Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 678/NHCS-TD

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 32/2007/QĐ-TTG NGÀY 05/3/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Quyết định 32), Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn nội dung thực hiện trong toàn hệ thống như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

1. Nơi cư trú hợp pháp của hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người vay theo quy định thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống được Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận (mẫu số 03/TD).

Đại diện hộ vay vốn chịu trách nhiệm giao dịch với NHCSXH, là người có tên trong danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn do UBND cấp xã lập và UBND huyện phê duyệt.

2. Phương hướng, phương án sản xuất

Phương hướng, phương án, dự án sản xuất gọi chung là phương án sản xuất. Nội dung của phương án sản xuất chỉ yêu cầu người vay vốn trả lời được câu hỏi: vay vốn để làm gì, số lượng vật tư cần mua sắm, số tiền xin vay, thời hạn vay vốn.

Hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn NHCSXH (sau đây gọi là người vay) được UBND hoặc tổ chức chính trị - xã hội thôn, bản hướng dẫn lập và chỉ dẫn cách thức thực hiện phương án sản xuất (mẫu số 01/TD “Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ”).

3. Mức cho vay

3.1. Thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2 Điều 2 Quyết định 32. Người vay có thể vay một hoặc nhiều lần, nhưng tổng dư nợ một hộ ở mọi thời điểm không vượt quá 5 triệu đồng/hộ.

3.2. Trường hợp địa phương có nguồn ngân sách hỗ trợ thêm để cho vay trên mức 5 triệu đồng/hộ theo Quyết định 32, thì NHCSXH thực hiện theo Quyết định của UBND địa phương.

Trường hợp các hộ có nhu cầu vay vốn ngoài mức quy định trên, thì áp dụng chính sách cho vay hộ nghèo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

4. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của người vay, nhưng thời hạn cho vay tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

5. Phương thức cho vay

Thực hiện theo phương thức uỷ thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Cơ chế uỷ thác cho vay theo Quyết định 32 tương tự như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đối với những nơi đã có Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động, nếu người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì phải gia nhập Tổ TK&VV và được Tổ TK&VV tổ chức kết nạp để người vay có điều kiện làm thủ tục vay vốn NHCSXH.

Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV đang hoạt động thì thành lập Tổ TK&VV mới theo quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV.

II. THỦ TỤC, QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ CHO VAY

1. Hồ sơ vay vốn

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD).

- Biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD).

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn (mẫu số 03/TD).

2. Quy trình cho vay

2.1. Khi người vay có nhu cầu vay vốn, Tổ TK&VV hoặc tổ chức chính trị - xã hội thôn bản, hoặc UBND cấp xã hỗ trợ người vay lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD) gửi Tổ TK&VV.

2.2. Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở và Ban xoá đói giảm nghèo cấp xã tổ chức họp, đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với danh sách hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn do UBND cấp huyện đã phê duyệt, đồng thời bình xét công khai, dân chủ theo thứ tự ưu tiên, đối tượng chính sách, người khó khăn hơn được vay vốn trước (trường hợp nguồn vốn chưa đủ để cho vay), sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn (mẫu số 03/TD) kèm Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/TD) gửi UBND cấp xã xác nhận.

2.3. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD), Tổ TK&VV gửi NHCSXH Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03) kèm Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất và khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD) để làm thủ tục phê duyệt cho vay.

2.4. Cán bộ NHCSXH được Giám đốc phân công có nhiệm vụ kiểm tra tính đầy đủ, đúng đắn của hồ sơ vay vốn, nếu đảm bảo các yếu tố theo quy định thì trình Giám đốc phê duyệt cho vay, đồng thời lập Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã.

Trường hợp chưa đầy đủ các yếu tố theo quy định thì cán bộ NHCSXH hướng dẫn Tổ TK&VV làm lại hồ sơ và thủ tục theo quy định.

2.5. UBND cấp xã thông báo kết quả phê duyệt cho vay cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ thác cho vay) để thông báo cho Tổ TK&VV, Tổ TK&VV thông báo danh sách người được vay, thời gian và địa điểm giải ngân đến từng người vay.

3. Tổ chức giải ngân

3.1. NHCSXH thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay bảo đảm đúng danh sách đã được duyệt. Khi nhận tiền, người vay phải có chứng minh nhân dân, nếu không có chứng minh nhân dân thì phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã. Trường hợp, người đứng tên vay vốn không đến nhận tiền vay thì có thể uỷ quyền cho thành viên khác trong hộ (người từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự) đến nhận tiền vay nhưng phải có giấy uỷ quyền của người đứng tên vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã.

Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, Ngân hàng nơi cho vay có thể lựa chọn phương thức giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho người vay, hoặc giải ngân bằng hiện vật dưới sự chứng kiến của đại diện Tổ TK&VV, đại diện của tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và của UBND cấp xã. Việc giải ngân bằng hiện vật được thực hiện trong trường hợp chính quyền hoặc tổ chức chính trị - xã hội có khả năng tổ chức mua hiện vật (cây, con giống…) cho người vay, được người vay chấp thuận nhận bằng hiện vật và ký đầy đủ vào hồ sơ vay vốn.

3.2. Căn cứ vào số tiền được phê duyệt cho vay trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD), cán bộ Ngân hàng ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký vào phần nhận tiền vay theo quy định tại mục III “Phần theo dõi nợ vay” mẫu số 01/TD (bao gồm cả liên lưu tại Ngân hàng và liên người vay giữ) để theo dõi.

4. Thu nợ

4.1. Trước ngày đến hạn trả nợ, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác căn cứ vào thông báo danh sách nợ đến hạn (thông báo của NHCSXH tại Điểm giao dịch) để thông báo cho Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc người vay trả nợ cho Ngân hàng.

4.2. Nhận được thông báo của Tổ trưởng Tổ TK&VV, người vay đến Điểm giao dịch của NHCSXH (theo lịch giao dịch) để trả nợ Ngân hàng.

Việc thu nợ gốc được thực hiện một lần vào ngày trả nợ cuối cùng. Trường hợp người vay trả nợ trước hạn, Ngân hàng nơi cho vay tiến hành thu nợ và hạch toán theo quy định.

5. Xử lý nợ đến hạn

5.1. Đến hạn trả nợ, nhưng người vay chưa trả được nợ mà vẫn thuộc diện hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì Ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ theo đề nghị gia hạn nợ (mẫu số 09/TD).

5.2. Thời gian cho gia hạn nợ mỗi lần tối đa bằng thời hạn đã cho vay.

6. Xử lý nợ bị rủi ro

6.1. Khi người vay gặp rủi ro do các nguyên nhân quy định tại điểm 5 Điều 2 Quyết định 32, Tổ trưởng Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội cấp xã lập Biên bản xác nhận nợ vay bị rủi ro (mẫu số 02A/NRR ban hành kèm theo Quyết định số 55/QĐ-HĐQT ngày 24/02/2006 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH (sau đây gọi là Quyết định 55) trình UBND cấp xã xác nhận, sau đó gửi NHCSXH cấp huyện để tổng hợp.

6.2. Tại NHCSXH cấp huyện: theo định kỳ vào ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 01 hàng năm, NHCSXH cấp huyện căn cứ vào Biên bản xác nhận nợ vay bị rủi ro ở các xã gửi lên, lập biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ (mẫu số 06A/NRR ban hành kèm theo Quyết định 55) trình UBND cấp huyện phê duyệt, sau đó gửi biểu tổng hợp đề nghị xoá nợ và kết quả phê duyệt cho NHCSXH cấp tỉnh.

6.3. Tại chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh: Theo định kỳ, vào ngày 25 tháng 7 và ngày 25 tháng 01 hàng năm, căn cứ vào kết quả phê duyệt của UBND cấp huyện, chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh tổng hợp (mẫu số 07A/NRR ban hành kèm theo Quyết định 55) trình UBND cấp tỉnh xem xét ra quyết định xoá nợ.

Căn cứ vào Quyết định xoá nợ của UBND cấp tỉnh, NHCSXH tổ chức hạch toán theo quy định, đồng thời gửi bản sao Quyết định xoá nợ về Hội sở chính NHCSXH để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Lưu giữ hồ sơ vay vốn

Toàn bộ hồ sơ cho vay được lưu giữ tại bộ phận kế toán NHCSXH nơi cho vay.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác kế hoạch

Hàng năm, Ngân hàng cơ sở phối hợp với Ban dân tộc cùng cấp lập kế hoạch nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn gửi Ngân hàng cấp trên trực tiếp theo các quy định hiện hành của NHCSXH.

2. Hạch toán kế toán

Việc hạch toán cho vay chương trình tín dụng này được hạch toán theo dõi theo quy định của NHCSXH.

3. Chế độ báo cáo, thống kê

3.1. Việc báo cáo thống kê thực hiện theo văn bản hướng dẫn về chế độ báo cáo thống kê của Tổng giám đốc NHCSXH.

3.2. Định kỳ 6 tháng 1 lần, chi nhánh NHCSXH các cấp tổ chức báo cáo, đánh giá kết quả chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS trình UBND cấp huyện, cấp tỉnh đồng gửi Ban dân tộc cùng cấp và NHCSXH cấp trên trực tiếp.

Báo cáo được lập bằng văn bản phản ánh đầy đủ kết quả cho vay, đánh giá những mặt được, tồn tại, khó khăn, kiến nghị, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn tại địa phương.

4. Về chi trả phí dịch vụ uỷ thác và hoa hồng

Việc trả phí dịch vụ uỷ thác và hoa hồng được thực hiện 01 năm một lần tính trên số dư nợ bình quân năm theo quy định:

- Phí dịch vụ uỷ thác trả cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã là 0,05%/năm;

- Hoa hồng trả cho Tổ TK&VV là 0,1%/năm;

- Phần còn lại là 0,15%/năm được loại khỏi chi phí khoán tài chính tại NHCSXH nơi cho vay.

5. NHCSXH các địa phương có các xã thuộc vùng khó khăn theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm báo cáo UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai Quyết định 32.

6. Tổ chức phổ biến nội dung Quyết định 32 và tập huấn nội dung văn bản này tới cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ Tổ TK&VV và cán bộ UBND cấp xã để triển khai chương trình cho vay đúng quy định.

7. Tổ chức tuyên truyền và công khai chủ trương, chính sách, danh sách hộ được vay vốn, công khai dư nợ tới đông đảo quần chúng nhân dân biết để giám sát việc làm của NHCSXH.

Những điểm không hướng dẫn tại văn bản này, NHCSXH thực hiện theo quy định tại Quyết định 32. Quá trình thực hiện, có vướng mắc báo cáo về Hội sở chính NHCSXH để xem xét, giải quyết.

 

 

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI




Hà Thị Hạnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 678/NHCS-TD năm 2007 thực hiện cho vay vốn theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

  • Số hiệu: 678/NHCS-TD
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 22/04/2007
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Chính sách Xã hội
  • Người ký: Hà Thị Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản