Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 05 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO VÀ AN SINH XÃ HỘI BỀN VỮNG NĂM 2021

Thực hiện Văn bản số 4206/LĐTBXH-VPQGGN ngày 26/10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc lập kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021; căn cứ các quy định, hướng dẫn có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 (sau đây gọi là Kế hoạch) như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, an ninh lương thực, nhà ở an toàn, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận nguồn thông tin có chất lượng, việc làm, bảo hiểm xã hội...

1.2. Mục tiêu cụ thể: Tăng cường sự kết nối về hạ tầng, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2021 từ 1,0% - 1,5%; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

2. Chỉ tiêu

- Giải quyết thủ tục cho vay vốn cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất khẩu lao động... từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

- 100% người thuộc hộ nghèo, 100% người dân sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% người nghèo được hỗ trợ tiền ăn và các chi phí khác khi đi khám, chữa bệnh.

- 100% người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.

- 100% học sinh là con em hộ nghèo, vùng địa bàn các xã nghèo đặc biệt khó khăn đều được hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và một số khoản đóng góp khác.

- Duy trì chỉ tiêu người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ thông tin và chỉ tiêu hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường như năm 2020.

- Không còn hộ nghèo ở nhà tạm.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo thuộc dân tộc ít người, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

- Người dân trên địa bàn các xã nghèo, các xã biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn.

- Xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người và miền núi theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

2. Phạm vi thực hiện: Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn; xã biên giới; thôn, bản đặc biệt khó khăn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo”; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

2. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

3. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

4. Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững

1.1. Dự án 1: Chương trình 30a.

a) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

b) Tiểu dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

c) Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

1.2. Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

- Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư.

1.3. Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

- Truyền thông về giảm nghèo: Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo; xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ tỉnh, huyện, xã; tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo; phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo.

- Giảm nghèo về thông tin: Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản; hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã; xây dựng các điểm tuyên truyền, cổ động cố định ngoài trời; xây dựng nội dung chương trình cổ động cho các đội thông tin cơ sở.

1.4. Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

Hỗ trợ xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, hội nghị về giảm nghèo; xây dựng khung kết quả của Chương trình; tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết); rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.

5. Kiểm tra, giám sát: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ và đột xuất; nghiêm túc, kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi các chính sách đối với người nghèo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững

Tổng kinh phí thực hiện, dự kiến 24.360 triệu, trong đó:

- Dự kiến nhu cầu kinh phí Trung ương: 18.469 triệu đồng, trong đó: Nguồn đầu tư phát triển là 3.639 triệu đồng; nguồn sự nghiệp là 14.830 triệu đồng.

(Cuối năm 2020, Hà Tĩnh còn 3 xã: Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), Kỳ Nam, Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) đang thuộc diện xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển).

- Khả năng bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: Nguồn ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu 10% tổng số vốn, tương ứng 1.847 triệu đồng.

- Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách: Dự kiến 4.044 triệu đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

2. Kinh phí thực hiện các nội dung khác

Tích hợp trong các chính sách của trung ương, của tỉnh và các địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh bền vững.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các Dự án thành phần của Chương trình theo đúng quy định và căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của Trung ương.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch; sơ kết, tổng kết, đánh giá và chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo và xã nghèo, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; theo dõi, giám sát thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, tuyên truyền các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan hướng dẫn hoạt động truyền thông; theo dõi, giám sát thực hiện nội dung giảm nghèo về thông tin ở cơ sở.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Kế hoạch. Ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đảm bảo đủ mức đầu tư để phát huy hiệu quả, không dàn trải.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững năm 2021; tham mưu bố trí vốn đối ứng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch.

6. Sở Y tế: Chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo trong giáo dục, đào tạo; phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn hội khuyến học cấp huyện, xã đẩy mạnh việc xây dựng “Quỹ khuyến học”, ưu tiên đầu tư xây dựng lớp học, trường học, nâng cao chất lượng dạy học ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vươn lên đạt chuẩn.

8. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, nhất là hộ nghèo ở vùng thường xuyên bị thiên tai, ngập lụt; đảm bảo về diện tích và chất lượng nhà ở cho người dân.

9. Sở Tư pháp: Tăng cường truyền thông và hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; tập trung và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn.

10. Sở Nội vụ: Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định. Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giảm nghèo bền vững.

11. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo, người nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tham mưu các phương án hạn chế tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến đói nghèo.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức và hướng dẫn thực hiện các hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, địa phương nghèo, đồng bào dân tộc ít người tiếp cận văn hóa, thông tin, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

13. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: Triển khai thực hiện chương trình quân dân y kết hợp; xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng, để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo ở các xã biên giới; tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, hải đảo; giúp nhân dân xây dựng nếp sống mới, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

14. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Triển khai và hướng dẫn thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng thụ hưởng như hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ thu nhập bình quân; hộ thuộc xã, huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn...

15. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó tập trung các chương trình tín dụng như: chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay đối với học sinh, sinh viên, hộ dân vùng khó khăn; chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc ít người.

16. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cấp huyện.

- Xây dựng kế hoạch năm, giai đoạn và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; lồng ghép việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo với các chương trình dự án có liên quan; chủ trì quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng địa bàn trọng điểm cấp huyện; phê duyệt kế hoạch năm của cấp xã.

- Tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn và báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất về tình hình triển khai thực hiện cho cơ quan quản lý cấp trên.

- Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, chủ động huy động thêm các nguồn lực cho các dự án của Chương trình; chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh: Hướng dẫn Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, xã phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào thi đua “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các hoạt động “Vì người nghèo”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; công tác an sinh xã hội; xây dựng “Tổ tiết kiệm - tín dụng”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ tín dụng cho người nghèo”; chỉ đạo xây dựng các mô hình giảm nghèo; tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội.

18. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ, giúp đỡ xã nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí và ưu tiên nhận lao động nghèo vào làm việc để tăng thu nhập cho hộ nghèo, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

19. Các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, mỗi xã một sản phẩm của tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình lồng ghép triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) để được phối hợp giải quyết/.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Văn phòng Quốc gia giảm nghèo;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các PVP;
- Trung tâm TT-CB-TH;
- Lưu: VT, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Châu

 

PHỤ LỤC

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG GIẢM NGHÈO, AN SINH XÃ HỘI BỀN VỮNG NĂM 2021
(Kèm theo Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 05/01/2021 của UBND tỉnh)

TT

Dự án, hoạt động (theo Quyết định 1722/QĐ-TTg)

Ngân Sách TW

Ngân sách địa phương

Huy động khác

Cộng

Tổng cộng

Nguồn ĐTPT

Nguồn sự  nghiệp

Tổng cộng

Nguồn ĐTPT

Nguồn sự  nghiệp

1

Dự án 1. Chương trình 30a

5.769

3.639

2.130

577

-

577

1.644

7.990

1.1

Tiểu dự án 1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo

-

-

-

-

-

-

 

-

1.2

Tiểu dự án 2. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

3.869

3.639

230

387

364

23

1444

5.700

1.3

Tiểu dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển

900

-

900

90

-

90

200

1.190

1.4

Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

1.000

-

1.000

100

-

100

-

1.100

2

Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135

7.000

-

7.000

700

-

700

1.400

9.100

2.1

Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế

4.000

-

4.000

400

-

400

800

5.200

2.2

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

3.000

-

3.000

300

 

300

600

3.900

3

Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

2.900

-

2.900

290

-

290

800

3.990

3.1

Truyền thông

1.500

-

1.500

150

-

150

300

1.950

3.2

Giảm nghèo về thông tin

1.400

-

1.400

140

-

140

500

2.040

4

Dự án 5: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

2.800

-

2.800

280

-

280

200

3.280

 

Cộng: 1 2 3 4

18.469

3.639

14.830

1.847

364

1.483

4.044

24.360

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 02/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 02/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Ngọc Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản