Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 11 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG CHUYÊN CANH SẢN XUẤT CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 05/4/2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 08/6/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 05/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xây dựng Kế hoạch bảo tồn, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất dược liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển cây dược liệu hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường.

- Phát triển cây dược liệu phải gắn với việc bảo vệ, nâng cao hiệu quả diện tích hiện có và bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dược liệu.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu và đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và cải tạo môi trường đa dạng hệ sinh thái. Từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Tập trung phát triển chủng loại cây dược liệu quý hiếm theo hướng hàng hóa gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu sẵn có tại địa phương và có lợi thế cạnh tranh lớn, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, như một số cây dược liệu dễ trồng, dễ tiêu thụ như: Quế, Đinh lăng, Sả, Gừng, Nghệ. Ngoài ra, có thể xây dựng mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện canh tác của địa phương đối với các dược liệu như: Sâm ngọc linh, Kim tiền thảo, Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân.

- Song song với trồng mới, trồng thử nghiệm, cần tiếp tục trồng bổ sung, cải tạo, trồng thay thế trên diện tích hiện có (diện tích cây dược liệu hàng năm, cây lâu năm đã thu hoạch) để duy trì ổn định diện tích, sản lượng. Đồng thời tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

- Phát triển cây dược liệu quý hiếm phải phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan; tạo được các vùng trồng cây dược liệu để phát triển ổn định, lâu dài; tạo được sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững, hiệu quả.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn 06 huyện, gồm: Mộ Đức, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây.

2. Đối tượng: Các loài cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao đã và đang được người dân trồng, chăm sóc và phát triển tại địa phương. Đồng thời phải là những loài cây dược liệu nằm trong danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển theo Quyết định số 206/QĐ-BYT ngày 22/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2015-2020.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phát triển vùng trồng cây dược liệu đến năm 2020

- Trên cơ sở xác lập vùng trồng cây gỗ lớn trong Quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ được giao khoán cho các hộ dân theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch  UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; kết hợp trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn và rừng tự nhiên.

- Lập kế hoạch vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng sinh thái mỗi địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường, cụ thể như: Quế, Đinh lăng, Gừng, Nghệ.

- Trồng thử nghiệm để đánh giá chất lượng đáp ứng về nguyên liệu làm thuốc và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tạ i vùng trồng; gồm các loại cây dược liệu như: Ba kích, Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân.

- Tổng diện tích trồng các loại cây dược liệu đến năm 2020: 989,1ha (trên địa bàn 06 huyện, gồm: Mộ Đức, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây). Cụ thể:

TT

Địa điểm (xã, huyện)

Loại cây

Diện tích (ha)

Ghi chú

1

Đức Lân, Đức Hòa và thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức

Đinh lăng, Kim tiền thảo, Gừng, Nghệ, Ba kích

14,5

 

2

Tại các xã và thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ

Ba kích, Sa nhân

15

 

3

Sơn Thành và Sơn Cao, huyện Sơn Hà

Đinh lăng, Ba kích

46,6

 

4

Trà Bình, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Tân, Trà Bùi và thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng

Đinh lăng, Gừng, Sả, Nghệ, Ba kích, Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh và Quế

155

Quế: 100ha

5

Trà Quân, Trà Lãnh và Trà Nham, huyện Tây Trà

Gừng và Quế

604

Quế: 600ha

6

Sơn Lập, Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Màu và Sơn Liên, huyện Sơn Tây

Sa nhân, Ba kích, Đảng sâm, Nghệ, Gừng, Đinh lăng và Quế.

154

 

 

Tổng cộng

 

989,1

 

2. Định hướng phát triển đến năm 2025

- Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện việc phát triển cây dược liệu đến năm 2020, tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục trồng thử nghiệm (Kim tiền thảo, Ba kích, Cà gai leo, Lô hội, Đảng sâm, Sa nhân, Sâm Ngọc Linh) và trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; duy trì, phát triển có hiệu quả diện tích cây dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

TT

Địa điểm (xã, huyện)

Loại cây

Diện tích (ha)

Ghi chú

1

Đức Lân, Đức Hòa và thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức

Đinh lăng, Kim tiền thảo, gừng, nghệ, Ba kích

14,5

 

2

Tại các xã và thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ

Ba kích, Sa nhân

15

 

3

Sơn Thành và Sơn Cao, huyện Sơn Hà

Đinh lăng, Ba kích

46,6

 

4

Trà Bình, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Tân, Trà Bùi và thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng

Đinh lăng, Gừng, Sả, Nghệ, Ba kích, Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh và Quế

155

Quế: 100ha

5

Trà Quân, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Trung, Trà Xinh và Trà Phong, huyện Tây Trà

Gừng và Quế

3.521,5

Quế: 3.500ha

TT

Địa điểm (xã, huyện)

Loại cây

Diện tích (ha)

Ghi chú

6

Sơn Lập, Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Màu và Sơn Liên, huyện Sơn Tây

Sa nhân, Ba kích, Đảng sâm, Nghệ, Gừng, Đinh lăng và Quế.

154

 

 

Tổng cộng

 

3.906,6

 

- Xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, với quy mô đáp ứng khoảng 15%-20% nhu cầu giống tại chỗ (tùy chủng loại); đồng thời, phát triển và quản lý hệ thống thu mua, chế biến, tiêu thụ. Cụ thể: Xây dựng vườn ươm, nhân giống, với quy mô: 1,0ha tại xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà và quy mô 0,5ha tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thông tin, tuyên truyền

Tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, các hội nghị, hội thảo, tập huấn, phổ biến về kế hoạch và các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

2. Về đất trồng

- Đất dự kiến phát triển cây dược liệu phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không bị ảnh hưởng do chất thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung, nghĩa trang,...

- Các đối tượng đất nghiên cứu phát triển cây dược liệu hàng hóa:

+ Đất trồng cây hàng năm là đối tượng phù hợp với nhiều chủng loại cây dược liệu (Đinh lăng, Sả, Gừng, Nghệ,...). Tuy nhiên, trong phần diện tích đất này phải chú ý đến quỹ đất dùng cho phát triển các cây hàng năm khác và các quỹ đất công ích của địa phương. Riêng đối tượng đất lúa, tại một số khu vực có điều kiện thuận lợi có thể nghiên cứu chuyển đổi sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng phải đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành và không làm mất đi tính chất đất lúa.

+ Đất lâm nghiệp là đối tượng nghiên cứu và có tiềm năng lớn nhất cho phát triển cây dược liệu. Cây dược liệu có nhiều chủng loại, đặc điểm thích nghi khác nhau, nhiều loại chỉ thích hợp phát triển dưới tán rừng (Ba kích, Sa nhân,...) và có loại là đối tượng cây lâm nghiệp (như cây Quế), do đó cần có phương án chọn đất trồng thích hợp cho từng đối tượng cụ thể.

+ Đất trồng cây hàng năm khác (chủ yếu là đất trồng ngô, rau đậu các loại).

+ Đất trồng cây lâu năm khác (chủ yếu là cây ăn quả, cây công nghiệp).

3. Về cơ chế chính sách, nguồn vốn phát triển cây dược liệu

a) Về cơ chế: Thông qua cơ chế hỗ trợ tại Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

b) Nguồn vốn:

- Vốn Trung ương: Vốn chương trình khuyến nông, dự án khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế để phát triển sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Vốn ngân sách địa phương: Lồng ghép từ nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình: 30a,135, xây dựng nông thôn mới; các nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và huyện được giao hằng năm để phát triển cây dược liệu trên địa bàn vùng cao.

- Vốn hợp pháp khác: Vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân, vốn tín dụng và vốn tự có của nhân dân.

c) Thực hiện sản xuất và hỗ trợ thông qua các dự án, đề án, kế hoạch được xây dựng từ các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân... được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Về khoa học công nghệ, khuyến nông

- Triển khai thí điểm các mô hình trồng cây dược liệu có ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, đưa các giống mới, giống có năng suất cao, ổn định, đảm bảo chất lượng vào sản xuất.

- Tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về canh tác, thu hái, bảo quản để duy trì và nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

5. Về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực

- Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dược liệu; vận dụng có hiệu quả công tác đào tạo  nghề cho  lao  động  nông  thôn  để phát  huy nguồn  nhân  lực có kinh nghiệm, tri thức trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và sử dụng dược liệu.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về bảo tồn, khai thác và phát triển sản xuất cây dược liệu quý hiếm theo hướng bền vững, ổn định.

6. Về tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu

- Xây dựng hệ thống thu gom, sơ chế và bảo quản dược liệu tại mỗi vùng phát triển tập trung. Đồng thời, thực hiện tiêu thụ sản phẩm qua các kênh: Các tổ chức kinh tế là các công ty kinh doanh dược liệu; các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân thông qua hợp đồng, bao tiêu sản phẩm.

- Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu quý hiếm và sản phẩm chế biến từ nguồn dược liệu của địa phương, góp phần quảng bá và nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

V. KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2025

Tổng kinh phí thực hiện: 15.855,0 triệu đồng (dựa trên khái toán của các địa phương). Trong đó:

1. Phân theo giai đoạn:

- Giai đoạn 2019-2020: 9.215,0 triệu đồng;

- Giai đoạn 2021-2025: 6.640,0 triệu đồng.

2. Phân theo cơ cấu nguồn vốn:

+ Vốn ngân sách trung ương, tỉnh:                    5.818,0 triệu đồng;

+ Vốn ngân sách huyện, xã:                               6.322,0 triệu đồng;

+ Vốn đối ứng trong cộng đồng, doanh nghiệp: 3.715,0 triệu đồng.

 (Có phụ lục khái toán kinh phí kèm theo)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện về kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu hằng năm tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm tra kế hoạch và tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, làm cơ sở trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ thực hiện.

- Phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo thực hiện việc trồng, phát triển sản xuất cây dược liệu; đồng thời, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch của các huyện, báo cáo UBND tỉnh vào ngày 15/12 hằng năm.

2. Sở Y tế

Rà soát, lập hồ sơ xin cấp phép và quản lý các cơ sở thu gom, sơ chế, kinh doanh sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan có liên quan của tỉnh, huyện, trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện tại các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu hoạt động trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu,... liên quan đến phát triển sản xuất cây dược liệu.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh sản xuất dược liệu theo sự phân cấp quản lý của tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Căn cứ vào các nội dung kế hoạch và tổng hợp, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh (theo khả năng cân đối) để thực hiện kế hoạch được giao.

- Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị quản lý, sử dụng và quyết toán vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đúng quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện

- Trên cơ sở kế hoạch chung về “Phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao bộ phận chuyên môn xây dựng Kế hoạch và dự toán kinh phí phát triển sản xuất cụ thể từng năm, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, khả năng nguồn lực, trình UBND huyện phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất cây dược liệu trên địa bàn theo kế hoạch đã được UBND huyện duyệt hằng năm; gửi kết quả triển khai thực hiện cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh vào ngày 20/11 hằng năm.

- Giao Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tăng cường tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tham gia xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm dược liệu sau khi thu hoạch.

- Tổ chức thực hiện mở rộng quy mô sản xuất dược liệu an toàn, thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu tại địa phương.

- Tiếp nhận, phân bổ kinh phí và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trường hợp vướng mắc, tổng hợp, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/cáo);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Khoa học và Công nghệ;
- UBND các huyện: Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ;
- VPUB: CVP, PCVP, KGVX, KT, TH, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN(tnh401).

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

PHỤ LỤC:

KHÁI TOÁN KINH PHÍ

THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG CHUYÊN CANH SẢN XUẤT CÂY DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2019-2025
 (Kèm theo Kế hoạch số  100/KH-UBND ngày  11/7/2019 của  UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Hạng mục

Tổng vốn

Trong đó

Cơ cấu nguồn vốn

Ghi chú

Giai đoạn 2019- 2020

Giai đoạn 2021- 2025

Ngân sách TW, tỉnh

Ngân sách huyện, xã

Vốn đối ứng trong cộng đồng, doanh nghiệp

I

Huyện Sơn Tây

6.550,0

4.110,0

2.440,0

1.471,5

4.303,5

775,0

 

1

Xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030

20 0,0

200,0

-

-

200,0

-

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

2

Hỗ trợ bảo tồn và sản xuất giống

1.700,0

1.350,0

350,0

652,5

622,5

425,0

 

a

Đầu tư cơ sở vườn ươm

900,0

600,0

300,0

337,5

337,5

225,0

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

b

Trồng bảo tồn kết hợp lấy giống

600,0

600,0

-

270,0

180,0

150,0

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định 65/2017/NĐ-CP

c

Hỗ trợ phát triển giống tại các cơ sở sản xuất giống

200,0

150,0

50,0

45,0

105,0

50,0

Theo Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

3

Hỗ trợ cây giống cho hộ, nhóm hộ

1.000,0

500,0

500,0

699,0

101,0

200,0

Theo KH huyện đăng ký 154 ha (Trong đó cây sâm cau không nằm trong danh mục cây dược liệu được hỗ trợ)

a

Trồng dưới tán rừng

500,0

250,0

250,0

349,5

50,5

100,0

Theo  Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

b

Trồng trên đất trống, nương rẫy, vườn

500,0

250,0

250,0

349,5

50,5

100,0

Theo  Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

4

Trồng thực nghiêm một số cây dược liệu khác

2.530,0

2.000,0

530,0

-

2.530,0

-

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số  65/2017/NĐ-CP

5

Chi phí hỗ trợ các hoạt động triển khai kế hoạch

120,0

60,0

60,0

120,0

-

-

 

 

Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật

120,0

60,0

60,0

120,0

-

-

Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

6

Đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu

1.000,0

-

1.000,0

-

850,0

150,0

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

II

Huyện Sơn Hà

4.020,0

2.110,0

1.910,0

1.471,5

1.773,5

775,0

 

1

Điều tra hiện trạng, lập qui hoạch phát triển các loài cây dược liệu

200,0

200,0

-

-

200,0

-

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

2

Hỗ trợ bảo tồn và sản xuất giống

1.700,0

1.350,0

350,0

652,5

622,5

425,0

 

a

Đầu tư cơ sở vườn ươm

900,0

600,0

300,0

337,5

337,5

225,0

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

b

Trồng bảo tồn kết hợp lấy giống

600,0

600,0

-

270,0

180,0

150,0

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

c

Hỗ trợ phát triển giống tại các cơ sở sản xuất giống

200,0

150,0

50,0

45,0

105,0

50,0

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

3

Hỗ trợ cây giống cho hộ, nhóm hộ

1.000,0

500,0

500,0

699,0

101,0

200,0

Theo KH huyện đăng ký 46,6 ha (Trong đó cây sâm cau không nằm trong danh mục cây dược liệu được hỗ trợ)

a

Trồng dưới tán rừng

500,0

250,0

250,0

349,5

50,5

100,0

Theo  Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

b

Trồng trên đất trống, nương rẫy, vườn

500,0

250,0

250,0

349,5

50,5

100,0

Theo  Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

4

Chi phí hỗ trợ các hoạt động triển khai kế hoạch

120,0

60,0

60,0

120,0

-

-

 

 

Tuyên truyền tập huấn kỹ thuật

120,0

60,0

60,0

120,0

-

-

Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

5

Đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu

1.000,0

-

1.000,0

-

850,0

150,0

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

III

Huyện Tây Trà

2.645,0

355,0

2.290,0

235,0

245,0

2.165,0

 

a

Hỗ trợ giống cây dược liệu trồng tập trung

2.260,0

270,0

1.990,0

210,0

120,0

1.930,0

Theo KH huyện đăng ký 4.125,5 ha (Trong đó cây sâm cau không nằm trong danh mục cây dược liệu được hỗ trợ

b

Hỗ trợ cơ sở vườn ươm nhân giống

85,0

85,0

-

25,0

25,0

35,0

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

c

Hỗ trợ xây dựng điểm thu mua, chế biến

300,0

-

300,0

-

100,0

200,0

Không nằm trong danh mục hỗ trợ theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

IV

Huyện Ba Tơ

225,0

225,0

-

225,0

-

-

 

 

Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và mua giống cây dược liệu trồng tập trung

225,0

225,0

-

225,0

-

-

Theo KH huyện đăng ký 15 ha. Theo Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

V

Huyện Trà Bồng

2.325,0

2.325,0

-

2.325,0

-

-

 

 

Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và mua giống cây dược liệu trồng tập trung

2.325,0

2.325,0

-

2.325,0

-

-

Theo KH huyện đăng ký 155 ha ( Trong đó cây sâm cau không nằm trong danh mục cây dược liệu được hỗ trợ). Theo Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

VI

Huyện Mộ Đức

90,0

90,0

-

90,0

-

-

 

 

Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và mua giống cây dược liệu trồng tập trung

90,0

90,0

-

90,0

-

-

Theo KH huyện đăng ký 14,5 ha trong đó 6 ha tập trung. Theo Điều 7 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP

 

Tổng

15.855,0

9.215,0

6.640,0

5.818,0

6.322,0

3.715,0

 

Ghi chú:

1 - Các huyện gửi khái toán kinh phí kèm theo: Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà.

2 - Các huyện không gửi khái toán kinh phí: Mộ Đức, Ba Tơ, Trà Bồng.

* Tính khái toán kinh phí theo kế hoạch của các huyện đăng ký diện tích thực hiện cây dược liệu./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2019 về phát triển vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 100/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản