Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/KH-UBND | Sơn La, ngày 16 tháng 01 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2024
Căn cứ Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, tỉnh Sơn La; Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La;
Căn cứ Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La; Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 27/5/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10/CT- TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Kế hoạch số 251/KH- UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 23- CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB trên địa bàn tỉnh.
- Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm cho các cấp, các ngành để triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất quán, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngăn chặn kịp thời và không để phát sinh các trường hợp vi phạm HLATĐB, giữ gìn trật tự và văn minh đô thị, nông thôn, tích cực xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng, qua đó góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, bảo vệ công trình đường bộ.
- Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh và lập lại trật tự đô thị, trật tự HLATĐB từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh phô trương, hình thức. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động và các tầng lớp Nhân dân; gắn trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, HLATĐB trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị.
2. Yêu cầu
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp phải xác định công tác giải tỏa HLATĐB là một trong những nhiệm vụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc triển khai thực hiện phải quyết liệt, chủ động, thực chất và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời đảm bảo sự phối hợp thường xuyên và thống nhất.
- Các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, HLATĐB phải được kịp thời phát hiện, tuyên truyền, xử lý theo quy định, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm và sử dụng trái phép HLATĐB gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình đường bộ.
- Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp phải kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giải tỏa HLATĐB trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB đến các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh với phương châm “Kiên trì, thường xuyên và liên tục”. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các quy định của pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ; Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy định sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, tỉnh Sơn La.
- Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với khu vực, địa bàn, dân tộc, lứa tuổi... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB; thực hiện tốt việc tổ chức ký cam kết không lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB cho các hộ dân sinh sống dọc các tuyến đường.
2. Kiểm tra, rà soát, phát hiện các vi phạm hành lang an toàn đường bộ
- Cơ quan quản lý đường đường bộ chỉ đạo tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm, kịp thời phát hiện các vi phạm về HLATĐB, tuyên truyền, lập biên bản xác định vi phạm đề nghị các tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm, hoàn trả lại HLATĐB; lập danh sách các trường hợp vi phạm trên từng tuyến đường, trong đó nêu rõ tên cá nhân, tổ chức, vị trí, lý trình, nội dung vi phạm, mức độ vi phạm làm cơ sở thực hiện các biện pháp giải toả HLATĐB.
- Chính quyền địa phương (UBND huyện, xã, phường, thị trấn) chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng trực thuộc kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm HLATĐB trên địa bàn ngay từ ban đầu, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành xử lý theo quy định.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi vi phạm HLATĐB, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đường bộ, đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ để ngăn chặn và xử lý theo quy định.
3. Xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ
- Cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tổ chức tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức chấm dứt hành vi vi phạm, tự động tháo dỡ, di rời công trình vi phạm ra khỏi phạm vi HLATĐB, đồng thời cam kết không tái lấn chiếm HLATĐB.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nghiêm túc thực hiện thì xử lý vi phạm hành chính hoặc tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế, giải toả theo quy định pháp luật, nhất là đối với những vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB (xây dựng các công trình, vật kiến trúc, biển hiệu, biển quảng cáo, vật tư, vật liệu, hàng hóa,...) gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình đường bộ.
- Trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.
4. Quản lý hành lang an toàn đường bộ
- Đối với phạm vi HLATĐB đã được đền bù, giải phóng mặt bằng thì cơ quan quản lý đường bộ và đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ phải xác định rõ ranh giới, phạm vi và quản lý theo quy định, không để xảy ra các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATĐB. Quản lý tốt việc cấp phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đấu nối vào đường bộ đang khai thác theo quy định của pháp luật.
- Đối với phạm vi đất theo quy định thuộc HLATĐB nhưng chưa được thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng thì chính quyền địa phương quản lý nghiêm theo quy hoạch, không cấp phép xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trong phạm vi HLATĐB.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB; xử lý các hành vi phá hoại công trình đường bộ và lấn chiếm HLATĐB làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền. Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đường bộ trong việc giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng Kế hoạch giải toả HLATĐB năm 2024 của ngành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; trong đó lưu ý nội dung kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ cần thực hiện về công tác tuyên truyền; kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý HLATĐB và biện pháp, tiến độ và thời gian thực hiện.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm kịp thời phát hiện các vi phạm HLATĐB. Chỉ đạo các phòng, các đơn vị liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Quản lý tốt phạm vi HLATĐB trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được giải phóng mặt bằng, không để xảy ra các trường hợp tái lấn chiếm HLATĐB.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB để đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định (nếu có);
- Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này. Phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện công tác giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/12/2024.
3. Sở Xây dựng: Chỉ đạo thực hiện công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB; chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với công tác quy hoạch và trật tự xây dựng trên HLATĐB trên địa bàn tỉnh.
4. Các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB; phối hợp thực hiện công tác giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu. Kết quả thực hiện, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở GTVT) để tổng hợp.
5. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch giải tỏa HLATĐB năm 2024 trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng và hiệu quả, rõ biện pháp, thời gian thực hiện, phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương. Chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác giải tỏa HLATĐB trên địa bàn từ nguồn ngân sách huyện, thành phố theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn, phát huy hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Tuyến đường văn minh đô thị”...; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng; tăng cường công tác quản lý HLATĐB, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm, tổ chức giải tỏa các trường hợp vi phạm, nhất là đối với những vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép HLATĐB gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình đường bộ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và HLATĐB; chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc bảo vệ cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng, mốc đất của đường bộ. Kết quả thực hiện, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở GTVT) để tổng hợp trước ngày 20/12/2024.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 3480/KH-UBND năm 2019 về giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019-2020
- 2Kế hoạch 51/KH-UBND về giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020
- 3Kế hoạch 33/KH-UBND về giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021
- 4Kế hoạch 534/KH-UBND xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 5Kế hoạch 727/KH-UBND năm 2023 về xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 3Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 4Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 25/2016/QĐ-UBND Quy định sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương tỉnh Sơn La
- 6Quyết định 3224/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 7Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- 8Kế hoạch 3480/KH-UBND năm 2019 về giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, vỉa hè trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019-2020
- 9Kế hoạch 51/KH-UBND về giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020
- 10Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 11Kế hoạch 33/KH-UBND về giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021
- 12Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2022 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025
- 13Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do tỉnh Sơn La ban hành
- 14Kế hoạch 251/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới do tỉnh Sơn La ban hành
- 15Kế hoạch 534/KH-UBND xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 16Kế hoạch 727/KH-UBND năm 2023 về xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Kế hoạch 10/KH-UBND giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024
- Số hiệu: 10/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 16/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Lê Hồng Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra