Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2006/CT-BXD

Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Những năm gần đây, dự án đầu tư xây dựng công trình không ngừng tăng về số lượng, lớn về quy mô và đa dạng về nguồn vốn đầu tư. Công tác khảo sát xây dựng nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu lập dự án và triển khai các bước thiết kế xây dựng công trình; góp phần bảo đảm công trình được xây dựng an toàn, kinh tế, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và cho xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được của công tác khảo sát xây dựng, trong thực tế từng lúc, từng nơi vẫn còn hiện tượng công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng; xảy ra sự cố dẫn đến phải xử lý, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận xã hội mà một trong những nguyên nhân là do số liệu khảo sát xây dựng không chính xác, không phản ánh đúng thực trạng nền đất tại địa điểm xây dựng, không dự báo được những thay đổi về điều kiện địa chất công trình.

Thực hiện quy định của Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003, các Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Chính phủ; nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu:

1) Đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình:

- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý chất lượng khảo sát xây dựng từ phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, giám sát công tác khảo sát xây dựng đến nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại Điều 50 Luật Xây dựng Chương III Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Chỉ lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng có đăng ký kinh doanh và điều kiện năng lực phù hợp theo quy định. Khi lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, phải kiểm tra điều kiện năng lực của nhà thầu và của chủ nhiệm khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại Điều 49 Luật Xây dựng và các Điều 48, Điều 57, Điều 58 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

2) Đối với nhà thầu khảo sát xây dựng:

- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quản lý chất lượng khảo sát xây dựng từ lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, giám sát công tác khảo sát xây dựng đến lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo đúng quy định tại Điều 51 Luật Xây dựng Chương III Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Chỉ thực hiện các công việc khảo sát xây dựng phù hợp với năng lực và phạm vi hoạt động ghi trong đăng ký kinh doanh của mình theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Bố trí người có chứng chỉ hành nghề kỹ sư và đủ điều kiện năng lực làm chủ nhiệm khảo sát. Các cá nhân tham gia từng công việc khảo sát phải có chuyên môn được đào tạo phù hợp. Không mượn danh nghĩa của nhà thầu khác để ký hợp đồng khảo sát xây dựng.

- Công tác thi công hiện trường phải tuân thủ quy trình kỹ thuật khảo sát; các mẫu thí nghiệm cơ - lý đất đá, thí nghiệm mẫu nước phải thực hiện tại các phòng thí nghiệm được công nhận hợp chuẩn.

- Khi thực hiện khảo sát xây dựng, không sử dụng các thiết bị chưa được kiểm định, sai tính năng, vượt quá công suất thiết kế của thiết bị hoặc đã quá niên hạn sử dụng theo quy định.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến.

3) Đối với nhà thầu thiết kế xây dựng công trình:

- Bố trí người có chuyên môn phù hợp để lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng, giám sát công tác khảo sát xây dựng, tư vấn nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng khi chủ đầu tư yêu cầu.

- Chỉ sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng để thiết kế khi kết quả khảo sát đáp ứng yêu cầu của bước thiết kế, phù hợp với điều kiện địa chất, địa lý tự nhiên tại khu vực xây dựng và đã được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định.

- Kịp thời kiến nghị chủ đầu tư thực hiện khảo sát xây dựng bổ sung khi thấy không đủ các số liệu khảo sát cần thiết để thiết kế, khi có nghi ngờ về kết quả khảo sát hoặc phát hiện những yếu tố bất thường về địa chất công trình ảnh hưởng đến thiết kế.

- Không sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm khác hoặc của công trình khác để thiết kế. Trường hợp cần thiết, chỉ sử dụng tài liệu khảo sát xây dựng tại địa điểm lân cận hoặc của công trình lân cận để tham khảo.

4) Đối với cơ sở nghiên cứu:

- Các cơ sở nghiên cứu liên quan đến khảo sát xây dựng cần rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát xây dựng cho phù hợp với yêu cầu và nội dung khảo sát, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Thực hiện các nghiên cứu, tổ chức các hội thảo chuyên đề về sự cố công trình xây dựng có nguyên nhân từ khảo sát để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất biện pháp phòng ngừa, khắc phục.

- Chủ động phối hợp với các Hội nghề nghiệp, các nhà thầu khảo sát xây dựng, các nhà thầu thiết kế trong nghiên cứu; tham gia các hội đồng kỹ thuật chuyên ngành để đóng góp ý kiến, phản biện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, đặc biệt đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, xây dựng tại những khu vực có cấu tạo địa chất phức tạp.

5) Đối với cơ quan quản lý nhà nước:

5.1) Các Cục, Vụ có chức năng giúp Bộ quản lý nhà nước trong công tác khảo sát xây dựng:

    - Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định về khảo sát xây dựng, quản lý chất lượng khảo sát xây dựng; hướng dẫn xử lý vi phạm các quy định về khảo sát xây dựng.

    - Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, trình ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức về khảo sát xây dựng phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

    - Phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi, trình ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức về khảo sát xây dựng phù hợp với tính chất, đặc điểm của các công trình xây dựng chuyên ngành.

5. 2) Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn. Đối với vi phạm trong khảo sát xây dựng, phải làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể, kịp thời kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền.

    - Phối hợp với các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiện toàn bộ máy quản lý của các Sở trong công tác khảo sát xây dựng; bố trí cán bộ có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp thực hiện công tác quản lý khảo sát xây dựng.

    - Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn.

    - Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Xây dựng về công tác khảo sát xây dựng trên địa bàn.

Vụ Khảo sát, Thiết kế xây dựng làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo dõi, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành TW;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Sở có quản lý công trình xây dựng
   chuyên ngành các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lư­u VP, PC, GĐ, KSTK

BỘ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2006/CT-BXD về tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 12/2006/CT-BXD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/09/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 57 đến số 58
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản