Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI VÀ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Căn cứ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977;

Căn cứ Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Với mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và đoàn kết giúp đỡ nhau vì một đường biên giới Hòa Bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững;

Nhằm bảo đảm sự bền vững, ổn định của biên giới quốc gia; an ninh, trật tự và an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đi lại và sản xuất của cư dân biên giới; thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên giới giữa hai nước;

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là "hai Bên") đã thỏa thuận như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích thuật ngữ

Trong Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Biên giới” là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, lòng đất, vùng nước, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

2. “Mốc quốc giới” là dấu hiệu bằng vật thể dùng để đánh dấu và thể hiện hướng đi của đường biên giới tại thực địa, bao gồm: Cột mốc và cọc dấu được xây dựng trên đường biên giới hoặc hai bên đường biên giới và được hai Bên xác nhận bằng văn bản trong đó có ghi rõ tọa độ của mốc quốc giới được đo tại thực địa.

3. “Đường thông tầm nhìn biên giới” là dải phát quang hai Bên cùng mở trên những đoạn biên giới cần thiết, có chiều rộng mỗi bên từ 2,5m (hai phẩy năm mét) đến 5m (năm mét) tính từ đường biên giới, để đường biên giới rõ ràng và dễ nhận biết.

4. “Vùng nước biên giới” là vùng nước trên các đoạn sông, suối biên giới hoặc các vùng nước khác mà đường biên giới trên đất liền đi qua.

5. “Vùng biên giới” là đơn vị hành chính cấp huyện của hai nước có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.

6. “Khu vực biên giới” là đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) đối với Việt Nam, cấp bản đối với Lào, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Khu vực biên giới có biển báo “Khu vực biên giới”.

7. “Vành đai biên giới” là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trở vào lãnh thổ của mỗi nước, nơi hẹp nhất là 100m (một trăm mét), nơi rộng nhất không quá 1.000m (một nghìn mét). Vành đai biên giới có biển báo “Vành đai biên giới”.

8. “Vùng cấm” là phần lãnh thổ trong khu vực biên giới của mỗi nước được thiết lập để quản lý, bảo vệ, duy trì an ninh, trật tự; phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, khai thác, thu thập bí mật nhà nước. Vùng cấm có biển báo “Vùng cấm”.

9 “Cư dân biên giới” là chỉ công dân Việt Nam hoặc công dân Lào có đăng ký cư trú tại “khu vực biên giới”.

10. “Công trình cắt qua đường biên giới” là các công trình được cơ quan có thẩm quyền của hai Bên nhất trí cho xây dựng cắt qua đường biên giới như đường sắt, đường bộ, đường ống dầu khí, đường dẫn điện, cáp quang, cầu, ngầm, đập nước...

11. “Phương tiện bay hoặc thiết bị bay” là chỉ tàu bay, trực thăng, khí cầu và các thiết bị bay khác.

12. “Sự kiện biên giới” là các sự việc hoặc vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới, vi phạm Hiệp định này, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 03 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp, hoặc tác động, gây thiệt hại cho một Bên hoặc cả hai Bên.

13. “Người xuất, nhập cảnh trái phép” là người vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh theo pháp luật mỗi nước hoặc Hiệp định này hoặc các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

14. “Cửa khẩu biên giới” hoặc “cửa khẩu” là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia Việt Nam - Lào của người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm, được chia làm ba loại: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ.

15. “Khu vực cửa khẩu biên giới” (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là phần lãnh thổ nằm trong khu vực biên giới của mỗi nước, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó bao gồm các khu chức năng bảo đảm cho các hoạt động tại cửa khẩu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và các hoạt động khác. Khu vực cửa khẩu biên giới có biển báo "Khu vực cửa khẩu”.

16. “Cơ quan biên giới trung ương” là Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Biên giới Lào - Việt Nam, Bộ Ngoại giao Lào.

17. “Ngành chủ quản” là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp trung ương được pháp luật của mỗi nước quy định có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giải quyết các vấn đề được quy định tại Hiệp định này.

18. “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu” là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu, bao gồm: Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào), Lãnh sự (đối với phía Lào), Hải quan, Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác.

19. “Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới” là lực lượng Bộ đội biên phòng mỗi nước.

20. “Đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới” là Đồn biên phòng của mỗi nước.

21. “Người nước thứ ba” là người không có quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch Lào hoặc người không quốc tịch.

22. “Hàng hóa của cư dân biên giới” là hàng hóa được sản xuất, nuôi, trồng ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do cư dân biên giới mua, bán, trao đổi ở khu vực biên giới của hai nước để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.

23. “Vật phẩm” là các sản phẩm vật chất được xuất, nhập qua cửa khẩu không vì mục đích thương mại, bao gồm:

a) Vật phẩm y tế là thi thể, hài cốt, tro cốt, sản phẩm sinh học, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể người;

b) Vật phẩm văn hóa, nghệ thuật;

c) Vật phẩm là kim khí, đá quý, đồ trang sức;

d) Vật phẩm là mẫu vật khoáng sản, động vật, thực vật phục vụ hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm;

e) Vật phẩm thuộc hành lý, vật dụng cá nhân của người xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu;

f) Các sản phẩm vật chất khác là vật phẩm theo quy định của pháp luật mỗi nước.

24. “Phương tiện” là phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy được quy định tại các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

25. “Chủ phương tiện” là cá nhân, tổ chức sở hữu phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức quản lý, thuê, khai thác phương tiện, hoặc được ủy quyền chịu trách nhiệm đối với phương tiện khi xuất, nhập qua cửa khẩu hoặc hoạt động tại khu vực cửa khẩu.

26. “Thủ tục qua lại biên giới” là thủ tục hành chính do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất - nhập qua biên giới, bao gồm: Thủ tục biên phòng (xuất nhập cảnh), thủ tục hải quan, thủ tục kiểm dịch và các thủ tục liên quan khác theo quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

27. “Trường hợp bất khả kháng” là trường hợp xảy ra do khách quan không thể tránh được.

28. “Các văn kiện kiểm tra liên hợp” gồm các văn kiện được ký kết sau khi tiến hành kiểm tra liên hợp biên giới, bao gồm Nghị định thư kiểm tra liên hợp cùng các phụ lục và các văn kiện liên quan khác kèm theo.

Điều 2. Các nguyên tắc thực hiện Hiệp định

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

2. Tuân thủ các Hiệp ước hoạch định biên giới, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp, quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

3. Xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của cư dân biên giới, của cá nhân hoặc tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này.

Điều 3. Thẩm quyền giải quyết các vấn đề về đường biên giới, mốc quốc giới, cửa khẩu biên giới và các vấn đề liên quan khác

1. Việc sửa đổi hoặc điều chỉnh đường biên giới, làm thay đổi đường biên giới hoặc hướng đi của đường biên giới do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của hai nước quyết định. Mọi thỏa thuận liên quan đến vấn đề nêu trên nếu không đúng thẩm quyền nêu tại Khoản này đều không có giá trị pháp lý.

2. Việc mở, đóng và nâng cấp cửa khẩu biên giới thuộc thẩm quyền của Chính phủ hai nước.

3. Việc dịch chuyển hoặc thay đổi vị trí mốc quốc giới nhưng không làm thay đổi đường biên giới hoặc hướng đi của đường biên giới và việc giải quyết những vấn đề khác về mốc quốc giới thuộc thẩm quyền của Cơ quan biên giới trung ương hai nước.

4. Việc giải quyết các vấn đề khác liên quan đến việc quản lý và bảo vệ đường biên giới và khu vực biên giới hai nước thuộc trách nhiệm của ngành chủ quản, địa phương liên quan và lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước.

Chương II

QUẢN LÝ, DUY TRÌ VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI, MỐC QUỐC GIỚI VÀ ĐƯỜNG THÔNG TẦM NHÌN BIÊN GIỚI

Điều 4. Trách nhiệm và nghĩa vụ của hai Bên

1. Hai Bên có trách nhiệm và nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước và đường thông tầm nhìn biên giới nhằm duy trì đường biên giới rõ ràng, ổn định.

2. Hai Bên có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý mọi hành vi xâm hại đến đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, làm thay đổi đường biên giới.

3. Hai Bên thường xuyên tiến hành tuyên truyền, giáo dục cư dân biên giới nước mình, khuyến khích họ ủng hộ và tích cực tham gia bảo vệ mốc quốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới.

Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới

1. Xê dịch, phá hoại hoặc gây hư hại mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, công trình công ích, các loại biển báo “Khu vực biên giới”, “Khu vực cửa khẩu”, “Vành đai biên giới”, “Vùng cấm”; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới.

2. Kích động hoặc phá hoại an ninh, an toàn xã hội và trật tự công cộng; bắn súng qua biên giới; gây nổ, chặt phá và đốt cây trong vành đai biên giới; xâm canh, xâm cư, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lâm thổ sản, thủy sản trái phép và các hành vi khác gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh và sức khỏe con người.

3. Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, lắp đặt các thiết bị lưu giữ chất hóa học nguy hiểm, xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1.000m (một nghìn mét) hoặc khai khoáng trong phạm vi 500m (năm trăm mét) tính từ đường biên giới về mỗi nước (trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác).

4. Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú trái phép trong khu vực biên giới; mua bán người; buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, vũ khí, ma túy, chất phóng xạ, nguyên liệu hạt nhân, hóa chất độc hại, chất cháy, nổ nguy hiểm, chất thải qua biên giới; vận chuyển qua biên giới văn hóa phẩm độc hại, hàng hóa, vật phẩm có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của con người, động vật, thực vật và môi trường.

5. Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới trên không của hai nước thiết bị bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của người, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội.

6. Khảo sát, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm những hành vi đó.

7. Giả mạo giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của hai Bên để hoạt động trong khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm và khu vực cửa khẩu.

8. Các hành vi khác vi phạm quy định của Hiệp định này.

Điều 6. Phân công trách nhiệm quản lý và bảo vệ mốc quốc giới

1. Căn cứ các quy định liên quan của Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp, mỗi Bên tự phụ trách việc bảo dưỡng, sửa chữa, khôi phục các mốc quốc giới do nước mình quản lý, bảo vệ và đường thông tầm nhìn biên giới trong lãnh thổ nước mình, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác.

2. Hai Bên thỏa thuận phân công quản lý, bảo vệ các mốc quốc giới như sau:

a) Các mốc quốc giới đặt trên lãnh thổ nước nào thì nước đó chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ;

b) Đối với các mốc quốc giới đặt trên đường biên giới:

- Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ các mốc quốc giới số chẵn;

- Lào chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ các mốc quốc giới số lẻ;

- Trường hợp do địa hình hiểm trở mà một Bên gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ mốc quốc giới đã được phân công, có thể bàn giao cho nước kia quản lý, bảo vệ theo thỏa thuận bằng văn bản của hai Bên, trừ những mốc quốc giới được quy định tại Điểm a, Khoản 2 của Điều này.

c) Trong trường hợp cần thiết, hai Bên có thể thỏa thuận điều chỉnh sự phân công nêu trên.

Điều 7. Quản lý và bảo vệ mốc quốc giới

1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới hai Bên chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp để bảo vệ và ngăn ngừa việc mốc quốc giới bị phá hoại, dịch chuyển hoặc bị đánh cắp; giữ cho vị trí, loại mốc, chất liệu, hình dạng, kích thước, ký hiệu chữ và màu sắc của mốc quốc giới đúng với quy cách được quy định trong các văn kiện về phân giới, cắm mốc.

2. Không Bên nào đơn phương thay đổi vị trí mốc hoặc xây dựng thêm mốc quốc giới.

3. Nếu lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên nào phát hiện mốc quốc giới bị hư hỏng, bị phá hoại, bị dịch chuyển hoặc bị mất phải báo cáo ngay với Cơ quan biên giới trung ương và cấp trên có thẩm quyền, đồng thời thông báo ngay cho lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới Bên kia để phối hợp cùng xác minh làm rõ vụ việc và thống nhất biện pháp giải quyết theo quy định của Hiệp định này.

Bên phụ trách việc quản lý, bảo vệ mốc quốc giới này phải kịp thời tiến hành sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại mốc quốc giới tại vị trí cũ và cần thông báo cho bên kia ít nhất 10 ngày trước khi triển khai công việc. Khi một bên tiến hành công việc này, đại diện của bên kia cần phải có mặt tại hiện trường. Sau khi hoàn thành công việc, đại diện hai bên phải lập và ký biên bản xác nhận. Biên bản này được lập thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, do đại diện hai bên ký (mẫu biên bản nêu tại Phụ lục 1, Phụ lục 2);

Đại diện cấp có thẩm quyền của hai Bên xử lý công việc nêu tại Khoản này do hai Bên thống nhất thỏa thuận.

4. Kiểu dáng, quy cách, chất liệu và vị trí của mốc quốc giới được sửa chữa, khôi phục hoặc xây dựng lại đều phải phù hợp với Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016 và các văn kiện kiểm tra liên hợp.

5. Đối với các mốc quốc giới không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ, đại diện hai Bên tiến hành lập biên bản (theo mẫu nêu tại Phụ lục 3), ghi rõ lý do không thể khôi phục hoặc xây dựng lại tại vị trí cũ và báo cáo tình hình lên Cơ quan biên giới trung ương hai Bên để xem xét quyết định và xác định một vị trí thích hợp khác để cắm lại mốc quốc giới này trên đường biên giới (đối với mốc quốc giới là mốc đơn) và không ảnh hưởng đến đường biên giới (đối với mốc quốc giới là mốc đôi, mốc ba cùng số). Việc cắm mốc quốc giới tại vị trí mới phải có biên bản ghi nhận (theo mẫu nêu tại Phụ lục 4).

6. Hồ sơ và biên bản về việc sửa chữa, khôi phục và xây dựng mốc quốc giới nêu tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này phải được chuyển lên Cơ quan biên giới trung ương hai Bên để phê duyệt và lưu hồ sơ.

7. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên tiến hành xử lý vi phạm, truy cứu trách nhiệm theo pháp luật nước mình đối với những người làm hư hỏng, dịch chuyển, đánh cắp hoặc hủy hoại mốc quốc giới.

8. Khi có cơ sở xác định rõ ràng, chính xác mốc quốc giới bị công dân một nước phá hoại hoặc làm hư hại thì nước có công dân đó phải đảm bảo toàn bộ phí tổn về việc khôi phục hoặc sửa chữa mốc quốc giới đó; trường hợp mốc quốc giới bị hư hại do nguyên nhân khác thì mốc do Bên nào quản lý thì Bên đó đảm bảo kinh phí.

Điều 8. Quản lý bảo vệ đường biên giới

1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của mỗi Bên tuần tra bảo vệ đường biên giới và mốc quốc giới theo sự phân công trách nhiệm tại Điều 6 của Hiệp định này.

2. Khi cần thiết, hai Bên tổ chức các đội tuần tra song phương hoặc đội kiểm tra liên hợp để cùng tuần tra, kiểm tra đường biên giới.

3. Biên bản tuần tra song phương hoặc biên bản kiểm tra liên hợp làm thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, có chữ ký của đội trưởng đội tuần tra song phương hoặc của đội trưởng đội kiểm tra liên hợp và cán bộ kỹ thuật của hai Bên (nếu có), cả hai văn bản có giá trị như nhau.

4. Trường hợp phát hiện thấy đoạn sông, suối biên giới bị xói lở, đổi dòng làm ảnh hưởng đến hướng đi của đường biên giới, các đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới liên quan hoặc chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của hai nước lập biên bản chung xác nhận việc sông, suối bị xói lở, đổi dòng chảy và nguyên nhân để báo cáo ngay lên Cơ quan biên giới trung ương mỗi Bên và cấp có thẩm quyền khác.

Điều 9. Quản lý và bảo vệ đường thông tầm nhìn biên giới

1. Hai Bên có nghĩa vụ phối hợp thực hiện việc phát quang dọc theo biên giới sâu vào lãnh thổ mỗi nước từ 2,5m (hai phẩy năm mét) đến 05m (năm mét), bảo đảm cho đường biên giới rõ ràng và dễ nhận biết. Đường thông tầm nhìn biên giới này không phải là đường biên giới. Việc phát quang đường thông tầm nhìn biên giới phía trong lãnh thổ của một nước phải được lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới của Bên phát quang thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới của Bên kia ít nhất 10 (mười) ngày trước khi bắt đầu tiến hành công việc.

2. Nghiêm cấm việc sử dụng lửa, chất hóa học hoặc các biện pháp khác có thể gây nguy hại cho con người, động vật, thực vật, môi trường khu vực biên giới và vùng lân cận của hai nước để phát quang đường thông tầm nhìn biên giới.

3. Trong phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới, nghiêm cấm tiến hành việc canh tác, đào bới, xây dựng công trình, các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên hoặc tiến hành các hoạt động khác có thể ảnh hưởng đến đường biên giới.

Điều 10. Kiểm tra liên hợp mốc quốc giới và hướng đi của đường biên giới

1. Sau khi Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào có hiệu lực, định kỳ 10 (mười) năm một lần, hai Bên tiến hành kiểm tra liên hợp đường biên giới và mốc quốc giới.

2. Để tiến hành kiểm tra liên hợp, hai Bên thành lập đoàn kiểm tra liên hợp biên giới Việt Nam - Lào. Nhiệm vụ, nguyên tắc, trình tự, phương pháp làm việc và các vấn đề khác liên quan đến công tác của đoàn kiểm tra liên hợp được xác định theo thỏa thuận của Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên.

3. Trước khi kiểm tra liên hợp, Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên sẽ trao đổi thống nhất thời gian và phạm vi kiểm tra liên hợp qua đường ngoại giao.

4. Ngay sau mỗi lần kiểm tra liên hợp, đoàn kiểm tra liên hợp của hai Bên phải lập văn kiện kiểm tra liên hợp thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản có giá trị như nhau. Trưởng đoàn kiểm tra liên hợp của hai Bên ký văn kiện kiểm tra liên hợp và báo cáo thủ trưởng Cơ quan biên giới trung ương trình Chính phủ hai nước phê duyệt. Văn kiện kiểm tra liên hợp sau khi được phê duyệt sẽ có hiệu lực và trở thành văn kiện bổ sung của Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016.

Chương III

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VÙNG NƯỚC BIÊN GIỚI

Điều 11. Quy định chung

1. Việc hợp tác giải quyết các vấn đề quản lý, sử dụng và bảo vệ vùng nước biên giới được thực hiện trên nguyên tắc quy định tại Điều 2 của Hiệp định này.

2. Vùng nước biên giới và môi trường sinh thái vùng nước biên giới phải được gìn giữ, bảo vệ và được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về sinh hoạt, sản xuất và giao thông của công dân hai nước có đời sống gắn bó trực tiếp với vùng nước biên giới. Các biện pháp phòng, chống xả chất thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối biên giới phải được áp dụng và triển khai nghiêm túc, hiệu quả.

3. Việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện và các công trình khác trên vùng nước biên giới, có ảnh hưởng trực tiếp đến lưu lượng, chất lượng nước và môi trường của vùng nước biên giới, phải được hai bên thỏa thuận trước khi tiến hành xây dựng.

Điều 12. Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng nước biên giới

1. Hai bên có quyền tiến hành hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trong phạm vi vùng nước biên giới thuộc lãnh thổ nước mình.

2. Ngành chủ quản hai Bên cần cùng nhau hoặc đơn phương áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản mà pháp luật của nước mình nghiêm cấm, đặc biệt là hành vi sử dụng vật gây nổ, chất độc, xung điện và các hành vi khác có tính hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn thủy sản và tài nguyên sinh vật khác trên vùng nước biên giới.

3. Nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trong khu vực cấm đánh bắt và trong thời kỳ cấm đánh bắt, ngoại trừ việc đánh bắt vì mục đích nghiên cứu khoa học theo sự thỏa thuận của hai Bên.

4. Việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản và tài nguyên sinh vật khác tại vùng nước biên giới được thực hiện theo quy định của Hiệp định này và các thỏa thuận liên quan của hai Bên.

Điều 13. Xây dựng các công trình liên quan đến vùng nước biên giới

1. Hai Bên không được đơn phương làm thay đổi địa hình, thế năng của vùng nước biên giới bằng hành vi nhân tạo. Việc xây dựng, cải tạo các công trình liên quan hoặc ảnh hưởng đến vùng nước biên giới được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều này.

2. Nhằm duy trì sự ổn định của địa thế vùng nước biên giới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và phòng chống lũ lụt, hai Bên có thể xây dựng công trình bảo vệ bờ tại vùng nước biên giới nhưng không được làm thay đổi hướng dòng chảy, mặt thoát lũ cũng như ảnh hưởng tới sự ổn định bờ sông, suối của phía nước kia.

3. Khi cần thiết, hai Bên có thể xây dựng, cải tạo hoặc dỡ bỏ vật kiến trúc hoặc các công trình (bao gồm cả các công trình cắt qua đường biên giới) tại vùng nước biên giới, nhưng không được làm ảnh hưởng đến tuyến vận tải trên sông, suối, việc thoát lũ hoặc gây ảnh hưởng xấu đến lòng sông, suối và bờ sông, suối.

4. Để bảo đảm nhu cầu vận tải trên vùng nước biên giới và thoát lũ, hai Bên có thể thỏa thuận tiến hành nạo, vét bùn, đất ở vùng nước biên giới. Bùn, đất nạo vét lên cần được xử lý thỏa đáng, tránh gây ảnh hưởng xấu đến lòng sông, suối, bờ sông, suối và môi trường.

5. Các công trình và dự án (kể cả các dự án thăm dò, khai thác các nguồn lợi kinh tế và các dự án có quy mô lớn khác) tại vùng nước biên giới được nêu trong Điều này phải được ngành chủ quản của hai Bên cùng trao đổi, thống nhất trên cơ sở ý kiến đồng thuận bằng văn bản của Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên. Trong thời gian thi công, ngành chủ quản và Cơ quan biên giới trung ương hai Bên có thể cử người trực tiếp kiểm tra, giám sát tại hiện trường.

Trong trường hợp các đoạn sông, suối biên giới ảnh hưởng cấp bách đến cơ sở hạ tầng hoặc an toàn tính mạng của cư dân của một nước, ngành chủ quản của nước bị ảnh hưởng sau khi thông báo cho phía Bên kia, có thể đơn phương xây dựng tạm thời các công trình phòng, chống khẩn cấp, đồng thời báo cáo lên Cơ quan biên giới trung ương của nước mình để trao đổi với Cơ quan biên giới trung ương nước kia có biện pháp xử lý triệt để.

6. Theo yêu cầu của một bên, Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên cần tiến hành trao đổi, bàn bạc việc xử lý các hành vi và công trình xây dựng của phía bên kia trên vùng nước biên giới có nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích của nước mình hoặc lợi ích chung của hai nước.

Điều 14. Giao thông trên vùng nước biên giới

1. Tàu thuyền của hai nước được phép qua lại theo luồng chính của sông, suối biên giới hoặc theo dòng chảy chính của sông, suối tàu thuyền qua lại được.

Nghiêm cấm một Bên cho phép tàu thuyền của nước thứ ba qua lại trong phạm vi sông, suối biên giới, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

2. Các vấn đề liên quan đến việc qua lại của tàu thuyền trên vùng nước biên giới như loại tàu thuyền, quy tắc qua lại, dấu hiệu chỉ dẫn luồng lạch, nạo vét luồng lạch, cầu bắc qua sông, độ sâu, bề rộng thông thuyền... được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngành chủ quản của hai Bên.

3. Trường hợp có tàu thuyền bị chìm hoặc có các chướng ngại vật ảnh hưởng đến sự qua lại của tàu thuyền trong vùng nước biên giới, ngành chủ quản và chính quyền địa phương liên quan của hai Bên trên tinh thần hữu nghị, cần khẩn trương trao đổi thống nhất biện pháp xử lý trong thời gian sớm nhất.

4. Trường hợp tàu thuyền một nước gặp tai nạn, sự cố do bất kỳ nguyên nhân nào đều được phép neo đậu vào bờ hoặc cồn, bãi của nước kia, nhưng phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai Bên. Ngay sau khi nhận được thông báo của thuyền trưởng hoặc chủ tàu thuyền gặp nạn, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai Bên có trách nhiệm cung cấp sự trợ giúp cần thiết

Điều 15. Hợp tác đo đạc địa hình, thủy văn

Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả vùng nước biên giới, phòng ngừa thiên tai như lũ lụt, lở đất ..., ngành chủ quản hai Bên có thể hợp tác triển khai những công việc sau:

1. Triển khai khảo sát, đo đạc địa hình, thủy văn sông, suối biên giới;

2. Trường hợp cần thiết và được ngành chủ quản hai Bên bàn bạc thống nhất, ngành chủ quản một Bên có thể lắp đặt, sửa chữa và bảo vệ các thiết bị đo quan trắc thủy văn đơn giản, không có người thao tác trên bờ sông của Bên kia;

3. Tiến hành trao đổi thông tin cần thiết về điều tiết lưu lượng dòng chảy và phòng chống lũ, lụt.

Chương IV

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG, SẢN XUẤT, XÂY DỰNG TẠI VÙNG BIÊN GIỚI

Điều 16. Quản lý hoạt động sản xuất trong khu vực biên giới

1. Khi tiến hành các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng ... tại khu vực thuộc vành đai biên giới, bên tiến hành các hoạt động này không được làm tổn hại đến lợi ích của bên kia, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực biên giới.

2. Ngành chủ quản hai Bên cần tiến hành giám sát đối với các hoạt động sản xuất tại khu vực thuộc vành đai biên giới và kịp thời thông báo cho nhau qua đường ngoại giao về thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra những hoạt động của mình có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích của Bên kia.

3. Trường hợp có nhu cầu tiến hành thăm dò địa chất và khai khoáng trong phạm vi cách đường biên giới 500m (năm trăm mét) về phía nước mình, bên có nhu cầu này phải thông báo và trao đổi trước với bên kia trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích của nhau, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.

4. Trường hợp cần tiến hành việc gây nổ trong phạm vi 2000m (hai nghìn mét) tính từ đường biên giới về phía nước mình, bên cần tiến hành việc gây nổ phải thông báo qua đường ngoại giao cho nước kia trước ít nhất 48 (bốn mươi tám) giờ, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra cho tính mạng, tài sản của công dân và các lợi ích khác của nước kia.

Điều 17. Quản lý việc chăn thả vật nuôi trong khu vực biên giới

1. Chính quyền địa phương cấp xã đối với phía Việt Nam, cấp bản đối với phía Lào và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai Bên cần áp dụng các biện pháp giám sát, quản lý đối với việc chăn thả vật nuôi trong khu vực biên giới, tránh để vật nuôi đi vào lãnh thổ nước kia.

2. Trường hợp phát hiện vật nuôi từ lãnh thổ nước này đi vào lãnh thổ nước kia, chính quyền địa phương cấp xã (bản) và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai Bên nhanh chóng thông báo cho nhau và áp dụng các biện pháp tìm kiếm, trông giữ, đồng thời khẩn trương bàn giao cho nhau những vật nuôi tìm được; không được sử dụng, cất giấu, giết mổ, bán hoặc thực hiện các hình thức chiếm hữu khác đối với vật nuôi này.

Biên bản bàn giao vật nuôi vượt qua đường biên giới theo mẫu (nêu tại Phụ lục 5 của Hiệp định này).

Điều 18. Phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, sự kiện y tế công cộng, thiên tai, hỏa hoạn trong vùng biên giới

1. Trường hợp phát hiện dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, côn trùng sinh vật có hại khác, hoặc sự kiện y tế công cộng trong vùng biên giới của một nước, chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới và ngành chủ quản của Bên phát hiện phải nhanh chóng thông báo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới và ngành chủ quản của Bên kia, đồng thời triển khai ngay các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm hoặc sự kiện y tế công cộng. Chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới và ngành chủ quản của Bên được thông báo có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ tích cực và kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, côn trùng, sinh vật có hại hoặc sự kiện y tế công cộng nêu trên.

2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới và ngành chủ quản hai Bên có trách nhiệm tăng cường hợp tác để phòng, chống các loại dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, hoặc sự kiện y tế công cộng nêu tại Khoản 1 của Điều này lan truyền qua biên giới.

3. Khi cần thiết, chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới và ngành chủ quản hai Bên có thể tiến hành trao đổi về các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng và phòng ngừa các dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, hoặc sự kiện y tế công cộng nêu tại Khoản 1 của Điều này lan truyền qua biên giới.

4. Khi xảy ra thiên tai (lũ lụt, lở đất, hỏa hoạn ...) tại vùng biên giới, Bên bị thiên tai có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Bên kia và áp dụng biện pháp ngăn ngừa thiên tai lan tràn vào lãnh thổ của nước kia. Khi nhận được đề nghị giúp đỡ của Bên bị thiên tai, Bên nhận được đề nghị có trách nhiệm nhanh chóng tiến hành các hoạt động giúp đỡ, cứu trợ, cứu nạn qua biên giới.

5. Trong trường hợp có người bị bệnh hoặc tai nạn nghiêm trọng trong vùng biên giới, công dân của một nước có thể trực tiếp liên hệ với cơ sở y tế của nước kia nhờ cấp cứu, đồng thời phải trình báo ngay khi có thể cho chính quyền, cơ quan chức năng của Bên mình biết để liên hệ làm thủ tục cần thiết với chính quyền, cơ quan chức năng của Bên kia.

Điều 19. Quản lý hoạt động bay

1. Trường hợp một Bên tiến hành bay chụp ảnh hàng không và sử dụng các thiết bị bay khác với mục đích đo đạc, thăm dò cảm ứng từ xa tại khu vực và công trình trong phạm vi 10 km (mười kilômét) tính từ đường biên giới về phía nước mình, Bên thực hiện các hoạt động này phải thông báo trước cho Bên kia ít nhất 30 (ba mươi) ngày qua đường ngoại giao (mẫu thông báo nêu tại Phụ lục 6).

2. Nếu hoạt động bay nêu trên cần phải vào lãnh thổ trên không của nước kia trong phạm vi 10 km (mười kilômét), thì ít nhất 45 (bốn mươi lăm) ngày trước khi tiến hành, Bên thực hiện hoạt động này phải xin phép Bên kia qua đường ngoại giao (mẫu nêu tại Phụ lục 7). Bên kia có trách nhiệm trả lời đề nghị nêu trên qua đường ngoại giao chậm nhất 10 (mười) ngày trước khi bắt đầu hoạt động bay chụp theo kế hoạch bay nêu trong đề nghị nói trên.

3. Quy định nói trên không áp dụng đối với những hoạt động bay khi hai Bên có thỏa thuận khác hoặc đối với hoạt động bay tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp theo yêu cầu của Bên kia.

Điều 20. Xây dựng các công trình trong khu vực biên giới

1. Việc xây dựng công trình trong khu vực biên giới phải bảo đảm cách đường biên giới ít nhất 100m (một trăm mét) tính từ đường biên giới về mỗi nước.

2. Trường hợp cần thiết phải xây dựng công trình trong phạm vi 100m (một trăm mét) tính từ đường biên giới, chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới hoặc ngành chủ quản của hai Bên trao đổi thống nhất trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau, phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh thực tế, sau đó báo cáo bằng văn bản về địa điểm, quy hoạch, thời gian thi công công trình lên Cơ quan biên giới trung ương của mỗi Bên trình cấp có thẩm quyền xem xét và thông báo kết quả cho nhau qua đường ngoại giao trong thời gian sớm nhất.

Điều 21. Xây dựng, cải tạo và quản lý các công trình cắt qua đường biên giới

1. Trước khi tiến hành việc xây dựng, cải tạo các công trình cắt qua đường biên giới, hai Bên cần thỏa thuận bằng văn bản về vị trí, thiết kế, kết cấu, thời gian và kinh phí xây dựng công trình.

2. Ranh giới quản lý đối với cầu cắt qua đường biên giới trên vùng nước biên giới là đường trung tuyến (đường chia đôi) của cầu và mỗi Bên quản lý từ đường ranh giới đó về phía nước mình.

3. Ranh giới quản lý đối với các công trình cắt qua đường biên giới không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này là mặt cắt thẳng đứng theo đường biên giới qua công trình đó, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

4. Việc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cắt qua biên giới trong phạm vi quản lý của một Bên phải được thông báo trước về thời gian, nội dung sửa chữa, bảo dưỡng cho Bên kia qua đường ngoại giao. Bên tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng phải thông báo cho Bên kia khi hoàn thành việc sửa chữa, bảo dưỡng. Chi phí việc sửa chữa, bảo dưỡng phần công trình thuộc phạm vi quản lý của Bên nào thì do Bên đó chịu trách nhiệm.

Điều 22. Hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch tại khu vực biên giới

1. Hai Bên tích cực thúc đẩy, khuyến khích hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch tại khu vực biên giới theo quy định pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

2. Tăng cường hợp tác, áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm tra, giám sát, phòng chống, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã, quý hiếm, xuất, nhập khẩu hàng cấm, vật phẩm cấm.

Chương V

XUẤT, NHẬP QUA BIÊN GIỚI VÀ CƯ TRÚ TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI

Điều 23. Việc xuất cảnh, nhập cảnh đối với người

1. Người xuất cảnh, nhập cảnh phải có một trong các loại giấy tờ sau:

a) Hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn hiệu lực (đối với phía Việt Nam gồm cả giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế);

b) Giấy thông hành/Sổ thông hành;

c) Giấy thông hành biên giới (theo mẫu nêu tại Phụ lục 8);

d) Giấy tờ khác do hai bên thỏa thuận.

2. Hai Bên thông báo cho nhau qua đường ngoại giao về mẫu hoặc việc thay đổi mẫu các loại giấy tờ nêu tại Khoản 1 Điều này và Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên cấp các loại giấy tờ này.

3. Thủ tục đối với người xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện theo quy định như sau:

a) Công dân hai nước mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn hiệu lực được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được quy định tại Điều 31 của Hiệp định này.

b) Công dân của các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào hoặc công dân làm việc tại các cơ quan, tổ chức có trụ sở tại tỉnh biên giới Việt Nam - Lào được phép sử dụng Giấy thông hành biên giới/sổ thông hành biên giới khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.

c) Cư dân biên giới được phép sử dụng giấy tờ do hai bên thỏa thuận để xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào gần nhất đến khu vực biên giới đối diện.

d) Trường hợp đặc biệt, việc xuất cảnh, nhập cảnh qua khu vực biên giới Việt Nam - Lào được thực hiện theo quy định tại các thỏa thuận liên quan giữa ngành chủ quản của hai nước.

e) Người nước thứ ba mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn hiệu lực (đối với phía Việt Nam gồm cả giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế) khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế phải có thị thực còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực.

g) Người xuất cảnh, nhập cảnh phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan của mỗi nước.

Điều 24. Việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện

1. Phương tiện của hai nước xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào, phải có đầy đủ giấy tờ và tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mỗi nước về xuất nhập cảnh đối với phương tiện, các hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương và các điều ước quốc tế có liên quan khác mà hai nước là thành viên.

2. Phương tiện của nước thứ ba khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu quốc tế, phải có đầy đủ giấy tờ và tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mỗi nước Việt Nam và Lào về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đối với phương tiện; các hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương và các điều ước quốc tế có liên quan khác mà hai nước là thành viên.

3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 của Điều 23, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật mỗi nước và các Hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương và các điều ước quốc tế có liên quan khác mà hai nước là thành viên.

Điều 25. Việc xuất, nhập đối với hàng hóa, vật phẩm

Việc xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa phải thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi nước, hiệp định thương mại song phương và đa phương và các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu vật phẩm phải được thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi nước.

Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới

1. Công dân của hai nước hoặc người nước thứ ba xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới hai nước phải tuân thủ quy định nêu tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 23 của Hiệp định này, quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

2. Quyền và lợi ích chính đáng của người xuất cảnh, nhập cảnh nêu ở Khoản 1 của Điều này khi ở trong lãnh thổ của nước đến được tôn trọng và bảo vệ theo luật pháp nước đó và theo tập quán, luật pháp quốc tế.

3. Trường hợp bị mất hộ chiếu, Giấy thông hành biên giới/Sổ thông hành biên giới hoặc giấy tờ đi lại khác trong lãnh thổ nước đến, người bị mất giấy tờ đi lại kịp thời trình báo các cơ quan có thẩm quyền của nước đến. Các cơ quan có thẩm quyền của nước đến có trách nhiệm kịp thời làm các thủ tục để xác nhận việc mất hộ chiếu, Giấy thông hành biên giới/Sổ thông hành biên giới hoặc giấy tờ đi lại khác và tạo điều kiện cho người bị mất giấy tờ nhanh chóng xuất cảnh.

Điều 27. Ra vào, tạm trú trong khu vực biên giới

1. Người xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới đến tạm trú trong khu vực biên giới của mỗi nước phải tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật của nước đến, quy định của Hiệp định này và các điều ước quốc tế có liên quan khác mà hai nước là thành viên.

2. Người xuất cảnh, nhập cảnh vào khu vực biên giới của mỗi nước phải mang theo giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới còn giá trị, nếu ở qua đêm phải đăng ký tạm trú với công an cấp cơ sở nơi tạm trú hoặc đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới gần nhất; trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải thông báo cho đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới nơi ở qua đêm biết.

3. Cư dân biên giới của một nước (trừ trường hợp sử dụng hộ chiếu và giấy/số thông hành) nếu muốn tạm trú tại khu vực biên giới của nước kia quá 07 (bảy) ngày thì phải xin phép đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới gần nhất của nước đến (hoặc đối với phía Việt Nam là chính quyền cấp xã và đối với phía Lào là cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất). Trường hợp có nhu cầu gia hạn tạm trú thì chỉ được phép gia hạn 02 (hai) lần, mỗi lần không quá 07 (bảy) ngày.

4. Việc tạm trú của nhân viên phục vụ vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt... của hai nước qua lại biên giới được thực hiện theo các thỏa thuận liên quan giữa hai Bên.

Chương VI

DUY TRÌ, BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ VÀ AN TOÀN XÃ HỘI VÙNG BIÊN GIỚI

Điều 28. Việc tạm thời hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới

1. Nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, an ninh - trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh trên người, động vật, thực vật và hiểm họa của thiên tai, sự kiện y tế công cộng, bảo vệ môi trường và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải.

2. Việc tạm thời hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới được thực hiện theo quy định tại Điều 38Điều 39 của Hiệp định này.

Điều 29. Hợp tác duy trì bảo vệ an ninh và trật tự vùng biên giới

1. Hai Bên tăng cường hợp tác trong việc duy trì nghiêm pháp luật, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội tại vùng biên giới, cùng phòng, chống và ngăn chặn các hoạt động phạm pháp qua biên giới như: Các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; khủng bố; cướp giật; bắt cóc; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng giả; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; buôn bán, vận chuyển vật phẩm có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, động vật, thực vật; mua bán người; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; cư trú và lao động bất hợp pháp; hủy hoại rừng; gây ô nhiễm môi trường...

2. Để thực hiện các quy định được nêu tại Khoản 1 của Điều này, ngành chủ quản của hai Bên có thể ký các thỏa thuận liên quan, thiết lập quy chế và cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin liên quan để phối hợp phòng, chống và ngăn chặn.

3. Hai Bên có nghĩa vụ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân nước kia qua lại khu vực biên giới nước mình một cách hợp pháp và dành cho họ sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi cần thiết; trường hợp họ gặp tai nạn hoặc rủi ro cần xác minh làm rõ nguyên nhân và thông báo ngay cho chính quyền nước kia biết để phối hợp giải quyết.

4. Mỗi Bên phải xử lý nghiêm theo pháp luật nước mình đối với những người có hành vi vi phạm Hiệp định này, theo nguyên tắc sau:

a) Người vi phạm quy chế xuất cảnh, nhập cảnh, qua lại biên giới sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của nước nơi xảy ra vi phạm. Sau khi thực hiện xong các trình tự pháp lý của nước nơi xảy ra vi phạm, nếu người vi phạm là công dân của nước kia hoặc là người nước thứ ba đến từ nước kia, thì bên xử lý cần bàn giao ngay người có hành vi vi phạm cho Bên kia (kèm theo hồ sơ vụ việc);

b) Người vi phạm luật hình sự và bị bắt giữ trong vùng biên giới thì nước bắt giữ có quyền truy tố, xét xử họ theo pháp luật của nước bắt giữ hoặc trao cho nước mà người đó là công dân để truy tố, xét xử. Sau khi thực hiện xong các trình tự pháp lý đối với người vi phạm, nước bắt giữ có trách nhiệm trao trả những người này cùng tư trang (nếu có) cho nước mà họ là công dân, hoặc nước mà họ được phép cư trú, trừ trường hợp các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên có quy định khác;

c) Trường hợp quy định tại Khoản này khác với quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 06 tháng 7 năm 1998 thì áp dụng quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp này.

5. Khi không cho nhập cảnh hoặc trục xuất công dân của nước kia theo pháp luật của nước mình, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu hoặc ngành chủ quản của nước không cho nhập cảnh hoặc trục xuất phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho cơ quan đồng cấp hoặc ngành chủ quản của nước kia biết lý do không cho nhập cảnh hoặc trục xuất. Cơ quan đồng cấp hoặc ngành chủ quản của nước kia có nghĩa vụ phối hợp tích cực, đặc biệt là trong việc xác minh và tiếp nhận công dân bị trục xuất.

Việc giao nhận những công dân có hành vi vi phạm nêu trên phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ hành vi vi phạm của họ; biên bản được làm thành hai bản chính bằng tiếng Việt và tiếng Lào, có chữ ký của người có thẩm quyền của cơ quan nêu tại Khoản 5 Điều này; đối với tang vật vi phạm thì xử lý theo pháp luật của nước bắt giữ.

Điều 30. Di cư của công dân trong vùng biên giới

1. Trong trường hợp công dân cư trú trong vùng biên giới bên này muốn di cư sang vùng biên giới bên kia phải xin phép chính quyền cấp tỉnh bên mình. Nếu thấy nguyện vọng của họ là chính đáng, chính quyền cấp tỉnh của đương sự trao đổi với chính quyền cấp tỉnh phía bên kia, rồi báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để trình Chính phủ bên mình xem xét, quyết định. Sau khi được Chính phủ hai nước chấp nhận thì mới được di cư.

2. Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước đến có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước kia danh sách những trường hợp được cấp phép định cư theo quy định tại Khoản 7 Điều 52 của Hiệp định này.

3. Trường hợp di cư không tuân thủ quy định tại Khoản 1 Điều này đều bị coi là xuất, nhập cảnh và cư trú trái phép. Khi một bên thấy công dân bên kia tự do di cư đến vùng biên giới bên mình thì phải thông báo ngay cho bên kia biết để cùng nhau giải quyết trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, pháp luật của mỗi bên và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Chương VII

CỬA KHẨU VÀ QUẢN LÝ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI

Điều 31. Các loại cửa khẩu và hoạt động qua lại cửa khẩu biên giới

1. Cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào gồm 3 loại: cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ:

a. Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam, Lào và nước thứ ba xuất, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam, Lào và nước thứ ba xuất, nhập khẩu.

b. Cửa khẩu chính được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và Lào xuất, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và Lào xuất, nhập khẩu.

c. Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện của tỉnh biên giới Việt Nam và Lào xuất, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm của tỉnh biên giới Việt Nam và Lào xuất, nhập khẩu.

2. Hoạt động ở khu vực cửa khẩu biên giới ở phía nước nào được thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó và theo quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Điều 32. Các cặp cửa khẩu đã mở

Hai Bên xác nhận các cặp cửa khẩu sau đã mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào

1. Cửa khẩu quốc tế:

TT

Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh)

Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh)

1.

Tây Trang (Điện Biên)

Pang Hốc (Phông Sa Lỳ)

2.

Na Mèo (Thanh Hóa)

Nậm Sôi (Hủa Phăn)

3.

Nậm Cắn (Nghệ An)

Nậm Cắn (Xiêng Khoảng)

4.

Cầu Treo (Hà Tĩnh)

Nậm Phao (Bo Ly Khăm Xay)

5.

Cha Lo (Quảng Bình)

Na Phậu (Khăm Muồn)

6.

Lao Bảo (Quảng Trị)

Đen Sạ Vẳn (Sạ Vẳn Nạ Khệt)

7.

La Lay (Quảng Trị)

La Lay (Sả Lạ Văn)

8.

Bờ Y (Kon Tum)

Phu Cưa (Ắt Tạ Pư).

2. Cửa khẩu chính:

TT

Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh)

Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh)

1.

Huổi Puốc (Điện Biên)

Na Son (Luông Pha Băng)

2.

Chiềng Khương (Sơn La)

Bản Đán (Hủa Phăn)

3.

Lóng Sập (Sơn La)

Pa Háng (Hủa Phăn)

4.

Tén Tần (Thanh Hóa)

Xổm Vẳng (Hủa Phăn)

5.

Hồng Vân (Thừa Thiên Huế)

Cô Tài (Sả Lạ Văn)

6.

A Đớt (Thừa Thiên Huế)

Tà Vàng (Xê Kông)

7.

Nam Giang (Quảng Nam)

Đắc Ta Oọc (Xê Kông)

3. Cửa khẩu phụ:

TT

Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh)

Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh)

1.

Si Pa Phìn (Điện Biên)

Huội La (Phông Xa Lỳ)

2.

Nậm Lạnh (Sơn La)

Mường Pợ (Hủa Phăn)

3.

Nà Cài (Sơn La)

Sốp Đụng (Hủa Phăn)

4.

Khẹo (Thanh Hóa)

Tha Lấu (Hủa Phăn)

5.

Thông Thụ (Nghệ An)

Nậm Tạy (Hủa Phăn)

6.

Tam Hợp (Nghệ An)

Thoong My Xay (Bo Ly Khăm Xay)

7.

Cao Vều (Nghệ An)

Thoong Phị La (Bo Ly Khăm Xay)

8.

Thanh Thủy (Nghệ An)

Nậm On (Bo Ly Khăm Xay)

9.

Sơn Hồng (Hà Tĩnh)

Nậm Xắc (Bo Ly Khăm Xay)

10.

Kim Quang (Hà Tĩnh)

Ma La Đốc (Khăm Muồn)

11.

Cà Ròong (Quảng Bình)

Noỏng Mạ (Khăm Muồn)

12.

Tà Rùng (Quảng Trị)

La Cồ (Sạ Vẳn Nạ Khệt)

13.

Bản Cheng (Quảng Trị)

Bản Mày (Sạ Vẳn Nạ Khệt)

14.

Thanh (Quảng Trị)

Đen Vi Lay (Sạ Vẳn Nạ Khệt)

15.

Cóc (Quảng Trị)

A Xóc (Sả Lạ Văn)

16.

Tây Giang (Quảng Nam)

Kà Lừm (Xê Kông)

17.

Đắk BLô (Kon Tum)

Đắk Bar (Xê Kông)

18.

Đắk Long (Kon Tum)

Văng Tắt (Xê Kông)

Điều 33. Lối mở biên giới

Trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương hoặc cơ quan hữu quan hai Bên sẽ thống nhất thỏa thuận, trình Chính phủ hai nước xem xét mở lối mở biên giới. Trong thời gian hoạt động, việc xuất, nhập qua lối mở biên giới của người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Điều 34. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới

1. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu của mỗi Bên thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật nước mình; có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của Bên kia để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiệp định này, quy định pháp luật liên quan của mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

2. Lực lượng bộ đội biên phòng (đối với Việt Nam), lực lượng công an (đối với Lào) thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu của nước mình hướng dẫn và thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập cảnh của người, phương tiện; công tác quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội;

b) Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu nước mình kiểm tra, kiểm soát, giám sát phương tiện và hoạt động xuất nhập, khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm qua cửa khẩu nước mình; phòng, chống mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại;

c) Thực hiện các chức năng và nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật của mỗi nước.

3. Cơ quan hải quan tại cửa khẩu mỗi nước thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu nước mình làm thủ tục, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm; làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho phương tiện tại cửa khẩu biên giới; thực hiện kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, vật phẩm qua biên giới;

b) Phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu nước kia giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất, nhập hàng hóa, vật phẩm, phương tiện qua cặp cửa khẩu hai nước.

4. Cơ quan kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) mỗi nước thực hiện nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cửa khẩu nước mình để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm dịch tại cửa khẩu của mình;

b) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan kiểm dịch cửa khẩu nước kia để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm dịch tại cặp cửa khẩu biên giới hai nước.

Điều 35. Quy trình thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu biên giới

Hai Bên thống nhất bố trí các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực cửa khẩu hoạt động theo quy trình sau đây:

1. Trong trường hợp bình thường, quy trình này được bố trí như sau:

a) Cửa xuất: Hải quan - Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật, an toàn thực phẩm) - Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào);

b) Cửa nhập: Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào) - Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật, an toàn thực phẩm) - Hải quan.

2) Trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh, sự kiện y tế công cộng, quy trình này được được bố trí như sau:

a) Cửa xuất: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật, an toàn thực phẩm) - Hải quan - Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào);

b) Cửa nhập: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật, an toàn thực phẩm) - Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào) - Hải quan.

3. Trong trường hợp cần thiết hai Bên có thể xem xét áp dụng quy trình, thủ tục khác nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại của người và phương tiện qua cửa khẩu phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Điều 36. Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu phụ

1. Tại cửa khẩu phụ, nơi có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thì thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập qua biên giới được thực hiện như tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

2. Tại cửa khẩu phụ, nơi chưa có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thì thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập qua biên giới được tiến hành tại trạm kiểm soát biên phòng (Việt Nam) và trạm kiểm soát công an xuất nhập cảnh (Lào).

3. Tại cửa khẩu phụ, nơi chưa có cơ quan hải quan thì lực lượng biên phòng (Việt Nam) và lực lượng công an xuất nhập cảnh (Lào) thực hiện thủ tục, tiến hành kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo quy định của pháp luật về hải quan của mỗi nước và các quy định khác của các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

4. Đối với hàng hóa, vật phẩm, phương tiện không phải của cư dân tỉnh biên giới xuất, nhập qua cửa khẩu phụ khi cần thiết phải được chính quyền địa phương hoặc cơ quan hữu quan của hai bên trao đổi, thống nhất trình cấp có thẩm quyền hai nước xem xét, quyết định.

5. Hàng hóa, vật phẩm, phương tiện xuất, nhập qua cửa khẩu phụ phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định liên quan khác của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Điều 37. Thời gian làm việc tại cửa khẩu

1. Thời gian làm việc tại cửa khẩu thực hiện theo thoả thuận của hai Bên và quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Thời gian làm việc của các cửa khẩu đường sắt thực hiện theo thỏa thuận của hai Bên (trong trường hợp mở cửa khẩu đường sắt).

2. Chính phủ hai nước thống nhất quyết định thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính thông qua đường ngoại giao.

3. Người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh biên giới hai nước thống nhất quyết định thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ sau khi hoàn tất trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mỗi nước và phải báo cáo Cơ quan biên giới trung ương hai nước để thông báo cho nhau qua đường ngoại giao.

4. Trường hợp mở cửa khẩu ngoài thời gian làm việc trong ngày vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc vì lý do bất khả kháng khác, người đứng đầu cơ quan biên phòng cấp tỉnh biên giới (phía Việt Nam) và lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh biên giới (phía Lào) thống nhất quyết định, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền của hai Bên.

Điều 38. Nguyên tắc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại các cửa khẩu biên giới

1. Việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới phải phù hợp với các quy định của Hiệp định này và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên. Bên thực hiện việc này phải thông báo qua đường ngoại giao cho Bên kia trước 05 (năm) ngày hoặc không được ít hơn 24 (hai mươi tư) giờ trong trường hợp khẩn cấp

2. Trừ trường hợp được quy định tại Điều này, không Bên nào được quyền đơn phương đóng cửa khẩu biên giới; nếu việc đóng cửa khẩu biên giới đơn phương của một Bên gây thiệt hại cho Bên kia, hai Bên sẽ thông qua đường ngoại giao để hiệp thương giải quyết các vấn đề liên quan.

3. Người có thẩm quyền được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 của Điều 39 chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Khi tình hình trở lại bình thường phải thông báo cho các cơ quan liên quan của nước mình và nước kia biết.

Điều 39. Thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại tại các cửa khẩu biên giới

1. Thủ tướng Chính phủ (đối với phía Việt Nam) và Chính phủ (đối với phía Lào) quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế và tại cửa khẩu chính. Bên quyết định thực hiện việc này phải thông báo cho Bên kia biết trước qua đường ngoại giao; việc mở lại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải được thông báo cho phía Bên kia qua đường ngoại giao và phải được phía Bên kia xác nhận.

2. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới trong thời hạn không quá 24 (hai mươi tư) giờ tại cửa khẩu chính. Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới Bên thực hiện việc này phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới Bên kia, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đối với phía Việt Nam), Chính phủ (đối với phía Lào) và Cơ quan biên giới trung ương Bên mình để thông báo cho Bên kia biết qua đường ngoại giao.

3. Lãnh đạo cấp tỉnh (phía Lào), người đứng đầu cơ quan biên phòng cấp tỉnh (phía Việt Nam) quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới trong thời hạn không quá 06 (sáu) giờ tại cửa khẩu chính; không quá 12 (mười hai) giờ tại cửa khẩu phụ; thời gian mở cửa khẩu biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày đối với các trường hợp vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc lý do bất khả kháng khác, đồng thời phải báo cáo ngay cơ quan biên phòng cấp trên, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới liên quan nước mình để thông báo cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của nước kia và báo cáo ngay cho Cơ quan biên giới trung ương nước mình để thông báo cho nước kia biết qua đường ngoại giao.

4. Đồn trưởng đồn biên phòng (phía Việt Nam) và Trưởng cửa khẩu (phía Lào) quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ không quá 06 (sáu) giờ và phải báo cáo ngay cơ quan biên phòng cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp huyện biên giới nước mình, đồng thời phải thông báo ngay cho đồn trưởng đồn biên phòng của nước kia biết.

5. Trước khi hết thời gian hạn chế hoặc tạm dừng việc qua lại tại cửa khẩu biên giới, nếu xét thấy cần tiếp tục hạn chế hoặc tạm dừng thì thực hiện như sau:

a) Người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh biên giới quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính, thời gian gia hạn không quá 24 (hai mươi tư) giờ;

b) Lãnh đạo cấp tỉnh (phía Lào), người đứng đầu lực lượng biên phòng cấp tỉnh biên giới (phía Việt Nam) quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính, thời gian gia hạn không quá 06 (sáu) giờ và tại cửa khẩu phụ, thời gian gia hạn không quá 12 (mười hai) giờ;

c) Lãnh đạo cấp tỉnh (phía Lào), Đồn trưởng Đồn biên phòng (phía Việt Nam) quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ, thời gian gia hạn không quá 06 giờ.

6. Người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này chịu trách nhiệm trước pháp luật nước mình về các quyết định của mình. Việc hạn chế, tạm dừng hoặc gia hạn thời gian hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới phải được thông báo bằng văn bản trước cho Bên kia theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 38 Hiệp định này và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; nội dung văn bản về vấn đề này cần ghi rõ lý do, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc việc hạn chế, tạm dừng hoặc gia hạn thời gian hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới. Khi tình hình trở lại bình thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng Bên kia và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 40. Nguyên tắc, thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu

1. Nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:

a) Có sự thống nhất bằng văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới và có sự đồng ý của Chính phủ hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền của hai nước về việc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới theo quy định của Hiệp định này;

b) Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh có chung đường biên giới nói riêng và của hai nước nói chung;

c) Bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của mỗi nước.

2. Cơ quan có thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:

a) Chính phủ hai nước quyết định việc mở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; nâng cấp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật mỗi nước hoặc các điều ước quốc tế có liên quan mà hai Bên là thành viên. Trình tự, thủ tục mở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; nâng cấp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 41 của Hiệp định này.

b) Chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới quyết định việc mở cửa khẩu phụ. Trình tự và thủ tục mở cửa khẩu phụ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 41 của Hiệp định này.

Điều 41. Trình tự, thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới

1. Việc mở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; nâng cấp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ thành cửa khẩu chính thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Bước 1: Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của hai Bên tiến hành hội đàm và thống nhất bằng biên bản về địa điểm, khu vực, quy mô, quy hoạch, kế hoạch, thời gian thực hiện việc mở hoặc nâng cấp cửa khẩu;

b) Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký biên bản, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới hai nước có văn bản chính thức (kèm theo biên bản và hồ sơ khác theo quy định của pháp luật mỗi nước) báo cáo lên Cơ quan biên giới trung ương của mỗi Bên;

c) Bước 3: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới, Cơ quan biên giới trung ương của mỗi Bên hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật nước mình để trình Chính phủ nước mình ban hành quyết định về việc mở, nâng cấp cửa khẩu;

d) Bước 4: Thực hiện quyết định của Chính phủ mỗi nước, Bộ Ngoại giao của mỗi nước thông báo cho nhau và cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới liên quan nước mình về quyết định của Chính phủ mỗi nước đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu;

e) Bước 5: Khi nhận được thông báo về việc đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu của Bộ Ngoại giao nước mình, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới liên quan của hai nước trao đổi thống nhất việc tổ chức lễ khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu và báo cáo việc này lên Cơ quan biên giới trung ương và cơ quan có thẩm quyền khác của hai Bên.

2. Việc mở cửa khẩu phụ thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Bước 1: Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới hai nước tiến hành hội đàm và thống nhất bằng biên bản về dự kiến địa điểm, khu vực, quy mô, quy hoạch, kế hoạch, thời gian thực hiện việc mở cửa khẩu phụ;

b) Bước 2: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ký biên bản, Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của mỗi nước hoàn thành trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nước mình về việc mở cửa khẩu phụ và khi hoàn thành thì thông báo cho nhau biết;

c) Bước 3: Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới liên quan của hai nước trao đổi, thống nhất việc tổ chức lễ khai trương cửa khẩu phụ và báo cáo việc này lên Cơ quan biên giới trung ương và cơ quan có thẩm quyền khác của nước mình.

Điều 42. Cơ chế làm việc và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới

1. Trong thời gian làm việc của các cửa khẩu biên giới, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới của hai nước căn cứ quy định pháp luật của mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên, để thực hiện chức năng, quyền hạn của mình. Khi cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới của hai nước có thể ký kết các thoả thuận riêng để đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, kiểm soát.

2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới hai nước có thể thiết lập cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin hai chiều; tiến hành hội đàm, gặp gỡ và trao đổi nghiệp vụ về các vấn đề cửa khẩu biên giới liên quan.

3. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới hai nước, căn cứ các quy định hữu quan của ngành chủ quản nước mình, thông báo cho nhau các thông tin về chủng loại, số lượng và giá trị vật phẩm, tiền mặt của cá nhân được phép mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh và các quy định liên quan khác về kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu biên giới nước mình.

4. Những vấn đề Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới hai nước không thể giải quyết được trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình phải được báo cáo lên cấp trên xem xét, giải quyết qua đường ngoại giao.

Chương VIII

GIẢI QUYẾT SỰ KIỆN BIÊN GIỚI

Điều 43. Hợp tác giải quyết các sự kiện biên giới

Chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới hoặc các ngành chủ quản và lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước tiến hành hợp tác phòng ngừa và phối hợp điều tra xử lý các sự kiện biên giới sau:

1. Các hành vi vi phạm nêu tại Điều 5 hoặc các hoạt động phạm pháp nêu tại Khoản 1 Điều 29 của Hiệp định này;

2. Xây dựng công trình trên sông, suối và các công trình khác trong khu vực biên giới trái với các quy định tại Khoản 3 Điều 9; Điều 13 và Điều 20 của Hiệp định này;

3. Gây nổ vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Hiệp định này;

4. Hành vi đứng từ một bên của đường biên giới hoặc vượt qua đường biên giới gây thương tích hoặc chết người hoặc hành vi gây nguy hại khác đối với người trong lãnh thổ nước kia;

5. Cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản... trong lãnh thổ của nước kia;

6. Sự kiện y tế công cộng, dịch bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, các dịch bệnh và côn trùng, cỏ dại mang tính nguy hiểm ở thực vật và những sinh vật có hại khác lan truyền qua biên giới;

7. Tổ chức, dụ dỗ hoặc ép buộc công dân hai nước xuất cảnh đánh bạc;

8. Hỏa hoạn, lũ lụt và các thiên tai khác lan tràn qua biên giới;

9. Mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em qua biên giới;

10. Vượt biên giới canh tác, săn bắn, chăn thả gia súc trái phép;

11. Chôn cất, di chuyển mồ mả, vận chuyển thi hài, hài cốt, động vật, thực vật qua biên giới trái phép;

12. Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt ma túy, tiền chất ma túy hoặc các phương tiện, dụng cụ sản xuất trái phép chất ma túy;

13. Tổ chức, dụ dỗ và cưỡng bức mại dâm qua biên giới;

14. Bắt, giam giữ trái phép, đánh đập, ngược đãi, tra tấn, ép cung hoặc các hành vi khác trực tiếp gây nguy hại cho công dân của nước kia;

15. Các sự kiện biên giới khác.

Điều 44. Xử lý người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép

1. Trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới, các ngành chủ quản, lực lượng chuyên trách và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước:

a) Phối hợp nghiên cứu và tổ chức triển khai các biện pháp cần thiết để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi vi phạm của người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và các hoạt động phạm pháp tại vùng biên giới;

b) Kịp thời thông báo cho nhau để phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện dấu hiệu hoạt động phạm pháp của người xuất cảnh, nhập cảnh; Việc xử lý người xuất nhập cảnh trái phép phải tuân thủ các quy định nêu tại Khoản 4 (a, c) và Khoản 5, Điều 29 của Hiệp định này;

c) Tôn trọng nhân phẩm và các quyền con người cơ bản của người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; không được đối xử thô bạo, tàn ác hoặc vô nhân đạo với họ;

d) Tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng vũ khí đối với người xuất, nhập cảnh trái phép khi họ không trực tiếp uy hiếp tới an toàn tính mạng và thân thể của nhân viên biên phòng hoặc những người khác.

Trường hợp tính mạng, thân thể của nhân viên biên phòng hoặc của người khác bị đe dọa nghiêm trọng bởi hành vi chống đối của người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, nhân viên biên phòng có quyền sử dụng vũ khí để ngăn chặn. Việc sử dụng vũ khí đối với đối tượng nêu trên chỉ được coi là biện pháp cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng này và phải tuân thủ quy định của pháp luật mỗi nước về việc sử dụng vũ khí.

e) Cứu chữa kịp thời người xuất, nhập cảnh trái phép bị thương trong quá trình ngăn chặn, truy bắt.

2. Trình tự, thủ tục xử lý người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép:

Khi phát hiện, tạm giữ người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới, lực lượng chuyên trách và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai Bên phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Nhanh chóng phối hợp điều tra, xác minh làm rõ nhân thân của người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và mục đích xuất cảnh, nhập cảnh trái phép;

b) Sau khi tạm giữ, cũng như trước khi trao trả, Bên tạm giữ phải kịp thời thông báo cho nước mà người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là công dân hoặc cho nước mà họ được phép cư trú biết qua đường ngoại giao theo thông lệ quốc tế hoặc theo thỏa thuận liên quan giữa nước tạm giữ và nước có liên quan.

c) Khẩn trương xác minh và hoàn thành thủ tục trao trả người xuất nhập cảnh trái phép theo quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Hai Bên có nghĩa vụ thông báo cho nhau qua đường ngoại giao tình hình liên quan đến người xuất, nhập cảnh trái phép.

d) Khi trao trả người xuất, nhập cảnh trái phép, bên trao trả phải bàn giao cho bên tiếp nhận hồ sơ vụ việc, toàn bộ tài sản hợp pháp mang theo và phương tiện giao thông vận tải mà người đó sử dụng khi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (nếu có); lập biên bản bàn giao người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép (theo mẫu nêu tại Phụ lục 9);

e) Trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lãnh thổ của nước tạm giữ sẽ bị xử lý theo trình tự, thủ tục pháp lý của nước tạm giữ đối với hành vi vi phạm pháp luật đó. Cơ quan có thẩm quyền của nước tạm giữ có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc được phép cư trú về hành vi vi phạm pháp luật, kết quả điều tra và các biện pháp xử lý.

Trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép có hành vi phạm tội nghiêm trọng, thì việc xử lý phải tuân thủ quy định pháp luật của mỗi nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên.

Biên bản ghi lời khai thừa nhận hành vi phạm tội của người xuất, nhập cảnh trái phép không thể dùng làm chứng cứ buộc tội duy nhất.

Điều 45. Xử lý thi thể người, xác gia súc, gia cầm trong khu vực biên giới

1. Khi phát hiện ở gần biên giới có thi thể người chưa nhận dạng được, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới, hoặc lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước cần nhanh chóng thông báo cho nhau để cùng xác định thi thể đó là người của nước nào; khi cần thiết có thể cùng tiến hành nhận dạng, trao đổi giải quyết việc giao, nhận hoặc biện pháp xử lý liên quan. Nếu quá 48 (bốn mươi tám) giờ mà bên được thông báo không cử đại diện đến hiện trường hoặc không có văn bản yêu cầu khác, bên phát hiện sẽ tiến hành chôn cất và lập biên bản (theo mẫu nêu tại Phụ lục 10).

2. Khi phát hiện ở khu vực biên giới có xác gia súc, gia cầm, chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới, lực lượng chuyên trách hoặc đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới hai nước tùy theo tình hình cần thông báo ngay cho nhau để phối hợp xử lý.

3. Thi thể người, xác gia súc, gia cầm nêu tại Điều này cần phải được kiểm dịch và áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Điều 46. Xử lý phương tiện bay hoặc thiết bị bay qua biên giới trái phép

1. Sau khi xác định có phương tiện bay hoặc thiết bị bay từ không phận nước kia bay vượt qua biên giới trái phép vào không phận nước mình, bên xác định có nghĩa vụ lập tức thông báo cho bên kia những thông tin cần thiết về số hiệu, thời gian, địa điểm (ghi rõ tọa độ địa lý) vượt qua biên giới, độ cao và hướng bay (tuyến bay) của phương tiện bay hoặc thiết bị bay nói trên.

Sau khi nhận được thông tin cần thiết nêu trên, bên có phương tiện bay hoặc thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép có nghĩa vụ lập tức tiến hành xác minh sự việc, đồng thời thông báo nguyên nhân bay vượt qua biên giới trái phép cho bên kia. Trong trường hợp sau khi xác minh mà không có thông tin liên quan, bên có phương tiện bay hoặc thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép phải thông báo cho bên kia, đồng thời áp dụng các biện pháp tìm kiếm cần thiết.

Hai bên có thể phối hợp cùng điều tra nguyên nhân phương tiện bay hoặc thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép.

2. Trình tự, thủ tục cụ thể trao đổi thông tin về phương tiện bay hoặc thiết bị bay vượt qua biên giới trái phép được thực hiện theo thoả thuận liên quan giữa hai Bên hoặc giữa ngành chủ quản hai nước.

Điều 47. Xử lý các vấn đề liên quan khác

Trong quá trình xử lý các sự kiện biên giới, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới, ngành chủ quản, lực lượng chuyên trách và đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước có trách nhiệm phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nhanh chóng vụ việc theo quy định của Hiệp định này và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên, đồng thời tìm kiếm, trao trả tài sản bị thất lạc liên quan (nếu có). Việc bàn giao tài sản thất lạc phải lập biên bản (theo mẫu nêu tại Phụ lục 11).

Chương IX

CƠ CHẾ TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

Để tổ chức thực hiện Hiệp định này, hai Bên nhất trí thiết lập cơ chế ba cấp gồm cấp đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới, cấp tỉnh biên giới và cấp Cơ quan biên giới trung ương như sau:

I. ĐƠN VỊ CHUYÊN TRÁCH BẢO VỆ BIÊN GIỚI

Điều 48. Nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới hai nước

1. Tổ chức quản lý đoạn biên giới và bảo vệ các mốc quốc giới do đơn vị mình phụ trách.

2. Kịp thời thông báo cho đơn vị đối diện nước kia biết để kiểm tra và làm biên bản chung báo cáo lên cấp trên của mỗi nước khi phát hiện những hiện tượng thay đổi về đường biên giới trên thực địa, những mốc quốc giới bị phá hoại, bị hư hại, bị di chuyển và những hiện tượng không bình thường khác. Ngăn chặn kịp thời những hành động phá hoại, di chuyển mốc quốc giới.

3. Tiến hành tuần tra song phương đường biên giới, mốc quốc giới định kỳ ít nhất 01 (một) tháng 01 (một) lần; thời gian và phạm vi tuần tra song phương do các đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới liên quan của hai nước thỏa thuận.

4. Tham gia đoàn kiểm tra liên hợp và thực hiện nhiệm vụ được cấp trên và Trưởng đoàn kiểm tra liên hợp phân công khi hai Bên tổ chức kiểm tra liên hợp đường biên giới, mốc quốc giới; thời gian và phạm vi kiểm tra liên hợp này thực hiện theo kế hoạch của Cơ quan biên giới trung ương hai Bên.

5. Tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng, khôi phục mốc quốc giới trong phạm vi đơn vị phụ trách theo kế hoạch của Cơ quan biên giới trung ương của Bên mình.

6. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh, phòng ngừa và đấu tranh những hành vi vi phạm quy chế quản lý biên giới quy định tại Hiệp định này.

7. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Hiệp định này.

Điều 49. Cơ chế làm việc giữa đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước

1. Tiến hành họp thường kỳ 3 tháng một lần và họp bất thường nếu cần để giải quyết những công việc được quy định tại Điều 48 của Hiệp định này.

2. Các cuộc họp thường kỳ được tổ chức luân phiên, họp trên lãnh thổ nước nào thì nước đó chịu trách nhiệm về ăn, ở, đi lại, hoạt động và an ninh. Nội dung và thành phần dự họp cần được trao đổi, thống nhất trước.

3. Đề nghị họp bất thường của Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của nước này phải được chuyển cho người đồng cấp nước kia trước 24 (hai mươi tư) giờ và phải được người đồng cấp nước kia chấp thuận trước khi cuộc họp bất thường được tiến hành.

4. Nếu Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của một nước gặp trở ngại không thể đến họp được có thể ủy nhiệm cấp phó của người đó hoặc người đại diện có thẩm quyền khác họp thay nhưng cần báo trước cho người đồng cấp đối diện nước kia biết.

5. Các cuộc họp của Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước phải có biên bản chung ghi rõ thời gian, thành phần, địa điểm, nội dung cuộc họp, những vấn đề hai bên đã thống nhất giải quyết, những vấn đề chưa giải quyết được. Biên bản làm thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, có chữ ký của Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của hai nước hoặc người được ủy quyền.

Điều 50. Nhiệm vụ và quyền hạn của Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới

1. Hợp tác chặt chẽ với Người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới của nước kia trong việc thực hiện những nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình; báo cáo lên cấp trên và chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới những vấn đề vượt ngoài nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

2. Tiếp nhận hoặc trao trả cho người đồng cấp nước kia những người bị trục xuất theo quy định của pháp luật mỗi nước và quy định của Hiệp định này.

3. Phối hợp hoạt động với người đồng cấp nước kia cùng bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới.

4. Cấp phép qua lại biên giới cho cư dân biên giới nước mình khi họ có yêu cầu qua khu vực biên giới nước kia theo quy định của Hiệp định này.

5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Hiệp định này.

II. TỈNH BIÊN GIỚI

Điều 51. Hợp tác giữa các tỉnh biên giới

1. Hai Bên thiết lập cơ chế hợp tác giữa các tỉnh biên giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tỉnh biên giới của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào theo các cặp tỉnh biên giới dưới đây:

Số thứ tự

Tỉnh phía Việt Nam

Tỉnh phía Lào

1

Điện Biên

Phông Sa Lỳ

2

Điện Biên

Luông Pha Băng

3

Sơn La

Luông Pha Băng

4

Sơn La

Hủa Phăn

5

Thanh Hoá

Hủa Phăn

6

Nghệ An

Hủa Phăn

7

Nghệ An

Xiêng Khoảng

8

Nghệ An

Bo Ly Khăm Xay

9

Hà Tĩnh

Bo Ly Khăm Xay

10

Hà Tĩnh

Khăm Muồn

11

Quảng Bình

Khăm Muồn

12

Quảng Bình

Sạ Vẳn Nạ Khệt

13

Quảng Trị

Sạ Vẳn Nạ Khệt

14

Quảng Trị

Sả Lạ Văn

15

Thừa Thiên - Huế

Sả Lạ Văn

16

Thừa Thiên - Huế

Xê Kông

17

Quảng Nam

Xê Kông

18

Kon Tum

Xê Kông

19

Kon Tum

Ắt Tạ Pư

2. Hình thức hợp tác chủ yếu giữa chính quyền địa phương hai nước được thực hiện bằng phương thức hội đàm. Nội dung, thành phần tham dự hội đàm, thời gian và địa điểm hội đàm được trao đổi thống nhất thông qua cơ quan ngoại vụ địa phương; Kết quả hội đàm được ghi nhận bằng văn bản do đại diện của chính quyền địa phương hai nước ký, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản có giá trị như nhau.

3. Việc hợp tác giữa chính quyền cấp huyện biên giới hai nước được thực hiện theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cấp tỉnh hoặc cơ quan được chính quyền địa phương cấp tỉnh ủy quyền.

4. Danh sách đơn vị hành chính cấp huyện có một phần địa giới tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào nêu tại Phụ lục 12 đính kèm Hiệp định này. Khi một nước điều chỉnh địa giới hành chính vùng biên giới, nước đó có trách nhiệm kịp thời thông báo cho nước kia việc điều chỉnh này.

Điều 52. Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới

Trong phạm vi địa giới hành chính tỉnh mình, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới có nhiệm vụ:

1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện Hiệp định này; giải quyết những sự kiện biên giới, kiểm tra đường biên giới và mốc quốc giới theo kế hoạch do Cơ quan biên giới trung ương hai Bên thỏa thuận;

2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình công tác biên giới và định kỳ báo cáo lên Cơ quan biên giới trung ương của nước mình tình hình thực hiện quy chế quản lý biên giới, tình hình giải quyết các sự kiện biên giới và những vấn đề tồn tại, vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền của mình. Trong khi chờ ý kiến giải quyết của cấp trên đối với những vấn đề tồn tại, vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới mỗi nước có trách nhiệm giữ quan hệ bình thường và không làm cho tình hình phức tạp hơn;

3. Tổ chức họp định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết (theo đề nghị của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của nước kia). Nội dung, thành phần tham dự, thời gian và địa điểm từng cuộc họp sẽ do chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới liên quan thoả thuận. Cuộc họp tổ chức trên lãnh thổ nước nào, chính quyền địa phương nước đó đảm nhiệm chi phí.

Trong các cuộc họp này, nếu xét thấy cần thiết, chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của một nước có thể mời đại diện các ngành có liên quan và một số chuyên viên tham dự, nhưng cần thông báo trước cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới của nước kia.

Nội dung của các cuộc họp này phải được ghi trong biên bản chung, nội dung gồm: thời gian, địa điểm, thành phần và những vấn đề đã thống nhất giải quyết, những vấn đề chưa giải quyết được. Biên bản chung làm thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, có chữ ký của đại diện hai tỉnh, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau;

4. Tổ chức phổ biến rộng rãi và thường xuyên nội dung của Hiệp định này cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, nhất là trong khu vực biên giới;

5. Tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành chủ quản cấp tỉnh biên giới gồm: Lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch, giao thông vận tải, thương mại cũng như các ngành quản lý biên giới khác;

6. Mỗi tỉnh biên giới cử một lãnh đạo phụ trách công tác phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới thuộc thẩm quyền theo quy định của Hiệp định này và pháp luật của hai nước;

7. Định kỳ hàng năm thông báo cho nhau danh sách các trường hợp được quy định tại Điều 30 của Hiệp định này;

8. Thực hiện những nhiệm vụ khác theo quy định của Hiệp định này.

III. CƠ QUAN BIÊN GIỚI TRUNG ƯƠNG

Điều 53. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan biên giới trung ương của hai Bên

1. Trực tiếp trao đổi với nhau để tham mưu cho hai Bên trong công tác chỉ đạo thực hiện Hiệp định này;

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hữu quan trong việc hợp tác triển khai thực hiện các quy định của Hiệp định này và các điều ước quốc tế có liên quan mà hai nước là thành viên;

3. Chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Hiệp định, duy trì bảo vệ đường biên giới, mốc quốc giới; xem xét, quyết định việc sửa chữa, khôi phục, xây dựng lại tại vị trí cũ và xây dựng mốc quốc giới tại vị trí mới;

4. Phối hợp thẩm định và giám sát các công trình, dự án tại vùng nước biên giới, các công trình cắt qua đường biên giới;

5. Tiến hành sửa đổi hoặc bổ sung các Phụ lục kèm theo Hiệp định này khi cần thiết;

6. Giải quyết những bất đồng nảy sinh trong việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Hiệp định này;

7. Nghiên cứu giải quyết hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về biện pháp giải quyết các sự kiện biên giới mà chính quyền địa phương cấp tỉnh có chung đường biên giới chưa giải quyết được;

8. Trao đổi, giải quyết hoặc kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về biện pháp giải quyết các vấn đề quan trọng nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định này;

9. Thúc đẩy việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành ở trung ương hai nước có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực về biên giới, lãnh thổ;

10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo thỏa thuận của hai Bên.

Điều 54. Cơ chế làm việc giữa Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam và Ủy ban Biên giới Lào - Việt Nam

1. Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Biên giới Lào - Việt Nam, Bộ Ngoại giao Lào là cơ quan đầu mối, có nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với nhau để giúp Chính phủ hai nước chỉ đạo và tổ chức thực hiện Hiệp định này.

2. Các cơ quan nói tại Khoản 1 Điều này tiến hành công việc bằng phương thức hội đàm hoặc thông qua trao đổi thư hoặc bằng các hình thức khác do hai Bên thoả thuận.

3. Các cuộc họp của Cơ quan biên giới trung ương hai Bên được tổ chức một năm một lần theo cơ chế luân phiên ở mỗi nước hoặc tổ chức cuộc họp bất thường khi cần thiết theo đề nghị của một Bên. Nội dung, thời gian và địa điểm cuộc họp được trao đổi thống nhất qua đường ngoại giao. Cuộc họp được tổ chức trên lãnh thổ nước nào, nước đó đảm bảo chi phí.

Trường hợp cần thiết, Cơ quan biên giới trung ương hai Bên có thể mời đại diện các Bộ, ngành và tỉnh biên giới liên quan tham dự cuộc họp nói trên.

4. Kết quả các cuộc họp của Cơ quan biên giới trung ương hai Bên phải được ghi nhận trong biên bản chung. Nội dung biên bản chung gồm: Thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và kết quả cuộc họp. Biên bản chung được lập thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản có giá trị như nhau và có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được hai Bên thực hiện nghiêm túc.

Chương X

CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 55. Giải quyết bất đồng

Mọi bất đồng nảy sinh liên quan đến giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này được giải quyết thông qua thương lượng giữa Cơ quan biên giới trung ương của hai nước; trường hợp không giải quyết được bất đồng, Cơ quan biên giới trung ương của hai nước phải báo cáo Chính phủ hai nước để xem xét giải quyết.

Điều 56. Bổ sung, sửa đổi Hiệp định

1. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận của hai Bên. Nội dung sửa đổi, bổ sung này là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.

2. Quy định của Khoản 1 Điều này không ảnh hưởng đến quy định tại Khoản 5 Điều 53 Hiệp định này.

Điều 57. Hiệu lực của Hiệp định

1. Hiệp định này phải được phê chuẩn. Các Phụ lục đính kèm là bộ phận không tách rời của Hiệp định này.

2. Hiệp định này chỉ có hiệu lực sau khi Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký ngày ... tháng ... năm 2016 có hiệu lực và sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được thông báo chính thức sau cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hai Bên đã hoàn tất các trình tự, thủ tục pháp lý nội bộ theo quy định của pháp luật mỗi nước.

3. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 10 năm và sẽ tự động được gia hạn mỗi lần 10 năm, trừ khi một Bên thông báo cho Bên còn lại bằng văn bản ý định chấm dứt hiệu lực Hiệp định qua đường ngoại giao 06 (sáu) tháng trước thời điểm Hiệp định hết hiệu lực. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định không làm ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác mà hai Bên đang triển khai trong khuôn khổ Hiệp định này.

4. Kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 01 tháng 3 năm 1990 và Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 31 tháng 8 năm 1997 sẽ chấm dứt hiệu lực.

Làm tại Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2016, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO




Thoong Lun Xi Xu Lít
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng

 

DANH SÁCH CÁC PHỤ LỤC

ĐÍNH KÈM

HIỆP ĐỊNH VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ BIÊN GIỚI VÀ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO KÝ NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2016

Phụ lục 1:

MẪU BIÊN BẢN SỬA CHỮA MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... TẠI VỊ TRÍ CŨ

Phụ lục 2:

MẪU BIÊN BẢN KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... TẠI VỊ TRÍ CŨ

Phụ lục 3:

MẪU BIÊN BẢN GHI NHẬN MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT KHÔNG THỂ KHÔI PHỤC, XÂY DỰNG LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ CŨ

Phụ lục 4:

MẪU BIÊN BẢN KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT TẠI VỊ TRÍ MỚI

Phụ lục 5:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO VẬT NUÔI VƯỢT QUA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Phụ lục 6:

MẪU CÔNG HÀM THÔNG BÁO THIẾT BỊ BAY TIẾN HÀNH BAY TRONG PHẠM VI 10 KM TÍNH TỪ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VỀ PHÍA NƯỚC MÌNH

Phụ lục 7:

MẪU CÔNG HÀM XIN PHÉP THIẾT BỊ BAY VƯỢT QUA BIÊN GIỚI VÀO LÃNH THỔ NƯỚC KIA

Phụ lục 8:

MẪU GIẤY/SỔ THÔNG HÀNH XUẤT, NHẬP CẢNH BIÊN GIỚI

Phụ lục 9:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Phụ lục 10:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO THI THỂ NGƯỜI

Phụ lục 11:

MẪU BIÊN BẢN BÀN GIAO TÀI SẢN

Phụ lục 12:

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN CÓ MỘT PHẦN ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH TRÙNG HOẶC TIẾP GIÁP VỚI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA VIỆT NAM - LÀO

 

Phụ lục 1

BIÊN BẢN
SỬA CHỮA MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... TẠI VỊ TRÍ CŨ

Thực hiện quy định tại Điều 7 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Từ ngày ... đến ngày ....tháng ... năm ... , Đội kiểm tra liên hợp hai nước Việt Nam và Lào (Danh sách nêu tại Phụ lục kèm theo) đã tiến hành sửa chữa mốc quốc giới số ...

Mốc quốc giới số ... (mô tả tình hình sửa chữa).

Biên bản này làm tại ... , ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA VIỆT NAM





(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA LÀO





(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 2

BIÊN BẢN
KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... TẠI VỊ TRÍ CŨ

Thực hiện quy định tại Điều 7 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Từ ngày ... đến ngày ... tháng ... năm ..., Đội kiểm tra liên hợp hai nước Việt Nam và Lào (Danh sách nêu tại Phụ lục kèm theo) đã tiến hành khôi phục hoặc xây dựng lại mốc quốc giới số ...

Mốc quốc giới số ... (ghi rõ nguyên nhân khôi phục hoặc xây dựng lại mốc quốc giới).

Mốc quốc giới số ... đã được khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ theo quy định của văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc văn kiện kiểm tra liên hợp ký ngày ... tháng ... năm ...

Biên bản này làm tại ..., ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA VIỆT NAM





(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA LÀO





(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 3

BIÊN BẢN GHI NHẬN
MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT KHÔNG THỂ KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ CŨ

Thực hiện quy định tại Điều 7 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Từ ngày ... đến ngày ... tháng ... năm ..., Đội kiểm tra liên hợp hai nước Việt Nam và Lào (Danh sách nêu tại Phụ lục kèm theo) đã xác nhận mốc quốc giới số ... đã ... (bị hư hỏng, bị dịch chuyển hoặc bị mất) và không thể khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ (theo quy định của văn kiện phân giới, cắm mốc hoặc văn kiện kiểm tra liên hợp ký ngày ... tháng ... năm ...).

Hai Bên đồng ý, mỗi Bên tự báo cáo Cơ quan biên giới Trung ương hai nước ... (tình trạng và nguyên nhân không thể khôi phục hoặc xây dựng lại đúng vị trí cũ mốc quốc giới này).

Biên bản này làm tại ... , ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA VIỆT NAM





(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA LÀO





(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 4

BIÊN BẢN
KHÔI PHỤC HOẶC XÂY DỰNG LẠI MỐC QUỐC GIỚI SỐ ... BỊ HƯ HỎNG, BỊ DỊCH CHUYỂN HOẶC BỊ MẤT TẠI VỊ TRÍ MỚI

Thực hiện quy định tại Điều 7 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Từ ngày ... đến ngày ... tháng ... năm ... , Đội kiểm tra liên hợp hai nước Việt Nam và Lào (Danh sách nêu tại Phụ lục kèm theo) đã xây dựng lại mốc quốc giới số ... bị hư hỏng, bị dịch chuyển hoặc bị mất tại vị trí mới.

Bảng đăng ký mốc quốc giới số ... sau khi được xây dựng lại tại vị trí mới (Phụ lục đính kèm). Bảng đăng ký mốc quốc giới này soạn thảo theo đúng quy định của văn kiện kiểm tra liên hợp và văn kiện phân giới, cắm mốc quốc giới ký ngày ... tháng ... năm ...

Biên bản này làm tại ... , ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA VIỆT NAM





(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI KIỂM TRA LIÊN HỢP
PHÍA LÀO





(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 5

BIÊN BẢN
BÀN GIAO VẬT NUÔI VƯỢT QUA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Số ....

Ngày ....

Thời gian ....

Địa điểm ....

Thực hiện quy định tại Điều 17 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Bên giao: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Bên nhận: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Đã tiến hành giao nhận vật nuôi ... (chủng loại, số lượng và các đặc trưng khác) từ lãnh thổ nước ... vượt qua biên giới vào hồi ... giờ, ngày ... tháng ... năm ...tại ............ (thời gian, địa danh, số hiệu mốc quốc giới gần kề).

Trong khi bàn giao (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này làm tại ... , ngày ....tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

BÊN CHUYỂN GIAO




(Ký, ghi rõ họ tên)

BÊN TIẾP NHẬN




(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 6

CÔNG HÀM
THÔNG BÁO THIẾT BỊ BAY TIẾN HÀNH BAY TRONG PHẠM VI 10 KM TÍNH TỪ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VỀ PHÍA NƯỚC MÌNH

Số...

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước ... (tên nước) kính chào Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước); thực hiện quy định tại Điều 19 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016, trân trọng thông báo về việc thiết bị bay tiến hành bay trong phạm vi 10 km tính từ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào về phía (tên nước của Cơ quan gửi công hàm) như sau:

I. Mục đích bay:

II. Các thông số bay:

1. Lịch bay, ngày, thời gian cụ thể bắt đầu và kết thúc bay:

2. Phạm vi bay, toạ độ địa lý điểm ra vào khu vực 10 km và hướng bay:

3. Độ cao bay:

III. Các thông số của máy bay:

1. Người sở hữu:

2. Loại hình và số hiệu:

3. Màu sắc:

4. Tiêu chí nhận biết:

5. Số hiệu thân thiết bị bay:

6. Mã liên lạc:

7. Có hoặc không lắp thiết bị rada:

IV. Các thông số của máy ảnh

1. Loại hình và số hiệu:

2. Tiêu cự:

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao nước (Đại sứ quán) ... (tên nước) xin gửi tới Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước ) lời chào trân trọng.

 

 

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước ... (tên nước)
...., ngày ... tháng ... năm ...



 

Phụ lục 7

CÔNG HÀM
XIN PHÉP CHO THIẾT BỊ BAY VƯỢT QUA BIÊN GIỚI VÀO LÃNH THỔ NƯỚC KIA

Số ...

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước ... (tên nước) kính chào Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước); căn cứ quy định tại Điều 19 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016, xin trân trọng đề nghị Cơ quan có thẩm quyền của (tên nước cấp phép bay) cấp phép cho thiết bị bay vượt qua biên giới. Thông tin liên quan đến thiết bị bay này như sau:

I. Mục đích bay

II. Các thông số bay

1. Lịch bay; ngày, thời gian cụ thể bắt đầu, kết thúc bay:

2. Phạm vi bay, toạ độ địa lý điểm ra, vào khu vực 10 km và hướng bay:

3. Độ cao bay:

4. Địa điểm dự kiến vượt qua biên giới trong quá trình bay (ghi rõ toạ độ, điểm dân cư hoặc sơ đồ tuyến bay).

5. Chiều sâu bay vào trong lãnh thổ phía Bên kia;

III. Các thông số của thiết bị bay:

1. Người sở hữu:

2. Loại hình và số hiệu:

3. Màu sắc:

4. Tiêu chí nhận biết:

5. Số hiệu thân thiết bị bay:

6. Mã liên lạc:

7. Có hoặc không lắp thiết bị rada:

IV. Các thông số của máy ảnh

1. Loại hình và số hiệu:

2. Tiêu cự:

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước ... (tên nước) xin gửi tới Đại sứ quán (Bộ Ngoại giao) nước ... (tên nước ) lời chào trân trọng.

 

 

Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) nước ... (tên nước)
...., ngày ... tháng ... năm ...



 

Phụ lục 8

GIẤY/SỐ THÔNG HÀNH
XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH BIÊN GIỚI

Gồm các thông tin sau:

1. Quốc huy, tên nước

2. Tên giấy tờ: Giấy/Sổ thông hành

3. Số hiệu giấy/Sổ thông hành

4. Thông tin cá nhân:

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số chứng minh thư, nghề nghiệp, địa chỉ cư trú

- Ảnh, chữ ký người mang giấy/sổ thông hành

5. Lý do xuất cảnh, nơi đến, cửa khẩu xuất cảnh, cửa khẩu nhập cảnh, ghi chú

6. Giấy/sổ có giá trị từ ngày ... tháng ... năm ... đến ngày ... tháng ... năm ...

7. Cơ quan cấp (ký và đóng dấu); nơi cấp và ngày cấp giấy/sổ thông hành

8. Chứng thực

9. Những điều cần chú ý

 

Phụ lục 9

BIÊN BẢN
BÀN GIAO NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

Số ....

Ngày ....

Thời gian ....

Địa điểm ...

Thực hiện quy định tại Điều 44 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Bên giao: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Bên nhận: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Đã chuyển giao và tiếp nhận người xuất, nhập cảnh trái phép ... (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, quốc tịch). Người này xuất, nhập cảnh trái phép vào hồi ... giờ, ngày ... tháng ... năm ... tại ... (địa danh, số hiệu mốc quốc giới gần kề) và bị ... (ai) tạm giữ vào hồi ... giờ, ngày ... tháng ... năm ... tại ... (địa danh, số hiệu mốc quốc giới gần kề). Nguyên nhân xuất, nhập cảnh trái phép là ...

Tài sản và phương tiện giao thông vận tải được bàn giao cùng người xuất, nhập cảnh trái phép gồm: ... (tên gọi, số lượng, đặc điểm chính).

(Nếu chưa thể bàn giao phương tiện giao thông vận tải hoặc tài sản, cần ghi rõ lý do chưa bàn giao được).

Trong khi bàn giao ... (ghi cụ thể những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này làm tại ... , ngày ....tháng ...năm ......... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

Bên chuyển giao




(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Bên tiếp nhận




(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

Phụ lục 10

BIÊN BẢN
BÀN GIAO THI THỂ NGƯỜI

Số ....

Ngày ....

Thời gian ....

Địa điểm ....

Căn cứ quy định tại Điều 45 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Bên giao: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Bên nhận: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Đã chuyển giao và tiếp nhận thi thể: Số lượng, chi tiết nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, nếu có), giới tính, các đặc điểm chính.

Thi thể người nói trên được ... (ai) phát hiện vào hồi ... giờ, ngày ... tháng ... năm ... tại ... (địa danh, số hiệu mốc quốc giới gần kề).

Hai Bên xác nhận, người này là công dân nước ... (quốc tịch), nguyên nhân tử vong có khả năng là ...

Tài sản được bàn giao cùng thi thể gồm: ... (tên gọi, số lượng, đặc điểm chính) (Nếu chưa thể chuyển giao tài sản, cần ghi rõ lý do chưa chuyển giao được).

Trong khi bàn giao ... (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này làm tại ... , ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

Bên chuyển giao




(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Bên tiếp nhận




(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

Phụ lục 11

BIÊN BẢN BÀN GIAO TÀI SẢN

Số ....

Ngày ....

Thời gian ....

Địa điểm ....

Thực hiện quy định tại Điều 47 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016;

Bên giao: Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Bên nhận : Ông/bà ... (họ tên, chức vụ, tên nước),

Đã chuyển giao và tiếp nhận tài sản ... (tên gọi, số lượng, các đặc điểm chính).

Tài sản trên được ... (ai) phát hiện vào hồi ... giờ, ngày ... tháng ... năm ... tại ... (địa danh, số hiệu mốc quốc giới gần kề). Hai bên xác nhận tài sản này thuộc sở hữu của nước ... (tên nước).

Trong khi bàn giao ... (ghi rõ những việc liên quan hai bên cần lưu ý khi bàn giao).

Biên bản này làm tại ... , ngày ... tháng ... năm ... thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

Bên chuyển giao




(Ký, ghi rõ họ tên)

Bên tiếp nhận




(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 12

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN CÓ MỘT PHẦN ĐỊA GIỚI TRÙNG HOẶC TIẾP GIÁP VỚI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA VIỆT NAM - LÀO

Thực hiện quy định tại Điều 51 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 3 năm 2016, xác định danh sách các đơn vị hành chính có một phần địa giới trùng hoặc tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào như sau:

I. Phía nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

TT

Tỉnh biên giới

Huyện biên giới

1

Điện Biên

Mường Nhé

Nậm Pồ

Mường Chà

Điện Biên

2

Sơn La

Sốp Cộp

Sông Mã

Mai Sơn

Yên Châu

Mộc Châu

Vân Hồ

3

Thanh Hóa

Mường Lát

Quan Hóa

Quan Sơn

Lang Chánh

Thường Xuân

4

Nghệ An

Quế Phong

Tương Dương

Kỳ Sơn

Con Cuông

Anh Sơn

Thanh Chương

5

Hà Tĩnh

Hương Sơn

Vũ Quang

Hương Khê

6

Quảng Bình

Tuyên Hóa

Minh Hóa

Bố Trạch

Quảng Ninh

Lệ Thủy

7

Quảng Trị

Hướng Hóa

Đa Krông

8

Thừa Thiên Huế

A Lưới

9

Quảng Nam

Tây Giang

Nam Giang

10

Kon Tum

Đắk Glei

Ngọc Hồi

II. Phía nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào

TT

Tỉnh biên giới

Huyện biên giới

1

Phông Sa Lỳ

Nhọt Ou

Phông Sa Lỳ

Sẳm Phăn

Mường Mày

2

Luông Pha Băng

Phôn Thoong

3

Hủa Phăn

Mường Xon

Mường Ét

Xiềng Khọ

Sốp Bâu

Viêng Xay

Sầm Tạy

Mường Quằn

4

Xiêng Khoảng

Nọng Hét

Mường Mọc

5

Bo Ly Khăm Xay

Viêng Thoong

Xay Chăm Phon

Khăm Kợt

6

Khăm Muồn

Na Cai

Bùa La Pha

7

Sạ Vẳn Nạ Khệt

Xê Pôn

Mường Noòng

8

Sả Lạ Văn

Xà Muội

9

Xê Kông

Kà Lừm

Đắk Chưng

10

Ắt Tạ Pư

Xảm Xay

Phu Vông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Hiệp định
  • Ngày ban hành: 16/03/2016
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Phạm Bình Minh, Thoong Lun Xi Xu Lit
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản