Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NĂM 2023

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

Căn cứ Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2022 về việc cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai năm 2023; Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) năm 2023, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch theo mục tiêu Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

- Rà soát các quy định, TTHC/ Nhóm TTHC nhằm kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những những thủ tục TTHC, quy định hành chính, các thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, các biểu mẫu hoặc yêu cầu, điều kiện tuân thủ TTHC rườm rà, phức tạp, chồng chéo, mâu thuẫn... tại các văn bản Quy phạm pháp luật, tại Bộ TTHC hiện hành đang gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.

- TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước được thực hiện rà soát, thống kê, công bố, công khai và rà soát, đánh giá, trình phê duyệt phương án đơn giản hóa theo lộ trình được giao tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.

- Xây dựng nội dung TTHC, chuẩn hóa đầy đủ tên, nội dung các nội dung TTHC theo Bộ thủ tục đã được các Bộ, ngành Trung ương công bố, đảm bảo tính pháp lý, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện TTHC; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

2. Yêu cầu

- Rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có; đạt tối thiểu 10% tổng số thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị.

- Rà soát, thống kê và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025: 50% TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành được rà soát, đánh giá, trình phê duyệt phương án đơn giản hóa theo thời gian quy định. Trong đó, tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC.

- Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất. Tổ chức triển khai có kết quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Đến năm 2025: Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020 và thực hiện các nhiệm vụ được giao của Chính phủ góp phần đến năm 2030 Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu về môi trường kinh doanh.

- Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra, bảo đảm minh bạch thông tin; áp dụng đầy đủ, hiệu quả phương pháp kiểm tra tiên tiến, phương pháp quản lý rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

- Kết quả rà soát, đánh giá TTHC phải cụ thể, thiết thực và đáp ứng được các mục đích nêu trên theo hướng dẫn tại Chương V, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Kết quả rà soát, đánh giá TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.

- Phân biệt việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, TTHC với việc báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết nhiệm vụ chuyên môn, các công việc sự vụ hoặc đề xuất thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần hoặc dịch vụ công trực tuyến toàn phần để tuân thủ thực hiện nghiêm, đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra của Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC.

- Giám đốc các sở ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, TTHC đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, thời gian theo yêu cầu.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi rà soát, đánh giá TTHC

Rà soát tất cả các TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, công khai đang còn hiệu lực thi hành, trọng tâm là rà soát các quy định, TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, tần suất cao, có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, được triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trên các hệ thống phần mềm tiếp nhận, trả kết quả của tỉnh, của các Bộ, ngành Trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ và theo đề xuất của các đơn vị, địa phương.

Ưu tiên lựa chọn rà soát các quy định, TTHC có liên quan phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết trên thực tế, chú trọng các TTHC có quy định, yêu cầu thành phần hồ sơ chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện; còn tình trạng lạm quyền, yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC; yêu cầu về thời hạn giải quyết còn kéo dài so với thực tế để đề xuất phương án đơn giản hóa.

Đặc biệt, tập trung rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các quy định, TTHC còn gây khó khăn cho việc tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt mục tiêu, hiệu quả trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

2. Nội dung, cách thức và thời gian thực hiện:

- Rà soát, đánh giá tất cả các TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, công khai đang còn hiệu lực thi hành thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

- Rà soát, đánh giá TTHC nội bộ: Các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá, đề xuất đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 6828/VPCP-KSTT ngày 12/10/2022 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.

a) Nội dung thực hiện

- UBND cấp xã

+ Thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa đối với các TTHC/Nhóm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định, TTHC/Nhóm TTHC theo thẩm quyền giải quyết gửi UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp.

- UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa

+ Chủ trì thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Triển khai, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định, TTHC/Nhóm TTHC theo thẩm quyền; tổng hợp, rà soát, lấy ý kiến các đơn vị, địa phương có liên quan đối với các quy định, TTHC/Nhóm TTHC đã được rà soát, đề xuất đơn giản hóa; ghi nhận kết quả rà soát, kiến nghị của các đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã để phục vụ công tác đánh giá công vụ, chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính, công tác kiểm soát TTHC theo quy định.

+ Tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa quy định, TTHC/Nhóm TTHC theo lĩnh vực quản lý ngành thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã gửi đến các sở, ban, ngành có liên quan để rà soát, tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Các sở, ban, ngành tỉnh:

+ Chủ trì rà soát đối với các quy định, TTHC/Nhóm TTHC thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Tổng hợp, rà soát, lấy ý kiến các đơn vị, địa phương có liên quan đối với các quy định, TTHC/Nhóm TTHC được UBND cấp huyện, cấp xã đề xuất.

+ Trình phương án đơn giản hóa chung thuộc lĩnh vực quản lý ngành, kiến nghị đơn giản hóa quy định, TTHC/Nhóm TTHC do đơn vị và UBND cấp huyện, cấp xã đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định (thông qua Văn phòng UBND tỉnh).

b) Cách thức rà soát, đánh giá TTHC

- Cách thức rà soát, đánh giá TTHC

Thực hiện rà soát, đánh giá TTHC/Nhóm TTHC dựa vào các nội dung của tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ TTHC theo hướng dẫn tại Chương V, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC.

Kết quả thực hiện rà soát, đánh giá: Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, đánh giá TTHC/Nhóm TTHC theo các nội dung cụ thể tại các Phụ lục (Phụ lục số VII, VIII, IX, X, XI) và hướng dẫn thực hiện rà soát, đánh giá chi tiết kèm theo từng Phụ lục tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Nội dung tổng hợp, trình kết quả rà soát, kiến nghị đơn giản hóa: Thực hiện theo nội dung tại Mẫu Phụ lục Phương án đơn giản hóa TTHC kèm theo Phụ lục số VI ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 30/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, với các nội dung cơ bản về: Tên TTHC/Nhóm TTHC; nội dung đơn giản hóa, lý do; kiến nghị thực thi; lợi ích phương án đơn giản hóa.

- Cách thức rà soát, đánh giá TTHC nội bộ: Các đơn vị, địa phương bám sát nội dung Hướng dẫn chi tiết về cách thức rà soát, thống kê; đánh giá, đề xuất đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tài liệu hướng dẫn kèm theo văn bản số 6828/VPCP-KSTT ngày 12/10/2022 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.

c) Thời gian trình phương án đơn giản hóa TTHC

- Thời gian trình phương án đơn giản hóa TTHC

+ UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện trình phương án đơn giản hóa quy định, TTHC cho UBND huyện: Trước ngày 15/6/2023.

+ UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp kết quả kiến nghị đơn giản hóa theo từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Trước ngày 14/7/2023.

+ Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh trình phương án kiến nghị đơn giản hóa của đơn vị và các địa phương cho Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh): Trước ngày 15/8/2023.

- Thời gian trình phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ:

+ UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện trình phương án đơn giản hóa quy định, TTHC cho UBND huyện: Trước ngày 29/9/2023.

+ UBND cấp huyện rà soát, tổng hợp kết quả kiến nghị đơn giản hóa theo từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Trước ngày 30/10/2023.

+ Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh trình phương án kiến nghị đơn giản hóa của đơn vị và các địa phương cho Chủ tịch UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh): Trước ngày 30/11/2022.

d) Triển khai phương án đơn giản hóa quy định, TTHC:

- Đối với các TTHC/Nhóm TTHC đề xuất giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa quy trình xử lý hồ sơ thuộc thẩm quyền của sở, ban ngành và UBND cấp huyện:

+ Các sở, ban ngành chủ động triển khai, đề xuất thực hiện giảm thời gian giải quyết TTHC ngay trong quá trình tham mưu ban hành Quyết định công bố bộ thủ tục hành chính, quy trình điện tử trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định. Hạn chế tối đa việc đề xuất giảm thời gian giải quyết TTHC mang tính hình thức (đề xuất giảm thời gian giải quyết nhưng không trình Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định công bố TTHC để giảm thời gian giải quyết theo phương án đơn giản hóa hoặc việc xử lý hồ sơ phát sinh của TTHC đề xuất bị trễ hạn...).

+ Giao các sở, ban ngành có đề xuất phương án đơn giản hóa giảm thời gian giải quyết TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, chậm nhất đến ngày 15/10/2023 phải trình Chủ tịch UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định công bố TTHC để giảm thời gian giải quyết theo phương án đơn giản hóa đã đề xuất. Các trường hợp không trình Chủ tịch UBND tỉnh theo thời hạn nêu trên thì sẽ không được xem xét, công nhận điểm chỉ số cải cách hành chính và đánh giá công vụ trong năm 2023 đối với nội dung đề xuất đơn giản hóa giảm thời gian giải quyết.

Các sở, ban ngành có thể chủ động triển khai thực hiện ngay trong quá trình tham mưu ban hành Quyết định công bố bộ thủ tục hành chính, quy trình điện tử trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Đối với các TTHC/Nhóm TTHC đề xuất đơn giản hóa thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp trên (như đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ, điều chỉnh các quy định thuộc Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành Trung ương, Nghị Quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh...): Các sở, ban ngành, UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, cập nhật các nội dung thay đổi của các quy định hiện hành để kịp thời tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính đã được sửa đổi theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện: Căn cứ kế hoạch này xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện trong phạm vi đơn vị, địa phương; hoàn thành trong Quý I/2022, trong đó:

- Xác định cụ thể từng TTHC/Nhóm TTHC, từng văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC.

- Thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo trong các quy định, TTHC đặc biệt là quy định về thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC, các mẫu tờ đơn, mẫu tờ khai...

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp thực tế, đảm bảo tính hợp lý, tính hợp pháp và hiệu quả. Tổ chức, triển khai phương án đơn giản hóa kịp thời, đạt hiệu quả khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh

- Trên cơ sở phương án đề xuất của UBND cấp huyện, thực hiện việc tổng hợp kết quả đề xuất của các địa phương và kết quả rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền của sở, ban ngành để xây dựng phương án đơn giản hóa chung theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định (thông qua Văn phòng UBND tỉnh).

- Căn cứ kết quả, hiệu quả đề xuất phương án đơn giản hóa quy định, TTHC của UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành thực hiện tổng hợp, đánh giá và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả đánh giá theo các tiêu chí về nội dung kiến nghị rà soát, đơn giản hóa tại Bộ chỉ số CCHC năm của UBND cấp huyện theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh

- Trên cơ sở TTHC/Nhóm TTHC thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, chủ động phân công các phòng chuyên môn trực thuộc thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa. Đồng thời, tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất đơn giản hóa TTHC, quy định hành chính của UBND cấp xã theo từng lĩnh vực chuyên ngành và gửi các sở, ban, ngành phụ trách lĩnh vực liên quan để tổng hợp, đề xuất theo thẩm quyền.

- Thực hiện việc tổng hợp, đánh giá kết quả rà soát, đề xuất đơn giản hóa TTHC, quy định hành chính của các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc, UBND cấp xã, làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chỉ số CCHC và công vụ năm của cấp huyện theo quy định.

4. Tiêu chí thực hiện:

- Tỷ lệ rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC tối thiểu đạt 10% trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Trong năm 2023, tỷ lệ cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC đối với ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết, quản lý chuyên ngành được rà soát, thống kê, đánh giá và trình phê duyệt phương án đơn giản hóa theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai.

- Tổ chức, triển khai phương án đơn giản hóa kịp thời, đạt hiệu quả khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Văn phòng UBND tỉnh: Có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp kết quả, xây dựng Phương án chung của tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; báo cáo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Yêu cầu các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo và đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2022 theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Cục Kiểm soát TTHC (VPCP);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UB Mặt trận TQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND cấp huyện;
- Công an tỉnh, Cục thuế, Cục Hải quan;
- BHXH tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, HCTC, HCC.

CHỦ TỊCH




Cao Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 11/KH-UBND về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2023 do tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 11/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/01/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Cao Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản