Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 10 tháng 06 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC PHÒNG TRỪ CHUỘT BẢO VỆ SẢN XUẤT, NĂM 2019-2020

Thực hiện Chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt. Để chủ động phòng chống kịp thời, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra đối với sản xuất trồng trọt; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch tổ chức phòng trừ chuột bảo vệ sản xuất như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Hình thành phong trào diệt chuột thường xuyên, đồng loạt ở tất cả các xã, phường, thị trấn có sản xuất trồng trọt; nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra bảo vệ năng suất và sản lượng các loại cây trồng, ngăn chặn tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất trồng trọt và sức khỏe người dân.

2. Yêu cầu

- Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân tham gia diệt chuột.

- Diệt chuột sớm ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất, diệt chuột đồng loạt, thường xuyên, liên tục và mang tính cộng đồng. Tạo thành các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột nhằm đạt hiệu quả cao.

- Diệt trừ chuột đúng kỹ thuật, đúng thời gian, an toàn cho con người, gia súc, gia cầm và môi trường. Nghiêm cấm sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục để trừ chuột.

- Thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột, phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và từng sinh cảnh.

II. QUY MÔ, ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Quy mô, địa điểm

- Chiến dịch diệt chuột được phát động và triển khai thực hiện đồng loạt ở tất cả địa bàn các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn, các thôn xóm và tới từng hộ nông dân.

- Tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ thửa, gò, đống, ven đê, ven đường đi lại. Diệt chuột cả trong khu dân cư, các khu công nghiệp, đất trống, đến các đường làng, ngõ xóm.

2. Thời gian thực hiện

Diệt chuột là hoạt động thường xuyên, liên tục và thực hiện thành các đợt cao điểm gồm:

- Đợt 1: Từ ngày 15/1 đến ngày 15/2, khi đưa nước đổ ải, làm đất cấy lúa vụ Xuân.

- Đợt 2: Từ ngày 25/3-15/4, giai đoạn lúa Xuân phân hóa đòng.

- Đợt 3: Từ ngày 5/6-5/7, sau khi thu hoạch lúa và cây màu vụ Xuân, trong giai đoạn làm đất gieo cấy vụ mùa.

- Đợt 4: Từ ngày 10/8-25/8, giai đoạn lúa Mùa phân hóa đòng.

- Đợt 5: Từ 25/9-15/10, sau khi thu hoạch lúa Mùa, bắt đầu gieo trồng vụ Đông.

- Đợt 6: Từ 5/12-25/12, giai đoạn cây vụ Đông vào thu hoạch.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn

- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ HTX, thôn, đội sản xuất và nông dân các vùng trọng điểm; đồng thời phổ biến sâu rộng trong các cộng đồng dân cư về tác hại của chuột và các biện pháp diệt trừ chuột.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, bảng tin về các đợt cao điểm phòng trừ chuột, các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột và công tác bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức diệt trừ chuột.

- In ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, các video clip về tác hại của chuột và biện pháp phòng trừ chuột.

2. Đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và bảo vệ môi trường

- Nghiêm cấm sử dụng điện để làm bẫy diệt chuột; trường hợp sử dụng các loại bẫy kẹp, cạp nơi có người đi lại phải có cảnh báo.

- Trường hợp sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột, ưu tiên sử dụng những thuốc có tính an toàn cao và tổ chức thực hiện chặt chẽ. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh buôn bán thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng; cả trong các cửa hàng, đại lý và tại các chợ phiên, hàng bán rong.

- Thu gom, tiêu hủy xác chuột kịp thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là trong các cao điểm phòng trừ chuột.

- Khi áp dụng biện pháp thủ công (đào bắt) phải đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi, đường giao thông và cơ sở hạ tầng.

3. Áp dụng tổng hợp các biện pháp diệt trừ chuột

* Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, nhất là các khu vực gò cao, đất hoang hóa để hạn chế nơi ẩn náu và làm ổ sinh sản của chuột.

- Gieo trồng đồng loạt; thu hoạch đồng loạt theo từng cánh đồng để có thời điểm cắt đứt nguồn thức ăn của chuột.

- Sử dụng bẫy cây trồng (TBS) để dẫn dụ, thu hút chuột.

* Biện pháp thủ công, cơ giới:

- Dùng đèn có cường độ ánh sáng mạnh soi để bắt chuột vào ban đêm;

- Đào bắt, hun khói, đổ nước vôi loãng vào hang chuột;

- Sử dụng các loại bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy keo dính, cạp ... đặt trên lối đi của chuột và khu vực chuột gây hại.

* Biện pháp sinh học:

- Phát triển đàn mèo (khuyến khích nông dân nuôi mèo);

- Dùng các loại bả sinh học để diệt chuột;

- Bảo vệ và duy trì các loài động vật hoang dã là thiên địch của chuột (rắn, chim cú mèo, chim lợn...).

* Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, gia súc, gia cầm và thủy sản.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Bố trí từ nguồn chi hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh để xây dựng các mô hình phòng trừ chuột tổng hợp; in ấn, phát hành tờ rơi, bằng đĩa tư liệu; tập huấn cho cán bộ các cấp; hỗ trợ cho các địa phương mua thuốc diệt trừ chuột tập trung theo chiến dịch.

2. Bố trí từ ngân sách cấp huyện, thành phố; cấp xã và các nguồn khác để tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các chiến dịch diệt trừ chuột tập trung; công tác tuyên truyền tại địa phương, tại cơ sở và cộng đồng dân cư; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong các chiến dịch diệt trừ chuột v.v.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch; căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu từ các địa phương và khả năng bố trí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn và kinh phí hỗ trợ các địa phương mua thuốc trừ chuột.

- Hàng năm xây dựng dự toán thực hiện các mô hình phòng trừ chuột tổng hợp gửi Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ chuột; kiểm tra đánh giá kết quả tổ chức phòng trừ chuột tại các địa phương.

- Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này và tham mưu, đề xuất kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

2. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí xây dựng các mô hình phòng trừ chuột tổng hợp; căn cứ khả năng cân đối, bố trí ngân sách của tỉnh để tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Trên cơ sở kế hoạch sản xuất hàng vụ, hàng năm và mức độ gây hại của chuột, tổng hợp nhu cầu kinh phí mua thuốc diệt chuột (trên cơ sở xác định rõ quy mô, phạm vi sử dụng) gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, trình UBND tỉnh. Tổ chức mua và cấp thuốc diệt chuột cho cơ sở theo quy định tài chính hiện hành; chỉ đạo việc sử dụng thuốc trừ chuột đúng kỹ thuật.

- Bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ công tác tổ chức diệt trừ chuột; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở.

- Vận động, khuyến khích các gia đình nuôi và bảo vệ đàn mèo; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán trái phép các động vật hoang dã là thiên địch của chuột. Vận động, khuyến khích người dân áp dụng các loại bẫy phù hợp theo tập quán, kinh nghiệm để diệt trừ chuột thường xuyên, liên tục.

4. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có trách nhiệm tổ chức, áp dụng các biện pháp diệt trừ chuột phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị trong phạm vi được giao quản lý.

5. Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Thường xuyên đưa tin, bài, tuyên truyền và vận động nhân dân tích cực thực hiện chiến dịch diệt chuột theo đúng kế hoạch để đạt kết quả tốt nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ của chuột hại và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Hội Phụ nữ tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT. NNTN (BD30).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2019 về tổ chức phòng trừ chuột bảo vệ sản xuất, năm 2019-2020 do tỉnh Hòa Bình ban hành

  • Số hiệu: 108/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/06/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản