Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/KH-UBND | Yên Bái, ngày 06 tháng 01 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2020
Thực hiện Kế hoạch số 158-KH/TU ngày 14/11/2019 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 05/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 04/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Tăng cường các biện pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, trọng tâm triển khai các giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.
1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên và người dân; xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.
1.3. Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
2. Yêu cầu
2.1. Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ tỉnh đến các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương.
2.2. Trên cơ sở kế hoạch các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho phù hợp với điều kiện tại cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn; phổ biến quán triệt đến từng cán bộ công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.
2.3. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ của lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
2.4. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải, điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông
II. TIÊU CHÍ CƠ BẢN
1. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5%-10% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2019.
2. Đảm bảo 100% các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2020.
3. Ban An toàn giao thông của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động thi đua và tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng năm An toàn giao thông 2020.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020
1. Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020; Tổ chức tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
2. Đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với chủ đề năm an toàn giao thông tới mọi đối tượng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” và phát động phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông” trong đó chú trọng vào an toàn giao thông cho những người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
3. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các lực lượng cùng tham gia tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, xe quá tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông; Tăng cường tuần tra lưu động, giảm lập chốt cố định trong tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông; phát huy hiệu quả mô hình tuần tra phối hợp giữa Cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác, kết hợp giữa xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
4. Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; triển khai đề án vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư để thu hút, đáp ứng nhu cầu hành khách.
5. Nâng cao việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; việc đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.
6. Tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa nền mặt đường, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ; đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm; Tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm mất an toàn giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống đường quốc lộ và đường tỉnh lộ.
7. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện cam kết không bốc, xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải vượt quá tải trọng cho phép và kiểm tra tải trọng ngay tại đầu mối mỏ khai thác khoáng sản, kinh doanh kho bãi, cảng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ... trên địa bàn.
8. Tổ chức cảnh giới tại các vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, xóa bỏ dần những lối đi tự mở qua đường ngang đường sắt...nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
9. Các ngành, địa phương các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền, vận động, đồng thời kiên quyết xử lý, phá bỏ những lều tạm, quán cóc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là việc họp chợ trên vỉa hè, lòng đường tại các khu đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn.
10. Tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải tỏa hành lang an toàn giao thông theo Quyết định 944/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1499/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2020.
11. Triển khai và thực hiện tốt Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Ban An toàn giao thông tỉnh với các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Kế hoạch này các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2020 phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị và của địa phương. Cụ thể như sau:
1. Ban An toàn giao thông tỉnh
1.1. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền an toàn giao thông năm 2020; Tổ chức Lễ phát động thi đua, ra quân hưởng ứng năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.
1.2 Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các chủ đề về: nồng độ cồn; tốc độ; mũ bảo hiểm; đi đúng phần đường, chở quá số người quy định .... Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Triển khai xây dựng các cụm pano áp phích tuyên truyền trên hệ thống các tuyến đường, cắm bổ sung biển báo nguy hiểm tại các đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn, in ấn, mua sách hướng dẫn về an toàn giao thông, các tài liệu tuyên truyền có liên quan để cấp phát cho các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương và phục vụ công tác tuyên truyền ...
1.3. Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức các sự kiện liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo các ngành thành viên, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã, thành phố tham gia tích cực các hoạt động do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức.
1.4. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, đoàn thể và địa phương triển khai, thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp và báo cáo về kết quả thực hiện theo quy định.
2. Công An tỉnh
2.1. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại các địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, chú trọng phối hợp tuyên truyền trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
2.2. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy. Mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát các hành vi vi phạm về nồng độ cồn; tốc độ; đi sai làn đường; không đội mũ bảo hiểm; chở vượt quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế....
2.3. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra - Sở Giao thông vận tải thực hiện các kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giao thông vận tải
3.1. Xây dựng kế hoạch thường xuyên thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện xe cơ giới của các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn.
3.2. Kiểm tra, rà soát các điểm mất an toàn trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống đường quốc lộ và đường tỉnh.
3.3. Tăng cường quản lý, bảo trì, sửa chữa thường xuyên công trình cầu, đường bộ; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm.
3.4. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng kế hoạch kiểm tra tải trọng và kích thước thành thùng của phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh ngay tại đầu mối mỏ khai thác khoáng sản, kinh doanh kho bãi, cảng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ...
3.5. Tăng cường công tác quản lý phương tiện và người lái; tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình.
3.6. Chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường trọng điểm để đưa vào quản lý, khai thác; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý, bảo trì hệ thống các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh góp phần làm kiềm chế tai nạn giao thông.
4. Sở Y tế
Nâng cao năng lực cấp cứu tai nạn giao thông cho đội ngũ y, bác sỹ tại các cơ sở y tế; đào tạo kỹ năng cấp cứu ban đầu về chấn thương do tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh niên tình nguyện và các thành viên Tổ tự quản trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Hội chữ thập đỏ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các trạm cấp cứu tai nạn giao thông dọc các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh phức tạp về trật tự an toàn giao thông.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
5.1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các đơn vị trực thuộc nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào trong chương trình học ở các cấp học; các sinh hoạt ngoại khóa của các nhà trường; Xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy.
5.2. Chỉ đạo các trường, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời chỉ đạo lãnh đạo các Trường học làm việc với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; mặc áo phao khi đi đò; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe, không chở quá số người quy định, không lạng lách, đánh võng, không đi dàn hàng ba trên đường.....
5.3. Phối hợp với Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Tăng cường tuyên truyền và giáo dục cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về trật tự an toàn giao thông. Đưa công tác tuyên truyền an toàn giao thông vào chương trình huấn luyện của mỗi đơn vị. Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với những quân nhân không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.
7. Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đảm bảo thời lượng phát sóng tin, bài, phóng sự phản ánh các lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Triển khai các hoạt động vận động hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông; duy trì và phát triển các mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông có tính hiệu quả cao.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
9.1. Xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, chỉ đạo Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019 và tổ chức Lễ ra quân năm An toàn giao thông 2020; phát động thi đua thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020.
9.2. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là tình trạng đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; uống rượu bia khi tham gia giao thông; việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; dựng rạp lấn chiếm lòng đường giao thông; sử dụng lòng đường, lề đường làm nơi buôn bán, họp chợ, chăn thả súc vật, tập kết vật liệu gây mất an toàn giao thông.
9.3. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông do địa phương quản lý; chỉ đạo chính quyền địa phương khắc phục, sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng, hệ thống kênh mương thoát nước, sạt lở đất... giúp người dân đi lại an toàn.
9.4. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với ngành đường sắt tổ chức cảnh giới tại các vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, xóa bỏ dần những lối đi tự mở qua đường ngang đường sắt... nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Trên đây là Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này; thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm gửi Ban An toàn giao thông tỉnh (qua Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh) theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 144/QĐ-UBND năm 2020 về kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ đối với cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 2Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2020 về triển khai công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do tỉnh Bến Tre ban hành
- 3Kế hoạch 140/KH-UBND về năm an toàn giao thông 2020 do tỉnh Lai Châu ban hành
- 4Công văn 1402/UBND-ĐT về tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Quyết định 994/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1499/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2020
- 4Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 5Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kết luận 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 6Quyết định 144/QĐ-UBND năm 2020 về kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ đối với cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 7Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2020 về triển khai công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do tỉnh Bến Tre ban hành
- 8Kế hoạch 140/KH-UBND về năm an toàn giao thông 2020 do tỉnh Lai Châu ban hành
- 9Công văn 1402/UBND-ĐT về tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành
Kế hoạch 01/KH-UBND về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 do tỉnh Yên Bái ban hành
- Số hiệu: 01/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/01/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra