Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6286/HD-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ THỰC HIỆN KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ban hành ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ban hành ngày 26/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

n cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài Chính Quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị;

Căn cứ Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 12/01/2015 quy định mức lương tối thiểu đối với chuyên gia tư vấn trong nước;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/12/2017 của Bộ Xây dựng Công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Quy định một số mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 610/TTr-SXD ngày 22/12/2017, UBND tỉnh hướng dẫn một số nội dung thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

Các Chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn về xây dựng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

2. Phạm vi các công trình kiểm tra:

Các công trình xây dựng được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình theo quy định.

3. Thẩm quyền kiểm tra:

3.1. Theo Quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP gồm: Hội đồng nghiệm thu nhà nước, cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện kiểm tra đối với các công trình thuộc thẩm quyền.

3.2. Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố theo quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Khoản 2 Điều 38 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 08/3/2017 của UBND tỉnh thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, cụ thể như sau:

a) Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ, hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông trong đô thị (trừ công trình đường sắt đô thị, cầu đường bộ trong đô thị, đường quốc lộ qua đô thị và các công trình quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm đ Khoản 2 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP;

b) Sở Giao thông Vận tải kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình giao thông đến cấp II, trừ các công trình giao thông do Sở Xây dựng quản lý;

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn từ cấp II trở xuống;

d) Sở Công thương kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình công nghiệp từ cấp II trở xuống, trừ các công trình công nghiệp do Sở Xây dựng quản lý;

e) Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng giúp UBND huyện, thành phố kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình do Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố quyết định đầu tư trên địa bàn.

3.3. Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình, hạng mục công trình có loại và cấp khác nhau thì công tác Kiểm tra nghiêm thu công trình được thực hiện như sau:

Cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm tra đối với công trình, hạng mục công trình chính có cấp cao nhất của dự án đầu tư xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn chủ trì thực hiện công tác kiểm tra đối với công trình chính, hạng mục công trình chính và các hạng mục thuộc thẩm quyền theo trách nhiệm, các hạng mục công trình khác trong dự án thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn khác, cơ quan chuyên môn chủ trì làm đầu mối phối hợp với cơ quan chuyên môn khác để thực hiện. Trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn, dự án có nhiều hạng mục công trình không đồng thời triển khai thực hiện, căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm tra đối với công trình, hạng mục công trình phù hợp với tiến độ chung của dự án.

3.4. Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND các huyện, thành phố gửi báo cáo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu công trình về Sở Xây dựng theo định kỳ 02 lần/ năm (lần 1 trước ngày 05/6, lần 2 trước ngày 30/11 hàng năm) để Sở Xây dựng theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.

4. Các bước tiến hành kiểm tra:

4.1. Kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng:

Bước 1: Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày khởi công công trình hoặc hạng mục công trình, chủ đầu tư phải báo cáo thông tin công trình bằng văn bản theo Mẫu số 01 Phụ lục V Thông tư 26/2016/TT-BXD đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Mục 3 của Hướng dẫn này;

Bước 2: Cơ quan chuyên môn về xây dựng gửi chủ đầu tư kế hoạch thực hiện kiểm tra. Trong kế hoạch kiểm tra, căn cứ vào quy mô, tính chất, loại và cấp của từng công trình, cơ quan chuyên môn về xây dựng quyết định thời điểm tổ chức kiểm tra khi công trình kết thúc các giai đoạn thi công quan trọng. Cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu từ khi khởi công đến khi hoàn thành công trình không quá 03 lần đối với công trình cấp đặc biệt và công trình cấp I, không quá 02 lần đối với các công trình còn lại, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong trường hợp chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

Bước 3: Căn cứ vào kế hoạch thực hiện kiểm tra và tiến độ thi công xây dựng công trình, đến thời điểm tổ chức kiểm tra theo quy định, chủ đầu tư gửi văn bản tới cơ quan chuyên môn về xây dựng đề nghị thực hiện kiểm tra.

Ví dụ: đối với công trình xây dựng dân dụng, các giai đoạn thi công quan trọng gồm móng và phần ngầm - kết cấu phần thân - cơ điện (thiết bị) và hoàn thiện; đối với công trình cầu, các giai đoạn gồm móng, mố trụ - dầm cầu - hoàn thiện; đối với công trình đường, các giai đoạn gồm nền đường (các lớp nền) - móng đường - áo đường...

Bước 4: Kết thúc đợt kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo bằng văn bản gửi chủ đầu tư kết quả kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng chậm nhất 7 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt kiểm tra.

4.2. Kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng:

Bước 1: Chủ đầu tư gửi văn bản theo Mẫu số 02 Phụ lục V Thông tư 26/2016/TT-BXD, kèm theo danh mục hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Mục 3 của Hướng dẫn này;

Bước 2: Cơ quan chuyên môn về xây dựng và cá nhân, tổ chức cùng tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng (nếu có) thực hiện kiểm tra theo các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP và thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản gửi chủ đầu tư;

Bước 3: Sau khi nhận được thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, rà soát và tổ chức khắc phục các tồn tại (nếu có), tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định. Gửi biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và báo cáo về việc khắc phục các tồn tại (nếu có) đến cơ quan chuyên môn về xây dựng;

Bước 4: Căn cứ vào biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và báo cáo về việc khắc phục các tồn tại (nếu có) của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo Mẫu số 03 Phụ lục V Thông tư 26/2016/TT-BXD. Thời gian cơ quan chuyên môn ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước 15 ngày đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I, trước 10 ngày đối với các công trình còn lại kể từ khi kết thúc kiểm tra. Trường hợp chủ đầu tư phải giải trình, khắc phục các tồn tại và phải thực hiện thí nghiệm đối chứng, thử tải, kiểm định chất lượng công trình theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn thì thời hạn nêu trên được tính khi chủ đầu tư hoàn thành các yêu cầu này.

4.3. Trường hợp chủ đầu tư đề xuất tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi còn một số công việc hoàn thiện cần được thực hiện sau thì chủ đầu tư được tổ chức nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng theo quy định tại Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

Chủ đầu tư tiếp tục tổ chức thi công và nghiệm thu đối với các công việc còn lại theo thiết kế được duyệt; quá trình thi công phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành bình thường của hạng mục công trình, công trình xây dựng đã được chấp thuận kết quả nghiệm thu.

4.4. Trong quá trình kiểm tra cơ quan chuyên môn được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan giải trình, khắc phục tồn tại (nếu có), thực hiện thí nghiệm đối chứng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu, thử tải, kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mục công trình theo quy định tại Điều 29 Nghị định 46/2015/NĐ-CP.

4.5. Căn cứ vào quy mô, tính chất của công trình, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền mời cá nhân (chuyên gia) hoặc tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu (Chỉ áp dụng thực hiện với các loại công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi Phụ lục 01 kèm theo Hướng dẫn này). Riêng đối với các công trình thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND cấp huyện, thành phố, căn cứ các điều kiện về số lượng, trình độ chuyên môn của của các phòng có chức năng quản lý xây dựng, được phép mời cá nhân (chuyên gia), tổ chức có năng lực phù hợp cùng tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu. Việc mời cá nhân, tổ chức tham gia được lựa chọn thông qua hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các hướng dẫn hiện hành do chủ đầu tư đứng ra thực hiện.

Đối với các loại công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi Phụ lục 01 kèm theo Hướng dẫn này: Sau khi có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc phê duyệt dự án, Chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị tới cơ quan chuyên môn về xây dựng thống nhất nội dung thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm lập đề cương thống nhất các nội dung cần thiết mời tổ chức tư vấn hoặc cá nhân cùng tham gia thực hiện, gửi Chủ đầu tư làm cơ sở để lập dự toán, thẩm định và phê duyệt, trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện.

4.6. Cơ quan chuyên môn về xây dựng không thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu.

4.7. Việc kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm của các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng:

5.1. Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng và khi hoàn thành thi công công trình thực hiện theo Điều 14 Thông tư 26/2016/TT-BXD, chi phí này bao gồm:

a) Chi phí kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND các huyện, thành phố gồm: Công tác phí theo quy định và chi phí khác phục vụ kiểm tra;

b) Chi phí thuê cá nhân (chuyên gia) do cơ quan chuyên môn về xây dựng mời, bao gồm: chi phí đi lại, chi phí thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác và tiền công chuyên gia;

c) Chi phí thuê tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

5.2. Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng do chủ đầu tư lập dự toán, thẩm định, phê duyệt và được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Chi phí này là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác.

Dự toán chi phí quy định tại Khoản 5.1 Mục này được lập căn cứ vào đặc điểm, tính chất của công trình, địa điểm nơi xây dựng công trình, thời gian, số lượng cán bộ, chuyên gia, tổ chức, cá nhân tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu và khối lượng công việc phải thực hiện. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thực hiện theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị; Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức lương tối thiểu đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước; Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng về công bố Định mức chi phí tư vấn quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Quy định một số mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Lào Cai.

5.3. Chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán các chi phí quy định tại Điểm a Khoản 5.1 Mục này khi kết thúc đợt kiểm tra. Trường hợp cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu, chủ đầu tư thực hiện lựa chọn, ký kết và thanh toán hợp đồng theo quy định đối với các chi phí tại Điểm b, Điểm c Khoản 5.1 Mục này.

6. Xử lý chuyển tiếp

6.1. Các công trình bắt đầu được thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu sau ngày ban hành Hướng dẫn này thì việc kiểm tra nghiệm thu phải tuân thủ theo các nội dung tại Hướng dẫn này.

6.2. Đối với các các công trình đã và đang được thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu trước ngày ban hành hướng dẫn này, thì cho phép thanh quyết toán khoản chi phí này vào tổng mức đầu tư của công trình.

6.3. Đối với những công trình đang thực hiện nhưng chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu chưa được dự tính trong tổng mức đầu tư thì Chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

7. Tổ chức thực hiện:

7.1. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quản lý kiểm tra công tác nghiệm thu trên địa bàn tỉnh theo Hướng dẫn này. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện theo quy định.

7.2. Yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Lào Cai và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý được phân công nghiêm túc tổ chức thực hiện.

7.3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Căn cứ nội dung Hướng dẫn này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP: TU, HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Lào Cai;
- BCH Quân sự tỉnh;
- BCH bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Ban QLDA các sở ngành;
- Ban QLDA các huyện và thành phố Lào Cai;
- Chi cục Giám định xây dựng - Sở Xây dựng;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- BBT- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH, KT, QLĐT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Dương

 

PHỤ LỤC

CÔNG TRÌNH, HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC MỜI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC THAM GIA KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU
(Kèm theo Văn bản số: 6286/HD-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Lao Cai)

TT

Loại công trình

Tính chất, quy mô

I

Công trình dân dụng

1

Nhà ở

Nhà chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá; nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên

2

Công trình công cộng

 

2.1

Công trình giáo dục

Các trường Đại học, THPT, THCS, TH, Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường đào tạo... xây dựng tại trung tâm huyện, thành phố có quy mô từ cấp III trở lên.

2.2

Công trình y tế

Các công trình bệnh viện, trung tâm y tế... từ cấp huyện, thành phố trở lên và có quy mô xây dựng cấp III trở lên

2.3

Công trình thể thao

Công trình thể thao ngoài trời, công trình thể thao trong nhà từ cấp huyện, thành phố trở lên và có quy mô xây dựng cấp III trở lên.

2.4

Công trình văn hóa

Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày và các Công trình vui chơi, giải trí tập trung đông người khác xây dựng tại trung tâm huyện, thành phố có quy mô xây dựng từ cấp III trở lên.

2.5

Công trình trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội - nghề nghiệp,

Trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn trực thuộc các cấp; Trụ sở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, sự nghiệp từ cấp huyện, thành phố trở lên và có quy mô xây dựng cấp III trở lên

2.6

Công trình thương mại và dịch vụ

Công trình đa năng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, Nhà phục vụ thông tin liên lạc: bưu điện, bưu cục, cửa hàng, nhà hàng ăn uống, giải khát, công trình tập trung đông người và công trình tương tự khác có quy mô xây dựng từ cấp III trở lên

2.7

Cáp treo

Các công trình cáp treo vận chuyển người

2.8

Nhà ga

Các công trình Nhà ga, hàng không

Nhà ga đường thủy, nhà ga đường sắt, bến xe ô tô

2.9

Các công trình dân dụng khác

Các công trình đặc thù, tính chất, quy mô, kết cấu phức tạp, các công trình tập trung đông người (quy mô thiết kế > 200 người)

II

Công trình công nghiệp

1

Công trình sản xuất vật liệu xây dựng

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

2

Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

3

Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

4

Công trình dầu khí

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

5

Công trình năng lượng

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

6

Công trình hóa chất

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

7

Công trình công nghiệp nhẹ

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

III

Công trình hạ tầng kỹ thuật

1

Cấp nước

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

2

Thoát nước

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

3

Xử lý chất thải rắn

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

4

Hệ thống chiếu sáng công cộng

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

5

Công viên cây xanh

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

6

Nghĩa trang

Các công trình có quy mô từ cấp III trở lên

7

Công trình thông tin, truyền thông

Tháp thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, cột BTS có quy mô từ cấp III trở lên

Đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông có quy mô từ cấp II trở lên

8

Bãi đỗ xe ô tô, xe máy

Bãi đỗ xe ngầm có quy mô từ cấp II trở lên

Bãi đỗ xe nổi có quy mô từ cấp III trở lên

9

Công cáp; hào và tuy nen kỹ thuật

Tuy nen kỹ thuật có quy mô từ cấp II trở lên

IV

Công trình giao thông

1

Đường bộ

Đường ô tô cao tốc

Đường ô tô có chiều rộng nền đường ≥ 6m

Đường BTXM có chiều rộng mặt đường ≥ 3,5m và mác bê tông từ M250 trở lên

Đường mặt nhựa có cường độ mặt đường Eyc ≥  98MPa

Bến phà có quy mô từ cấp II trở lên

Đường sắt

Mọi cấp

Cầu

Cầu đường bộ, cầu bộ hành, cầu đường sắt, cầu phao

Hầm

Hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ

 

Hầm tàu điện ngầm (Metro)

2

Công trình đường thủy nội địa

Cảng, bến thủy nội địa

Đường thủy có bề rộng (B) và độ sâu (H) nước chạy tầu (bao gồm cả phao tiêu, công trình chính trị) có quy mô từ cấp III trở lên

3

Công trình hàng hải

Các công trình từ cấp II trở lên

4

Công trình hàng không

Khu bay (bao gồm cả các công trình bảo đảm hoạt động bay)

V

Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn

1

Công trình thủy lợi

Mọi cấp

2

Công trình đê điều

Mọi cấp

*/ Ghi chú: Cấp công trình được xác định theo thông tư 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 6286/HD-UBND năm 2017 về thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 6286/HD-UBND
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 29/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Thanh Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản