Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2612/HD-GDĐT-TrH

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 9 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH DẠY THÊM, HỌC THÊM

Thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về dạy thêm, học thêm như sau:

I. Yêu cầu.

- Nhà trường và các cơ sở giáo dục nghiên cứu và phổ biến rộng rãi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi là thông tư 17) đến cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

- Hướng dẫn cán bộ, giáo viên nắm được quy trình xin cấp phép dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường.

II. Một số điểm cần lưu ý trong quy định về dạy thêm, học thêm.

1. Hoạt động dạy thêm, học thêm.

- Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Hoạt động dạy thêm chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Các tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm phải chịu sự quản lý của cấp có thẩm quyền về chuyên môn, tổ chức và tài chính.

2. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức.

3. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục quy định tại khoản 2 điều 2 thông tư 17 tổ chức.

4. Các trường hợp không được dạy thêm.

- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Hiệu trưởng.

5. Yêu cầu đối với người dạy thêm.

- Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

- Có đủ sức khoẻ.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

- Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường, xã xác nhận (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 thông tư 17 (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

6. Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

- Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo quy định tại khoản 1, điều 8 thông tư 17.

- Có đủ sức khỏe.

- Không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

III. Trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm, học thêm

1. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- Cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền.

- Thực hiện việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân quận, huyện về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

- Phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.

- Tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

- Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.

2. Hiệu trưởng, thủ trưởng các cơ sở giáo dục.

- Tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm.

- Quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại điều 3 thông tư 17; quản lý việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, xác nhận các nội dung yêu cầu đối với người dạy thêm theo quy định tại khoản 5, điều 8 thông tư 17 nhằm ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

- Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

- Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

3. Tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm.

- Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

- Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan.

- Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: hồ sơ cấp giấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm; thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.

- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý.

Trên đây là hướng dẫn một số nội dung của Thông tư 17 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ảnh bằng văn bản về Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND thành phố “để báo cáo”;
- Ban Giám đốc Sở “để theo dõi”;
- Các phòng ban Sở “để phối hợp”;
- Các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX “để thực hiện”;
- Lưu: VP, TrH.

GIÁM ĐỐC




Lê Hồng Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 2612/HD-GDĐT-TrH năm 2014 thực hiện quy định dạy, học thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2612/HD-GDĐT-TrH
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 21/09/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản