Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH QUẢNG NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
SỞ TÀI CHÍNH - SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2365/LS-GDĐT-TC-LĐTBXH

Quảng Ninh, ngày 17 tháng 9 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ; HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP VÀ CƠ CHẾ THU, SỬ DỤNG HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN DO TỈNH QUẢN LÝ

Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015; Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư 20).

Để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Liên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Liên Sở) hướng dẫn thực hiện một số quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh quản lý như sau:

I. Về mức thu học phí

1. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2604/2011/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Cụ thể như sau:

Cấp học

Mức thu học phí (đồng/tháng/học sinh)

Vùng thành thị

Vùng nông thôn

Vùng miền núi

Mầm non

100.000

40.000

20.000

Trung học cơ sở

40.000

20.000

15.000

Trung học phổ thông

100.000

40.000

20.000

Vùng (thành thị, nông thôn, miền núi) để áp mức thu học phí cho từng cấp học nêu trên là địa bàn xã, phường, thị trấn theo hộ khẩu thường trú của cha mẹ (hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng) trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông. Trường hợp học sinh học trái tuyến thì vùng áp mức thu học phí là địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cơ sở giáo dục đóng trụ sở. Căn cứ sự phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Liên Sở quy định Danh mục xã, phường, thị trấn thuộc các vùng nêu trên để làm căn cứ thu học phí cho phù hợp từng thời kì; Danh mục phân vùng này được quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Hướng dẫn này.

2. Đối với học viên học văn hóa trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên: Mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí chính quy cùng cấp ở vùng thành thị.

3. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học do tỉnh quản lý: Mức thu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2605/2011/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 về quy định mức thu học phí đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề do tỉnh Quảng Ninh quản lý giai đoạn 2011 - 2015.

4. Đối với các cơ sở mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao được chủ động xây dựng mức học phí tương ứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép đồng thời phải thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn riêng).

5. Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập: Được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở chất lượng dịch vụ và khả năng đóng góp của nhân dân trong vùng tuyển sinh, đồng thời cân đối được thu chi và có tích lũy để phát triển. Trước khi quyết định mức thu học phí phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của cha mẹ học sinh; phải công khai mức thu học phí và chất lượng dịch vụ trước khi tuyển sinh; công khai tình hình thu chi, quản lý và sử dụng học phí theo quy định. Việc tăng mức thu học phí (nếu có) chỉ được thực hiện vào đầu năm học trước khi tuyển sinh.

II. Đối tượng không phải đóng học phí, được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

Thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư 20. Do nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học trường công lập (không quy định mức thu) nên ngân sách nhà nước không cấp hỗ trợ tiền miễn, giảm học phí đối với đối tượng quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư 20 là học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

III. Trình tự thủ tục, hồ sơ thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

1. Đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc địa phương quản lý.

Được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 20; Liên Sở hướng dẫn bổ sung thêm một số nội dung sau:

- Đối với các trường hợp vì lý do khách quan (ốm đau, tai nạn, mới chuyển từ cơ sở giáo dục khác đến, đối tượng phát sinh do chế độ chính sách mới ...) mà trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày bắt đầu năm học hoặc khoá học (đối với dạy nghề sơ cấp), đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập không thực hiện được việc nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục thì thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét quyết định cụ thể đối với từng trường hợp nhưng chậm nhất trước 30 ngày so với thời điểm kết thúc năm học hoặc khóa học (đối với dạy nghề sơ cấp). Cơ sở giáo dục không xem xét giải quyết truy hưởng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với những tháng thuộc các năm học, khóa học trước mà đối tượng chưa được hưởng do không nộp hồ sơ hoặc nộp hồ sơ nhưng không đảm bảo thời gian quy định;

- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập thì cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông báo cho gia đình người học biết trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;

- Đối với các hồ sơ đủ điều kiện miễn, giảm học phí thì cơ sở giáo dục thực hiện miễn, giảm học phí cho đối tượng; định kỳ (theo tháng hoặc kỳ học) lập thủ tục hồ sơ (Giấy rút dự toán, Danh sách và kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí theo Mẫu số 2a kèm theo Hướng dẫn này) rút dự toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù miễn, giảm học phí tại cơ quan Kho bạc nhà nước nơi giao dịch; đồng thời hạch toán khoản kinh phí này vào nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục công lập và được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành về học phí (dành tối thiểu 40% để dự nguồn tăng lương; phần còn lại được bổ sung vào nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên theo quy định của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập);

- Đối với những hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng thụ hưởng, cơ sở giáo dục thực hiện tổng hợp lập thủ tục hồ sơ (Giấy rút dự toán, Danh sách chi tiền hỗ trợ chi phí học tập theo mẫu số 2d kèm theo Hướng dẫn này) rút dự toán kinh phí ngân sách nhà nước tại cơ quan Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để chi trả trực tiếp cho gia đình người học theo từng tháng hoặc từng học kì học cho phù hợp;

- Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học không có cơ quan chủ quản trực tiếp là sở, ngành mà trực thuộc Ủy ban nhân dân hoặc Cấp uỷ thì danh sách học sinh miễn, giảm học phí theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 của Thông tư 20 được lập và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính (đối với các cơ sở thuộc cấp tỉnh quản lý), gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ quan Tài chính cấp huyện (đối với các cơ sở thuộc cấp huyện quản lý) để thẩm định, tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hàng năm.

2. Đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Trong vòng 30 ngày (trừ các trường hợp vì các lý do khách quan) kể từ ngày bắt đầu kì học hoặc khóa học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông; học sinh, sinh viên học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học làm đơn có xác nhận của cơ sở giáo dục (mẫu đơn theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Thông tư 20) kèm theo các giấy tờ quy định điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 của Thông tư 20 gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú của đối tượng thụ hưởng.

Các nội dung khác thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 8 của Thông tư 20. Liên Sở hướng dẫn bổ sung thêm một số nội dung sau:

- Đối với đối tượng đã được hỗ trợ học phí theo quy định tại Quyết định số 1991/2013/QĐ-UBND ngày 08/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh thì không được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ;

- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo cho gia đình người học hoặc người học biết trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;

- Đối với những hồ sơ đủ điều kiện được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp lập thủ tục hồ sơ (Giấy rút dự toán, Danh sách chi tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo mẫu số 2b và 2đ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; mẫu số 2c đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học kèm theo Hướng dẫn này) rút dự toán kinh phí ngân sách nhà nước tại cơ quan Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để chi trả cho đối tượng. Phòng giáo dục và Đào tạo lựa chọn một trong hai phương thức chi trả cho đối tượng: Chi trả trực tiếp cho đối tượng; chi trả thông qua cơ sở giáo dục ngoài công lập nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo cho đối tượng được nhận được đầy đủ và kịp thời số tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được nhà nước hỗ trợ theo quy định;

- Trường hợp gia đình người học vì lý do khách quan mà chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo;

- Trường hợp mức thu học phí của sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học xác nhận trong đơn của học sinh, sinh viên thấp hơn hoặc bằng mức trần học phí theo quy định tại Nghị định 49 thì căn cứ mức thu học phí theo xác nhận của cơ sở giáo dục để xác định tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho đối tượng; trường hợp mức thu học phí xác nhận trong đơn của người học cao hơn mức trần học phí theo quy định tại Nghị định 49 thì mức trần học phí quy định tại Nghị định 49 là căn cứ để xác định tiền cấp hỗ trợ miễn, giảm học phí cho đối tượng;

- Đối với các trường hợp vì lý do khách quan (ốm đau, tai nạn, mới chuyển từ cơ sở giáo dục khác đến, đối tượng phát sinh do chế độ chính sách mới ...) mà trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày bắt đầu kì học hoặc khoá học (đối với dạy nghề sơ cấp), đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập không thực hiện được việc nộp hồ sơ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thì Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định cụ thể đối với từng trường hợp nhưng chậm nhất trước 30 ngày so với thời điểm người học kết thúc năm học hoặc khóa học (đối với dạy nghề sơ cấp). Phòng Giáo dục và Đào tạo không xem xét giải quyết truy hưởng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với những tháng thuộc các năm học, khóa học trước mà đối tượng chưa được hưởng do không nộp hồ sơ hoặc nộp hồ sơ nhưng không đảm bảo thời gian quy định.

Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật ngừng học hoặc buộc thôi học thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học nơi học sinh, sinh viên đang học gửi thông báo để Phòng Giáo dục và Đào tạo dừng thực hiện chi trả. Khi học sinh, sinh viên được nhập học lại sau khi hết thời hạn kỷ luật, theo xác nhận của cơ sở giáo dục thì Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chi trả. Thời gian học lưu ban, học lại, ngừng học, học bổ sung sẽ không được chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí.

IV. Phương thức ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ sở giáo dục công lập và Phòng Giáo dục đào tạo để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

Thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 20. Dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm giao cho các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo để thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng là khoản kinh phí giao không tự chủ. Cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc thanh toán và rút kinh phí được cấp tại cơ quan Kho bạc nhà nước theo hướng dẫn tại mục 1 và mục 2 phần III của văn bản này.

V. Phương thức cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

Thực hiện theo hướng dẫn tại mục 1 và mục 2 phần III của văn bản này.

VI. Lập dự toán, quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

1. Công tác lập dự toán

Vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm:

- Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập thuộc địa phương quản lý có đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập lập dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm sau theo các biểu mẫu số 3d, 3đ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính (đối với cơ sở giáo dục thuộc cấp tỉnh quản lý), Phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ quan Tài chính cấp huyện (đối với các cơ sở giáo dục thuộc cấp huyện quản lý);

- Phòng Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm sau cho đối tượng là người học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập có hộ khẩu thường trú trên địa bàn cấp huyện theo các biểu mẫu số 3a, 3b, 3c kèm theo Hướng dẫn này; thẩm định, tổng hợp dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập của các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc, gửi cơ quan Tài chính cấp huyện để bố trí và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm, đồng thời gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp và theo dõi;

- Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm: Thẩm định và tổng hợp dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập của các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc, gửi Sở Tài chính để bố trí và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm. Tổng hợp dự toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Công tác quyết toán

- Kết thúc niên độ ngân sách, cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng theo quy định có trách nhiệm lập quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

- Quyết toán kinh phí thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được tổng hợp chung vào quyết toán chi ngân sách nhà nước của cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo theo chương, loại, khoản mục lục ngân sách nhà nước hiện hành; Tiểu mục 7165 (đối với chi hỗ trợ chi phí học tập), tiểu mục 7766 (đối với chi thực hiện miễn, giảm học phí);

- Trường hợp số quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được duyệt có chênh lệnh với số dự toán được giao (hoặc được cấp) trong năm thì được xử lý như sau:

+ Số quyết toán nhỏ hơn dự toán: Nếu còn dư trên dự toán thì huỷ bỏ; trường hợp cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã rút dự toán kinh phí về đơn vị thì nộp hoàn trả lại cho ngân sách;

+ Số quyết toán lớn hơn dự toán được giao: Được cấp bổ sung hoặc bố trí vào dự toán năm sau để thực hiện.

VII. Các quy định khác

- Trường hợp một đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập quy định ở các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách ở văn bản có mức cao nhất;

- Học sinh, sinh viên thuộc diện được miễn, giảm học phí mà cùng một lúc học ở nhiều trường (hoặc nhiều khoa trong cùng một trường) thì chỉ được hưởng chính sách miễn, giảm học phí tại một trường (hoặc ngành) có mức cao nhất;

- Cơ sở giáo dục công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được chi mức tối đa là 20.000 đồng/01 bộ hồ sơ để chi cho công tác thẩm định hồ sơ, quản lý chi trả chế độ cho người học; nguồn kinh phí thực hiện từ dự toán chi thường xuyên và nguồn thu học phí hàng năm của đơn vị.

Hướng dẫn này thay cho Hướng dẫn số 911/LS-GDĐT-TC-LĐTBXH ngày 27/3/2012 của Liên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Những nội dung không đề cập ở hướng dẫn này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 

SỞ LAO ĐỘNG - TB&XH
GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thế Thịnh

SỞ TÀI CHÍNH
GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Minh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
GIÁM ĐỐC




Vũ Liên Oanh

 

Nơi nhận:
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- TT HĐND tỉnh;
- UBND huyện, TX, TP;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Các Phòng: GDĐT, TCKH, LĐTBXH;
- Các cơ sở giáo dục;
- Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, Sở GDĐT, Sở TC, Sở LĐTBXH.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 2365/LS-GDĐT-TC-LĐTBXH năm 2014 thực hiện quy định miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do tỉnh Quảng Ninh quản lý

  • Số hiệu: 2365/LS-GDĐT-TC-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 17/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thế Thịnh, Vũ Liên Oanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản