Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRANG TRÍ, TUYÊN TRUYỀN, CỔ ĐỘNG TRỰC QUAN PHỤC VỤ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đẩy mạnh tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển văn hóa, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, các chính sách về phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

- Phát huy vai trò công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội trong tình hình mới, góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị, thể hiện năng lực sáng tạo văn hóa trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Công tác trang trí, tuyên truyền đảm bảo thường xuyên, liên tục gắn với nội dung và quy mô của từng sự kiện.

- Các hình thức trang trí, tuyên truyền chuyển tải được ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội tại các thời điểm diễn ra sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và Thủ đô, góp phần phục vụ Nhân dân Thủ đô, quảng bá vẻ đẹp của đất nước và con người Thủ đô đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

- Phát huy các hình thức trang trí có tính lịch sử, truyền thống, đồng thời đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp với công nghệ và yêu cầu trong giai đoạn mới, tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân, chứa đựng ý tưởng sáng tạo, phù hợp với xu hướng trang trí hiện đại.

- Căn cứ tình hình thực tiễn của từng năm, xây dựng kế hoạch triển khai công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phù hợp với yêu cầu đặt ra.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm

Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và Thủ đô theo từng năm, triển khai các hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố:

- Tuyên truyền chào năm mới; Tết cổ truyền; kỷ niệm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2); ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5); ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7); Cách mạng Tháng Tám (19/8) và Quốc khánh (2/9); ngày Giải phóng Thủ đô (10/10); ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12), Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” (18/12).

- Tuyên truyền kỷ niệm năm tròn ngày sinh các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

- Tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng và ngày kỷ niệm tiêu biểu như: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6); kỷ niệm 1015 năm Thăng Long- Hà Nội; kỷ niệm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3) ...

2. Tuyên truyền kết quả thực hiện các Chương trình, Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và Thành ủy

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Chiến lược phát triển văn hóa, thể dục thể thao và gia đình Việt Nam đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

- 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

3. Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

- Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố Hà Nội.

- Tuyên truyền các vấn đề xã hội, các phong trào, cuộc vận động, góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của Nhân dân.

- Việc thực hiện cam kết của Hà Nội với tư cách là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO”.

4. Tuyên truyền công tác đối ngoại, quảng bá văn hóa

- Tuyên truyền các sự kiện, các hoạt động đối ngoại cấp Quốc gia và Quốc tế diễn ra tại Hà Nội nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, về Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách, thanh lịch, văn minh, về Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình, Thành phố sáng tạo.

- Tuyên truyền phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, kỷ niệm ngày thành lập ASEAN (08/8)...

5. Tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ do Trung ương và Thành phố giao theo kế hoạch cụ thể

III. HÌNH THỨC THỰC HIỆN

1. Trang trí trụ sở các cơ quan công sở, các tòa nhà, trung tâm thương mại, các tuyến đường trung tâm và khu vực công cộng

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Tuyên truyền trên hệ thống báo chí Trung ương và Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội phục vụ nhiệm vụ chính trị diễn ra trên địa bàn Thành phố.

- Mở chuyên trang, chuyên mục trên Cổng Thông tin điện tử các Sở, ban, ngành và hệ thống thông tin cơ sở về Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban ngành liên quan, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan.

3. Tuyên truyền trên nền tảng công nghệ

- Quay video clip, bài chia sẻ, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để đăng tải trên nền tảng công nghệ số và các trang mạng xã hội, trên Fanpage Sở Văn hóa và Thể thao, kênh Youtube và hệ thống thông tin cơ sở giới thiệu về các sự kiện, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố và các nội dung thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy; tập trung vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao, những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm lan tỏa tới đông đảo công chúng.

- Số lượng: 30 sản phẩm/1 năm.

- Thời gian: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan.

4. Phát hành các sản phẩm thông tin, tuyên truyền

- Phát hành tờ gấp, sổ tay theo các chuyên đề: Di tích, lễ hội, công trình văn hóa, hoạt động ẩm thực...

- Phát hành các sách ảnh chuyên đề về Văn hóa, Thể thao, người Hà Nội ...

- Biên soạn các ấn phẩm về nhiệm vụ “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, chuyên san về Văn hóa Gia đình.

- Số lượng: 05 sản phẩm/1 năm.

- Thời gian: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan.

5. Tuyên truyền cổ động trực quan

5.1. Phát huy hiệu quả các loại hình trực quan truyền thống

a) Lắp đặt mới các cụm pano 2 mặt sử dụng năng lượng mặt trời

- Số lượng: 50 cụm.

- Vị trí: Tại các vị trí đã có và một số vị trí mới trên các tuyến đường trung tâm thuộc quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2024.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

b) Lắp đặt hệ thống giá treo cờ sử dụng đèn hắt trang trí

- Số lượng: 1500 giá.

- Vị trí: Tại các vị trí đã có trên các tuyến đường trung tâm thuộc các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Hà Đông.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2024.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

c) Lắp dựng các cụm cờ khung thép hoa văn truyền thống sơn tĩnh điện

- Số lượng: 30 cụm.

- Vị trí: Dự kiến đặt tại các ngã ba, ngã tư, đảo giao thông, đường dẫn, khu vực trung tâm Thành phố (tùy thuộc vào nơi diễn ra sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm).

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2024.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

5.2. Triển khai các loại hình trực quan ứng dụng công nghệ

a) Lắp đặt các màn hình LED tại khu vực trung tâm

- Số lượng: Tối thiểu 10 màn hình.

- Chất liệu: Sử dụng màn hình LED ngoài trời, kích thước phù hợp.

- Vị trí: Tại một số ngã ba, ngã tư, đường dẫn, khu vực trung tâm Thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022 và 2025.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

b) Lắp dựng cụm pano sử dụng năng lượng mặt trời tại các vị trí đã quy hoạch

- Số lượng: 2 cụm.

- Chất liệu: Bảng 1 cột bằng thép, 1 mặt và 2 mặt.

- Vị trí: Đường Trần Nhân Tông và đường Cát Linh - Giảng Võ.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023 và 2024.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, các doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

6. Tuyên truyền qua hoạt động triển lãm

- Tổ chức các góc trải nghiệm, trưng bày hiện vật, trình diễn các hoạt động về văn hóa, thể thao và gia đình; các hương ước, quy ước hình thành nếp sống văn hóa Hà Nội; di sản văn hóa vật thể và phi vật thể và những lĩnh vực khác liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo.

- Số lượng: 4 cuộc/năm.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo Thành ủy, các Sở, ban, ngành Thành phố, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.

7. Tuyên truyền lưu động phục vụ Nhân dân

7.1. Xây dựng các chương trình tuyên truyền lưu động ứng dụng công nghệ phục vụ Nhân dân, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Tập trung tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của Thủ đô, đất nước và các nội dung thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy.

- Số lượng: 20 buổi biểu diễn/năm.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các Thôn, Tổ dân phố; các đơn vị liên quan.

7.2. Tổ chức các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, quốc tế tại Thủ đô các nước và các tỉnh, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

- Đơn vị phối hợp: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, các đơn vị, tổ chức liên quan.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Nguồn xã hội hóa theo quy định.

Căn cứ tình hình thực tế hàng năm, các Sở, ngành, đơn vị chủ động xây dựng dự toán kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền và định hướng nội dung tư tưởng về các hoạt động kỷ niệm và sự kiện.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo đúng kế hoạch. Tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm.

- Tổ chức cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội, cuộc thi sáng tác tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế về Hà Nội và các cuộc thi khác phục vụ công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn Thành phố.

- Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan cấp Thành phố và cơ sở để kịp thời xử lý các vi phạm và chấn chỉnh các hoạt động, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị.

- Tổng hợp, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét đối với việc tham gia công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan của các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định.

- Tham mưu tổ chức công tác sơ kết, tổng kết hàng năm và định kỳ tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định. Đề xuất giải quyết các kiến nghị, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố, phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố.

- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trên hệ thống thông tin, truyền thanh cơ sở của các xã, phường, thị trấn.

- Hướng dẫn thủ tục cấp phép đối với website, kênh thông tin, mạng xã hội theo quy định.

4. Sở Xây dựng

- Phối hợp triển khai công tác lắp dựng các cụm pano, màn hình LED, giá treo cờ trên hệ thống cột điện và các vị trí liên quan.

- Phối hợp đấu nối nguồn điện phục vụ các sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và Thủ đô.

5. Công an thành phố Hà Nội

- Bảo vệ an toàn tuyệt đối, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy tại khu vực tổ chức các sự kiện và hoạt động kỷ niệm trên địa bàn Thành phố.

- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

6. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp triển khai công tác lắp dựng các cụm pano, cụm cờ, pano trên thành cầu vượt dành cho người đi bộ và các hình thức liên quan khác.

- Phối hợp với Công an thành phố Hà Nội đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố và nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động kỷ niệm.

7. Sở Tài chính

Chủ trì, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch trên cơ sở đề xuất của các Sở, ban, ngành Thành phố theo quy định.

8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên địa bàn Thành phố.

- Quan tâm đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Lựa chọn một phường, xã, thị trấn triển khai thí điểm một hình thức trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

Trên đây là Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện hiệu quả, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện, vướng mắc, khó khăn (nếu có) qua Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các đơn vị được phân công trong Kế hoạch;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, PCVP P.T.T.Huyền, các phòng: KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, KGVX.
16847 - 6

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2022 về nâng cao hiệu quả công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 115/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/04/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chử Xuân Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản