Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

*******

 

Số: 82/2004/LPQT

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2004

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư có hiệu lực từ ngày 05 tháng 06 năm 2004.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ

Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (sau đây gọi là “các Bên Ký Kết”);

Mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế cùng có lợi cho cả hai nước;

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của các nhà đầu tư nước này trên lãnh thổ nước kia; và

Thừa nhận rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư trên cơ sở Hiệp định này sẽ thúc đẩy sáng kiến kinh doanh ở cả hai nước;

Đã thỏa thuận như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Định nghĩa

Theo Hiệp định này:

(1) Thuật ngữ “đầu tư” nghĩa là mọi loại tài sản được nhà đầu tư của một Bên Ký kết đầu tư trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia, cụ thể nhưng không chỉ là:

(a) Động sản, bất động sản, kể cả các quyền tài sản khác có liên quan như cầm cố, thế chấp hoặc thế nợ;

(b) Cổ phần, chứng khoán, giấy ghi nợ và bất kỳ hình thức tham gia nào vào công ty hoặc doanh nghiệp kinh doanh;

(c) Quyền đòi tiền hoặc bất kỳ hoạt động nào có giá trị kinh tế liên quan tới đầu tư;

(d) Các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, nhãn hiệu thương mại, bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quy trình kỹ thuật, bí quyết, bí mật thương mại, tên thương mại và đặc quyền kế nghiệp; và

(e) Bất kỳ quyền nào theo luật hoặc theo hợp đồng liên quan tới đầu tư và mọi giấy phép, chấp thuận theo luật, gồm quyền tìm kiếm, chiết xuất, nuôi trồng hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bất kỳ sự thay đổi nào về hình thức của các tài sản đã đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến đặc tính của chúng như là một khoản đầu tư.

(2) Thuật ngữ “nhà đầu tư” nghiã là bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào đầu tư trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia.

(a) Thuật ngữ “thể nhân” nghĩa là, đối với mỗi Bên Ký kết, thể nhân có quốc tịch hoặc quyền công dân của Bên Ký kết đó phù hợp với pháp luật của Bên Ký kết đó;

(b) Thuật ngữ “pháp nhân” nghĩa là, đối với mỗi Bên Ký kết, bất lỳ một thực thể nào được sáp nhập hoặc thành lập và được công nhận là một pháp nhân theo luật của Bên Ký kết đó, như các tổ chức công, tổng công ty, cơ quan có thẩm quyền, quỹ, công ty, liên danh, hãng, cơ sở, tổ chức và hiệp hội bất kể trách nhiệm của nó là hữu hạn hay một hình thức nào khác và được tổ chức hoặc không tổ chức nhằm thu lợi nhuận.

(3) Thuật ngữ “thu nhập” nghĩa là những khoản thu nhập từ đầu tư, cụ thể nhưng không chỉ là các khoản lợi nhuận, lãi tiền vay, thu nhập từ vốn, cổ tức, phí hỗ trợ kỹ thuật và các loại phí khác.

(4) Thuật ngữ “lãnh thổ” nghĩa là, lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghiã Việt Nam hoặc lãnh thổ Đại Hàn Dân Quốc nơi mà mỗi Bên Ký kết thực hiện chủ quyền, các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế.

(5) Thuật ngữ “đồng tiền tự do chuyển đổi” nghĩa là đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được chuyển đổi rộng rãi trên các thị trường hối đoái quốc tế chủ yếu.

Điều 2. Khuyến khích và bảo hộ đầu tư

(1) Mỗi Bên Ký kết sẽ khuyến khích việc tạo ra các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư của Bên Ký kết kia đầu tư trên lãnh thổ nước mình và tiếp nhận các khoản đầu tư đó phù hợp với pháp luật và quy định của mình.

(2) Các khoản đầu tư của nhà đầu tư mỗi Bên Ký kết sẽ luôn được hưởng sự đối xử công bằng, thỏa đáng và được bảo hộ đầy đủ, an toàn trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia.

Điều 3. Đối xử đầu tư

(1) Mỗi Bên Ký kết, trên lãnh thổ của mình, phải dành cho các khoản đầu tư và thu nhập của nhà đầu tư Bên Ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên Ký kết đó dành cho các khoản đầu tư và thu nhập của nhà đầu tư nước mình hoặc các khoản đầu tư và thu nhập của bất kỳ Quốc gia thứ ba nào, tùy thuộc sự đối xử nào thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

(2) Mỗi Bên Ký kết, trên lãnh thổ của mình, phải dành cho nhà đầu tư Bên Ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên Ký kết đó dành cho các nhà đầu tư nước mình hoặc các nhà đầu tư của bất kỳ Quốc gia thứ ba nào trong việc quản lý, duy trì, sử dụng, thừa hưởng hoặc định đoạt các khoản đầu tư của họ, tùy thuộc sự đối xử nào thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

(3) Cho dù có các quy định tại các khoản (1) và (2) Điều này, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể duy trì hiệu lực của các biện pháp được quy định theo pháp luật Việt Nam vào ngày Hiệp định này có hiệu lực, đồng thời đưa vào Phụ lục kèm theo Hiệp định này như những ngoại lệ về việc dành đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho nhà đầu tư nước mình. Những biện pháp này sẽ tự động loại ra khỏi Phụ lục ngay sau khi pháp luật Việt Nam sửa đổi hoặc hủy bỏ các ngoại lệ để cho phép việc loại bỏ như vậy. Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ thông báo bằng văn bản cho Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc việc sửa đổi hoặc hủy bỏ như vậy.

(4) Những quy định tại khoản (1) và (2) Điều này không được hiểu là bắt buộc một Bên Ký kết phải dành cho các nhà đầu tư Bên Ký kết kia lợi ích của bất kỳ sự đối xử nào, ưu đãi hoặc đặc quyền nào có được từ bất kỳ hiệp định hoặc thỏa thuận quốc tế nào liên quan đến toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế.

(5) Sự đối xử nêu tại đoạn (1) và (2) Điều này không liên quan đến những đặc quyền mà mỗi Bên Ký kết dành cho các nhà đầu tư của Quốc gia thứ ba do việc Bên Ký kết đó đang hoặc sẽ là thành viên của, hoặc liên kết với một liên minh thuế quan hoặc kinh tế, thị trường chung hoặc khu vực thương mại tự do hoặc một thỏa thuận quốc tế tương tự.

Điều 4. Bồi thường thiệt hại, tổn thất

Các nhà đầu tư của một Bên Ký kết có đầu tư hoặc thu nhập trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia bị thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi dậy, khởi nghĩa, nổi loạn hoặc những sự kiện tương tự trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia sẽ được Bên Ký kết kia dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các nhà đầu tư nước mình hoặc các nhà đầu tư của bất kỳ quốc gia thứ ba nào liên quan đến việc hoàn trả, bồi thường, đền bù hoặc bằng các giải pháp khác. Bất kỳ khoản thanh toán nào theo Điều này phải được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả và được tự do chuyển không chậm trễ.

Điều 5. Tước quyền sở hữu

(1) Các khoản đầu tư của nhà đầu tư một Bên Ký kết sẽ không bị quốc hữu hóa, trưng thu hoặc các hình thức có hậu quả tương tự như quốc hữu hóa hoặc trưng thu (sau đây gọi là “tước quyền sở hữu”) trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia, trừ trường hợp vì mục đích công cộng, theo thủ tục luật định, trên cơ sở không phân biệt đối xử và với điều kiện việc tước quyền sở hữu phải gắn với việc bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng và có hiệu quả. Việc bồi thường như vậy được tính theo giá thị trường của đầu tư ngay trước khi hành động tước quyền sở hữu được thực hiện hoặc được đưa ra công khai, tùy thuộc trường hợp nào diễn ra trước, gồm cả lãi tính từ ngày tước quyền sở hữu theo tỷ giá thương mại thích hợp và được thanh toán không chậm trễ, được thực hiện có hiệu quả và được tự do chuyển về nước.

(2) Nhà đầu tư của một Bên Ký kết khiếu nại về toàn bộ hoặc một phần đầu tư của họ bị tước quyền sở hữu phải được một cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền độc lập khác của Bên Ký kết kia xem xét nhanh chóng sự việc của họ và giá trị đầu tư của họ phù hợp với những nguyên tắc quy định tại khoản (1) Điều này.

(3) Khi một Bên Ký kết tước quyền sở hữu tài sản của một công ty được tổ chức hoặc thành lập theo pháp luật và quy định của mình mà trong đó nhà đầu tư của Bên Ký kết kia sở hữu cổ phần hoặc có những hình thức tham gia khác thì những quy định tại khoản (1) và (2) của Điều này sẽ được áp dụng.

Điều 6. Chuyển tiền ra nước ngoài

(1) Các Bên Ký kết phải đảm bảo việc chuyển các khoản tiền liên quan đến đầu tư và thu nhập. Các khoản tiền này cụ thể bao gồm nhưng không chỉ là:

(a) Lợi nhuận ròng, cổ tức, tiền bản quyền, phí dịch vụ kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật, lãi tiền vay và các khoản thu nhập hiện có khác phát sinh từ bất kỳ khoản đầu tư nào của nhà đầu tư Bên Ký kết kia;

(b) Các khoản thu từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hay một phần đầu tư của nhà đầu tư Bên Ký kết kia;

(c) Các khoản thanh toán nợ liên quan đến đầu tư;

(d) Các khoản thu nhập của các công dân Bên Ký kết kia được phép làm việc liên quan tới đầu tư trên lãnh thổ nước mình;

(e) Các khoản chi trả cho việc quản lý đầu tư trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia;

(f) Các khoản tiền bổ sung cần thiết cho việc duy trì hoặc phát triển đầu tư hiện có; và

(g) Khoản tiền bồi thường theo các Điều 4 và 5

(2) Các khoản tiền chuyển ra nước ngoài thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, không chậm trễ quá đáng, theo tỷ giá hối đoái có hiệu lực đối với các giao dịch vãng lai hoặc theo tỷ giá hối đoái chính thức có hiệu lực tại ngày chuyển

Điều 7. Thế quyền

Khi một Bên Ký kết hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên Ký kết đó thanh toán cho các nhà đầu tư của mình trên cơ sở một bảo lãnh được thực hiện liên quan đến đầu tư thì Bên Ký kết kia phải công nhận:

(a) Việc chuyển bất kỳ quyền hoặc khiếu nại nào của nhà đầu tư theo luật hoặc giao dịch pháp lý tại nước đó cho Bên Ký kết của họ hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên Ký kết đó, cũng như:

(b) Bên Ký kết hoặc cơ quan được ủy quyền của Bên Ký kết đó sẽ được thế quyền thực hiện các quyền và thực thi các khiếu nại của nhà đầu tư đó và sẽ đảm nhận các nghĩa vụ liên quan đến đầu tư.

Chương 2:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Phần 1:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ ĐẦU TƯ GIỮA MỘT BÊN KÝ KẾT VÀ NHÀ ĐẦU TƯ CỦA BÊN KÝ KẾT KIA

Điều 8. Các biện pháp giải quyết tranh chấp

Phần này áp dụng đối với tranh chấp giữa một Bên Ký kết và nhà đầu tư của Bên Ký kết kia phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định này. Các tranh chấp, nếu có thể, sẽ được giải quyết bằng cách thương lượng hoặc tham vấn. Nếu tranh chấp không giải quyết được theo cách trên, thì nhà đầu tư có thể lựa chọn đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo một trong các cách sau:

(a) bất kỳ tòa án hoặc tòa hành chính nào có thẩm quyền của Bên Ký kết là một bên trong vụ tranh chấp; hoặc

(b) bất kỳ thủ tục giải quyết tranh chấp nào đã được thỏa thuận trước đó; hoặc

(c) trọng tài phù hợp với Điều 9.

Điều 9. Trọng tài: phạm vi, quy trình và thời hạn

(1) Nhà đầu tư của một Bên Ký kết có thể đưa ra trọng tài khiếu nại về việc Bên Ký kết kia vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định này và nhà đầu tư đó bị tổn thất hoặc thiệt hại do việc vi phạm đó. Tương tự như vậy, nhà đầu tư của một Bên Ký kết là chủ sở hữu hoặc kiểm soát doanh nghiệp của Bên Ký kết kia có thể thay mặt doanh nghiệp đó đưa khiếu nại ra trọng tài về việc Bên Ký kết kia vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định này và doanh nghiệp đó bị tổn thất hoặc thiệt hại do việc vi phạm trên. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó không thể khiếu kiện theo quy định tại Phần này.

(2) Trong trường hợp nhà đầu tư có liên quan hoặc doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư đó là chủ sở hữu hoặc kiểm soát đều không đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo Điều 8 (a) hoặc 8 (b), thì nhà đầu tư có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo Điều 8 (c) sau 6 tháng kể từ khi phát sinh việc khiếu nại.

(3) Trong trường hợp nhà đầu tư có liên quan tự mình hoặc thay mặt doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư đó sở hữu hoặc kiểm soát không đưa vụ tranh chất ra giải quyết theo Điều 8 (c) thì nhà đầu tư có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo Điều 8 (a) hoặc 8 (b).

(4) Nhà đầu tư có tranh chấp có thể đưa vụ kiện ra trọng tài theo:

(a) Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các nhà nước và các công dân của các nhà nước khác (Công ước ICSID), với điều kiện cả Bên Ký kết trong tranh chấp và Bên Ký kết của nhà đầu tư đều là thành viên của Công ước này; hoặc

(b) Cơ chế phụ trợ của ICSID, với điều kiện Bên Ký kết trong tranh chấp hoặc Bên Ký kết của nhà đầu tư, nhưng không phải cả hai, là thành viên Công ước ICSID; hoặc

(c) Các quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (Quy tắc trọng tài UNCITRAL).

(5) Nhà đầu tư liên quan có thể đưa khiếu nại ra trọng tài chỉ khi tự mình hoặc thay mặt doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư đó sở hữu hoặc kiểm soát.

(6) Nhà đầu tư có tranh chấp có thể đưa ra khiếu nại ra trọng tài chỉ khi nhà đầu tư đó đồng ý giải quyết trọng tài phù hợp với các thủ tục quy định tại Hiệp định này và từ bỏ quyền tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng nào tại bất kỳ tòa án hoặc tòa hành chính nào theo luật của Bên Ký kết, hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp khác, đối với hành vi của Bên Ký kết có tranh chấp được cho là vi phạm Hiệp định này.

(7) Nhà đầu tư có tranh chấp là chủ sở hữu hoặc kiểm soát doanh nghiệp của Bên Ký kết kia có thể tự mình đưa khiếu nại ra trọng tài về việc quyền lợi của nhà đầu tư đó trong doanh nghiệp bị tổn thất hoặc thiệt hại chỉ khi cả nhà đầu tư và doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư là chủ sở hữu hoặc kiểm soát từ bỏ quyền tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng nào tại bất kỳ tòa án hoặc tòa án hành chính nào theo luật của Bên Ký kết, hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp khác, đối với hành vi của Bên Ký kết có tranh chấp được cho là vi phạm Hiệp định này.

(8) Nhà đầu tư có tranh chấp có thể đại diện cho doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư đó là chủ sở hữu hoặc kiểm soát để đưa khiếu nại ra trọng tài chỉ khi cả nhà đầu tư đó và doanh nghiệp đồng ý giải quyết trọng tài phù hợp với các thủ tục quy định tại Hiệp định này và từ bỏ quyền tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng nào tại bất kỳ tòa án hoặc tòa hành chính nào theo luật của Bên Ký kết, hoặc các thủ tục giải quyết tranh chấp khác, đối với hành vi của Bên Ký kết có tranh chấp được cho là vi phạm Hiệp định này.

(9) Mặc dù có những quy định tại khoản (6), (7) và (8) của Điều này, nhà đầu tư có liên quan đưa khiếu nại ra trọng tài có thể tiến hành các thủ tục để yêu cầu tòa án hoặc toà án hành chính theo luật của Bên Ký kết trong tranh chấp áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khai báo hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

(10) Sự đồng ý hoặc từ bỏ theo quy định tại Điều này phải được lập bằng văn bản và được chuyển cho Bên Ký kết có tranh chấp và được đưa vào hồ sơ khiếu nại trình lên trọng tài.

(11) Các quy tắc trọng tài phù hợp sẽ điều chỉnh việc xét xử trọng tài trừ khi được quy định khác trong Phần này.

(12) Vụ tranh chấp có thể được đưa ra trọng tài với điều kiện là nhà đầu tư đã chuyển cho Bên Ký kết là một bên trong vụ tranh chấp thông báo bằng văn bản về ý định đưa vụ tranh chấp ra trọng tài ít nhất trước 90 ngày, nhưng không chậm hơn (3) năm kể từ ngày nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp của Bên Ký kết kia mà nhà đầu tư đó là chủ sở hữu hoặc kiểm soát biết hoặc cần phải biết những sự kiện gây ra vụ tranh chấp.

(13) Thông báo đề cập tại khoản (12) phải xác định:

(a) tên và địa chỉ của nhà đầu tư có tranh chấp và tên, địa chỉ của doanh nghiệp trong trường hợp nhà đầu tư của Bên tranh chấp thay mặt doanh nghiệp;

(b) các quy định của Hiệp định này được coi là bị vi phạm và bất kỳ các quy định liên quan khác;

(c) những vấn đề và cơ sở thực tế của việc khiếu kiện; và

(d) các chế tài yêu cầu và số tiền ước lượng tổn thất bị khiếu kiện.

Điều 10. Chấp thuận của Bên Ký kết

Mỗi Bên Ký kết chấp thuận vô điều kiện việc đưa vụ tranh chấp ra trọng tài quốc tế phù hợp với Phần này.

Điều 11. Thành lập Hội đồng trọng tài

(1) Trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài gồm ba thành viên. Mỗi Bên tranh chấp sẽ chỉ định một thành viên và các Bên tranh chấp sẽ thỏa thuận chọn thành viên thứ ba làm Chủ tịch.

(2) Các thành viên của hội đồng trọng tài cần phải có kinh nghiệm về luật quốc tế và các vấn đề về đầu tư.

(3) Nếu hội đồng trọng tài không thành lập được trong vòng chín mươi ngày (90) ngày kể từ ngày khiếu nại được đưa ra trọng tài, do một Bên tranh chấp không chỉ định được thành viên hoặc không thỏa thuận được việc chỉ định Chủ tịch, thì theo yêu cầu của bất kỳ Bên tranh chấp nào, Tổng Thư ký ICSID sẽ chỉ định theo ý mình thành viên hoặc các thành viên chưa chỉ định được. Tuy nhiên, khi chỉ định Chủ tịch, Tổng Thư ký ICSID cần phải bảo đảm rằng Chủ tịch đó không phải là công dân của một trong các Bên Ký kết.

Điều 12. Trọng tài hợp nhất

(1) Hội đồng trọng tài hợp nhất thành lập theo Điều này sẽ được tổ chức theo các quy tắc trọng tài UNCITRAL và sẽ thực hiện thủ tục tố tụng phù hợp với những quy tắc đó, trừ khi được quy định khác tại Phần này.

(2) Tố tụng trọng tài được hợp nhất trong các trường hợp sau:

(a) khi nhà đầu tư thay mặt doanh nghiệp mà nhà đầu tư đó là chủ sở hữu hoặc kiểm soát để trình khiếu nại, và đồng thời, nhà đầu tư khác hoặc những nhà đầu tư khác tham gia trong doanh nghiệp đó nhưng không kiểm soát doanh nghiệp, cũng để trình vụ khiếu nại về cùng những vi phạm theo Hiệp định này; hoặc

(b) khi hai hoặc nhiều khiếu nại đều đưa ra trọng tài phát sinh từ cùng những vấn đề pháp lý và thực tiễn chung.

(3) Hội đồng trọng tài hợp nhất sẽ quyết định quyền tài phán đối với các khiếu nại và sẽ cùng xem xét các khiếu nại đó, trừ khi Hội đồng quyết định là quyền lợi của bất kỳ Bên tranh chấp nào bị thiệt hại nghiêm trọng.

Điều 13. Địa điểm trọng tài

Theo yêu cầu của bất kỳ Bên tranh chấp nào, việc giải quyết trọng tài theo quy định của Phần này sẽ được tiến hành tại Quốc gia là thành viên Công ước Liên hợp quốc về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Công ước New York). Những khiếu nại đưa ra trọng tài theo quy định tại Phần này được coi là phát sinh từ giao dịch và quan hệ thương mại theo mục đích của Điều 1 Công ước New York.

Điều 14. Bồi thường

Một Bên Ký kết không được viện cớ rằng việc đền bù hoặc bồi thường toàn bộ hay một phần tổn thất hoặc thiệt hại đã hoặc sẽ được nhận theo một hợp đồng về bồi thường, bảo lãnh hoặc bảo hiểm để bào chữa, kiện ngược, bù trợ nợ hoặc bất kỳ lý do nào khác.

Điều 15. Luật áp dụng

(1) Trọng tài được thành lập theo cơ chế giải quyết tranh chấp này sẽ giải quyết những vấn đề tranh chấp phù hợp với Hiệp định này, những quy tắc có thể áp dụng và nguyên tắc hiện hành của luật quốc tế.

(2) Việc giải thích quy định của Hiệp định này được các Bên Ký kết cùng đưa ra và thỏa thuận sẽ ràng buộc bất kỳ Hội đồng Trọng tài nào được thành lập theo cơ chế giải quyết tranh chấp này.

Điều 16. Phán quyết và thi hành

(1) Phán quyết trọng tài có thể quy định các hình thức chế tài sau:

(a) tuyên bố rằng Bên Ký kết đó không tuân thủ những nghĩa vụ của Hiệp định này;

(b) bồi thường bằng tiền;

(c) hoàn trả bằng hiện vật trong những trường hợp thích hợp, với điều kiện Bên Ký kết đó có thể thanh toán bồi thường bằng tiền thay bằng hiện vật khi việc hoàn trả không thực hiện được; và

(d) bất kỳ hình thức chế tài nào khác theo thỏa thuận của các Bên tranh chấp

(2) Phán quyết trọng tài là chung thẩm, chỉ ràng buộc các Bên tranh chấp và chỉ áp dụng đối với các vụ tranh chấp cụ thể.

(3) Phán quyết trọng tài cuối cùng chỉ được công bố khi có thỏa thuận bằng văn bản của hai Bên tranh chấp.

(4) Hội đồng trọng tài không có quyền buộc một Bên Ký kết phải trả tiền phạt về những thiệt hại.

(5) Mỗi Bên Ký kết, trên lãnh thổ của mình, sẽ quy định việc thi hành có hiệu quả các phán quyết phù hợp với Điều này và thực hiện không chậm trễ bất kỳ phán quyết nào được tuyên theo thủ tục tố tụng mà Bên Ký kết đó là một bên tham gia.

(6) Nhà đầu tư có thể thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước ICSID hoặc Công ước New York nếu cả hai Bên Ký kết là các bên tham gia các Công ước nói trên.

(7) Bên tranh chấp không thể thi hành phán quyết cuối cùng cho đến khi:

(a) trường hợp phán quyết cuối cùng được tuyên theo Công ước ICSID:

(i) một trăm hai mươi (120) ngày kể từ ngày phán quyết được đưa ra và không một Bên tranh chấp nào yêu cầu sửa đổi hoặc hủy bỏ phán quyết, hoặc

(ii) thủ tục xem xét lại hoặc hủy bỏ đã hoàn thành; và

(b) trường hợp phán quyết cuối cùng được tuyên theo Cơ chế phụ trợ của ICSID hoặc Quy tắc trọng tài UNCITRAL:

(i) ba (3) tháng kể từ ngày phán quyết được đưa ra và không một Bên tranh chấp nào tiến hành các thủ tục để xem xét lại, loại trừ hoặc hủy bỏ phán quyết; hoặc

(ii) toà án đã bác đơn xin xem xét lại, loại trừ hoặc hủy bỏ phán quyết và không có kháng cáo nào khác; hoặc

(iii) tòa án đã chấp nhận đơn xin xem xét lại, loại trừ hoặc hủy bỏ phán quyết, các thủ tục đã hoàn thành và không có kháng cáo nào khác.

(8) Nếu Bên Ký kết trong tranh chấp không tuân thủ phán quyết cuối cùng thì theo yêu cầu của Bên Ký kết có nhà đầu tư  là một bên tham gia trọng tài thì Hội đồng trọng tài theo quy định tạo Điều 17 có thể được thành lập. Bên Ký kết yêu cầu có thể đề nghị các thủ tục sau:

(a) quyết định rằng việc không tôn trọng hoặc tuân thủ phán quyết cuối cùng là không phù hợp với nghĩa vụ của Hiệp định này; và

(b) yêu cầu Bên Ký kết tôn trọng hoặc tuân thủ phán quyết cuối cùng

Phần 2:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA CÁC BÊN KÝ KẾT

Điều 17. Giải quyết tranh chấp giữa các Bên Ký kết

(1) Tranh chấp giữa các Bên Ký kết liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Hiệp định này, trong chừng mực có thể, sẽ được giải quyết bằng tham vấn thông qua đường ngoại giao.

(2) Nếu tranh chấp không giải quyết được trong vòng 6 tháng thì theo yêu cầu của một trong các Bên Ký kết, tranh chấp sẽ được đưa ra Hội đồng Trọng tài ad hoc phù hợp với quy định tại Điều này.

(3) Hội đồng Trọng tài như vậy sẽ được thành lập cho từng trường hợp riêng biệt theo cách sau: trong vòng hai (2) tháng kể từ khi nhận được yêu cầu của trọng tài, mỗi Bên Ký kết sẽ chỉ định một thành viên của Hội đồng trọng tài. Hai thành viên này sẽ chọn một công dân của nước thứ ba, được hai Bên Ký kết thỏa thuận chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Chủ tịch được chỉ định trong vòng hai (2) tháng kể từ ngày chỉ định hai thành viên trên.

(4) Nếu việc chỉ định cần thiết không thực hiện được trong thời gian quy định tại khoản (3) của Điều này, thì một trong các Bên Ký kết có thể yêu cầu Chủ tịch Tòa án Tư pháp Quốc tế thực hiện việc chỉ định. Nếu Chủ tịch là công dân của một trong các Bên Ký kết, hoặc nếu Chủ tịch bị ngăn cản thực hiện chức năng nói trên, thì Phó Chủ tịch sẽ được mời thực hiện việc chỉ định. Nếu Phó Chủ tịch cũng là công dân của một Bên Ký kết hoặc bị ngăn cản thực hiện chức năng nói trên thì một thành viên cao cấp tiếp theo của Tòa án Tư pháp quốc tế không phải là công dân của một trong các Bên Ký kết sẽ được mời thực hiện sự chỉ định.

(5) Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định bằng cách bỏ phiếu theo đa số. Quyết định này là chung thẩm và ràng buộc các Bên Ký kết.

(6) Mỗi Bên Ký kết sẽ chịu chi phí cho trọng tài viên của mình và đại diện của mình trong quá trình tố tụng trong tài. Chi phí cho Chủ tịch và các chi phí còn lại sẽ chia đều thành các phần bằng nhau cho hai Bên Ký kết.

(7) Hội đồng Trọng tài sẽ ra quyết định phù hợp với Hiệp định này, các quy tắc có thể áp dụng và những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định thủ tục riêng của mình.

Chương 3:

NHỮNG QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG

Điều 18. Áp dụng các quy định khác và các cam kết đặc biệt

(1) Khi có vấn đề cùng một lúc được điều chỉnh bởi cả Hiệp định này và Hiệp định quốc tế khác mà hai Bên Ký kết đều là các bên tham gia hoặc được điều chỉnh bởi những nguyên tắc chung của luật quốc tế, thì không một quy định nào trong Hiệp định này cản trở mỗi Bên Ký kết hoặc bất kỳ nhà đầu tư nào của họ sở hữu đầu tư trên lãnh thổ của Bên Ký kết kia được hưởng ưu đãi từ bất kỳ các nguyên tắc nào thuận lợi hơn so với Hiệp định này.

(2) Nếu sự đối xử mà một Bên Ký kết dành cho các nhà đầu tư của Bên Ký kết kia phù hợp với pháp luật và quy định của mình hoặc các điều khoản cụ thể của hợp đồng thuận lợi hơn so với quy định của Hiệp định này thì sự đối xử thuận lợi nhất sẽ được áp dụng.

(3) Mổi Bên Ký kết sẽ tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào khác mà Bên Ký kết đó đã thỏa thuận liên quan đến đầu tư của các nhà đầu tư Bên Ký kết kia trên lãnh thổ nước mình.

Điều 19. Áp dụng Hiệp định

Hiệp định này áp dụng đối với tất cả các đầu tư được thực hiện trước hoặc sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhưng không áp dụng đối với bất kỳ tranh chấp hoặc khiếu nại nào liên quan đến đầu tư đã được giải quyết trước khi Hiệp định có hiệu lực.

Điều 20. Trao đổi thông tin

(1) Mỗi Bên Ký kết sẽ nhanh chóng công bố hoặc làm cách khác để công khai hóa các luật, quy định, thủ tục hành chính và các quyết định tư pháp được áp dụng chung cũng như các hiệp định quốc tế có liên quan hoặc ảnh hưởng đến đầu tư.

(2) Mỗi Bên Ký kết sẽ, theo yêu cầu của Bên Ký kết kia, trả lời nhanh chóng các câu hỏi cụ thể và cung cấp thông tin cho Bên Ký kết kia về các vấn đề nêu tại khoản (1) Điều này.

(3) Các quy định tại khoản (1) và (2) Điều này không được hiểu là bắt buộc mỗi Bên Ký kết tiết lộ thông tin bí mật mà việc tiết lộ đó có thể gây cản trở đến việc thi hành luật pháp hoặc trái với lợi ích công cộng, hoặc làm phương hại đến bí mật cá nhân hoặc lợi ích thương mại hợp pháp.

Điều 21. Thành lập Ủy ban Hỗn hợp

(1) Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này, các Bên Ký kết thỏa thuận thành lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác đầu tư bao gồm các đại diện của các Bên Ký kết.

(2) Chức năng của Ủy ban Hỗn hợp gồm:

(a) rà soát việc thực hiện Hiệp định và các vấn đề liên quan đến đầu tư giữa hai Bên Ký kết;

(b) tổ chức tham vấn về việc triển khai và các vấn đề có liên quan đến việc triển khai Hiệp định này về việc xây dựng hệ thống luật pháp hoặc chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài của cả hai Bên Ký kết; và

(c) đưa ra kiến nghị thích hợp cho các Bên Ký kết;

(d) Ủy ban Hỗn hợp sẽ họp luân phiên tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Đại Hàn Dân Quốc theo yêu cầu của mỗi Bên Ký kết.

Điều 22. Hiệu lực, thời hạn và kết thúc

(1) Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi (30) ngày kể từ khi mỗi Bên Ký kết thông báo cho nhau về các yêu cầu pháp lý để Hiệp định có hiệu lực đã chọn hoàn tất.

(2) Hiệp định này có hiệu lực trong hợp tác xã thời hạn mười (10) năm và tiếp tục có hiệu lực, trừ khi một (1) năm trước khi kết thúc thời hạn đầu tiên hoặc các thời hạn tiếp theo, một trong các Bên Ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên Ký kết kia về ý định kết thúc Hiệp định này.

(3) Đối với đầu tư được thực hiện trước khi kết thúc Hiệp định này, các quy định của Hiệp định này sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn hai mươi (20) năm kể từ ngày kết thúc.

(4) Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư ký kết tại Seoul ngày 13 tháng 05 năm 1993, sẽ hết hiệu lực và được thay thế bằng Hiệp định này.

Để làm bằng, những người có tên dưới đây được sự ủy quyền của Chính phủ các Bên Ký kết đã ký Hiệp định này.

Hiệo định này được làm thành hai (2) bản tại Seoul ngày 15 tháng 09 năm 2003 bằng tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa các văn bản thì bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở để đối chiếu./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH


 


Nguyễn Sinh Hùng

THAY MẶT CHÍNH PHỦ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO VÀ NGOẠI THƯƠNG



 

Young - Kwan

 

PHỤ LỤC

KÈM THEO HIỆP ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN 3 (3)

Những ngoại lệ về việc dành đối xử quốc gia đối với các khoản đầu tư và thu nhập của các nhà đầu tư Đại Hàn Dân Quốc

1. Các lĩnh vực:

Phát thanh; truyền hình; báo chí; xuất bản; các sản phẩm phim ảnh; dịch vụ nhập khẩu và phân phối; dịch vụ viễn thông; dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường biển; dịch vụ du lịch; dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; khai thác dầu khí; thủy sản.

2. Các vấn đề:

2.1. Sở hữu và sử dụng đất đai, nhà ở

2.2. Trợ cấp và hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp trong nước.

2.3. Kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ: (i) không áp đặt các loại giá, phí mang tính phân biệt đối xử mới hoặc nặng hơn; (ii) loại bỏ vào ngày 31 tháng 12 năm 2005 sự phân biệt về giá, phí tất cả các hàng hóa, dịch vụ, kể cả giá điện và vận tải hàng không nội địa.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định số 82/2004/LPQT giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư

  • Số hiệu: 82/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 15/09/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: 05/10/2004
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản