Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8583/HD-UBND | Hải Phòng, ngày 18 tháng 11 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ LIÊN QUAN ĐẾN CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH CÔNG CỘNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thực hiện khoản 1 Điều 38, khoản 3 Điều 39 Luật Đất đai ngày 26/11/2003 và các văn bản pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn cụ thể một số nội dung về cưỡng chế thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế như sau:
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1. Việc thực hiện cưỡng chế cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:
a) Việc tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính; không tiến hành cưỡng chế trong thời gian: trước Tết Nguyên đán 30 ngày và sau Tết Nguyên đán 30 ngày; các ngày nghỉ, ngày lễ khác theo quy định của pháp luật hoặc trong thời gian diễn ra những sự kiện lớn, trọng đại của Đảng, Nhà nước và địa phương.
b) Trường hợp trên đất bị thu hồi có tài sản phải bảo quản thì chi phí bảo quản tài sản do Chủ sở hữu tài sản chịu trách nhiệm thanh toán.
c) Việc tổ chức cưỡng chế phải đảm bảo an toàn, không an toàn thì không cưỡng chế.
2. Về biện pháp cưỡng chế:
a) Tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế thực hiện tháo dỡ các công trình, san gạt mặt bằng, di chuyển vật cản, tài sản, cây cối hoa màu, vật nuôi ra khỏi phạm vi diện tích đất thu hồi; ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có hành vi gây rối, cản trở, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội và chống người thi hành công vụ trong việc thực thi nhiệm vụ cưỡng chế.
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật; xử lý hành vi gây cản trở, chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
3. Về điều kiện để thực hiện cưỡng chế:
a) Thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.
b) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (sau đây gọi tắt là Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường) lập biên bản về những nội dung mà người bị thu hồi đất có kiến nghị về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát các kiến nghị của người bị thu hồi đất:
- Trường hợp kiến nghị của người bị thu hồi đất đúng quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi tắt là cấp huyện) giải quyết các kiến nghị theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp kiến nghị của người bị thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp huyện trả lời bằng văn bản và tổ chức đối thoại, giải thích, thuyết phục, vận động người bị thu hồi đất hiểu rõ sự việc để thực hiện.
c) Sau 30 ngày, kể từ ngày có thông báo nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện chi trả tiền mà người bị thu hồi đất không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không nhận nhà, đất tái định cư (nếu có), Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường xem xét thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước trên địa bàn quận, huyện, đồng thời gửi thông báo bằng văn bản cho người bị thu hồi đất biết và niêm yết thông báo công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giao Thông báo chuyển tiền vào Kho bạc Nhà nước cho người bị thu hồi đất và niêm yết Thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; lập biên bản về việc giao Thông báo và niêm yết Thông báo; trường hợp người bị thu hồi đất không nhận Thông báo, ghi rõ vào biên bản.
Thời điểm lập biên bản việc đã giao Thông báo cho người thu hồi đất về việc đã chuyển tiền vào Kho bạc Nhà nước và niêm yết Thông báo được tính là thời điểm thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ; giữ nguyên nhà ở, đất ở tái định cư đã bố trí (nếu có) để làm căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại.
d) Việc tổ chức cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có phương án bố trí nhà ở tạm cho người bị cưỡng chế và nhà ở tạm phải đảm bảo thuận lợi về sinh hoạt, cuộc sống cho người bị cưỡng chế.
e) Trước khi thực hiện các thủ tục cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện cưỡng chế.
II. VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT.
1. Khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, hồ sơ trình gồm các tài liệu sau:
1.1. Thông báo thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
1.2. Quy hoạch khu đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt;
1.3. Bản trích đo địa chính khu đất thu hồi đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;
1.4. Biên bản của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp xã họp với người bị thu hồi đất về Thông báo thu hồi đất;
1.5. Biên bản của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp xã công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lấy ý kiến của người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
1.6. Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;
1.7. Văn bản thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện;
1.8. Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư kèm theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của người bị thu hồi đất;
1.9. Thông báo của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cho người bị thu hồi đất về việc đến nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
1.10. Biên bản của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cấp xã tại cuộc họp đối thoại với người bị thu hồi đất có kiến nghị không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và không bàn giao đất;
1.11. Văn bản trả lời của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất bị thu hồi về các kiến nghị của người bị thu hồi đất;
1.12. Biên bản cuộc họp đối thoại (lần cuối) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện với người bị thu hồi đất;
1.13. Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc rà soát trình tự, thủ tục và áp dụng chính sách pháp luật trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải quyết kiến nghị của người bị thu hồi đất;
1.14. Thông báo của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cho người bị thu hồi đất về việc đã chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ vào Kho bạc Nhà nước tại địa phương;
1.15. Biên bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã giao Thông báo và niêm yết Thông báo chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ của người bị thu hồi đất vào Kho bạc Nhà nước;
1.16. Tờ trình của cơ quan Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, dự thảo Quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
1.17. Văn bản của cơ quan Tư pháp về dự thảo Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
2. Về việc ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất:
a) Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất (sau đây gọi tắt là quyết định cưỡng chế) đối với: tổ chức; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài và giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế đối với: hộ gia đình, cá nhân; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
c) Ủy ban nhân dân thành phố không ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố.
d) Nội dung quyết định cưỡng chế ghi rõ: ngày, tháng, năm; các căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, cơ quan ban hành quyết định; họ tên, địa chỉ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi tắt là người bị cưỡng chế); lý do bị cưỡng chế; địa điểm thu hồi đất (số thửa, tờ bản đồ) mốc chỉ giới và diện tích đất bị cưỡng chế.
e) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi bàn giao Quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế và lập biên bản bàn giao Quyết định cưỡng chế, trường hợp người bị cưỡng chế không nhận thì nêu rõ lý do; đồng thời niêm yết công khai Quyết định cưõng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi.
3. Về việc thành lập Ban thực hiện cưỡng chế và lập kế hoạch cưỡng chế:
a) Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế: Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giao trực tiếp quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế, đồng thời niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã mà người bị cưỡng chế không thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Ban thực hiện cưỡng chế và quy định cụ thể nhiệm vụ của các thành viên. Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban;
- Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc cấp huyện: Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện; các Phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính – Kế hoạch, Kinh tế hạ tầng (đối với huyện), Quản lý đô thị (đối với quận), Y tế, các cơ quan: Thanh tra, Công an cùng cấp, đại diện Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường cấp huyện, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành cuộc cưỡng chế và các tổ chức khác có liên quan; mời Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp tham gia giám sát.
b) Lập kế hoạch cưỡng chế:
- Ban thực hiện cưỡng chế xây dựng kế hoạch cưỡng chế, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;
- Nội dung kế hoạch cưỡng chế gồm:
+ Mục đích, yêu cầu của việc cưỡng chế;
+ Đối tượng, địa điểm cưỡng chế;
+ Phân công nhiệm vụ các ngành, địa phương và thành viên Ban thực hiện cưỡng chế;
+ Bố trí đủ phương tiện và lực lượng cưỡng chế;
+ Phương án bố trí nhà ở tạm (đối với trường hợp thu hồi đất có nhà ở) và nơi cất giữ tài sản (nếu có);
+ Phương án tiến hành cưỡng chế;
+ Thời gian bắt đầu và kết thúc cuộc cưỡng chế;
+ Dự toán kinh phí tổ chức cưỡng chế;
+ Dự kiến kết quả thực hiện cưỡng chế và lập báo cáo sau khi kết thúc thực hiện cưỡng chế.
4. Về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế:
a) Ban thực hiện cưỡng chế chủ trì cùng Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đối thoại, giải thích rõ chế độ chính sách, vận động, thuyết phục lần cuối đối với người bị cưỡng chế thu hồi đất.
- Trường hợp người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện chấp hành; lực lượng cưỡng chế hỗ trợ di chuyển tài sản (nếu có) theo đề nghị của người bị cưỡng chế để giải phóng mặt bằng. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường làm thủ tục để người bị cưỡng chế nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và làm thủ tục bàn giao nhà, đất tái định cư theo quy định (nếu có). Việc bàn giao đất được thực hiện ngay sau khi giải phóng mặt bằng;
- Trường hợp người bị cưỡng chế không tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế thông báo cho người bị cưỡng chế biết thời gian thực hiện cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo kế hoạch đã được phê duyệt.
b) Thực hiện cưỡng chế:
- Trưởng Ban thực hiện cưỡng chế công bố quyết định cưỡng chế và phát lệnh cưỡng chế;
- Yêu cầu người bị cưỡng chế, những người không có nhiệm vụ ra khỏi khu vực cưỡng chế và di chuyển tài sản (nếu có) ra khỏi phạm vi khu đất cưỡng chế;
- Trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc có mặt nhưng không tự nguyện di chuyển tài sản (nếu có), Trưởng ban thực hiện cưỡng chế giao Tổ kê biên tài sản lập biên bản kê biên ghi rõ họ tên chủ hộ, địa chỉ, số lượng, khối lượng, chủng loại tài sản; biên bản có đầy đủ chữ ký của Tổ kê biên, người làm chứng, người bị cưỡng chế (trường hợp người bị cưỡng chế có mặt nhưng không ký biên bản thì trong biên bản ghi rõ lý do) và tiến hành niêm phong tài sản; lực lượng cưỡng chế đưa người bị cưỡng chế và tài sản (nếu có) đến nơi ở tạm và nơi cất giữ tài sản đã được bố trí trước; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trông giữ, bảo quản tài sản.
- Trong quá trình thực hiện cưỡng chế nếu có dấu hiệu xảy ra tình huống phức tạp, không an toàn thì Trưởng Ban thực hiện cưỡng chế tạm dừng ngay việc cưỡng chế, khẩn trương báo cáo người đứng đầu cơ quan Đảng và chính quyền cấp huyện để giải quyết hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo.
5. Các nội dung cần thực hiện sau khi kết thúc thực hiện cưỡng chế:
a) Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản kết thúc cưỡng chế, nội dung biên bản gồm: thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, địa điểm cưỡng chế, thành phần tham gia Ban thực hiện cưỡng chế, người bị cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến, kết quả thực hiện cưỡng chế. Kết thúc cuộc cưỡng chế các thành viên có mặt ký vào biên bản. Trường hợp người bị cưỡng chế không ký biên bản hoặc vắng mặt thì ghi vào biên bản, nêu rõ lý do. Biên bản kết thúc cưỡng chế được giao cho người bị cưỡng chế một bản và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Ban thực hiện cưỡng chế:
- Lập biên bản bàn giao toàn bộ diện tích đất đã cưỡng chế trong chỉ giới thu hồi cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý hoặc trực tiếp bàn giao cho Chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định;
- Thông báo địa điểm, thời gian để người bị cưỡng chế đến nhận lại tài sản. Việc giao, nhận lại tài sản được thực hiện trong thời hạn sáu (6) tháng kể từ ngày ra thông báo và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lưu giữ tài sản;
- Tổ chức họp rút kinh nghiệm, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cưỡng chế với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Hồ sơ cưỡng chế được đánh bút lục và lưu giữ, bảo quản theo đúng quy định.
6. Về kinh phí cưỡng chế: Thực hiện theo khoản 3 Điều 24 Thông tư số 14/2009/TT-BTN&MT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
III. VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
1. Trách nhiệm của các Sở, ngành thành phố:
a) Sở Tư pháp: kiểm tra về căn cứ pháp lý, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày dự thảo quyết định cưỡng chế, đề xuất bổ sung hoàn chỉnh để Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định cưỡng chế đối với đối tượng quy định điểm a, Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này đảm bảo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện việc kiểm tra về căn cứ pháp lý, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường: tiếp nhận hồ sơ và văn bản đề nghị cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp huyện, kết quả kiểm tra, đề xuất bổ sung dự thảo Quyết định cưỡng chế của Sở Tư pháp để hoàn chỉnh hồ sơ, hoàn chỉnh dự thảo quyết định cưỡng chế, lập Tờ trình, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định cưỡng chế đối với đối tượng quy định điểm a, Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này; có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất.
c) Công an thành phố: căn cứ vào kế hoạch cưỡng chế có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho toàn bộ quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy trình công tác của ngành.
d) Thanh tra thành phố: có trách nhiệm tiếp đối tượng phải cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất; phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cưỡng chế thuộc thẩm quyền cấp huyện.
e) Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan nắm bắt đầy đủ thông tin về việc cưỡng chế, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật để báo chí đưa tin kịp thời, khả quan, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp thông tin không đúng quy định.
f) Các Sở, ngành: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Kho bạc nhà nước thành phố, Cục Thuế thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện Kế hoạch cưỡng chế khi Ủy ban nhân dân cấp huyện có yêu cầu.
2. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, đơn vị cấp huyện.
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện: ban hành Quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền; phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện các Quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo kế hoạch đã duyệt; bố trí đất ở, nhà ở tạm khi thực hiện cưỡng chế và các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất.
b) Ban thực hiện cưỡng chế: lập Kế hoạch cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định; tổ chức thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch đã được phê duyệt; bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng sau cưỡng chế cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
c) Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện: bố trí phương tiện, dụng cụ; đảm bảo hậu cần; tài chính, thực hiện nhiệm vụ lập biên bản và các thủ tục hành chính khác trong quá trình diễn ra cưỡng chế thu hồi đất; đảm bảo tốt nhất về phương tiện vật chất để cuộc cưỡng chế tiến hành thành công, an toàn và thuận lợi.
d) Phòng Tài nguyên và Môi trường: chuẩn bị hồ sơ, dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp về việc đề nghị cưỡng chế thu hồi đất đối với đối tượng quy định điểm a, Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này; lập và hoàn thiện hồ sơ, hoàn chỉnh dự thảo quyết định cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với đối tượng quy định điểm b, Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề xuất bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Quyết định cưõng chế của Phòng Tư pháp.
c) Phòng Tư pháp: kiểm tra về căn cứ pháp lý, nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày dự thảo quyết định cưỡng chế, đề xuất bổ sung hoàn chỉnh để Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế đối với đối tượng quy định tại điểm b, Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này đảm bảo đúng quy định của pháp luật;
f) Phòng Tài chính – Kế hoạch: thẩm định dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt; cấp kinh phí thực hiện trên cơ sở dự toán được phê duyệt.
g) Phòng Văn hóa - Thông tin: chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm bắt đầy đủ thông tin về việc cưỡng chế, phối hợp với người phát ngôn của Ủy ban nhân dân huyện cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật để báo chí đưa tin kịp thời, khách quan; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp thông tin không đúng quy định.
h) Phòng Y tế: bố trí cán bộ, nhân viên y tế, phương tiện, dụng cụ y tế đảm bảo kịp thời sơ, cấp cứu cho người tham gia, có mặt trong trường hợp xảy ra tai nạn trong suốt quá trình tiến hành cuộc cưỡng chế thu hồi đất.
i) Thanh tra cấp huyện: là cơ quan thường trực tiếp công dân, kịp thời tiếp nhận giải quyết vướng mắc, khiếu nại, tố cáo trong quá trình tiến hành cuộc cưỡng chế thu hồi đất.
k) Công an cấp huyện: căn cứ vào kế hoạch cưỡng chế có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho toàn bộ quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy trình công tác của ngành.
l) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường:
- Lập dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện cưỡng chế chuyển Phòng Tài chính cấp huyện thẩm định; chuẩn bị hồ sơ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của người bị cưỡng chế chuyển Phòng Tài nguyên - Môi trường đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tiếp nhận, tổng hợp nội dung kiến nghị, thắc mắc, giải thích, thuyết phục đối với những kiến nghị về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
- Tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất đối với Tổ chức sử dụng đất để Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cưỡng chế thu hồi đất,
- Chịu trách nhiệm làm thủ tục trả lại tiền gửi vào tài khoản tạm giữ; bàn giao nhà, đất tái định cư cho người bị thu hồi đất khi có yêu cầu trước, trong và sau khi cưỡng chế.
m) Các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tham gia Kế hoạch cưỡng chế khi có yêu cầu.
3. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao và niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức lực lượng địa phương tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất đến nơi tạm cất giữ; quản lý, bảo quản tài sản tạm cất giữ.
b) Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, Mặt trận tổ quốc cùng cấp và các đoàn thể, cơ quan địa phương tiến hành tuyên truyền vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi trước và trong thời gian tổ chức cuộc cưỡng chế tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất, ngăn ngừa các hành vi gây cản trở cuộc cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước.
c) Bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo yêu cầu của Ban thực hiện cưỡng chế; phối hợp với Chủ đầu tư nhận bàn giao, bảo vệ diện tích đất sau cưỡng chế thu hồi, theo dõi đôn đốc và yêu cầu Chủ đầu tư quản lý, sử dụng đất ngay sau khi được bàn giao tại thực địa sử dụng đất đảm bảo đúng quy định.
4. Trách nhiệm của các tổ chức khác:
a) Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện: tuyên truyền, thuyết phục, vận động người bị thu hồi đất chấp hành theo quy định của Nhà nước; giám sát việc tổ chức thực hiện cưỡng chế và giải quyết sau cưỡng chế của các cơ quan nhà nước.
b) Chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, Ban thực hiện cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có liên quan trong quá trình đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục người bị cưỡng chế về chủ trương thu hồi đất của Nhà nước; chuẩn bị phương tiện thi công và quản lý chặt chẽ mặt bằng sau khi được Nhà nước bàn giao đất, không để tình trạng tái lấn chiếm trở lại.
c) Các cơ quan khác có trách nhiệm tham gia phối hợp theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ủy ban nhân dân quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo Hướng dẫn này cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc và những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, các ngành, địa phương, đơn vị kịp thời phản ánh, đề xuất hướng giải quyết gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 57/2007/QĐ-UBND về phân cấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Nai ban hành
- 2Quyết định 73/2010/QĐ-UBND ban Quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 3Quyết định 18/2012/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 4Công văn 5384/UBND-ĐC1 năm 2014 bãi bỏ Hướng dẫn 8583/HD-UBND về nội dung cụ thể liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hải Phòng
- 1Luật Đất đai 2003
- 2Quyết định 57/2007/QĐ-UBND về phân cấp ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Nai ban hành
- 3Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 4Thông tư 14/2009/TT-BTNMT về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Quyết định 73/2010/QĐ-UBND ban Quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 6Quyết định 18/2012/QĐ-UBND về Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Hướng dẫn 8583/HD-UBND năm 2013 về nội dung cụ thể liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng
- Số hiệu: 8583/HD-UBND
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 18/11/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
- Người ký: Dương Anh Điền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra