Vi phạm về địa điểm kinh doanh và trật tự an toàn giao thông.

c) Đối tượng, địa bàn, khu vực kiểm tra:

* Đối tượng kiểm tra:

- Các cơ sở kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm giả kể cả bán hàng rong, bán hàng lưu động;

- Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm;

- Các đối tượng vận chuyển, tàng trữ mũ bảo hiểm giả.

* Địa bàn, khu vực cần tập trung kiểm tra: Các địa bàn đông dân cư: Thành phố, thị trấn, thị tứ, các trục đường giao thông chính.

d) Xử lý vi phạm: Xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm giả. Áp dụng các biện pháp kiên quyết để xử lý vi phạm (tịch thu, tiêu huỷ hàng hoá vi phạm, truy tố hình sự các vụ việc có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm,…).

4. Các hoạt động hỗ trợ:

a) Tổ chức ký cam kết giữa các nhà sản xuất mũ bảo hiểm về sản xuất mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với đặc điểm khí hậu và tâm lý lứa tuổi của người Việt Nam.

b) Tổ chức ký cam kết giữa Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố với cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên địa bàn về cam kết bán mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

c) Tổ chức các điểm đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có trợ giá cho người đội mũ.

5. Phối hợp các lực lượng chức năng ra quân tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đối với hành vi đội mũ bảo hiểm giả, mũ không đảm bảo chất lượng và xử phạt nghiêm đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy:

- Các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng khi đi mô tô, xe máy được các lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở và vận động sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

- Xử phạt nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh:

a) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh các văn bản chỉ đạo; tổ chức các hoạt động truyền thông và xử lý vi phạm trong toàn bộ chiến dịch.

b) Đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thành viên, các cơ quan báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chiến dịch đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả; phối hợp với Đài Phát Thanh và Truyền hình xây dựng và phát các phóng sự truyền hình về mũ bảo hiểm đạt chuẩn, các phóng sự truyền thanh tuyên truyền về mũ bảo hiểm đạt chuẩn phát trên các Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ký cam kết với các nhà sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

d) Phối hợp với các sở, ngành, các địa phương liên quan tổ chức phát động, triển khai, kiểm tra và sơ kết chiến dịch.

2. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương tuyên truyền hiệu quả chiến dịch, tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội ủng hộ chủ trương tăng cường quản lý về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.

3. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh mũ, nhập lậu bảo hiểm giả trên thị trường; đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và tịch thu, tiêu huỷ các loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tịch thu trang thiết bị sản xuất của cơ sở sản xuất nếu có hành vi cố tình tái phạm.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả và xử lý nghiêm các trường hợp người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sử dụng cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông, nhất là đối với việc sản xuất, kinh doanh, chất lượng, kiểu dáng, màu sắc và ghi tem, nhãn các loại mũ bảo hiểm đang được người tiêu dùng sử dụng khi tham gia giao thông.

6. Đài Phát Thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi tăng cường thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chiến dịch.

7. Các sở, ngành tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể là thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy trong đối tượng mình phụ trách.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo các lực lượng chức năng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm tra, xử lý thường xuyên, kiên quyết, triệt để các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả, chấm dứt tình trạng bày bán các loại mũ bảo hiểm giả trên các trục đường giao thông, hè phố, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.

c) Yêu cầu các cửa hàng, đại lý kinh doanh, các nhà sản xuất và nhập khẩu mũ bảo hiểm ký cam kết sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Thí điểm “Điểm bán mũ đạt chuẩn”, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

d) Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các điểm đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có trợ giá cho người đội mũ.

Các sở, ngành tỉnh có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố được phân công nhiệm vụ nêu trên báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh trước ngày 15 hàng tháng để tổng hợp báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia theo dõi.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1186/KH-UBND tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 1186/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản