Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/KH-UBND | Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 01 năm 2018 |
THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NGHỀ CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTG ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 112/SNNPTNT ngày 15/01/2018 và trên cơ sở đặc điểm nghề cá và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh theo các nội dung chính sau đây:
I. Khung Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá
1. Bối cảnh/Sự cần thiết phải ban hành
Những năm gần đây, công tác quản lý hoạt động nghề cá trong tỉnh có chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp. Song tình hình vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản vẫn còn diễn ra trên các vùng biển, đặc biệt là tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép chưa chấm dứt. Những nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam thời gian qua chưa đủ để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp đã dẫn đến hệ quả là Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải cấp bách xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh để tập trung nguồn lực chống nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh nhằm:
- Chỉ ra các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tình hình vi phạm pháp luật về khai thác hải sản đang diễn ra trên vùng biển được giao quản lý; đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của các nước;
- Nhận ra các vấn đề tồn tại trong triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng; những bất cập hạn chế trong công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác;
- Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác hải sản trên biển và tại cảng (SWOT) để điều chỉnh kịp thời.
2. Mục đích
Kế hoạch thanh tra, kiểm soát được thực hiện một cách hiệu quả nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác hải sản, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.
3. Phạm vi/nội dung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát
Căn cứ vào đặc điểm nghề cá, đội tàu cá, ngư dân khai thác, ngư trường khai thác, mùa vụ khai thác, sản phẩm thủy sản lên cảng và nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác đến nhà máy chế biến có liên quan hoặc có nghi ngờ liên quan đến các hoạt động khai thác IUU...Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Việt Nam và tuân thủ theo các quy định quốc tế, bao gồm: (i) Kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến, (ii) Kiểm tra tàu cá cập bến, lên cá; (iii) Kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác thủy sản trên biển.
4. Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát
Cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tham gia thực hiện Kế hoạch này được quy định cụ thể như sau:
4.1. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá tại cảng cá
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Là cơ quan chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Chi cục Thủy sản phối hợp với Ban Quản lý các cảng cá tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá - Fisheries Control Office để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng bao gồm Lực lượng Thủy sản (Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá) và Bộ đội Biên phòng là cơ quan phối hợp. Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Chi cục Thủy sản làm người đứng đầu và lãnh đạo Ban Quản lý cảng cá tham gia Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, được sử dụng con dấu của Ban Quản lý cảng cá phục vụ cho hoạt động của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng. Người đứng đầu Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá chịu trách nhiệm chủ trì, tham mưu, điều phối, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch và theo quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Quy chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các lực lượng có liên quan để kiểm soát nghề cá tại địa bàn quản lý trình UBND tỉnh ban hành để thực hiện: (i) Kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến, (ii) Kiểm tra tàu cá cập bến, lên cá, (iii) Kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trong khi khai thác hải sản trên biển; ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng đại diện. Trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; chế độ thông tin, báo cáo và việc xử lý tàu vi phạm.
Hoàn thành nhiệm vụ trình UBND tỉnh trước ngày 31/01/2018.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: là cơ quan phối hợp, bố trí cán bộ tham gia Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thường trực tại cảng cá để phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của tàu cá và thuyền viên ra vào cảng.
4.2. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá trên biển
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Trong thời gian Sở Nông nghiệp và PTNT chưa được trang bị tàu tuần tra, kiểm soát, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của người, phương tiện trong hoạt động thủy sản và các hoạt động khác trên vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Trọng tâm là kiểm tra, xử lý tình trạng tàu cá công suất lớn hành nghề kéo đôi hoạt động trong vùng biển ven bờ của tỉnh, tình trạng sử dụng chất nổ khai thác thủy sản vùng ven biển và các hoạt động khai thác IUU.
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Cử cán bộ tham gia phối hợp tuần tra trên biển với lực lượng Bộ đội biên phòng.
II. Nguồn lực và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá
Chọn Cảng cá Tịnh Kỳ và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là 02 cảng lớn của tỉnh có nhiều tàu cá cập bến để bố trí Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá làm việc tại Cảng cá, tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại Cảng cá thường trực 24/24;
a) Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:
- Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ. Trang bị máy tính, máy in, máy fax, điện thoại, máy VHF, ICOM....(Số Fax, Điện thoại, tần số liên lạc được công khai để chủ tàu/thuyền trưởng được biết và bắt buộc phải thông báo/điện thoại cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng trước khi tàu xuất bến và khi sắp cập bến trước 02 giờ để Văn phòng chủ động bố trí cán bộ kiểm tra); cung cấp các văn phòng phẩm phục vụ cho các hoạt động thanh, kiểm tra; kết nối, sử dụng dữ liệu thông tin quản lý về tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác; thông tin về thuyền viên tàu cá để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cảng và trên biển; cập nhật các thông tin vào dữ liệu phần mềm quản lý nghề cá.
- In ấn, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản có liên quan phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá. In ấn sổ tay hướng dẫn quy trình, các bước về thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá; danh bạ điện thoại của các cơ quan đơn vị phối hợp.
- Báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
- Trình UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để bố trí kinh phí cho các hoạt động của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng.
- Sử dụng Hệ thống thông tin đài bờ, phối hợp sử dụng thông tin giám sát tàu cá MOVIMAR của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các kênh thông tin khác để kiểm tra, phân tích, quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá và lấy bằng chứng vi phạm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
b) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát và bố trí tàu tuần tra bảo vệ chủ quyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động thủy sản của tàu cá trên biển.
- Trình UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển được giao quản lý.
Trước mắt, trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm sử dụng kinh phí theo Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 28/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán để lắp đặt trạm bờ và chi phí tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh (300 triệu đồng đã giao trong năm 2017 chưa sử dụng được chuyển sang năm 2018 để thực hiện Kế hoạch tuần tra đã được ký giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở Nông nghiệp và PTNT) và kinh phí tuần tra kiểm soát trên biển được giao trong dự toán năm 2018 để triển khai nhiệm vụ này; từ năm 2019, nếu Sở Nông nghiệp và PTNT vẫn chưa được trang bị tàu tuần tra, kiểm soát trên biển thì Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng chủ động trình UBND tỉnh để bố trí kinh phí.
2. Yêu cầu đối với cán bộ thanh tra, kiểm soát
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí, sử dụng các cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghề cá có trình độ chuyên môn phù hợp, đúng quy định; tổ chức tập huấn, đào tạo các bước, quy trình, nội dung thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá cả trên biển và tại cảng; đảm bảo các cán bộ tham gia thực hiện việc thanh tra, kiểm tra kiểm soát nghề cá phải nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của kế hoạch kiểm soát nghề cá và các quy định của pháp luật Thủy sản Việt Nam và quy định quốc tế và khu vực về khai thác IUU.
3. Các hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá
Công tác thanh tra, kiểm tra, tại các cảng cá (khi tàu rời bến và khi tàu về bến), do lực lượng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Bộ đội Biên phòng phối hợp; đồng thời tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo các hoạt động cụ thể như sau:
3.1. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu rời bến
Thành phần tham gia kiểm tra: Cán bộ Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá (lực lượng Thủy sản, Biên phòng) thực hiện theo Quy chế phối hợp và Quy chế làm việc.
Nội dung, quy trình kiểm tra:
Bước 1: Trước khi tàu xuất bến, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải thông tin, thông báo trực tiếp hoặc sử dụng điện thoại, thông tin liên lạc cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng trước 02 giờ để bố trí cán bộ kiểm tra.
Bước 2: Chủ tàu/thuyền trưởng phải xuất trình hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng để đối chiếu, kiểm tra.
Bước 3: Kiểm tra Hồ sơ tàu cá: Nhật ký khai thác thủy sản; Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; Giấy phép khai thác thủy sản (ngư trường, vùng biển khai thác, đối tượng khai thác..); Chứng chỉ/Bằng thuyền trưởng, máy trưởng; Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá..vv;
Bước 4: Kiểm tra thực tế:
- Kiểm tra các trang thiết bị đảm bảo an toàn, hàng hải trên tàu: đèn, phao áo cứu sinh, thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình (nếu có).
- Kiểm tra ngư cụ;
- Số lượng thuyền viên;
Bước 5: Kết quả kiểm tra: Xác nhận tàu đã được kiểm tra, khai báo các thông tin đảm bảo đủ các điều kiện cho tàu trước khi đi biển. (Mẫu giấy Kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản tại Phụ lục 1).
Trường hợp tàu cá và thuyền viên không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện theo quy định thì không đóng dấu xác nhận và tàu không được rời bến.
3.2. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu về bến
Thành phần tham gia kiểm tra: Các cán bộ của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá (lực lượng Thủy sản, Biên phòng) thực hiện theo Quy chế phối hợp và Quy chế làm việc.
Nội dung, quy trình kiểm tra:
Bước 1: Trước khi tàu cập cảng cá, chủ tàu thông tin, thông báo bằng các kênh thông tin liên lạc (điện thoại, máy VHF, ICOM..) cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng trước 02 giờ để bố trí cán bộ kiểm tra.
Bước 2: Khi cập bến chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải khai báo các thông tin cập cảng vào mẫu tại Phụ lục 1 cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng nơi tàu cập bến để đối chiếu kiểm tra.
Bước 3: Thu nhật ký khai thác thủy sản; kiểm tra các thông tin ghi trong Sổ nhật ký với sản lượng khai thác được; kiểm tra ngư cụ.
Bước 4: Kiểm tra đối chiếu các thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác. Trường hợp có nghi vấn hoặc phát hiện tàu cá khai thác IUU thì Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng sử dụng dữ liệu thông tin từ Hệ thống thông tin giám sát hoạt động tàu cá (Trạm bờ VX 1700; MOVIMAR -Trung Tâm thông tin Kiểm ngư/Cục Kiểm ngư cung cấp..) để kiểm tra.
Bước 5: Khi phát hiện tàu cá/chủ tàu vi phạm các quy định của Pháp luật Việt Nam, pháp luật về thủy sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tiến hành lập biên bản giao các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Bước 6: Khi đáp ứng đầy đủ các quy định, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá sẽ đóng dấu xác nhận vào mẫu tại Phụ lục 1.
3.3. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển (vùng biển ven bờ, vùng lộng)
- Trong điều kiện Sở Nông nghiệp và PTNT chưa được trang bị tàu tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển. Kế hoạch phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình tàu thuyền, nghề nghiệp, ngư trường; căn cứ vào mùa vụ, thời tiết và tình trạng vi phạm của đội tàu cá; xác định các mục tiêu cụ thể, nội dung, phương pháp triển khai; phạm vi vùng biển kiểm tra; đảm bảo lực lượng, phương tiện, kinh phí; đơn vị phối hợp tham gia; các kênh thông tin liên lạc; chế độ báo cáo, cung cấp trao đổi thông tin; Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ có chuyên môn phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng.
- Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng có trách nhiệm:
+ Chủ trì, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp, tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền kết hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển hàng năm; báo cáo kết quả tuần tra, số liệu tình hình vi phạm (báo cáo thống kê, tổng hợp số liệu xử lý vi phạm) phải được thông báo kịp thời cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng, Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thủy sản;
+ Lập danh sách các chủ tàu, thuyền trưởng đã vi phạm (hoặc có khả năng vi phạm) vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép để đưa vào diện kiểm soát nghiêm ngặt khi tàu xuất bến và tàu về bến, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Thông tin kịp thời cho Sở Nông nghiệp và PTNT về xử lý tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật để tổng hợp, báo cáo và phối hợp xử lý theo quy định.
Mục tiêu kiểm soát chính: Đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát, thanh tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đầy đủ, minh bạch và cách tiếp cận đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn kiểm tra để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU theo các hướng dẫn của EC, cụ thể:
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trước khi tàu rời bến
100% tàu cá được kiểm tra Hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi tàu xuất bến (Nội dung Mục 3.1), trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các tàu nằm trong danh sách vi phạm, các tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu về bến, lên cá
- 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng; thu nộp nhật ký khai thác; kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác được; Kiểm tra ngư cụ, kích thước mắt lưới (Mục 3.2).
- Đảm bảo kiểm tra, thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác khác: cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ theo khuyến nghị của EC.
Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển
Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát (Mục 3.3), kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Ưu tiên tập trung kiểm tra đối với các nhóm tàu làm các nghề khai thác có nguy cơ thực hiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép cao (nghề giã cào; sử dụng xung điện, chất nổ; sử dụng các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi....).
Ngăn chặn đánh bắt sai vùng, sai tuyến.., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thủy sản;
Sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị kiểm soát, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT quy định các tiêu chuẩn kiểm tra được xác định dựa trên các văn bản pháp luật và quy định hướng dẫn và căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể nghề cá của địa phương, cụ thể:
- Xác định các tiêu chuẩn kiểm tra cho mỗi loại nghề khai thác, đội tàu khai thác, hoạt động kiểm soát (trên biển, trên đất liền, giám sát, kiểm tra chéo tại các nhà máy chế biến...) theo cách tiếp cận đánh giá rủi ro.
- Các tiêu chuẩn kiểm tra cần được xác định rõ ràng theo từng năm và loại hoạt động kiểm soát: ví dụ như số lần kiểm tra trên biển dựa trên số lần khai thác/số đội tàu, % cập bến hoặc sản lượng khai thác được kiểm tra, số lần kiểm tra các nhà máy chế biến...). Đối với mỗi loại nghề khai thác, cần xác định tần suất kiểm tra dựa trên cách tiếp cận đánh giá rủi ro.
Hoàn thành nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/02/2018.
Các tiêu chí kiểm tra đối với các đối tượng ưu tiên kiểm tra cần phải được xác định dựa trên các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của việc không tuân thủ cần lưu ý, cảnh báo (hồ sơ rủi ro) để đánh dấu “mã rủi ro” cho tàu khai thác (rất cao, cao, trung bình, thấp, rất thấp) để theo dõi và có các biện pháp kiểm soát, xử lý.
Danh sách các chỉ tiêu (có thể chưa đầy đủ): lịch sử tuân thủ của tàu /ngư dân/thuyền trưởng/ nhà máy chế biến, hạn mức hoặc cường lực khai thác liên quan đến loài cá được khai báo (nguy cơ không báo cáo), giá thành các loài khai thác, sản lượng chế biến, thiết bị trên tàu (ví dụ VMS, nhật ký điện tử, quan sát viên), mùa khai thác (ví dụ: mùa cấm sử dụng các thiết bị dẫn dụ cá) và ngư trường. Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa việc thực hiện các thủ tục hành chính và các hoạt động kiểm tra là rất quan trọng.
III. Đánh giá, phản hồi và rà soát
1. Đánh giá và chỉ đạo
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, hướng dẫn; chỉ đạo; tổ chức đánh giá các hoạt động của Cơ quan giám sát tại cảng và các bên liên quan:
- Báo cáo và theo dõi đối với mỗi hoạt động kiểm tra (báo cáo thanh tra phải được lưu trong cơ sở dữ liệu) và phân tích thường xuyên (xây dựng quy trình chất lượng, bảng điểm và thống kê) ít nhất một năm một lần để đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và tác động của kế hoạch đến những đối tượng hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và buôn bán (bao gồm cả người khai thác, chế biến, thương mại thủy sản) đối với việc tuân thủ pháp luật.
Đối với năm 2018, từ nay đến ngày 30/6/2018 (ngày chấm dứt vi phạm hoạt động khai thác IUU theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), hằng tháng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra; từ tháng 6/2018 đến ngày 31/12/2018 báo cáo định kỳ 3 tháng một lần.
- Thông tin phản hồi được cung cấp tới tất cả các cơ quan (kết luận về tác động của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với việc tuân thủ pháp luật, các loại vi phạm đã được xác định và theo dõi).
- Hiệu quả của hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá được củng cố hoàn thiện bằng việc xác định rõ quy trình chất lượng trong các hoạt động thanh, kiểm tra và bằng sự đánh giá của cơ quan cấp trên và các cơ quan phối hợp đối với với thực hiện các mục tiêu đã được xác định cũng như quy trình thanh, kiểm tra.
2. Rà soát, điều chỉnh
Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, giám sát được rà soát theo sự đánh giá để phù hợp với những ưu tiên, mục tiêu, mục đích và sự phân bổ phương tiện thanh tra, kiểm tra đối với sự phát triển của các hoạt động đánh khai thác và vấn đề tuân thủ pháp luật; đến ngày 31/3/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành.
3. Trách nhiệm tham gia của các bên
Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Ngoài việc tham gia của các cơ quan chức năng, việc tham gia, hợp tác của ngư dân sẽ góp phần triển khai thực hiện thành công kế hoạch. Vì vậy, các sở, ngành, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi có trách nhiệm chủ động triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thủy sản, việc phổ biến thông tin rộng rãi Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh để nâng cao nhận thức cho tất cả ngư dân phải được thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Trên đây là Kế hoạch Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi và đơn vị liên quan khẩn trương tập trung nguồn lực triển khai thực hiện; trong quá trình tổ chức thực hiện, các nội dung còn vướng mắc hoặc chưa có quy định, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hoặc đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cho phù hợp./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
MẪU GIẤY KIỂM TRA, KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN
SỞ NN VÀ PTNT | GIẤY XÁC NHẬN | Số:……. | ||||||||||||||||||||||||
A. KIỂM TRA KHI TÀU RỜI CẢNG | Thời gian tàu | |||||||||||||||||||||||||
1.Tên tàu:... …………………………………. Số đăng ký:……………………………………… Tên chủ tàu:…………………………………...Sđt:……………………………………………… Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………… 2. Cảng/bến:……………………………………Sđt:……………………………………………… Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………… 3. Kiểm tra hồ sơ:
□ Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tàu trên 90 CV 4.Kiểm tra thực tế: Kiểm tra trang bị an toàn, thông tin liên lạc
Thiết bị giám sát hành trình
Kiểm tra ngư cụ khai thác (tên ngư cụ): ………………………………………………………..
Số lượng thuyền viên:……………………………………………………………………………….
| ||||||||||||||||||||||||||
|
|
|
|
B. KIỂM TRA KHI TÀU VÀO CẢNG | Thời gian tàu cập cảng:................................... | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
1. Cảng/bến:……………………………………… Sđt:…………………………………………… Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………… 2. Khai báo sản lượng:
|
- 1Chỉ thị 23/2006/CT-UBND đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển do tỉnh Nghệ An ban hành
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý tàu cá phân cấp tại các địa phương có hoạt động nghề cá do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 3Quyết định 848/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 4Quyết định 875/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 1Chỉ thị 23/2006/CT-UBND đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển do tỉnh Nghệ An ban hành
- 2Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý tàu cá phân cấp tại các địa phương có hoạt động nghề cá do tỉnh Quảng Nam ban hành
- 3Chỉ thị 45/CT-TTg năm 2017 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 848/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế phối hợp giữa cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 5Quyết định 27/QĐ-BNN-TCTS năm 2018 về Tài liệu hướng dẫn xây dựng Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 875/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Bình Định
Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2018 về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- Số hiệu: 09/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 22/01/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Trần Ngọc Căng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/01/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra