Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291/SXD-XDCB | Huế, ngày 18 tháng 4 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN
TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Chỉ thị số 12/2006/CT-BXD ngày 11/9/2006 của Bộ Xây dựng về chỉ thị tăng cường công tác chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng;
Công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Song quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều thiếu sót, chưa làm tốt theo quy trình khảo sát xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể một số nội dung cần thiết để các đơn vị tham gia công tác khảo sát xây dựng nắm cụ thể và thực hiện được tốt hơn.
Nhằm giúp cho các chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát xây dựng, chủ quản lý sử dụng các công trình xây dựng, nhà thầu thiết kế và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nắm rõ hơn về quy trình công tác quản lý và thực hiện tốt về chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng. Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:
I- Một số nội dung chung về khảo sát xây dựng:
1.1 Khảo sát xây dựng bao gồm: Khảo sát địa hình; Khảo sát địa chất công trình; Khảo sát thuỷ văn; Khảo sát hiện trạng công trình và các công tác khảo sát khác phục vụ cho hoạt động xây dựng.
1.2 Khảo sát xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a-Nhiệm vụ khảo sát phù hợp với từng loại công việc, từng bước thiết kế.
b-Đảm bảo tính trung thực, khác quan, phản ánh đúng thực tế.
c-Khối lượng, nội dung, yêu cầu kỹ thuật phải phù hợp nhiệm vụ khảo sát, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.
d- Đối với khảo sát địa chất công trình ngoài các yêu cầu tại điểm a,b và c thì phải xác định độ xâm thực, mức độ giao động của mực nước ngầm theo mùa. Đối với công trình quy mô lớn, công trình quan trọng phải có khảo sát quan trắc các tác động của môi trường đến công trình trong quá trình xây dựng và sử dụng.
II- Các quy định đối với các tổ chức và các cá nhân tham gia công tác khảo sát xây dựng:
II-1 Đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình:
a-Chủ đầu tư có quyền:
1-Được tự thực hiện khi có đủ điều kiện năng lực khảo sát xây dựng.
2-Ký kết hợp đồng giám sát thực hiện hợp đồng.
3-Điều chỉnh nhiệm vụ khảo sát theo yêu cầu hợp lý của nhà thiết kế. Việc bổ sung điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
4-Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
5-Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b-Chủ đầu tư có trách nhiệm:
1-Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế lập hoặc nhà thầu khảo sát lập và thông qua hợp đồng giao nhiệm vụ khảo sát cho nhà thầu khảo sát. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng thực hiện theo đúng các quy định tại điều 6 cuả Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2- Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng trong trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực khảo sát xây dựng để thực hiện. Điều kiện của nhà thầu khảo sát xây dựng được quy định cụ thể tại Điều 49 của Luật xây dựng và các Điều 48, 57 và 58 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
3-Cung cấp cho nhà thầu khảo sát các thông tin liên quan công tác khảo sát.
4-Xác định phạm vị khảo sát và đảm bảo điều kiện cho nhà thầu khảo sát thực hiện hợp đồng.
5-Thực hiện hợp đồng theo đúng các cam kết. Công tác giám sát của chủ đầu tư được quy định tại điểm b mục 1 và mục 3 Điều 11 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
6-Tổ chức nghiệm thu và lưu trữ kết quả khảo sát. Nghiệm thu công tác khảo sát được quy định tại Điều 12 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
7-Bồi thường thiệt hại khi cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, xác định sai nhiệm vụ khảo sát và các hành vi gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
8-Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
II-2 Đối với nhà thầu khảo sát xây dựng.
1-Điều kiện đối với nhà thầu khảo sát xây dựng:
a-Có đăng ký hoạt động khảo sát xây dựng.
b-Có đủ năng lực khảo sát xây dựng. Chỉ thực hiện việc khảo sát xây dựng phù hợp với năng lực và phạm vi hoạt động ghi trong đăng ký kinh doanh của mình theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
c-Mỗi nhiệm vụ khảo sát phải có một chủ nhiệm khảo sát xây dựng có đủ năng lực hành nghề khảo sát và có chứng chỉ hành nghề phù hợp. Chủ nhiệm khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát chỉ định. Các cá nhân tham gia từng công việc khảo sát phải có chuyên môn phù hợp với công việc được giao.
d-Máy móc thiết bị phục vụ khảo sát xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho công tác khảo sát và bảo vệ môi trường
e- Phòng thí nghiệm khảo sát phải đủ tiêu chuẩn theo quy định về chất lượng và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng công nhận.
f-Nhà thầu khảo sát phải có bộ phận chuyên trách giám sát công tác khảo sát. Nội dung giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng theo phương án khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt và ghi chép kết quả theo dõi, kiểm tra vào nhật ký khảo sát xây dựng.
2-Nhà thầu khảo sát xây dựng có quyền:
a-Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp số liệu, thông tin liên quan đến nhiệm vụ KS.
b-Từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ khảo sát.
c-Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3-Nhà thầu khảo sát có nghĩa vụ:
a-Chỉ ký hợp đồng thực hiện các công việc khảo sát phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động và thực hiện đúng hợp đồng đã kỹ kết.
b-Thực hiện đúng nhiệm vụ khảo sát được giao, bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát.
c-Đề xuất, bổ sung nhiệm vụ khảo sát khi phát hiện các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các giải pháp thiết kế.
d-Bảo vệ môi trường trong khu vực.
e-Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
f-Bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, phát sinh khối lượng do khảo sát sai thực tế, sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn xây dựng không phù hợp, và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra
g-Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
II-3 Đối với nhà thầu thiết kế xây dựng.
1-Bố trí người có chuyên môn phù hợp để lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng, giám sát công tác khảo sát xây dựng, tư vấn nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng khi chủ đầu tư yêu cầu.
2-Chỉ sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng để thiết kế phù hợp với điều kiện địa chất, địa lý tự nhiên tại khu vực xây dựng và được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định,
3-Kịp thời kiến nghị chủ đầu tư thực hiện khảo sát xây dựng bổ sung khi thấy không đủ các số liệu khảo sát cần thiết để thiết kế, khi có nghi ngờ về khảo sát hoặc phát hiện những yếu tố bất thường về địa chất công trình ảnh hưởng đến thiết kế.
4-Không sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm khác hoặc của công trình khác để thiết kế. Trường hợp cần thiết, chỉ sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm lân cận hoặc của công trình lân cận để tham khảo.
Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cho các tổ chức , cá nhân có tham gia công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn.
Các tổ chức hoạt động khảo sát xây dựng thuộc các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành phải được kiện toàn bộ máy, đảm bảo năng lực chuyên môn theo quy định của pháp luật. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra hoạt động khảo sát và chất lượng khảo sát xây dựng của chuyên ngành. Định kỳ 6 tháng, 1 năm có báo cáo về cơ quan đầu mối là Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh và Bộ Xây dựng.
Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về công tác tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng nhằm giúp các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình thực hiện đúng và hiệu quả hơn công tác khảo sát xây dựng. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo về Sở xây dựng để xem xét và có hướng giải quyết cụ thể ./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
- 1Chỉ thị 12/2006/CT-BXD về tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Nghị định 112/2006/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 3Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Nghị định 16/2005/NĐ-CP về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình
- 6Quyết định 2969/2006/QĐ-UBND về Đơn giá khảo sát xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế
Hướng dẫn 291/SXD-XDCB về tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 291/SXD-XDCB
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 18/04/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Việt Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra