Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ INDONÊXIA

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ cộng hoà Indonêxia, sau đây được gọi là "các Bên ký kết";

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc;

Mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt, cho đầu tư vốn của các nhà đầu tư của nước này trên lãnh thổ của nước kia trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi;

Nhận thức rằng việc khuyến khích và bảo hộ lẫn nhau đối với đầu tư vốn và đầu tư theo Hiệp định quốc tế góp phần làm tăng sự thịnh vượng ở cả hai nước;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1: Định nghĩa

Theo tinh thần Hiệp định này:

1. Thuật ngữ "đầu tư" có nghĩa là mọi loại tài sản được đầu tư bới các nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ Bên ký kết kia phù hợp với luật và quy định của Bên ký kết đó, bao gồm nhưng không chỉ:

a. Sở hữu động sản, bất động sản và bất kỳ các quyền khác như quyền thế chấp, cầm cố, thế nợ;

b. Cổ phần, cổ phiếu và phiếu nợ của công ty được hợp nhất ở bất kỳ nơi nào hoặc lợi ích phát sinh từ sở hữu của công ty như vậy;

c. Những khiếu nại về tiền hoặc về bất kỳ sự thực hiện nào theo hợp đồng có giá trị tài chính;

d. Quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bản quyền, nhãn hiệu thương mại, bằng sáng chế, thiết kế công nghiệp, bí quyết, bí mật thương mại, tên thương mại và đặc quyền kế nghiệp;

e. Tô nhượng thương mại theo luật hoặc theo hợp đồng bao gồm tô nhượng về nghiên cứu, nuôi trồng, chiết suất hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên;

2. Thuật ngữ "Nhà đầu tư" nghĩa là bất kỳ công ty nào là công dân của một Bên ký kết đã hoặc đang đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

3. Thuật ngữ "Công ty" nghĩa là, tuỳ theo mỗi Bên ký kết, bất kỳ pháp nhân nào, bao gồm công ty, hãng và xí nghiệp được liên hợp và thành lập theo luật hiện hành của Bên ký kết đó.

4. Thuật ngữ "Công dân" nghĩa là, tuỳ theo mỗi Bên ký kết, bất kỳ thể nhân nào có quốc tịch, phù hợp với luật pháp của Bên ký kết đó.

5. Thuật ngữ "Những khoản thu nhập" hoặc "Thu nhập" nghĩa là những khoản sinh lợi do đầu tư đặc biệt nhưng không chỉ là các khoản sau: lợi nhuận, lãi, lãi vốn, lãi cổ phần, tiền bản quyền hoặc phí.

6. "Lãnh thổ" nghĩa là:

a. Đối với Cộng hoà Indonexia:

"Lãnh thổ" Cộng hoà Indonexia được xác định theo luật của Indonexia và các vùng lân cận mà Cộng hoà Indonexia có chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc tài phán phù hợp với kuật quốc tế;

b. Đối với Cộng hoà xá hội chủ nghĩa Việt Nam:

"Lãnh thổ" và các vùng biển lân cận mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoặc tài phán phù hợp với luật quốc tế.

Điều 2: Khuyến khích và bảo hộ đầu tư

1. Mỗi Bên ký kết khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư của Bên ký kết kia đầu tư trên lãnh thổ của mình, và sẽ chấp nhận những vốn đầu tư như vậy phù hợp với luật và quy định của mình.

2. Những đầu tư của các nhà đầu tư của mỗi Bên ký kết được đối xử công bằng và thoả đáng trong suốt thời gian đầu tư và được hưởng sự bảo hộ thích đáng và an toàn trên lãnh thổ Bên ký kết kia.

Điều 3: Phạm vi áp dụng Hiệp định

1. Lợi ích của Hiệp định này chỉ áp dụng cho những trường hợp đầu tư vốn của các nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia đã được chuẩn y cụ thể bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia.

2. Các nhà đầu tư của một Bên ký kết phải xin chuẩn y đối với bất kỳ đầu tư vốn nào được tiến hành trước hay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

3. Hiệp định này được áp dụng cho những đầu tư của các nhà đầu tư của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên lãnh thổ Cộng hoà Indonexia đã được cho phép từ trước, phù hợp với luật số 1 năm 1967 về đầu tư vốn nước ngoài và bất kỳ luật sửa đổi hoặc luật thay thế nào và những đầu tư của các nhà đầu tư của Cộng hoà Indonesia trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cho phép từ trước phù hợp với luật đầu tư nước ngoài năm 1987 của Việt Nam và bất kỳ luật sửa đổi và thay thế nào.

Điều 4: Những quy định về tối huệ quốc

1. Không Bên ký kết nào được đối xử đối với những đầu tư và thu nhập của nhà đầu tư Bên ký kết kia trên lãnh thổ của mình một sự đối xử kém thuận lợi hơn sự đối xử đối với đầu tư và thu nhập của nhà đầu tư bất kỳ nước thứ ba nào.

2. Không Bên ký kết nào được đối xử đối nhà đầu tư của Bên ký kết kia, trên lãnh thổ của mình một sự đối xử kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào trong việc quản lý, sử dụng, thừa hưởng hoặc từ bỏ những đầu tư của họ cũng như bất kỳ hoạt động liên quan tới những đầu tư nói trên.

3. Sự đối xử nói trên sẽ không áp dụng cho bất kỳ những thuận lợi hoặc đặc quyền nào dành cho những nhà đầu tư của nước thứ ba do mỗi Bên ký kết là thành viên của một liên minh thuế quan, thị trường chung, khu thương mại tự do, Hiệp định kinh tế đa phương hay Hiệp định quốc tế hoặc trên cơ sở Hiệp định giữa Bên ký kết đóvới một nước thứ ba về tránh đánh thuế trùng hoặc trên cơ sở thoả thuận thương mại qua biên giới.

4. Tuy có những quy định nói ở các đợn trên đây, những đầu tư do nhà đầu tư của Bên ký kết tiến hành trên lãnh thổ của Bên ký kết kia sẽ được đối xử công bằng và thoả đáng phù hợp với luật và những quy định hiện hành của Bên ký kết đó.

Điều 5: Bồi thường do tổn thất hoặc thiệt hại

1. Đầu tư của các nhà đầu tư của một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia bị tổn thất hoặc thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia, đảo chính, khởi nghĩa hoặc bạo loạn trên lãnh thổ của Bên ký kết đó, nhà đầu tư có liên quan sẽ được hưởng sự đối xử về đền bù, bồi thường hoặc giải pháp khác phù hợp với luật quốc tế và trong bất kỳ trường hợp nào không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào trong những trường hợp tương tự.

2. Không phương hại đến những quy định trên đây của điều này, các nhà đầu tư của một Bên ký kết được hưởng sự đối xử trên lãnh thổ của Bên ký kết kia không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà các đầu tư nước thứ ba được hưởng về bất kỳ vấn đề gì có liên quan.

Điều 6: Tước đoạt quyền sở hữu

1. Trong bất kỳ trường hợp nào mà đầu tư của các nhà đầu tư một Bên ký kết là đối tượng của biện pháp trưng thu, trực tiếp hoặc gián tiếp các nhà đầu tư có liên quan sẽ được hưởng sự đối xử công bằng và thoả đáng đối với bất kỳ những biện pháp như vậy trên lãnh thổ của Bên ký kết kia. Không một biện pháp nào như vậy được thực hiện trừ khi vì mục đích công và có bồi thường. Việc bồi thường như vậy phảI thoả đáng, thực hiện có hiệu quả và được tự do chuyển và không chậm trễ. Khoản bồi thường như vậy được xác định theo giá trị thị trường của đầu tư bị tước đoạt ngay trước thời điểm quyết định tước đoạt quyền sở hữu được công bố hoặc công khai. Khoản bồi thường sẽ được tính theo phương pháp thoả thuận giữa hai bên, phù hợp với phương pháp đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Tính hợp pháp của bất kỳ sự tước đoạt quyền sở hữu nào, khoản bồi thường và phương pháp thanh toán bồi thường sẽ được xem xét lại theo thủ tục pháp luật.

3. Khi một Bên ký kết tước đoạt tài sản của một công ty được hợp nhất thành lập theo luật hiện hành trên lãnh thổ của Bên ký kết đó và trong công ty đó nhà đầu tư của Bên ký kết kia có cổ phần, thì Bên trưng thu bảo đảm rằng các quy định của khoản 1, Điều này sẽ được áp dụng trong phạm vi cần thiết để bảo đảm việc bồi thường cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia có sở hữu cổ phần.

Điều 7: Việc chuyển đầu tư về nước

1. Mỗi Bên ký kết trong phạm vi luật và quy định của mình bảo đảm cho các nhà đầu tư của Bên ký kết kia không có lý do chậm trễ sau khi họ hoàn thành các nghĩa vụ thuế được chuyển:

a. Vốn và vốn bổ sung được sử dụng để duy trì và phát triển đầu tư;

b. Lợi nhuận ròng bao gồm lãi cổ phần và lãi tương ứng với sở hữu cổ phần của những người nước ngoài tham gia;

c. Khoản trả tiền vay và lãi tương ứng, nếu các khoản vay đó có liên quan đến đầu tư;

d. Khoản thanh toán về bản quyền và phí dịch vụ nếu các khoản đó có liên quan đến đầu tư;

e. Khoản thu từ việc bán các cổ phần do các cổ đông nước ngoài sở hữu;

f. Khoản bồi thường tổn thất hoặc thiệt hại;

g. Khoản bồi thường do tước đoạt quyền sở hữu;

h. Khoản thu của nhà đầu tư trong trường hợp thanh lý

i. Thu nhập của công dân của một Bên ký kết được phép làm việc có liên quan đến đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

2. Việc trả cho bồi thường nói tại điểm f và g của ĐIều này được thực hiện với phạm vi và điều kiện được hai Bên ký kết thoả thuận, bao gồm việc trả bồi thường làm nhiều lần một cách hợp lý.

3. Đối với nhà đầu tư của một Bên ký kết không có sự thoả thuận nào khác với các cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia mà trên lãnh thổ đó việc đầu tư được thực hiện, việc chuyển tiền theo quy định của khoản 1, Điều này, sẽ được phép chuyển bằng đồng tiền lúc đầu tư hoặc bằng bất kỳ đồng tiền tự do chuyển đổi nào. Việc chuyển tiền nói trên được thực hiện theo tỷ giá hối đoái hiện hành vào thời điểm chuyển đổi.

4. Tuy có những quy định nói ở trên đây, mỗi Bên ký kết có thể theo các luật và quy định yêu cầu báo cáo việc chuyển tiền.

Điều 8: Thế quyền

1. Nếu một Bên ký kết hoặc một tổ chức do Bên đó chỉ định thực hiện thanh toán cho các nhà đầu tư theo chính sách bảo hiểm những rủi ro phi thương mại đối với bất kỳ đầu tư vốn nào hoặc một phần đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia thì Bên ký kết này sẽ công nhận:

a. Sự uỷ quyền theo luật hoặc theo một giao dịch pháp luật, về bất kỳ quyền khiếu nại nào của nhà đầu tư đối với Bên ký kết kia hoặc các tổ chức được uỷ quyền;

b. Bên ký kết trên hoặc tổ chức được uỷ quyền được thế quyền trong việc thực hiện các quyền và tiến hành những khiếu nại của nhà đầu tư đó.

2. Bên ký kết kia hoặc tổ chức được uỷ quyền vì vậy có quyền đòi, nếu họ muốn về bất cứ quyền và khiếu nại nào như vậy trong phạm vi quyền và khiếu nại của người trước đó trên danh nghĩa.

3. Nếu Bên ký kết trên thu được khoản tiền bằng đồng tiền hợp pháp của Bên ký kết kia hay các khoản tín dụng theo sự uỷ quyền nêu ở điểm (a) khoản 1 của ĐIều này, Bên ký kết được thế quyền sẽ được tự do sử dụng những khoản tiền và tín dụng đó để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của mình trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

Điều 9: Giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các Bên ký kết

1. Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia sẽ được giải quyết bằng hoà giải.

2. Trong trường hợp việc tranh chấp trên không giải quyết được bằng hoà giải trong thời hạn 6 tháng, kể từ thời điểm nộp đơn, nhà đầu tư có liên quan có thể đưa vụ tranh chấp để giải quyết theo một trong các hình thức sau đây:

a. Toà án của Bên ký kết có thẩm quyền phán quyết mọi cấp;

b. Toà án trọng tài "Ad hoc" do hai Bên ký kết thành lập;

c. Bất kỳ toà án trọng tài nào được sự thoả thuận của hai Bên ký kết.

3. Trong quá trình tố tụng tại Toà án hoặc Trọng tài có thể giải quyết tranh chấp nêu trên, hai Bên ký kết sẽ kiềm chế bất kỳ sự can thiệp nào.

Điều 10: Giải quyết tranh chấp giữa các Bên ký kết về việc giải thích và áp dụng Hiệp định

Các tranh chấp về việc giải thích và thi hành Hiệp định này được giải quyết bằng hoà giải thông qua đàm phán ngoại giao giữa Chính phủ của các Bên ký kết.

Điều 11: Áp dụng các điều khoản khác

Bất kỳ vấn đề nào được điều chỉnh bởi Hiệp định này và bất kỳ Hiệp định nào khác mà hai Bên đều tham gia thì các điều khoản thuận lợi hơn sẽ được áp dụng cho các nhà đầu tư.

Điều 12: Trao đổi ý kiến và sửa đổi

1. Mỗi Bên ký kết có thể yêu cầu trao đổi ý kiến về bất kỳ vấn đề gì do hai Bên ký kết thoả thuận đưa ra.

2. Hiệp định này có thể sửa đổi bất kỳ lúc nào, nếu cần thiết, với sự thoả thuận của hai Bên ký kết.

Điều 13: Hiệu lực, thời hạn và kết thúc

Hiệu lực này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày các Bên ký kết thông báo cho nhau bằng văn bản đã hoàn thanh các thủ tục cần thiết theo luật pháp. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn ban đầu là 10 năm, sau đó, Hiệp định sẽ tiếp tục có hiệu lực không thời hạn. Mỗi Bên ký kết có quyền chấm dứt Hiệp định, sau khi đã thông báo bằng văn bản cho Bên kia trước mười hai tháng sau khi Hiệp định đã thực hiện được chín năm. Tuy nhiên đối với những đầu tư đã được chấp nhận trong khi Hiệp định có hiệu lực, những điều khoản của Hiệp định này vẫn tiếp tục có hiệu lực trong một thời hạn mười năm kể từ ngày kết thúc Hiệp định.

Những người có tên dưới đây được Chính phủ của các Bên uỷ quyền ký Hiệp định này.

Hiệp định này được làm tại Jakata ngày 25 tháng 10 năm 1991 bằng tiếng Indonesia, tiếng Việt và tiếng Anh, tất cả các bản có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về giải thích Hiệp định, sẽ sử dụng văn bản tiếng Anh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia

  • Số hiệu: Khôngsố
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 25/10/1991
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản